Hùng Tâm/Người Việt
Những nguyên nhân sâu
xa của một chuyển động mới
Khi Hoa Kỳ đang bị chấn
động vì vụ nổ súng tại San Bernardino thì hôm Thứ Năm mùng ba Tháng Mười Hai, Tổng
Thống Vladimir Putin long trọng đọc bài diễn văn về tình hình Liên Bang Nga trước
Lưỡng Viện Quốc Hội.
Trong thông điệp quan
trọng nhất năm, ông Putin đề cập tới cuộc chiến chống khủng bố, hồ sơ Ukraine,
tình hình kinh tế, v.v... nhưng không che giấu được sự giận dữ với Cộng Hòa Thổ
Nhĩ Kỳ (Turkey) về việc một oanh tạc cơ Nga bị Thổ bắn hạ vào tháng trước. Ðiều
đáng chú ý hơn là Putin lại mai mỉa: “Chúng ta đã chuẩn bị hợp tác với Thổ
trong nhiều vấn đề nhạy cảm nhất của thế giới và còn muốn tiến xa hơn các đồng
minh của Thổ. Thượng Ðế Allah biết tại sao họ lại làm như vậy. Có lẽ Allah quyết
định trừng phạt đám lãnh đạo xứ Thổ bằng cách làm cho họ mất tỉnh táo.” Giọng
ai oán như một người bị tình phụ vậy!
Sau bài trình bày về
cuộc cờ Nga-Thổ trên cột báo này vào tháng trước, Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu
tiếp về quan hệ éo le giữa Liên Bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều nguyên nhân sâu
xa hơn vụ chiếc Sukhoi bị bắn hạ.
Thổ Nhĩ Kỳ trấn ải
Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ
(Turkey) là quốc gia còn lại của Ðế quốc Ottoman được thành lập từ 1299 và bị
tan rã sau Thế Chiến I, từ năm 1919 đến 1921.
Qua Thế Chiến II
(1939-1945), xứ Thổ cố gom lại các mảnh vụn của một đế quốc tiêu vong, lại gặp
quá nhiều khó khăn kinh tế nên tránh bị lôi vào trận chiến của liệt cường. Thổ
giữ thế trung lập. Nhưng sau khi Thế chiến kết thúc, đúng 70 năm trước, vào năm
1946, xứ Thổ bỗng giật mình vì một đòi hỏi của Liên Bang Xô Viết. Hồ Sơ Người
Việt phải khởi sự từ chuyện đó thì mới hiểu chuyện nay.
Ít ai để ý là 10 năm
trước đấy, khi Ðức Quốc Xã của Hitler tấn công vùng phi quân sự Rhineland và
Phát Xít Ý của Mussolini tỏ ý muốn chiếm đóng khu vực Anatolia (Tiểu Á, vùng đất
Á Châu của nước Thổ), chính quyền Thổ lo ngại và yêu cầu các nước cùng duyệt lại
chính sách quản trị các eo biển Dardanelles và Bosporus trong khu vực, bằng quy
chế kiểm soát quân sự.
Ðấy là nguồn gốc của
văn kiện gọi là Công ước Montreux (tên một thành phố của xứ Thụy Sĩ trung lập)
ký kết ngày 20 Tháng Bảy 1946 và được Hội Quốc Liên (League of Nations, tiền
thân của Liên Hiệp Quốc) chính thức ban hành từ ngày 9 Tháng Mười Một năm 1936.
Ngày nay, văn kiện ấy vẫn còn giá trị.
Có 11 quốc gia tham dự
hội nghị Montreux và ký vào công ước: Anh, Áo, Bulgaria, Pháp, Ðức, Hy Lạp, Nhật
Bản, Romania, Liên Xô, Thổ và Nam Tư. Là cường quốc đã gây lo sợ cho Thổ, nước
Ý không có mặt. Hoa Kỳ còn dửng dưng hơn, chẳng thèm gửi đại biểu đến họp!
Trong hội nghị được
triệu tập ngày 22 Tháng Sáu, ba nước Anh, Thổ và Liên Xô đều tìm cách bảo vệ
quyền lợi của mình. Với hậu thuẫn của Pháp, Anh và Thổ muốn ngăn Liên Xô từ Hắc
Hải vượt eo biển xuống Ðịa Trung Hải, trong khi Liên Xô đòi tự do lưu thông qua
các cửa ải ngoài biển.
Kết quả là Công ước
Montreux trao cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm vụ bảo vệ eo biển: thời bình thì mọi thương
thuyền được lưu thông tự do, các chiến hạm không thuộc Hắc Hải mà qua lại hai
eo biển trên thì phải chấp nhận quy định rõ rệt về kích thước và sức trọng tải
và không được đậu trong Hắc Hải quá 21 ngày. Gặp thời chiến, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền
cấm các nước lâm chiến đưa chiến hạm vào Hắc Hải, mục tiêu là bảo vệ tính chất
trung lập của vùng biển này.
Năm 1946, Liên Xô lại
gây áp lực đòi Thổ cho chiến hạm của mình lập căn cứ tại Dardanelles. Ðể gây sức
ép, Moscow đòi chủ quyền trên một phần đất miền Ðông của xứ Thổ, hăm he khuấy động
dân Kurd đòi ly khai và ủng hộ việc Syria đòi tỉnh Hatay của Thổ. Khi ấy, Thổ
Nhĩ Kỳ mới kêu cứu Hoa Kỳ.
Chính quyền Harry
Truman có cơ hội tiến hành chánh sách be bờ ngăn Liên Xô tử bùng biển Baltics
miền Bắc qua Hắc Hải mà vào tới Ðịa Trung Hải. Chủ thuyết Truman ra đời vào đầu
năm 1947, sau khi Truman yêu cầu Quốc Hội viện trợ cho Thổ và Hy Lạp - “nhằm yểm
trợ các dân tộc tự do có thể bảo vệ ước nguyện của mình.”
Ngày nay, tức là 70
năm sau, tranh chấp Nga Thổ đang khơi lại mâu thuẫn cũ, nhưng với nhiều diễn
viên mới trong một cuộc cờ còn phức tạp hơn xưa!
Nga Thổ tái kiến
Trong lịch sử, Ðế quốc
Nga và Ðế quốc Ottoman từng có nhiều tranh chấp, thậm chí 12 lần chinh chiến từ
thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Qua hậu bán thế kỷ 20, kế thừa Ðế quốc Ottoman,
Thổ ngả theo Tây phương để tự vệ và trở thành hội viên Hồi giáo duy nhất của
Minh ước NATO trong 40 năm Chiến tranh lạnh giữa hai khối.
Sau khi Liên Xô tan
rã năm 1991, Âu Châu phát triển dân chủ qua khu vực Ðông-Trung Âu dưới lá chắn
bảo vệ của NATO. Với thế giới thì đấy là sự tiến hóa tốt đẹp. Với lãnh đạo Nha
thì đấy là xâm lấm và triệt tiêu ảnh hưởng - chẳng khác gì Trung Cộng đời nay.
Vì vậy Putin muốn xây dựng vùng trái độn quân sự vây quanh lãnh thổ và tìm lại ảnh
hưởng đã mất của Ðế quốc Nga.
Biến cố gây chấn động
cho xứ Thổ là việc Putin đưa quân vào Georgia Tháng Tám năm 2008 và yểm trợ mà
thực tế là chiếm đóng hai khu vực ly khai của xứ này. Thời đó, Putin nổi điên
khi Chính quyền Ankara cho phép các chiến hạm Mỹ được vào tiếp tế các hải cảng
của Georgia trong biển Hắc Hải. Biện pháp trả đũa của Putin là chặn cả ngàn xe
vận tải của Thổ tại biên giới Nga. Chuyện ấy, chúng ta ít để ý.
Qua năm 2014, khi
Putin chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine thì xứ Thổ như bị nghẹn.
Bán đảo này có 30 vạn
người Tatars nói tiếng Thổ cần được Ankara bảo vệ. Nhưng, Thổ còn thấy mối nguy
sâu xa hơn: từ nay Nga mặc nhiên sử dụng quân cảng Sevastopol tại Crimea mà khỏi
cần Ukraine cho phép. Và nâng cấp hạm đội để đe dọa quyền quản lý các eo biển của
Thổ.
Tháng Chín vừa qua,
khi Nga đưa quân vào Syria thì mối nguy của năm 1946 tái diễn. Nga có quân gần
miền Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, liên kết với Iran và Iraq, xúi giục phong trào ly khai
trong tỉnh Hatay của Thổ và chặn đứng ảnh hưởng của Ankara trong cộng đồng dân
Thổ tại Syria lẫn việc Ankara yểm trợ các lực lượng võ trang của hệ phái Sunni
chống chế độ Bashar al-Assad tại Damascus.
Ðấy là bối cảnh địa
dư và lịch sử giải thích vì sao có vụ đụng độ khi oanh tạc cơ Sukhoi của Nga bị
Thổ bắn hạ.
Việc Putin đưa hỏa tiễn
phòng không vào Syria sau khi máy bay bị bắn hạ thật ra không đáng chú ý bằng
việc Nga có thể sự dụng “Ðường Cao Tốc Syrian Express” để đưa chiến hạm từ
Sevastopol trong Hắc Hải tới quân cảng Tartus của Syria, tại miền Ðông Ðịa
Trung Hải. Với tư cách quản trị các eo biển Dardanelles và Bosporus “trong thời
bình,” Thổ có thể, trên lý thuyết, gây khó cho nhu cầu quân vận của Nga, khi
đòi kiểm tra chiến hạm của Putin căn cứ trên Công ước Montreux. Nhưng Ðiều 20 của
Công ước cũng cho phép Thổ, trong “thời chiến,” khóa luôn con đường Nam tiến của
các chiến hạm Nga.
Vì dụng binh thì vẫn
cần chính nghĩa, vấn đề ngoại giao và định nghĩa về trách nhiệm hay thẩm quyền
của các nước đối với Công ước Montreux là một đề tài nên theo dõi! Nó có thể giải
thích sự hậm hực của Putin.
Người ta cứ so sánh Tổng
Thống Recep Tayyp Erdogan của xứ Thổ với Vladimir Putin. Cả hai đều có máu độc
tài, quả cảm mà liều lĩnh, v.v... Nhưng biết đâu chừng là bất cứ ai lên lãnh đạo
đều lãnh di sản của địa dư và lịch sử và khi hữu sự thì phải bảo vệ quyền lợi của
quốc gia? (Ngoại lệ là Hà Nội, xin miễn nói ở đây). Cũng vậy, nếu hiểu ra di sản
ấy, người ta có thể ít nhiều biết trước rằng trong cuộc cờ này, cả Moscow và
Ankara cũng bị những giới hạn.
Ðấu trí và đấu lực
Trong một dịp khác,
chúng ta sẽ biết thêm rằng Nga và Thổ là hai bạn hàng, có mức buôn bán khá cao
với nhau. Cấm bán để trả đũa thì mất tiền, ai sẽ trả? Càng phong tỏa và gây khó
thì quốc gia bị ép sẽ bị thiệt hại trong ngắn hạn và... tìm nhà cung cấp bên
ngoài, v.v... Trong cảnh ngộ đó, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ bất lợi hơn vì mua của Nga tới
55% lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm qua hai ống dẫn khí. Khi lâm vào trận đấu lực
này, Thổ phải đấu trí để tìm ra giải pháp khác, nhưng cũng biết rằng sau nhiều
năm khốn đốn thì sẽ tự giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga.
Nhưng ngoài chuyện đấu
lực về kinh tế, địa dư chiến lược cũng chi phối đòn phép của hai bên và trận đấu
tất nhiên tràn khỏi quan hệ giữa hai nước.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ vùng dậy
tìm lại vai trò cường quốc trong khu vực thì ngoài nước Nga ở xa, Ankara phải
nghĩ đến Iran ở gần. Thuộc hệ phái Shia, xứ Iran của sắc tộc Ba Tư tất nhiên rất
gờm xứ Thổ, theo hệ phái Sunni, và rất vui khi Nga nhập cuộc mà Mỹ lại buông
tay và còn muốn hòa giải với mình.
Trong khu vực, đôi
bên đều có thế lực đấu tranh. Như Thổ yểm trợ lãnh tụ người Kurd tại Iraq là
Massoud Barzani, Chủ tịch đảng Kurdistan Democratic Party. Barzani lãnh đạo một
vùng rộng lớn tại Iraq và được Thổ tiếp tức để tìm ra nguồn cung cấp khí đốt
khác hầu khỏi bị Iran bắt bí. Từ nguồn cung cấp đó, Thổ cũng mong là sẽ ra khỏi
vòng kiềm tỏa về năng lượng của Nga.
Nhưng trong cộng đồng
người Kurd, xứ Thổ lại có mâu thuẫn với một phe khác là đảng Công nhân Kurd,
Kurdistan Worker's Party sau thất bại của hội nghị hòa giải. Ðấy là lý do khiến
thời sự phân vân không hiểu vì sao Ankara lại ủng hộ dân Kurd ở đây mà nghi ngờ
dân Kurd ở đó. Xứ Thổ có sắc dân Kurd ở bên trong và phải khéo xử để dân Kurd ở
nơi đây không kết hợp với dân Kurd ở nơi đó mà thành lập một quốc gia khác!
Những chi tiết cực kỳ
rắc rối ấy cho thấy lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ mở ra một cuộc cờ rất lớn vì liên quan
tới nhiều quốc gia khác. Liên Bang Nga không phải là đối thủ duy nhất. Ngược lại,
Thổ cũng còn nhiều đồng minh, từ các nước Ðông Âu và Trung Âu tới Hoa Kỳ và
Minh ước NATO.
Kết luận ở đây là gì?
Ngoài hiện tượng khủng
bố ISIS hay nội chiến tại Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ tái xuất hiện như một cường quốc
khiến chúng ta phải nhớ lại chuyện xưa.
Ðấy là bối cảnh của
các vấn đề như di dân, giải pháp chính trị cho Syria hay trận chiến chống quân
khủng bố ISIS.
Liên Bang Nga bực tức
là đúng. Nhưng rồi sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét