Trong một động thái
được cho là 'vô tiền khoáng hậu', hơn một trăm nhân sỹ, trí thức, cựu lãnh đạo
trung cao cấp và các nhà hoạt động xã hội hàng đầu ở Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đổi tên đảng, đổi tên nước, từ bỏ
chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì 'tương lai dân tộc'.
Bức thư ngỏ đề ngày
09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW Đảng CSVN khóa XI, các đại biểu dự
Đại hội 12 và toàn thể đảng viên của Đảng, được ít nhất 127 người ký tên, trong
đó có các nhân vật như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo
sư Chu Hảo, Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình
Đầu, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, bác sỹ Huỳnh
Tấn Mẫm v.v..., kêu gọi:
"Đại hội XII là
cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có trách nhiệm, vừa có
thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa bình, với tinh thần khép
lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ với tất cả sức mạnh đoàn kết của
toàn dân tộc.
"Ý chí quyết tâm
chuyển đổi thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành
động cụ thể như đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không
gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến
đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự
do dân chủ theo Hiến pháp.
"Đó là những việc
có thể làm ngay, quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình
ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế ở tầm cao
hơn."
Mạnh mẽ 'chưa từng
có'
Thư ngỏ 9/12 có những
lời lẽ được công luận trong đó có dư luận mạng cho là mạnh mẽ, thẳng thắn 'chưa
từng có', trong đó có đoạn nói về Đảng Cộng sản và việc lãnh đạo của đảng này ở
Việt Nam.
"Sự phát triển của
đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt
cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên
chủ nghĩa Mác - Lênin.
"Trên con đường
đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ
thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo
lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của
nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các
nhóm lợi ích bất chính.
"Đường lối sai lầm
theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức
mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống
mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.
"Thực tiễn của
nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm
và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua về thực chất đã từ bỏ những
nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác -
Lênin.
"Vậy mà các văn
kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa
Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt
độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn
với chủ nghĩa xã hội."
Bầu trực tiếp TBT
Về công tác nhân sự của
Đại hội, bức thư ngỏ đề nghị Đại hội được bầu trực tiếp chức Tổng bí thư với
các ứng cử viên 'không chỉ một người', bức thư viết:
"Công tác nhân sự
tại Đại hội XII phải thật sự dân chủ. Các đại biểu Đại hội, với cương vị và
trách nhiệm là thành viên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt
Nam cần làm đúng quyền hạn của mình, bãi bỏ những quy định của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XI về công tác nhân sự không đúng Điều lệ đảng dẫn tới sự chi
phối, thậm chí áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan lãnh
đạo nhiệm kỳ mới; yêu cầu Đại hội được bầu trực tiếp Tổng bí thư, và danh sách
đề cử không chỉ có một người.
"Đại hội XII phải
bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ sức đưa đất nước vượt qua những
khó khăn thách thức để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền quốc gia.
"Kiên quyết
không giao phó trọng trách cho những người mang nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều,
đặt lợi ích riêng lên trên vận mệnh dân tộc, tham nhũng hoặc tài sản giàu có bất
minh, thiếu bản lĩnh, không có khả năng xử lý những vấn đề do thực tiễn của cuộc
sống đất nước đặt ra."
Đặc biệt, bức thư ngỏ
kiến nghị viết lại 'Báo cáo Chính trị' dự kiến trình Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ 12 mà theo kế hoạch có thể diễn ra vào tháng 1/2016 tới đây.
Thư ngỏ viết:
"Tuy đối mặt với những thách thức mới rất gay gắt, nhưng với sự cổ vũ và
bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở nhiều nước,
đặc biệt là ở Myanmar mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi
hơn bao giờ hết để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
"Khi chuẩn bị Đại
hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời
ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới, mở đường
cho đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và có bước phát triển mới.
"Bài học đó cần
được vận dụng để thay đổi cách chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII đáp ứng được
yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân. Đó là trách nhiệm của Bộ Chính
trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể các đại biểu dự Đại hội XII
trước vận mệnh của dân tộc," bức thư ngỏ đề ngày 9/12 viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét