THƯ GỬI BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNHTRUNG ƯƠNG KHÓA XI, CÁC ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ngày 9 tháng 12 năm 2015
Thưa quý vị,
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, hết sức trăn trở, lo
âu về vận mệnh đất nước, thấy cần gửi tới Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung
ương khóa XI cùng các đại biểu dự Đại hội XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản
Việt Nam một số suy nghĩ và yêu cầu bức thiết phù hợp với ý nguyện của đông đảo
nhân dân trong nước và người Việt ở nước ngoài.
1- Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước kém phát triển
trở thành nước đang phát triển ở trình độ trung bình thấp với những tiến bộ về
kinh tế và đời sống nhân dân, về thực hiện các “Mục tiêu thiên niên kỷ” do Liên
Hiệp Quốc đề ra. Tuy nhiên, so với nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực
(trong đó có những nước cách đây không lâu còn ở trình độ phát triển ngang hoặc
kém nước ta), Việt Nam đã tụt hậu xa hơn cả về kinh tế, khoa học công nghệ và
giáo dục, đặc biệt là về năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế. Thực trạng kinh tế đang có nhiều bất ổn (nổi lên là ngân sách và cán
cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng kéo dài, nợ công tăng quá nhanh); nhiều
tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; môi trường bị tàn phá và ô nhiễm nghiêm trọng;
văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin
vào thể chế chính trị.
Mặt khác, Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thực hiện mưu đồ
bành trướng, hòng biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới, liên tục xâm phạm chủ
quyền và lãnh thổ của nước ta cả trên biên giới đất liền và biển đảo, tăng sự
uy hiếp và chi phối đối với nước ta trên nhiều mặt. Thời gian gần đây, trong
khi vẫn dùng những lời hoa mỹ về hòa bình, hữu nghị, nhà cầm quyền Trung Quốc
đã có những bước leo thang thực hiện mưu đồ bành trướng trên Biển Đông bất chấp
luật pháp quốc tế, không chỉ trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn
gây bất ổn cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên
thế giới.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước đều mong muốn và ủng hộ
Việt Nam độc lập, phồn vinh, ngăn chặn có hiệu quả các mưu đồ bành trướng của
Trung Quốc. Nhiều nước, kể cả những nước phát triển nhất, đã cam kết cùng Việt
Nam trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Mới đây, hiệp định đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) thu hút Việt Nam tham gia từ đầu đã được ký kết; khối
ASEAN mà Việt Nam là thành viên đã nâng cấp sự liên kết thành Cộng đồng. Sự hội
nhập quốc tế ở tầm cao hơn đặt ra thách thức mới, song chưa bao giờ Việt Nam có
được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ cả tinh thần lẫn vật chất của nhân dân và các
quốc gia trên thế giới như ngày nay. Đó là cơ hội quý báu, tạo thuận lợi cho sự
phát triển hợp tác bình đẳng, hữu nghị giữa nước ta với các nước, thoát khỏi sự
lệ thuộc vào Trung Quốc. Một nước Việt Nam có thế và lực mạnh trên cơ sở đoàn kết
toàn dân tộc, gắn bó giữa nhà nước và nhân dân, là con đường duy nhất để nước
ta duy trì hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc và các nước
trên thế giới một cách bình đẳng.
Các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị trình Đại
hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù viết rất dài nhưng nặng về nhận
định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật, chưa nêu rõ thực trạng hiểm
nguy mà đất nước và nhân dân ta đang đối mặt, đặc biệt là chưa phân tích thẳng
thắn nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó.
Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng
sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ
nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên con đường
đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ
thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo
lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của
nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các
nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm
quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối
sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của
Trung Quốc.
Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước
trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ
nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều
năm qua về thực chất đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã
hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Vậy mà các văn kiện trình Đại hội XII
của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng
tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt độc lập dân tộc, xây dựng
nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn với chủ nghĩa xã hội.
2- Trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, Đảng Cộng sản
Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và dựa hẳn vào nhân
dân, tự giải thoát khỏi ý thức hệ giáo điều, tự giải phóng chính mình khỏi tình
trạng tha hóa của một đảng độc quyền toàn trị, dứt khoát từ bỏ đường lối xây dựng
chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ động tiến hành cải cách chính
trị triệt để và toàn diện theo con đường dân tộc và dân chủ. Hơn lúc nào hết,
nước ta vừa có điều kiện, vừa bắt buộc phải tiếp thu và vận dụng sáng tạo các
giá trị của văn minh nhân loại để xây dựng Việt Nam thành một nước phát triển
trên nền tảng dân chủ với kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân
sự, phát huy sức mạnh đoàn kết, hòa giải dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, bảo
vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.
Đại hội XII là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản
Việt Nam vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị
trong hòa bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ
với tất cả sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Ý chí quyết tâm chuyển đổi thể
chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể như
đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam
giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ
theo Hiến pháp. Đó là những việc có thể làm ngay, quy tụ được lòng người, khơi
dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới
chính trị và kinh tế ở tầm cao hơn.
3- Sự nghiệp chuyển đổi thể chế chính trị gắn với đổi mới
kinh tế để Việt Nam trở thành nước phát triển trên nền tảng dân chủ đòi hỏi phải
tiến hành từng bước với nhiều công việc nặng nề và phức tạp như sửa đổi Hiến pháp;
xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống luật (đặc biệt là luật bảo đảm thực hiện
quyền tự do dân chủ của nhân dân đi liền với xây dựng kỷ cương xã hội, luật về
đảng chính trị và đảng cầm quyền, luật về đất đai theo chế độ đa sở hữu…); xây
dựng bộ máy cầm quyền tinh gọn với ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và
tư pháp) độc lập, trong đó Quốc hội được bầu cử thật sự dân chủ, có thực quyền
và chuyên trách; hoàn thiện các định chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ
với môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; cải cách để nâng cao chất lượng
giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ; đồng thời,
có đối sách đúng đắn để giữ gìn và phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị với
các nước láng giềng và các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển cao, ngăn
chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào
Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, xã hội.
Để hoạch định và thực thi có hiệu quả những công việc đó, yếu
tố quyết định là những người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam và Nhà nước, trước hết là những chức vụ chủ chốt, phải là những người có
tinh thần kiên quyết đổi mới thể chế cả về chính trị và kinh tế, có năng lực chỉ
đạo xây dựng và điều hành thực hiện các chương trình và biện pháp hình thành thể
chế mới; có bản lĩnh kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Muốn vậy,
công tác nhân sự tại Đại hội XII phải thật sự dân chủ. Các đại biểu Đại hội, với
cương vị và trách nhiệm là thành viên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng
sản Việt Nam cần làm đúng quyền hạn của mình, bãi bỏ những quy định của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự không đúng Điều lệ đảng dẫn tới sự
chi phối, thậm chí áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan
lãnh đạo nhiệm kỳ mới; yêu cầu Đại hội được bầu trực tiếp Tổng bí thư,
và danh sách đề cử không chỉ có một người. Đại hội XII phải bầu được
Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ sức đưa đất nước vượt qua những khó khăn
thách thức để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền quốc gia. Kiên quyết không giao phó trọng trách cho những người mang
nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều, đặt lợi ích riêng lên trên vận mệnh dân tộc,
tham nhũng hoặc tài sản giàu có bất minh, thiếu bản lĩnh, không có khả năng xử
lý những vấn đề do thực tiễn của cuộc sống đất nước đặt ra.
Tuy đối mặt với những thách thức mới rất gay gắt, nhưng với
sự cổ vũ và bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở
nhiều nước, đặc biệt là ở Myanmar mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có cơ hội
thuận lợi hơn bao giờ hết để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan
lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị
theo tinh thần đổi mới, mở đường cho đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã
hội và có bước phát triển mới. Bài học đó cần được vận dụng để thay đổi cách
chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi
của nhân dân. Đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa
XI và toàn thể các đại biểu dự Đại hội XII trước vận mệnh của dân tộc.
Xin gửi đến quý vị lời chào trân trọng!
DANH SÁCH KÝ TÊN
1. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt
Nam, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng khóa Ba, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, Hà Nội
2. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
3. Hoàng Tụy, GS, Hà Nội
4. Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương,
Hà Nội
5. Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
6. Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng
7. Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
8. Nguyễn Văn An, cán bộ hưu trí, TP HCM
9. Trần Bang, cựu chiến binh, kỹ sư, TP HCM
10. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước
Tp Hồ Chí Minh, TP HCM
11. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội
12. Nguyễn Trọng Bình, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tại chức Hải
Phòng, Hà Nội
13. Bùi Văn Bồng, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà
báo, nguyên Trưởng ban Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực miền Tây Nam bộ,
Cần Thơ
14. Phạm Minh Châu, GSTS Đại học Paris 7 và Đại học Khoa học
& Công nghệ Pháp Việt USTH, Hà Nội
15. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM
16. Nguyễn Huệ Chi, GS, Hà Nội
17. Nguyễn Kim Chi, nghệ sĩ ưu tú, Hà Nội
18. Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động, TP HCM
19. Nguyễn Đình Cống, GS TS, Hà Nội
20. Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn, Lâm Đồng
21. Nguyễn Đức Dân, GS TS, TP HCM
22. Nguyễn Trung Dân, nhà báo, TP HCM
23. Nguyễn Đắc Diên, bác sĩ Nha khoa, TP HCM
24. Nguyễn Xuân Diện, TS, Hà Nội
25. Lê Đăng Doanh, TS, Hà Nội
26. Nguyễn Thị Xuân Dung, cán bộ hưu trí, TP HCM
27. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
28. Nguyễn Văn Dũng, nhà giáo, Huế
29. Phùng Liên Đoàn, TS, Hoa Kỳ
30. Minh Đường, TS, Giám đốc Trung tâm Xây dựng Môi trường
Văn hóa mới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu SENA, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật Việt Nam, Hà Nội
31. Hoàng Lại Giang, nhà văn, TP HCM
32. Nguyễn Thanh Giang, TS, cán bộ hưu trí, Hà Nội
33. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM,
TP HCM
34. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo về hưu, Pháp
35. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh
niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng Công ty Du lịch
Thành phố (Saigontourist), TP HCM
36. Trần Hải Hạc, nguyên PGS Đại học Paris 13, Pháp
37. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà
Nội
38. Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng
Chính phủ Võ Văn Kiệt, Hà Nội
39. Đặng Thị Hảo, TS, nguyên Phó Ban Ban Văn học Cổ cận đại
Viện Văn học, Hà Nội
40. Nguyễn Thanh Hằng, dược sĩ, Pháp
41. Nguyễn Trọng Hiền, nhà Vật lý, Jet Propulsion
Laboratory, California Institute of Technology, Hoa Kỳ
42. Lại Thị Ánh Hồng, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, TP
HCM
43. Đoàn Nhật Hồng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt
44. Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn), nhà báo, Đà Nẵng
45. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
46. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Đà Nẵng
47. Diệp Đình Huyên, nguyên giám đốc đài Phát thanh Truyền
hình tỉnh Lâm Đồng, hưu trí, Đà Lạt
48. Phạm Xuân Huyên, GSTS, Đại học Paris Denis Diderot và Viện
John Von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM
49. Hoàng Hưng, nhà thơ, TP HCM
50. Nguyễn Đăng Hưng, GS Danh dự Đại học Liège, Bỉ, TP HCM
51. Nguyễn Thị Xuân Hương, cán bộ hưu trí, TP HCM
52. Lê Phú Khải, nhà báo, TP HCM
53. Vũ Trọng Khải, PGS TS, TP HCM
54. Nguyễn Sỹ Kiệt, TS Khoa học Kỹ thuật, TP HCM
55. Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ
Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, TP HCM
56. Nguyễn Ngọc Lanh, Nhà giáo Nhân dân, nguyên GS Đại học
Y Hà Nội, Hà Nội
57. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
58. Hồ Uy Liêm, PGS TS, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội
Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
59. Vũ Linh, nhà giáo, Hà Nội
60. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, TP HCM
61. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Thư ký của đ/c Mai Chí Thọ,
TP HCM
62. Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu, Hà Nội
63. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh
viên Sài Gòn (trước 1975), Đại biểu Quốc hội khóa 6, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, TP HCM
64. Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận
Sài Gòn
65. Phạm Gia Minh, TS, Hà Nội
66. Ngô Minh, nhà thơ, Huế
67. Bửu Nam, PGS TS, Huế
68. Trần Tố Nga, nhà giáo về hưu, TP HCM, hiện đang ở Paris
69. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn giải
phóng, TP HCM
70. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
71. Hạ Đình Nguyên, cựu tù Côn Đảo, TP HCM
72. Phạm Đức Nguyên, PGS TS, giảng viên cao cấp, Đại học
Xây dựng, Hà Nội
73. Nguyễn Minh Nguyệt, nguyên cán bộ giảng dạy Đại học Tổng
hợp Hà Nội, TP HCM
74. Trần Minh Nguyệt, cán bộ hưu trí, TP HCM
75. Trương Duy Nhất, nhà báo độc lập, Đà Nẵng
76. Hoàng Ý Nhi, nhà thơ, TP HCM
77. Nguyễn Nhiên, nguyên Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế
của thành phố Huế, Huế
78. Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam của thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, TP HCM
79. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, nguyên Phó Tổng Biên tập báo
Tuổi Trẻ, Hội An
80. Nguyễn Thị Phương, cán bộ hưu trí, TP HCM
81. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá Công an, Hà Nội
82. Trần Đức Quế, cán bộ Bộ Giao thông Vận tải, đã nghỉ hưu,
Hà Nội
83. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, Đà Lạt
84. Trần Minh Quốc, nhà giáo, TP HCM
85. Sương Quỳnh (Ngô Kim Hoa), thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu
Đằng, TP HCM
86. Tạ Cao Sơn, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên
Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2, Hà Nội
87. Nguyễn Kim Sơn (tức Huy Văn), Đại tá, cựu Đội viên Cứu
quốc quân, Hà Nội
88. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
89. Trần Ngọc Sơn, bút hiệu Nguyễn Trung Chính, kỹ sư, Pháp
90. Jacques Nguyễn Thái Sơn, Président Interface de la
Francophonie, Cố vấn Viện Địa Chính trị Paris (AGP), Pháp
91. Văn Tạo, GS, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Hà
Nội
92. Lê Văn Tâm, TS, Nhật Bản
93. Hoàng Thúc Tấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
Hà Nội
94. Tạ Đình Thính, nguyên Vụ Trưởng Văn phòng Trung ương Đảng,
Hà Nội
95. Trần Công Thạch, nhà giáo, nguyên cán bộ Thành đoàn TP
HCM, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, TP HCM
96. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
97. Trần Thị Băng Thanh, PGS TS, Hà Nội
98. Huỳnh Kim Thanh Thảo, cử tri, TP HCM
99. Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
100. Nguyễn Quang Thân, nhà văn, TP HCM
101. Giuse Maria Lê Quốc Thăng, linh mục Tổng Giáo phận Sài
Gòn
102. Đinh Hoàng Thắng, TS, Thư ký Chương trình “Minh triết
làm chủ Biển Đông”, Trung tâm Minh triết, Hà Nội
103. Đào Tiến Thi, ThS, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ
học Việt Nam, Hà Nội
104. Phạm Tư Thanh Thiện, nhà báo về hưu, Pháp
105. Trần Văn Thọ, GS TS, Đại học Waseda, Nhật Bản
106. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ
Chí Minh, TP HCM
107. Nguyễn Bá Thuận, TS, nhà giáo về hưu, TP HCM
108. Đào Công Tiến, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ
tướng Phan Văn Khải, nguyên Hiệu trưởng truờng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí
Minh, TP HCM
109. Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
110. Nguyễn Thị Ngọc Toản, GS, Đại tá Quân đội Nhân dân
Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sản Viện Quân Y 108, Hà Nội
111. Nguyễn Thị Ngọc Trai, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên
tập báo Văn nghệ, Hà Nội
112. Mạc Văn Trang, PGS TS, Hà Nội
113. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên, TP HCM
114. Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan,
nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội
115. Thanh Tùng, họa sĩ, TP HCM
116. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá, cán bộ tiền khởi nghĩa, Hà Nội
117. Đoàn Sự, Đại tá, nguyên Cục phó thuộc Tổng cục Chính trị
Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội
118. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà báo, TP HCM
119. Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Lâm Đồng
120. Hồ Trí Việt, nhà báo, nhà văn và phê bình văn học, TP
HCM
121. Trần Đại Vinh, nhà nghiên cứu, Huế
122. Hà Quang Vinh, hưu trí, TP HCM
123. Trần Ngọc Vương, GS TS, Hà Nội
124. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
125. Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn
hoá Huế, Huế
126. Phạm Xuân Yêm, GS TS, Pháp
127. Nguyễn Đông Yên, GS TS, Hà Nội
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151212/thu-ngo-cua-127-nhan-si-tri-thuc-gui-bo-chinh-tri-truoc-them-dai-hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét