Ngô Nhân Dụng
Bà Janet Yellen
Nếu hỏi nhân vật phụ
nữ nào có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong năm qua, chắc ai cũng nghĩ tới
bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức. Bà quyết định cứu kinh tế Hy Lạp, nếu không
thì tương lai cả khối Euro sẽ bấp bênh. Bà tuyên bố phải nhận dân Syria tị nạn,
các nước Châu Âu khác cũng làm theo.
Nhưng ảnh hưởng của
bà Merkel bị giới hạn trong Liên Hiệp Âu Châu. Một phụ nữ khác có ảnh hưởng trên
cả thế giới, là bà Janet Yellen, chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, tức Ngân
Hàng Trung Ương nước Mỹ (Federal Reserve, viết tắt là Fed). Ðầu năm 2015, bà ngỏ
ý sẽ tăng lãi suất. Từ đó, cả thế giới chờ đợi, và đồng đô la Mỹ cứ thế lên
giá. Vì khi lãi ở Mỹ suất tăng, số tiền đem cho Mỹ vay sẽ tăng, nhiều người sẽ
đi mua tiền Mỹ để đầu tư. Tháng Chín vừa qua, mọi người hồi hộp chờ, bà Yellen
chưa quyết định. Tháng Mười Hai, bà đã cho tăng lãi suất căn bản, từ khoảng
“00% tới 0.25%” lên thành từ “0.25 tới 0.50%.”
Quyết định tăng lãi
suất sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia đang mắc nợ hay sắp đi vay. Bởi vì
trên thị trường tài chánh quốc tế hầu hết các món nợ được tính bằng đô la Mỹ,
người vay sẽ phải trả vốn lẫn lãi bằng đô la. Nếu chính phủ Malayisa vay 100 đô
la vào cuối năm 2014, thì khi phải trả tiền vốn vào cuối năm 2015 họ vẫn chỉ trả
100 đô la thôi. Nhưng cuối năm ngoái 100 đô la được đổi bằng 350 đồng ringitt,
năm nay muốn có 100 đô phải đổi 429 Ringitt! Chính phủ Nga vay nợ bằng Mỹ kim sẽ
còn khốn hơn nữa, vì đồng rúp xuống giá gần một nửa so với đô la trong hai năm
qua. Dù Nga vay nợ của Nam Phi hay Brazil, khi vay, khi trả đều dùng đô la Mỹ.
Từ năm 2009 đến nay, trên khắp thế giới tổng số nợ tính bằng Mỹ kim đã lên tới
hơn 9,000 tỷ đô la. Riêng trong năm 2014, đô la tăng giá trung bình 15% so với
tiền tệ các nước khác. Quyết định của Fed mà bà Yelln công bố làm cho đô la Mỹ
càng vững giá, và có thể lên!
Không phải chỉ có các
chính phủ đi vay nợ nước ngoài mới lo đô la lên giá. Giới kinh doanh cũng chịu ảnh
hưởng. Công ty Adidas của Ðức chuyên sản xuất trang phục thể thao đã phải thay
đổi chiến lược mua và bán hàng. Ngày hôm qua, giám đốc tài chánh (CFO) của
Adidas là Robin Stalker đã nói với Thời Báo Thị Trường (Boersen-Zeitung) rằng
chi phí mua hàng của công ty sẽ tốn thêm 500 triệu Euro trong năm tới, chỉ vì đồng
euro xuống giá so với Mỹ kim, mà công ty đã mua hàng phải trả bằng Mỹ kim. Số
tiền đó, tuong đương với 550 triệu đô la, sẽ phải đổ lên đầu khách tiêu thụ, hoặc
Adidas sẽ phải cắt bỏ không mua, không bán một số mặt hàng. Nhiều nhà sản xuất ở
các nước nghèo như Việt Nam, Malaysia có thể sẽ mất mối làm ăn!
Với những thí dụ
trên, phải công nhận Janet Yellen là một người có ảnh hưởng lớn khắp thế giới.
Thứ Tư tuần trước, mặc dù tất cả giới đầu tư đã chờ đợi quyết định tăng lãi suất
của Fed từ lâu rồi nhưng ngay sau cuộc họp báo của bà Yellen, thị trường chứng
khoán New York tăng vọt. Ngày hôm sau, các thị trường Tokyo, Hồng Kông, London
cũng tăng theo. Tại sao giới đầu tư quốc tế lại phản ứng trước một quyết định
mà ai cũng đoán trước sẽ xẩy ra như vậy? Bởi vì trong cuộc họp báo công bố quyết
định tăng lãi suất, bà Yellen còn nói thêm rằng sang năm 2016 lãi suất có tăng
nữa thì sẽ chỉ lên chầm chậm thôi! Người ta chờ đợi nghe chữ “gradual, chầm chậm.”
Những người đầu tư muốn biết sang năm 2016 lãi suất ở Mỹ sẽ tăng với tốc độ
nào. Nếu nó lên nhanh thì không những tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ chậm lại,
hầu hết các nước sẽ bị ảnh hưởng, mà số tiền đầu tư khắp nơi sẽ chạy khỏi các
nước khác để đổ vào nước Mỹ. Nhiều người sẽ thích cho vay lấy lãi suất cao ở Mỹ,
tức là họ sẽ mua trái phiếu chứ không mua cổ phiếu. Nay người ta yên tâm, chuyện
đó sẽ không xẩy ra trong năm 2016!
Kể ra thì Janet
Yellen là một phụ nữ có ảnh hưởng nặng thật. Nhưng ảnh hưởng lớn lao đó không
phải do cá nhân bà. Bà không được tiếng là một kinh tế gia xuất sắc, so với
ngay ông chồng là Giáo sư George Akerlof. Ông được trao giải Nobel Kinh tế học
năm 2001, bà không hy vọng đoạt giải này vì không có thời giờ nghiên cứu từ khi
vào làm cho Ngân Hàng Trung Ương, Fed từ hơn 20 năm qua. Trong giới kinh tế học,
Akerlof đã là một ngôi sao sáng, từ năm 1970 khi ông công bố bài nghiên cứu
mang tựa đề “Thị trường những trái chanh,” (The Markets for Lemons). Những người
không quen với tiếng Anh nói ở Mỹ thì không biết “trái chanh” là tiếng gọi những
chiếc xe hơi cũ. Bàn về việc mua bán xe cũ, Akerlof nêu ra một vấn đề cơ bản
trong kinh tế nhưng thường bị bỏ qua: Người mua và người bán có những tin tức
khác nhau về sản phẩm trao đổi. Tương tự như chiếc xe cũ, người đi xin việc và
người tuyển dụng không có những thông tin như nhau về khả năng của ứng viên.
Hãng bảo hiểm cũng không biết rõ về tánh tình người mua bảo hiểm, là cẩn thận
hay liều lĩnh. Thị trường đã tạo ra những cơ chế để người mua nhận ra những
“tín hiệu” (signal) nhờ thế người mua đoán được người bán biết tình trạng “cái
xe cũ” tốt xấu thế nào. Akerlof mở ra một dòng nghiên cứu mới về thông tin
trong trao đổi kinh tế, với tình trạng “thông tin bất cân xứng” (asymmetric
information) khi mọi người trao đổi.
Trong các vấn đề kinh
tế, Akerlof thú nhận rằng bà Yellen “bảo thủ” hơn, tức là tin tưởng ở thị trường
hơn. Giới cấp tiến thì tin tưởng vào sự can thiệp của nhà nước vào đời sống
kinh tế. Có lẽ vì xuất thân trong một gia đình lao động (working class) nên bà
thực tế hơn, còn ông chồng lý thuyết và mơ mộng hơn. Giáo Sư Akerlof đã phải rời
Ðại Học Berkeley để về Washington sống khi bà vợ lên làm chủ tịch Ngân Hàng
Trung Ương Mỹ; ông cũng phải từ bỏ chức cố vấn cho một ngân hàng Thụy Sĩ, để
tránh “quyền lợi công tư xung khắc.” Ông cũng không bao giờ gặp các nhà báo để
nói về chính sách kinh tế nữa!
Trong thực tế bà
Janet Yellen đang đóng vai một chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương cho cả thế giới,
vì mỗi quyết định bà công bố gây ảnh hưởng khắp mọi nơi! Trong năm qua, Ngân
Hàng Trung Ương Mỹ ngần ngại không tăng lãi suất qua nhiều phiên họp, cũng vì
tình trạng kinh tế ngoài nước Mỹ rất bi quan. Sau các cơn khủng hoảng thị trường
chứng khoán ở Trung Quốc, kinh tế các nước vẫn bán nguyên liệu, khoáng sản cho
Trung Quốc cũng xuống theo. Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ từ 10% xuống 7%,
trong thực tế có thể chỉ là 3% hay 4%, thì mối lo lạm phát ở nước Mỹ cũng giảm.
Vì đồng đô la lên giá, dân Mỹ được mua hàng nhập cảng giá thấp hơn. Cho nên trong
năm qua bà Yellen không thấy cần phải tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Bà Yellen trở thành
phụ nữ có ảnh hưởng quan trọng như vậy hoàn toàn không do con người và khả năng
của riêng bà. Tất cả chỉ vì bà nắm trong tay quyền quyết định chính sách tiền tệ
của một nước kinh tế mạnh nhất, với đồng đô la được dùng như thứ tiền chung cho
thế giới dùng trao đổi với nhau.
Trong vai trò chủ tịch
Ngân Hàng Trung Ương độc lập với chính phủ, Janet Yellen có trách nhiệm đối với
cả nước Mỹ chứ không riêng gì Tổng Thống Barack Obama, người đề cử bà. Ông tổng
thống được coi là “cấp tiến” đã chọn một kinh tế gia có khuynh hướng bảo thủ giữ
một chức vụ có thể ảnh hưởng ngay vào tương lai chính trị của đảng ông. Trước
khi Fed tăng lãi suất, người ta đã bàn tán rằng nếu lãi suất tăng lên thì kinh
tế Mỹ sẽ chậm lại, sang năm sẽ ảnh hửng tới cuộc tranh cử của đảng Dân Chủ.
Nhưng vị chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương khi quyết định thì không cần quan tâm đến
viễn tượng đảng nào được lợi, đảng nào bị thiệt. Nhiệm cụ chính của Fed là bảo
đảm tỷ lệ lạm phát không cao, và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; không cần biết
ảnh hưởng chính trị.
Khi công bố quyết định
tăng lãi suất, bà Yellen đã nêu các lý do: Ủy Ban Tiền Tệ đã nhận thấy kinh tế
Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng, sau cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2007 gây ra cuộc
“đại suy thoái” năm 2008. Sau sáu năm tăng trưởng chậm nhưng không ngừng, tỷ lệ
thất nghiệp đã giảm từ 10% (năm 2009) xuống dưới 5%. Nước Mỹ đã tạo ra thêm 12
triệu công việc làm từ năm 2009. Ngân Hàng Trung Ương tiên đoán kinh tế sẽ tăng
trưởng 2.4% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn xuống, tới 4.7% trong năm 2016.
Nhưng quyết định tăng
lãi suất trong Tháng Mười Hai năm 2015 sẽ phải chờ 6 tháng trở lên mới ảnh hưởng
đến đời sống người dân. Những người gửi tiền trong ngân hàng có thể được trả
lãi suất cao hơn chút đỉnh, nhưng không đáng kể. Chỉ có lãi suất khi vay tiền
mua nhà có thể sẽ tăng lên, vì đó là những món nợ nhiều năm, mà trong dài hạn
thì trước sau lãi suất cũng sẽ còn tăng lên nữa.
Ðối với công chúng Mỹ,
việc tăng lãi suất vẫn là một tín hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ kinh tế Mỹ đang
tăng trưởng vững vàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét