Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Chiến tranh Lạnh trong lịch sử xung đột thế kỷ 20 (Phần 1)


Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “The Cold War” (Chapter 5), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 115-156.


Với nửa đầu đầy bạo lực, đặc điểm nổi bật nhất của nửa sau thế kỷ 20 là sự vắng bóng của Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Thay vào đó là cuộc Chiến tranh lạnh, một thời kỳ thù địch căng thẳng mà không có cuộc chiến nào trên thực tế. Sự thù nghịch này căng thẳng đến mức mà nhiều người nghĩ rằng sẽ có một cuộc xung đột vũ trang giữa các siêu cường. Giao tranh đã xảy ra nhưng chỉ ở khu vực ngoại biên mà không diễn ra trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô. Chiến tranh lạnh kéo dài bốn thập kỷ, từ 1947 đến 1989. Đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh là từ năm 1947-1963, thời điểm không có cuộc đàm phán nghiêm túc nào giữa Mỹ và Liên Xô. Thậm chí không có bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào trong giai đoạn 1945 đến 1955. Năm 1952, đại sứ Mỹ tại Matxcơva George Kennan đã so sánh tình trạng bị cô lập của mình trong tòa đại sứ Mỹ với những trải nghiệm khi bị giam giữ trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai ở Berlin. Thời kỳ sau của Chiến tranh lạnh vào những năm 1970 và 1980 lại khác. Mỹ và Liên Xô đã có những cuộc tiếp xúc thường xuyên và họ liên tục đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Thời kỳ cuối của Chiến tranh lạnh diễn ra khá nhanh với sự thay đổi trong những chính sách của Liên Xô sau khi Mikhail Gorbachev lên cầm quyền vào năm 1985. Chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô trên toàn Đông Âu đã sụp đổ năm 1989, và bản thân Liên Xô cũng đã tan rã vào năm 1991.


Răn đe và ngăn chặn

Điều khiến Chiến tranh Lạnh trở nên đặc biệt chính là sự căng thẳng kéo dài nhưng lại không xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia thù địch. Một số lời giải thích cho thực tế này sẽ được thảo luận dưới đây. Với quá trình diễn tiến khác thường của mình, Chiến tranh lạnh mang lại một góc nhìn độc đáo về quan hệ quốc tế và giúp làm sáng tỏ những động lực của hai lựa chọn chính sách đối ngoại thời kỳ này, đó là: Răn đe và ngăn chặn.

Răn đe là làm đối phương sợ hãi mà nản chí, và mặc dù được gắn liền với thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng đây không phải là một khái niệm mới trong chính trị quốc tế. Xuyên suốt lịch sự, các quốc gia đều xây dựng quân đội, hình thành các liên minh và tạo ra các mối đe dọa nhằm răn đe các quốc gia khác không dám tấn công mình. Trong suốt Chiến tranh lạnh, cùng với sự ra đời của vũ khí nguyên tử, các siêu cường đã ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách răn đe bằng các mối đe dọa hơn là ngăn chặn bằng quốc phòng sau khi bị tấn công. Răn đe trong Chiến tranh lạnh gắn liền với việc duy trì kho vũ khí nguyên tử lớn của Mỹ và Liên Xô, và đây cũng là sự mở rộng khái niệm cân bằng quyền lực. Răn đe bằng đe dọa hạt nhân là cách mà mỗi siêu cường cố gắng ngăn chặn đối phương giành lợi thế tay trên và nhờ vậy làm thay đổi cán cân quyền lực giữa họ. Như chúng ta sẽ thấy, chính sách răn đe đã làm cho sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô ngày càng trầm trọng, và tất nhiên khó có thể chứng minh chính sách răn đe mang lại hiệu quả. Luôn có nguy cơ tồn tại các suy luận nhân quả không xác thực. Nếu một giáo sư nói rằng những bài giảng của ông khiến các con voi không dám vào lớp học, sẽ khó mà bác bỏ lời tuyên bố này nếu chưa từng có con voi nào đến lớp. Chúng ta có thể kiểm tra những tuyên bố như vậy bằng cách sử dụng những lập luận trái với thực tế như là: Khả năng voi tới lớp học cao tới mức nào?

Khái niệm răn đe gắn liền với chính sách ngăn chặn. Trong suốt Chiến tranh lạnh, chính sách ngăn chặn được hiểu là chính sách đặc biệt của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và thúc đẩy một trật tự chính trị và kinh tế thế giới theo hướng tự do. Nhưng giống như khái niệm răn đe, biện pháp ngăn chặn cũng không bắt nguồn từ Chiến tranh lạnh. Ngăn chặn đã là công cụ hàng đầu của chính sách đối ngoại trong nhiều thế kỷ. Trong thế kỷ 18, các nhà nước quân chủ bảo thủ ở Châu Âu đã cố gắng ngăn chặn hệ tư tưởng tự do và bình đẳng của Cách mạng Pháp, và thậm chí trước đó, Nhà thờ Thiên Chúa giáo trong chiến dịch chống Cải cách Kháng cách[1] đã nỗ lực ngăn chặn phong trào cải cách này cũng như những ý tưởng của Martin Luther lan rộng. Có nhiều hình thức ngăn chặn khác nhau. Ngăn chặn có thể mang tính chất tấn công hoặc phòng thủ. Nó có thể sử dụng sức mạnh quân sự dưới hình thức chiến tranh hoặc các liên minh, hoặc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế dưới hình thức các khối thương mại hoặc các lệnh trừng phạt, và cũng có thể sử dụng sức mạnh mềm dưới hình thức thúc đẩy các ý tưởng và giá trị. Trong suốt Chiến tranh lạnh, Mỹ đã dịch chuyển linh hoạt giữa chính sách tổng thể là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và một chính sách hẹp hơn đó là ngăn chặn Liên Xô.

Ba cách tiếp cận đối với Chiến tranh Lạnh

Ai và điều gì đã gây ra Chiến tranh lạnh? Hầu như từ lúc nó bắt đầu, những câu hỏi đó đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi giữa các học giả và các nhà hoạch định chính sách. Có ba trường pháichính đó là: những người theo chủ nghĩa truyền thống, những người theo chủ nghĩa xét lại và những người theo chủ nghĩa hậu xét lại.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống (còn gọi là những người chính thống) cho rằng câu trả lời đối với câu hỏi “Ai là người khởi động Chiến tranh lạnh” khá đơn giản: Đó là Stalin và Liên Xô. Cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai trong khi chính sách ngoại giao của Mỹ mang tính phòng ngự thì chính sách Liên Xô lại mang tính công kích và bành trướng. Sau đó người Mỹ mới dần dần nhận thức rõ bản chất mối đe dọa từ Liên Xô.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống đưa ra những bằng chứng gì? Ngay sau cuộc chiến, Mỹ đã đề nghị một trật tự thế giới và an ninh tập thể thông qua Liên Hiệp Quốc. Liên Xô đã không chú trọng đến Liên Hiệp Quốc vì họ cần thống trị và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Âu. Sau cuộc chiến, Mỹ đã giải ngũ quân đội của mình, trong khi đó Liên Xô đã để lại một bộ phận lớn quân đội ở Đông Âu. Mỹ đã thừa nhận những lợi ích của Liên Xô, ví dụ như khi Roosevelt, Stalin và Churchill gặp nhau vào tháng 2/1945 tại Yalta, người Mỹ từ bỏ một phần nguyên tắc của mình để thỏa hiệp với các lợi ích của Liên Xô. Tuy nhiên, Stalin đã không tuân thủ các thỏa ước của mình, đặc biệt là khi không cho phép bầu cử tự do ở Ba Lan.

Chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô đã được khẳng định hơn nữa khi nước này chậm rút quân của mình ra khỏi Bắc Iran sau cuộc chiến. Cuối cùng thì họ cũng rút quân nhưng chỉ sau khi chịu sức ép. Năm 1948, những người cộng sản tiếp quản chính phủ Tiệp Khắc. Liên Xô đã bao vây Berlin năm 1948 và 1949, cố gắng đẩy các chính phủ phương Tây ra ngoài. Năm 1950, quân đội của Bắc Triều Tiên theo chế độ cộng sản đã vượt biên giới vào lãnh thổ của Nam Triều Tiên. Theo các nhà chủ nghĩa truyền thống, những sự kiện này đã dần dần đánh thức Mỹ về mối đe dọa của chủ nghĩa bành trướng Xô Viết và khởi động Chiến tranh lạnh.

Những người theo chủ nghĩa xét lại, nêu quan điểm chủ yếu vào những năm 1960 và 1970, tin rằng Chiến tranh lạnh là do Mỹ gây ra hơn là do chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Bằng chứng của họ là vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới không chia ra hai cực rõ ràng – Liên Xô yếu hơn hẳn so với Mỹ vì Mỹ đã mạnh lên nhờ cuộc chiến và có trong tay vũ khí nguyên tử trong khi Liên Xô thì không. Liên Xô thiệt hại đến 30 triệu người, và sản suất công nghiệp chỉ bằng một nửa so với năm 1939. Stalin đã nói với Đại sứ Mỹ Averell Harriman vào tháng 8/1945 rằng Liên Xô sẽ tập trung vào tình hình trong nước để phục hồi các thiệt hại. Hơn thế nữa, những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng thái độ đối với bên ngoài của Stalin trong thời kỳ hậu chiến tranh là khá ôn hòa: Ở Trung Quốc, Stalin cố gắng ngăn cản những người cộng sản của Mao Trạch Đông lên nắm quyền, trong cuộc nội chiến của Hy Lạp, ông cũng cố gắng ngăn chặn những người cộng sản Hy Lạp và cho phép những chính phủ không theo chủ nghĩa cộng sản tồn tại ở Hungary, Tiệp Khắc và Phần Lan.

Những người theo chủ nghĩa xét lại phân ra thành 2 nhóm khác nhau và nhấn mạnh cấp độ phân tích thứ nhất và thứ hai trong các lời giải thích. Những người theo chủ nghĩa xét lại thuộc cấp độ phân tích thứ nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của các cá nhân và cho rằng cái chết của Roosevelt vào tháng 4/1945 là một sự kiện quan trọng bởi chính sách của Mỹ đối với Liên Xô đã trở nên cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Harry S.Truman lên cầm quyền. Tháng 5/1945, Mỹ đã thẳng tay cắt bỏ chương trình lend-lease trong thời chiến, khiến một số con tàu đang hướng tới các cảng Liên Xô phải quay trở lại giữa chừng.Tại hội nghị Potsdam gần Berlin vào tháng 7/1945, Truman đã hăm dọa Stalin bằng cách đề cập đến bom nguyên tử. Ở Mỹ, Đảng Dân chủ dần dần chuyển từ tả khuynh và trung dung sang hữu khuynh. Năm 1948, Truman đã sa thải Henry Wallace – bộ trưởng nông nghiệp, người đã nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn với Liên Xô. Trong khi đó, James Forrestal, tân bộ trưởng quốc phòng của Truman là một người chống cộng mạnh mẽ. Những người theo chủ nghĩa xét lại trong nhóm này cho rằng chính những thay đổi nhân sự này giúp giải thích tại sao chính sách Mỹ lại trở nên chống Liên Xô đến vậy.

Những người theo chủ nghĩa xét lại thuộc cấp độ phân tích thứ hai lại có câu trả lời khác. Họ xem xét vấn đề không ở cấp độ cá nhân mà ở bản chất chủ nghĩa tư bản của Mỹ. Ví dụ như Gabriel và Joyce Kolko cùng với William A. Williams cho rằng nền kinh tế Mỹ đòi hỏi phải có sự bành trướng và rằng Mỹ tìm cách làm thế giới trở nên an toàn hơn không phải phục vụ mục tiêu dân chủ mà vì chủ nghĩa tư bản. Bá quyền kinh tế của Mỹ không cho phép bất kỳ nước nào khác tìm cách thiết lập một khu vực kinh tế tự trị. Những nhà lãnh đạo Mỹ lo sợ lặp lại thời kỳ những năm 1930 vì nếu không có ngoại thương thì dễ xảy ra một cuộc Đại Suy thoái khác. Kế hoạch viện trợ Marshall cho Châu Âu là một cách đơn giản để mở rộng nền kinh tế Mỹ. Người Liên Xô đã đúng khi phản đối kế hoạch đó vì họ xem nó như là một mối đe dọa đối với phạm vi ảnh hưởng của họ ở Đông Âu. Theo Williams thì Mỹ luôn ủng hộ một chính sách mở cửa trong nền kinh tế quốc tế vì họ mong muốn được bước qua cánh cửa đó.

Những người theo chủ nghĩa hậu xét lại vào cuối những năm 1970 và những năm 1980, ví dụ như John Lewis Gaddis, đã đưa ra lời giải thích tập trung vào cấp độ cấu trúc. Họ cho rằng cả những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người theo chủ nghĩa xét lại đều sai bởi vì không có ai phải chịu trách nhiệm cho việc khởi động Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh hầu như khó tránh khỏi do cấu trúc lưỡng cực của cán cân quyền lực thời kỳ hậu chiến. Năm 1939, thế giới là đa cực với 7 cường quốc lớn, nhưng sau những tàn phá của Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì chỉ còn lại 2 siêu cường là Mỹ và Liên Xô. Cấu trúc lưỡng cực cùng với sự suy yếu sau chiến tranh của các quốc gia Châu Âu đã tạo nên khoảng chân không quyền lực mà cả Mỹ và Liên Xô đều bị hút vào. Họ buộc phải xung đột với nhau, và vì vậy những người theo chủ nghĩa hậu xét lại cho rằng việc quy trách nhiệm thuộc về ai là vô ích.

Thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ và Liên Xô có những mục đích khác nhau. Liên Xô cần những tài sản hữu hình – đó là lãnh thổ. Mỹ lại có những mục đích vô hình – họ quan tâm đến bối cảnh chung của nền chính trị thế giới. Những mục đích về bối cảnh chính trị quốc tế đã mâu thuẫn với những mục đích sở hữu lãnh thổ khi Mỹ nỗ lực thúc đẩy hệ thống Liên Hiệp Quốc trong khi Liên Xô tìm cách củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Âu. Nhưng những người theo chủ nghĩa hậu xét lại cho rằng những khác biệt như vậy không phải là lí do để Mỹ cảm thấy cao đạo hơn bởi lẽ Mỹ sẽ được hưởng lợi từ Liên Hiệp Quốc, và với sự ủng hộ của phần lớn các đồng minh, Mỹ sẽ không bị Liên Hiệp Quốc ngáng đường. Liên Xô có lẽ đã có khu vực ảnh hưởng ở Đông Âu, nhưng Mỹ cũng có một phạm vi ảnh hưởng của riêng mình ở Tây Bán cầu và Tây Âu.

Những người theo chủ nghĩa hậu xét lại cho rằng cả Mỹ và Liên Xô đều bành trướng không chỉ vì lý do kinh tế như những người theo chủ nghĩa xét lại nhấn mạnh, mà còn bởi vì tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh lâu đời của các quốc gia trong một hệ thống vô chính phủ. Việc cả Mỹ và Liên Xô đều không cho phép nước khác thống trị Châu Âu cũng giống như việc người Athens không muốn để người Corinth nắm được quyền kiểm soát lực lượng thủy quân của Corcyra. Để làm dẫn chứng cho nhận định này, những người theo chủ nghĩa hậu xét lại đã trích lời của Stalin nói với nhà lãnh đạo Nam Tư Milovan Djilas vào năm 1945 rằng: “Cuộc chiến này không như trong quá khứ, bất kỳ ai chiếm được một vùng lãnh thổđều áp đặt hệ thống xã hội của mình lên lãnh thổ đó. Các quốc gia đều áp đặt hệ thống của riêng mình tới những nơi mà quân đội của họ có thể vươn tới được.”[2] Nói cách khác, trong một thế giới lưỡng cực phân chia theo ý thức hệ, một quốc gia sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của mình để áp đặt lên các quốc gia khác mô hình xã hội tương tự như của mình để đảm bảo an ninh. Roosevelt cũng đã nói những ý tương tự như Stalin vào mùa thu năm 1944, rằng: “Trong cuộc chiến toàn cầu này, không có vấn đề nào cả về chính trị lẫn quân sự mà Mỹ không quan tâm.”[3] Những người theo chủ nghĩa hậu xét lại này cho rằng một cấu trúc lưỡng cực như vậy sẽ dẫn tới một vòng xoáy gia tăng sự thù địch: những chính trị gia cứng rắn ở nước này sẽ dẫn tới sự ra đời những chính trị gia cứng rắn ở nước khác. Cả hai bên đều bắt đầu coi kẻ thù của mình tương tự như Hitler vào những năm 1930. Khi những nhận thức này trở nên cứng rắn hơn thì Chiến tranh lạnh ngày càng trở nên gay gắt thêm.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, một số lượng tài liệu khiêm tốn từ hệ thống văn thư lưu trữ của Liên Xô trước đây tạo ra sự tranh luận sôi nổi trở lại về việc bên nào khởi động cuộc đối đầu này trước. Ví dụ, John Lewis Gaddis ngày càng tin rằng Liên Xô chịu trách nhiệm chủ yếu đối với bản chất cũng như sự khởi đầu cuộc xung đột này giữa hai siêu cường. Gaddis đã chỉ ra sự cứng nhắc về ý thức hệ của Stalin và các nhà lãnh đạo Xô Viết khác, cũng như lời cam kết của Kremlin về việc duy trì một hình thức đế chế ở khu vực ảnh hưởng của mình. Việc Gaddis quay về với quan điểm của những người theo chủ nghĩa truyền thống đã bị nghi ngờ bởi một số tạp chí nghiên cứu học thuật, cho thấy cuộc tranh luận này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Chính sách của Roosevelt

Franklin Roosevelt vì muốn ngăn ngừa những sai lầm đã xảy ra trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nên thay vì thực hiện một chính sách hòa bình giống như Hòa ước Versailles ông đã yêu cầu Đức đầu hàng vô điều kiện. Ông muốn tạo nên một hệ thống thương mại tự do nhằm ngăn ngừa chủ nghĩa bảo hộ làm nguy hại đến nền kinh tế thế giới như trong những năm 1930 và là một trong những nguyên nhân khiến chiến tranh bùng nổ. Mỹ cũng tránh xa khuynh hướng biệt lập vốn từng gây ra những hậu quả nặng nề vào những năm 1930. Mỹ đã tham gia vào Liên Hợp Quốc – một phiên bản mới và mạnh mẽ hơn của Hội Quốc Liên với một Hội đồng Bảo an đầy quyền lực. Cordell Hull, người giữ chức ngoại trưởng Mỹ trong suốt khoảng thời gian chiến tranh diễn ra, là một người hết lòng theo chủ nghĩa Wilson[4] và công luận Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ Liên Hiệp Quốc.

Để xúc tiến kế hoạch lớn của mình, Roosevelt cần phải duy trì sự ủng hộ trong nước của cả hai Đảng đối với lập trường quốc tế của mình. Về đối ngoại, ông cần trấn an Stalin rằng nhu cầu an ninh của Liên Xô sẽ được đáp ứng bởi việc gia nhập Liên Hiệp Quốc. Roosevelt bị kết tội có cách tiếp cận ngờ nghệch đối với việc lập kế hoạch thời hậu chiến. Kế hoạch của ông không ngây thơ, nhưng một vài sách lược của ông thì lại như vậy. Ông đặt quá nhiều niềm tin vào Liên Hiệp Quốc, đánh giá quá cao khả năng đi theo chủ nghĩa biệt lập của Mỹ và quan trọng nhất, ông đã đánh giá quá thấp Stalin. Roosevelt cho rằng ông có thể cư xử với Stalin theo cách mà ông đối xử với một nhà chính trị người Mỹ, thân tình cởi mở thiết lập quan hệ giữa các chính trị gia với nhau.

Roosevelt không hoàn toàn nhận ra rằng Stalin, cùng với bộ máy của mình, là một nhà chuyên chế, “người nhân danh nhân dân nhưng tàn sát hàng triệu người trong số họ; người chống lại Hitler nhưng ký hiệp ước với Hitler, phân chia chiến lợi phẩm sau cuộc chiến với hắn, và tương tự Hitler, trục xuất, thủ tiêu, hay đày đọa các dân tộc láng giềng; người bàng quan nhìn Đức tấn công các quốc gia dân chủ Tây Âu và sau đó đổ lỗi cho họ đã không giúp đỡ hết sức khi Hitler di chuyển về phía Đông.”[5]

Roosevelt đã hiểu sai về Stalin, nhưng Roosevelt không bán rẻ lợi ích của Mỹ tại Hội nghị Yalta vào năm 1945, như lập luận của một vài người sau này. Roosevelt không ngây thơ trong tất cả các khía cạnh chính sách của mình. Ông cố gắng gắn viện trợ kinh tế với các nhượng bộ chính trị từ phía Liên Xô, đồng thời từ chối chia sẻ bí mật bom nguyên tử với Liên Xô. Ông chỉ mang cái nhìn thực tế về việc ai sẽ có quânđội và ảnh hưởng ở khu vực Đông Âu khi kết thúc cuộc chiến. Sai lầm của Roosevelt là đã nghĩ rằng Stalin cũng có chung cách nhìn nhận thế giới, rằng ông hiểu nền chính trị trong nước của Mỹ, cũng như khi ông cho rằng những kỹ xảo chính trị kiểu Mỹ mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để xóa nhòa sự khác biệt và thiết lập tình hữu nghị cũng sẽ phát huy hiệu quả trong mối quan hệ với Stalin.

Tổng thống hành động như thể sự hợp tác chân thành theo cách hiểu của người Mỹ sẽ diễn ra cả trong giai đoạn chiến tranh lẫn thời kỳ hậu chiến. Roosevelt dường như quên mất một điều, nếu ông thực sự biết điều đó, rằng trong mắt Stalin, ông không khác gì Hitler, rằng ông và Hitler đều là người đứng đầu các quốc gia tư bản quyền lực mang những tham vọng dài hạn khác biệt với tham vọng của điện Kremlin.-William Taubman, Chính sách đối với Mỹ của Stalin[6]

Chính sách của Stalin

Kế hoạch ngay sau chiến tranh của Stalin chính là thắt chặt kiểm soát trong nước. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Liên Xô, không chỉ là những mất mát khủng khiếp về nhân mạng và sự tổn hại nặng nề về công nghiệp như đã mô tả, mà còn về ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản. Nhiều người dân Liên Xô đã cộng tác với người Đức vì sự oán giận sâu sắc của họ đối với sự hà khắc trong của chế độ. Cuộc xâm lược của người Đức đã làm suy yếu trầm trọng quyền kiểm soát của Stalin. Thật vậy, Stalin phải tăng cường vận dụng chủ nghĩa dân tộc Nga trong suốt thời kỳ chiến tranh vì ý thức hệ cộng sản suy yếu không đủ để thúc đẩy người dân chiến đấu. Chính sách biệt lập của Stalin sau khi chiến tranh kết thúc là nhằm dập tắt ảnh hưởng bên ngoài đến từ Châu Âu và Mỹ. Stalin xem Mỹ như kẻ thù mục tiêu, kêu gọi người dân Liên Xô tăng cường cảnh giác, lôi kéo họ và làm cho họ nghi ngờ các thế lực bên ngoài. Nhưng điều này không có nghĩa là Stalin muốn một cuộc Chiến tranh lạnh như đã thực sự diễn ra.

Stalin muốn có một số sự hợp tác, nhất là khi hợp tác có khả năng giúp ông đeo đuổi mục tiêu của mình ở Đông Âu và mang đến những hỗ trợ kinh tế từ Mỹ. Là một người nắm vững học thuyết cộng sản, ông tin Mỹ sẽ phải hỗ trợ kinh tế cho ông vì hệ thống tư bản phải xuất khẩu vốn do nhu cầu thiếu hụt trong nước. Stalin cũng tin rằng trong vòng 10 đến 15 năm, cuộc khủng hoảng kế tiếp của hệ thống tư bản sẽ diễn ra và lúc đó Liên Xô đã hồi phục và sẵn sàng hưởng lợi từ sự mâu thuẫn không thể tránh khỏi với các quốc gia tư bản.

Nếu xét về chính sách đối ngoại Stalin muốn bảo vệ chính mình ở trong nướccũng như duy trì những gì mà Liên Xô đã đạt được ở Đông Âu thông qua hiệp ước năm 1939 với Hitler. Stalin cũng muốn thăm dò những nơi dễ chi phối, vốn dễ thực hiện hơn khi không có khủng hoảng. Vào năm 1941, Stalin nói với Ngoại trưởng Anh Anthony Eden rằng ông thích số học hơn đại số học; hay nói cách khác, ông mong muốn có một cách tiếp cận thực tế hơn là lý thuyết. Khi Winston Churchill đề xuất một công thức phân chia ảnh hưởng thời kỳ hậu chiến ở bán đảo Bancăng, theo đó một số quốc gia do Anh kiểm soát, một số khác do Liên Xô chi phối, còn những nước khác thì 50 – 50, Stalin đã thể hiện thái độ khá chấp nhận ý tưởng này. Sự cẩn trọng ban đầu của Stalin khi không muốn hỗ trợ ngay tức thì các chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, Tiệp Khắc và Hungary phù hợp với cách tiếp cận số học hơn là đại số học nhằm đạt được các mục tiêu của Stalin. Stalin là một nhà cộng sản tận tâm, nhưng mặc dù nhìn thế giới qua lăng kính của chủ nghĩa cộng sản ông lại thường sử dụng những sách lược mang tính thực dụng.


http://nghiencuuquocte.net/2014/08/10/chien-tranh-lanh-p1/#more-3184


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét