Việt Dũng, cộng tác
viên Dân Luận
Trong thời gian gần
10 năm nắm giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ (2 nhiệm kỳ), ông Nguyễn Tấn Dũng
ngày càng tỏ ra nổi trội và khuynh loát chính trường Việt nam và điều đó đến
hôm nay đã làm hại ông ta. Vì cái đó đã làm cho không ít thế lực và các cá nhân
lo sợ rằng, nếu để toàn bộ quyền lực nằm trong tay ông Dũng thì sẽ là nguy cơ đối
với sự tồn vong của Đảng CSVN. Đây chính là lý do, vì sao trước Đại hội 12 đã
có những thế lực và rất nhiều cá nhân bằng mọi cách để chứng minh nguy cơ nói
trên nhằm chặn đường vươn tới ghế TBT của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Hơn lúc nào hết, sự
chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam sâu sắc như ở lúc này.
Đó là phe bảo thủ, giáo điều thân Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và một phe "cải cách" có xu hướng thân phương Tây của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng. Điều đó cho thấy, đó không chỉ là sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa các
cá nhân lãnh đạo trong đảng, mà còn là việc mâu thuẫn về chủ trương, đường lối,
và các chính sách đối nội, đối ngoại... giữa 2 thế lực chính trị. Điều này sẽ
có tác động hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng cũng như sự tồn tại
và phát triển của đất nước.
Ví dụ trong công tác
đối ngoại, về quan hệ với nước láng giềng phương Bắc, trong lúc một phe cho rằng
"Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi
vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong
muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều
thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào
đó". Thì trái lại một phe thì vẫn khẳng định: "Tình hữu nghị giữa hai
dân tộc Việt – Trung sống bên cạnh nhau bao giờ cũng là thật, không khi nào viển
vông. Dù có đối đầu, chống đối nhau, rồi cũng phải tìm cách chung sống hòa
bình, hữu nghị với nhau. Còn tình hữu nghị lệ thuộc của Việt Nam với Trung Quốc
thì từ khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo đến nay chưa bao giờ
có.".
Cũng như về đường lối
kinh tế, cũng có sự khác biệt rất cơ bản giữa 2 phe. Trong lúc phe "cải
cách" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trương theo đuổi một nền Kinh tế
thị trường đầy đủ, lấy kinh tế tư nhân làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế.
Thì ngược lại, phe bảo thủ, giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cố gắng bấu
víu vào cái gọi là "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", trong
dó lấy kinh tế Quốc doanh làm chủ đạo.
Đáng chú ý, trong thời
gian trước Đại hội 12, các phe đã đưa ra nhiều thông tin "mật" hay nội
bộ để bảo vệ phe mình, đồng thời cũng nhằm triệt hạ đối thủ. Điều đó được chứng
tỏ rõ nét nhất trước, trong và sau hội nghị trung ương 13, thông qua các thông
tin từ truyền thông và mạng xã hội xung quanh hội nghị ban chấp hành trung ương
lần này. Mới nhất, trong lúc báo chí nhà nước đưa tin về chuyến thăm Trung quốc
của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong đó có tin ông Nguyễn Sinh Hùng tới
viếng và đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm Mao Chủ tịch, thì lập tức trang Nguyễn
Tấn Dũng có đăng bài "Tân Hoa Xã: Mao Trạch Đông chỉ đạo đánh chiếm Hoàng
Sa năm 1974". v.v... và v.v...
Trên thực tế, ông
Nguyễn Sinh Hùng đã hết vai trò trong việc nắm giữ một chức vụ cao cấp nhất
trong đảng sau Đại hội 12, vì theo nghị quyết của Quốc hội thì ông Nguyễn Sinh
Hùng sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bầu cử theo nghị quyết của Quốc hội. Chính vì
thế chuyến thăm Trung quốc vừa qua của ông Hùng chỉ mang tính chất báo cáo kết
quả hội nghị trung ương 13. Tuy vậy, thông qua các hoạt động của chuyến đi này
của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho thấy phe thân Trung quốc đang
thắng thế.
Cho dù sự tồn tại mâu
thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo đảng, giữa các phe phái từ trước đến nay là điều
không phải bàn cãi, song nó chưa tới mức là các mâu thuẫn đối kháng, một mất một
còn. Tuy vậy, mâu thuấn này cũng đã cận kề ở mức nguy hiểm và nếu không biết kiềm
chế thì có lẽ các phe sẽ không ngần ngại trong việc triệt hạ lẫn nhau vì quyền
lợi của phe mình. Như ý kiến của ông Bùi Đức Lại, một chuyên viên cao cấp của
Ban tổ chức trung ương, trong một bài nhận xét góp ý cho văn kiện đại hội đảng
gần đây đã cảnh báo rằng: "Giai đoạn tới cuộc đấu tranh giữa các thế lực sẽ
có thể diễn biến gay go hơn, quyết liệt hơn, công khai hơn. Không loại trừ một
số hành vi cực đoan đối với nhau và đối với những người khác chính kiến (bị đe
dọa trong 2 đoạn của Dự thảo).".
Cho dù ông Bùi Đức Lại
không nói ra cụ thể "một số hành vi cực đoan đối với nhau" là gì và từ
phe nào? Song trong dư luận xã hội hiện nay có không ít người đã mường tượng đến
việc một trong 2 phe sẽ sử dụng lực lượng quân đội để tiến hành một cuộc “chỉnh
lý” để quyết định thắng bại, thay vì được ngã ngũ trong Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ 12 vào cuối tháng 1 năm 2016. Theo họ, nguy cơ này xuất hiện trong bản
tin "5.200 cảnh sát, bộ đội tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng 12"
đăng trên website Nguyễn Tấn Dũng, mà hầu như không có báo chí chính thống khác
đưa tin này. Từ đó đã có không ít người bình luận và cho rằng "Có phương
án Phòng Chống Đảo Chính, tức là có Âm Mưu Đảo Chính mà các đại hội trước chưa
từng có?".
Tuy vậy, đây có lẽ là
việc không dễ và không thể xảy ra vào thời điểm này. Vì sao?
Từ sau vụ scandal của
Đại tướng Phùng Quang Thanh cách đây 6 tháng, nhất là khi người ta thấy Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã ngồi vào chiếc ghế của người thống lãnh quân đội Việt nam tại
Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015 diễn ra sáng
1/7/2015, tại Hà Nội, do Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tổ chức. Và ngày
5 tháng 10 năm 2015 ông Đỗ Bá Tỵ được phong quân hàm Đại tướng cùng với Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị - ông Ngô Xuân Lịch. Lúc đó hầu hết đều cho rằng việc Thượng
tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, sẽ là người giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng sau Đại hội 12. Và nhiều người đã khẳng định như đinh đóng cột rằng 2 ông
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ chắc chắn sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, có nguồn
tin cho rằng trong Danh sách 24 nhân sự được đề cử để Đại hội 12 bầu vào Bộ
Chính trị, sau hội nghị trung ương 13 được chốt lại cuối cùng như sau:
Đinh Thế Huynh, Nguyễn
Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại
Quang, Trương Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Trần Quốc Vượng, Ngô Xuân Lịch, Phạm
Minh Chính, Vương Đình Huệ, Hoàng Trung Hải, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Nên, Trịnh
Đình Dũng, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Bình, Lê Xuân Thắng, Tô Lâm, Lương Cường,
Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Hoà Bình.
Nếu danh sách nói
trên là chính xác, thì điểm mặt từng vị ứng viên cũng dễ dàng nhận thấy sức mạnh
đang thuộc về phe nào. Đáng chú ý, trong đó ứng viên từ Quân đội là 2 ông, đó
là Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Trung tướng Lương Cường, cả 2 tướng kể trên đều
là lãnh đạo Tổng cục Chính trị. Điều này đã cho thấy lực lượng quân đội và đa số
Ủy viên trung ương đang nắm trong tay phe Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng. Việc
ngày 22/12/2015 vừa qua, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương và Ban Nội chính Trung
ương tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp công tác. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư
Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị và đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Nội
chính Trung ương đồng chủ trì lễ ký. Đặc biệt lại có Đại tướng Phùng Quang
Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng dự và chứng kiến ký kết.
Tuy nhiên, người ta
cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không phải tay vừa, việc thoát hiểm ngoạn mục
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau cú bị đánh "tơi bời" trong hội nghị
trung ương 4 (2012) và đặc biệt là việc loại 2 ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá
Thanh không được bầu vào Bộ Chính trị đã chứng minh điều đó. Vả lại nếu như trường
hợp ông Nguyễn Tấn Dũng "ngã ngựa" tại đại hội đảng lần này, thì
không biết có bao nhiêu hiểm họa đang rập rình cá nhân ông ta, con cái, gia
đình và tay chân. Điều đó cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không được phép nghĩ đến
việc rời bỏ quyền lực vào lúc này, vì buông ra lúc này là chỉ có đường chết.
Do vậy, không ít người
đã cho rằng, hội nghị trung ương 14 tới đây sẽ không giải quyết xong vấn đề
nhân sự chủ chốt và rất có thể cú lật thế cờ ngoạn mục của ông Nguyễn Tấn Dũng
sẽ xảy ra trong Đại hội 12. Còn nếu không, thì khi đó buộc các phe người ta sẽ
thống nhất đi tới phương án thỏa hiệp là, và có thể là cả 4 ông tứ trụ hiện nay
sẽ tiếp tục giữ chức vụ hiện tại.
Vì thế, rất có nhiều
khả năng, phải chờ tới Đại hội giữa nhiệm kỳ 12 (2018) mới có câu trả lời rõ ràng
về nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng.
27/12/2015
© Việt Dũng
https://www.danluan.org/tin-tuc/20151227/tuong-quan-giua-cac-phe-trong-dang-sau-hoi-nghi-13#sthash.WLaJePOU.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét