Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Dân Mỹ khó đồng ý về tổng thống tương lai

Hà Tường Cát/Người Việt


Gần hai tháng nữa các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ khởi sự và 7 tháng nữa mới biết những ứng cử viên chính thức được đảng tấn phong vào cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 2016.  Ngay bây giờ hãy còn quá sớm và chưa đủ yềDân Mỹ khó đồng ý về tổng thống tương laiu tố để dự đoán.  Tờ USA Today có một bài viết, căn cứ theo thăm dò dư luận, cho biết quan niệm của dân chúng về vị Tổng Thống tương lai, và dưới đây là tóm lược bài viết ấy.

Tổng Thống Hoa Kỳ là người luôn bận rộn ở bất cứ giờ phút nào. Trong hình, buổi họp báo cuối năm của Tổng Thống Obama tại Brady Briefing Room trong Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu 18/12 trước khi đi nghỉ lễ. (Hình:  Mark Wilson/Getty Images)

Cử tri Mỹ bày tỏ viễn kiến trái ngược nhau về những thách thức căn bản mà đất nước phải đương đầu, và sự mong đợi của họ đối với vị Tổng Thống sẽ được bầu tháng 11 năm 2016.


Cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ thiên về nhận định tin rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng. Ngược lại cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa cho là nước Mỹ đi trật đường. Người Dân Chủ muốn một Tổng Thống có kinh nghiệm. Người Cộng Hòa thích một người bên ngoài giới chính trị. Và họ cũng không có chung niềm hy vọng là bât cứ vị Tổng Thống nào có thể giải quyết được những  vấn đề quan trọng nhất của quốc gia.

Thất bại trong sinh hoạt của hệ thống chính trị là một yếu tố đưa đến sự chia rẽ ý kiến như thế. Dù sự thắng cử quyết định của ai ở phía bên nào, thì cũng không bảo đảm rằng sẽ chấm dứt được các mâu thuẫn đó.

Ông Michael Grimm, 68 tuổi, tài xế xe tractor-trailer đã nghỉ hưu, ở một thị trấn vùng thung lũng Shennadoah, Virginia, quả quyết rằng sẽ bỏ phiếu cho nhà tỷ phú Donald Trump hoặc Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz tiểu bang Texas, nếu người nào được tấn phong làm ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa. Theo lời ông: “Trump nói lên những điều mà ông đã nghĩ đến từ nhiều năm và tôi tin là ông ta nói đúng”.

Ở cách đó ít dặm, Derek Tucker, 44 tuổi, chuyên viên nghiên cứu nhãn khoa trong một bệnh viện, cho là đất nước “đang tiến triển theo chiều hướng tốt” căn cứ vào nền kinh tế đã cải thiện hơn và những kết quả “đáng sửng sốt” về quyền của người đồng tính. Tucker cho biết chắc chắn ông sẽ ủng hộ cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.

Các ý kiến này phù hợp với thăm dò trên toàn quốc do nhật báo USA Today và trường đại học Suffolk vừa thực hiện. Theo thăm dò, 41% người Dân Chủ tin là đất nước đi đúng hướng,  36% chưa tin như thế. Ngược lại tới 86% người Cộng Hòa nói là nước Mỹ theo một hướng sai lầm, chỉ có 7% cho rằng đi đúng đường.

Tuy nhiên dân Mỹ, dù ở đảng nào, đều đồng ý với nhau về một số số điểm, trước hết là tình trạng khủng bố. Tiếp sau vụ nổ súng tàn sát 14 người ở San Bernardino, cử tri Cộng Hòa, Dân Chủ và Độc Lập đồng thuận trong việc coi nạn khủng bố và sự an ninh của quốc gia là vấn đề quan trọng hơn hết mà vị Tổng Thống tương lai phải đối phó. Gần 14 năm sau vụ khủng bố 9/11 ở Hoa Kỳ, những vụ khủng bố tấn công ở Paris và California vừa xảy ra, cùng với tình hình hoạt động của nhóm tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo (IslamicState) ở Trung Đông đã làm gia tăng mối quan ngại của dân chúng, rằng không có an toàn và an ninh thì  quốc gia không có gì hết.

Cử tri ở mọi đảng do đó chỉ coi việc làm và kinh tế là tầm quan trọng thứ nhì. Những ưu tiên khác thể hiện sự chia rẽ quan điểm nặng nề giữa hai chính đảng, nhưng đứng ở một khoảng cách rất xa so với hai đề mục đầu.

Người Cộng Hòa coi chuyện di dân là quan tâm đứng hàng thứ ba, giảm nợ quốc gia và thiếu hụt ngân sách đứng hàng thứ tư. Trong khi đó người Dân Chủ chú trọng đến sự thay đổi khí hậu và bảo hiểm y tế.

Larry Sams, 70 tuổi, làm việc 31 năm liên tục ở công ty Dow Chemical và mức sống dễ chịu thoải mái, nói: “Theo tôi nhiều vấn đề có thể giải quyết được nếu kinh tế tốt đẹp”. Nhưng ông không tin tưởng các con sẽ có cuộc sống dễ dàng như vậy : “Tôi hiểu rằng năm đứa con chúng tôi sẽ không bao giờ được như tôi”.

Ông  Sams muốn Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio tiểu bang Texas, hay bà Carly Fiorina cựu Tổng Giám Đốc Hewlett- Packard, hoặc cả hai người, được đảng Cộng Hòa tấn phong vào liên danh tranh cử với đảng Dân Chủ.  Theo ông: “Họ là một cặp rất tuyệt vời. Tôi mong họ sẽ đứng cùng nhau tranh cử”.  Nhưng ông không lạc quan rằng có ai sẽ sửa chữa được những cái sai, mà chỉ cho là: “Đất nước cần chấn chỉnh. Nhưng tôi không biết họ sẽ làm ra sao”.

Về khả năng tác động của chính quyền đến tình hình kinh tế, đối với lực vận hành của thị trường và những chuyển biến chu kỳ của nền kinh tế, những cử tri Cộng Hòa hoàn toàn không có cùng quan điểm. Nhưng cử tri Dân Chủ, trong 5 người thì 4 nói rằng chính quyền có thể làm thêm rất chuyện để tạo ra việc làm và giảm bớt chênh lệch kinh tế trong xã hội.

Đa số cử tri Cộng Hòa cho rằng chính quyền đóng vai trò trọng yếu để có thể làm tình thế đổi khác, ngăn ngừa những cuộc tấn công khủng bố như vụ Paris. Còn hơn 1/3 cử tri Dân Chủ coi những hành động khủng bố chỉ là “thực trạng không tránh khỏi của thế giới ngày nay”.

Ai có thể đối phó hiệu quả nhất với tổ chức khủng bố IS? Có đến 80% người Dân Chủ nói là bà Hillary Clinton, trong khi 80% người Cộng Hòa cho là ông Donald Trump.

Tâm lý chán nản về những tranh chấp chính trị rắc rối vô ích khiến nhiều cử tri nghĩ là Hoa Kỳ nên có một vị Tổng Thống mới hoàn toàn  không ở trong giới chính tri gia chuyên nghiệp. 36% cử tri nói chung mong muốn một tổng thống như vậy, tỷ lệ này là hơn phân nửa, 54%, trong thành phần cử tri cộng hòa còn phía Dân Chủ chỉ có 15%.

Tổng Thống có cần phải là một người có kinh nghiêm hay không? 74% cử tri Dân Chủ cho rằng cần, phía Cộng Hòa chỉ có 33%, tỷ lệ này là 52% trong số cử tri nói chung thuộc bất cứ khuynh hướng nào.

65% dân Mỹ mong đợi một vị Tổng Thống sẵn sàng thỏa hiệp để giải quyết những vấn đề gây nhiều mâu thuẫn. 75% người Dân Chủ nhưng chỉ có và 40% người Cộng Hòa đồng thuận ý kiến ấy. Nhưng 48% thành phần cử tri cực kỳ bảo thủ – một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong giai đoạn bầu cử sơ bộ ở đảng Cộng Hòa – cho rằng cần phải giữ vững nguyên tắc hơn là nên thỏa hiệp. Trong quá khứ, bằng lập trường ấy, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz và những người khác ngả theo phía Tea Party, đã đưa đến bế tắc ở Quốc Hội và chính quyền phải đóng cửa.

Jeff Keller, 29 tuổi, giáo viên môn lịch sử trường John Handley High School  ở Winchester nói: “Khôi phục chính quyền là một trong những ưu tiên hàng đầu của vị Tổng Thống tương lai”.

Bà Linda Whitehead, 55 tuổi, hoạt động xã hội với dân homeless ở Knoxville, Tennessee, cho biết bà chưa có quyết định gì dứt khoát về việc bầu phiếu năm 2016. Bà nói: “Cho tới bây giờ các ứng cử vên lo tấn công lẫn nhau hơn là đề cập đến những vấn đề thiết yếu”.

Cùng nhận định ấy, cô Courtney Keller, 29 tuổi, y tá, cho rằng: “Không ứng cử viên nào nói lên được điều gì có tầm quan trọng. Nước Mỹ và dân chúng Mỹ có nhiều vấn đề và chưa người nào tỏ ra biết cách giải quyết ra sao”.(HC)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét