Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Việt Nam chọn hướng đi nào sau Đại hội Đảng?


"Nếu như 2015 là năm để Hà Nội củng cố quan điểm ngoại giao trên diễn đàn quốc tế, thì 2016 sẽ mang tính then chốt để điều chỉnh cơ cấu chính trị trong nước cho phù hợp với vị trí mới của Việt Nam trong kiến trúc kinh tế và an ninh toàn cầu," Thomas Jandl bình luận trên trang Australian Financial Review.

Trong bài viết "Việt Nam trước lựa chọn lớn về việc nên ngả theo phương Tây tới mức nào", tác giả cho rằng Việt Nam cần phải xoay trục về phương Tây, và điều này sẽ được vạch ra trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016.

 
Phát triển kinh tế và áp lực TPP

Về kinh tế, bài viết nhận định sự thành công của việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt Việt Nam vào khối 12 nước cần tuân thủ một loạt các quy tắc thương mại, đầu tư chung, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những thay đổi to lớn ở trong nước.

Các doanh nghiệp nhà nước, vốn được bảo hộ mạnh mẽ, nay sẽ phải nỗ lực để tồn tại nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, bởi họ nay sẽ cùng chung chịu sự điều chỉnh của các quy định áp dụng cho khối tư nhân.


Khi so sánh với khối kinh tế tư nhân, tác giả nói rằng cả tính hiệu quả lẫn tính thiết thực trong việc sử dụng vốn của khối kinh tế nhà nước hoàn toàn thua kém, đặc biệt là nếu so với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Thế nhưng khối quốc doanh cho đến nay vẫn được nhận những thị phần to lớn về tín dụng và các hợp đồng làm ăn của chính phủ, và điều đó đã khiến cho nền kinh tế bị trì trệ.

Bài viết cho rằng Đảng Cộng sản từ lâu nay đã quen dùng khối doanh nghiệp nhà nước như một phương tiện, một cơ hội thăng tiến cho gia đình, thân hữu trong giới 'tinh hoa', và như một cách nhằm tạo chính danh cho chính quyền cộng sản.

Để cải thiện kinh tế, các vấn đề trên cần phải được kết thúc. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với những vết đau ghê gớm cho giới 'tinh hoa', và rõ ràng là giới lãnh đạo Việt Nam nhận thức được chuyện này.

Tác giả cho rằng việc đàm phán thành công TPP sẽ giúp cho phe cải cách, tức các quan chức muốn ngả sang phương Tây nhiều hơn, có đà thúc đẩy việc cải tổ kinh tế trong nước mạnh mẽ hơn.

Đối phó với tham vọng của Trung Quốc

Bên cạnh đó, thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể cũng thúc đẩy các thay đổi chính trị ở Hà Nội, và Đại hội Đảng lần thứ 12 có lẽ sẽ là lần đầu tiên có sự tranh luận mạnh giữa phe cải cách và phe bảo thủ thân Trung Quốc nhằm tìm hướng đi, Thomas Jandl nhận định.

Nhìn lại thời gian xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, hồi 2014-2015, bài báo nói rằng một số lãnh đạo Việt Nam khi đó vẫn nói là họ không tin Washington và vẫn chọn cách xoa dịu Bắc Kinh thay vì thúc đẩy quan hệ gắn bó hơn với Hoa Kỳ.

Thế nhưng trong năm 2015, đã có tám trong tổng số 16 Uỷ viên Trung ương tới thăm Mỹ, trong đó gồm cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và thậm chí cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điều này cho thấy giới lãnh đạo cấp cao nay tỏ ra chọn hướng xoay trục về phương Tây, hoặc ít nhất cũng là chấp nhận sự thắng thế của phái theo phương Tây, và đó rõ ràng là một sự thay đổi, bài báo nhận định.

Hướng đi nào sau Đại hội Đảng?

Những gì đang diễn ra cho thấy phe cải cách sẽ củng cố được quyền lực của mình tại Đại hội Đảng, Thomas Jandl viết.

Tuy nhiên, giả sử như phe cải cách thắng thế sau Đại hội 12 thì việc cải tổ rộng khắp cũng sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng mà sẽ theo những cách nhằm đem lại sự tưởng thưởng cho các ủng hộ viên của Đảng, bài báo nhận định một cách thận trọng về những chuyển mình kinh tế, nếu có, trong những năm tới.

Về quan hệ với người láng giềng phương Bắc, tác giả bài viết đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong cuộc cân sức trong thời gian tới: Giới tân lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm cách đạt được một thoả thuận khả dĩ với Trung Quốc, và sự điều chỉnh nội bộ có được sau Đại hội 12 sẽ làm tăng sức mạnh và giúp Hà Nội có tiếng nói thống nhất trong nội bộ khi đàm phán với Bắc Kinh.


 BBC Tiếng Việt


BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét