VIỆT NAM: Mắc kẹt
trong tư duy xã hội chủ nghĩa
Nguồn: Lee Kuan Yew
(2013). “Southeast Asia”, in L.K Yew, One Man’s View of the World (Singapore:
Straits Times Press), pp. 159-203.
Biên dịch và Hiệu
đính: Trương Thị Thanh Hiền & Vũ Thị Hương Giang[1]
Nhiều người giành nhiều
hy vọng cho Việt Nam khi họ quyết định áp dụng cải cách thị trường tự do trong
những năm 1980, vài năm sau khi Trung Quốc có động thái tương tự. Đổi Mới, hay
“thay đổi sang điều mới” như cách gọi cải cách trong tiếng Việt, đã bắt đầu đầy
hứng khởi. Trong số những bước đi đầu tiên đất nước này thực hiện tách biệt khỏi
chủ nghĩa xã hội là trả lại quyền kiểm soát những mảnh ruộng mênh mông đã bị tập
thể hóa cho các nông dân. Điều này dẫn tới sự gia tăng mạnh sản lượng nông nghiệp
trong vòng vài năm. Nhiều người cả trong và ngoài nước đã nghĩ rằng Việt Nam
đang đi đúng hướng. Quả thực khi cả thế giới thấy rõ sự mở cửa của Trung Quôc
là một thành công kinh tế không thể tin được thì những ai không quan sát kỹ Việt
Nam cũng bắt đầu cho rằng chương trình cải cách của họ cũng sẽ đi theo quỹ đạo
tương tự.
Hiện đang có một cách
nhìn thận trọng hơn. Quan điểm của riêng tôi về cải cách của Việt Nam đã thay đổi
đáng kể từ chỗ khá lạc quan khi tôi có các chuyến thăm đầu tiên vào những năm
1990. Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam
không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng
ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến
đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc
đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo
lão thành cách mạng này [Old Guard leaders] đang khiến Việt Nam trì trệ. Chỉ
khi họ qua đời thì đất nước này mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện
đại hóa của mình.
Kinh nghiệm trực tiếp
mà tôi có được trong một chuyến thăm gần đây minh họa cho kiểu trở ngại mà Việt
Nam đang đối mặt. Tôi đang dự một cuộc họp với nhiều lãnh đạo dân sự và quân sự
cấp cao và tôi kể lại với họ những vấn đề mà một công ty Singapore gặp phải khi
đang triển khai một dự án khách sạn ở Hồ Tây ở Hà Nội. Khi công ty này bắt đầu
việc đóng cọc móng, hàng ngàn người dân đổ đến đòi bồi thường cho ô nhiễm tiếng
ồn. Để tránh phát sinh thêm chi phí, công ty quyết định thay đổi phương pháp đổ
móng sang biện pháp vít bu-lông neo, cách này đỡ ồn ào hơn nhiều so với ép cọc.
Lần này, chính quan chức đã phê duyệt dự án đến gặp công ty. Ông ta nói : “Tôi
chưa bao giờ cho phép các anh làm như vậy.” Rõ ràng là vị quan chức này thông đồng
với những người dân bực bội kia. Tôi giải thích với các lãnh đạo Việt Nam có
trong buổi gặp với tôi rằng điều này là phản năng suất. Tôi thúc giục họ rằng,
nếu các anh muốn mở cửa, hãy nghiêm túc về điều đó. Họ trả lời ậm ừ và điều đó
cho thấy rõ ràng họ chỉ nửa vời với cải cách. Họ không hiểu rằng một nhà đầu tư
hài lòng sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Ý tưởng của họ là khi đã phục kích
được một nhà đầu tư vào một góc phòng rồi thì đó là cơ hội để vắt của anh ta
càng nhiều càng tốt.
Các bậc lão thành
cách mạng này đã được lên sọc [tức chức vị và quân hàm – ND] trong hệ thống thứ
bậc của đảng trong suốt chiến tranh và bây giờ nắm giữ nhiều vị trí quyền lực.
Rủi thay, họ tiến lên các chức vụ đó không phải bởi vì đã quản lý tốt nền kinh
tế hay đã thể hiện được tài năng quản trị. Họ làm được như vậy bởi vì đã đào hầm
từ miền bắc cho tới miền nam trong hơn 30 năm. Điểm chung của họ với kinh nghiệm
mở cửa của Trung Quốc chính là các quan chức trở nên tham nhũng. Những cán bộ
tin rằng họ sẽ được chế độ chăm sóc bỗng nhiên thấy người ngoài đảng trở nên
giàu có nhanh chóng. Họ bị vỡ mộng và trở nên tham lam, ví dụ như với các quan
chức hải quan cấp cao nhập khẩu xe hơi trái phép, để có thể giành phần trong sự
giàu có ấy. Điều mà họ không có điểm chung với Trung Quốc là một nhân vật kiểu
Đặng Tiểu Bình vừa có vị trí không thể tranh cãi trong các cán bộ, vừa có niềm
tin không lung lay rằng cải cách toàn diện là lối thoát duy nhất. Lý do họ thiếu
vắng một nhân vật như vậy là do Chiến tranh Việt Nam. Khi các nhà cộng sản
Trung Quốc đang tích tụ hàng thập niên kinh nghiệm quản trị ở thời bình, thu lượm
những gợi ý thực tiễn xem điều gì hiệu quả và điều gì không, và cập nhật niềm
tin và ý thức hệ trong quá trình đó, thì các nhà cộng sản Việt Nam bị kẹt trong
một cuộc chiến tranh du kích tàn bạo với người Mỹ, chẳng học được gì về cách điều
hành đất nước. Hơn nữa, hầu hết doanh nhân thành công trong số người Việt ở miền
Nam – những người quen thuộc với cách làm của chủ nghĩa tư bản – đã rời bỏ Việt
Nam trong những năm 1970.
Người Việt Nam là một
trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến
Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường
có điểm số cao nhất. Với những người dân thông minh như vậy, thật tiếc là họ
không phát huy được tiềm năng của mình. Hy vọng rằng khi thế hệ chiến tranh nhạt
đi và một nhóm trẻ hơn lên thay thế, họ sẽ xem Thái Lan phát triển tốt như thế
nào và trở nên tin tưởng vào tầm quan trọng của thị trường tự do.
Hỏi: Việt Nam có những vấn đề lớn với Trung Quốc
về lãnh thổ ở Biển Đông. Và tại một Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012, khi
ASEAN lần đầu tiên sau 45 năm không đạt được một bản thông cáo chung, Việt Nam
là một trong những nước tham gia nhiều vào tranh cãi ở đó.
Đáp: Họ không thể lấy
sự đồng thuận của ASEAN để ủng hộ quan điểm của họ vì người ta tin rằng Trung
Quốc đã làm việc riêng rẽ với Brunei và Malaysia về các tranh chấp, vốn là những
tranh chấp nhỏ hơn. Nhưng tranh chấp chính – cũng là tranh chấp còn rắc rối –
là của Việt Nam.
Hỏi: Đây có phải là bằng chứng cho thấy Trung Quốc
đã có thể chia rẽ ASEAN trong vấn đề này?
Đáp: Nó cho thấy người
Trung Quốc khéo léo như thế nào. Họ đã ứng xử với các nước bên ngoài, hay những
man tộc ngoại bang, cả hàng ngàn năm và họ biết cách xử lần lượt từng bên một
và ngăn cản họ hợp lại để không phải đối mặt với một nhóm. Họ mua chuộc từng
bên một.
Hỏi: Việt Nam đang tìm cách mở rộng quan hệ với
Hoa Kỳ để có thể đương đầu tốt hơn với Trung Quốc.
Đáp: Đúng vậy. Leon
Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã thăm vịnh Cam Ranh năm 2012. Điều đó hàm ý
là nó có thể đón cả người Mỹ. Có thể sẽ có ích khi có người Mỹ tại đó nếu có
xung đột quanh quần đảo Hoàng Sa (nguyên văn), nhưng tôi không nghĩ người Mỹ sẽ
trực tiếp đối đầu với người Trung Quốc. Điều tốt nhất mà người Việt Nam có thể
hy vọng là áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho tranh chấp này.
Hỏi: Cũng đã có tin về việc người Việt Nam có thể
mua vũ khí của Mỹ.
Đáp: Tôi sẽ không ngạc
nhiên. Người Mỹ hiện đang gần gũi với họ hơn so với người Trung Quốc. Và người
Mỹ có những vũ khí tinh vi hơn vũ khí của người Trung Quốc.
Hỏi: Ông có nghĩ rằng ASEAN có lẽ nên tránh tranh
chấp Biển Đông trong các cuộc họp thượng đỉnh trong tương lai?
Đáp: Họ đã bất hòa rồi.
Lẽ ra đã phải có một bộ quy tắc ứng xử nhưng nó cũng đã bị dập tơi bời.
http://nghiencuuquocte.net/2014/01/14/ly-quang-dieu-ve-dna-va-vn/#more-837
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét