Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Thêm giả thiết về hội nghị Thành Đô





 Ông Trần Quang Cơ kết luận Hội nghị Thành Đô là một "vết nhơ về ngoại giao của Việt Nam"

Hội nghị Thành Đô, họp tại tỉnh Tứ Xuyên, ngày 3-4/9/1990 đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy vậy, sự kiện này đến nay vẫn gây tranh cãi đối với không ít người Việt vì cho rằng có những bí mật trong đàm phán đã không được Việt Nam công bố.

BBC xin giới thiệu thêm một quan điểm gần đây của một học giả người Mỹ đưa ra trong một cuốn sách về đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Trong cuốn sách Changing Worlds: Vietnam's Transition from Cold War to Globalization, tác giả David W.P. Elliott kể lại nội dung hội nghị Thành Đô.

Sách - có tựa tạm dịch là Thế giới đổi thay: Biến chuyển của Việt Nam từ Chiến tranh Lạnh đến Toàn cầu hóa - được xuất bản lần đầu năm 2012 và in lại, có bổ sung, vào năm 2014.


Tác giả dành một phần của chương 4 để viết chi tiết về hội nghị Thành Đô diễn ra tháng 9/1990 dưới tiêu đề: “Thay đổi đối tác trong một thế giới đổi thay (1990-1991).

Tác giả David W.P. Elliot, đã dành 40 năm làm việc chặt chẽ với người dân và chính phủ của Việt Nam, ghi chép lại những diễn biến của nhà nước Việt Nam.

Ông Elliot viết: “Mùa hè năm 1990, những thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra trong năm trước đó. Hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, đề cập đến bước chuyển này.

Thời điểm đó, Bộ chính trị đang tranh luận về việc có nên cố gắng thỏa thuận với Trung Quốc dựa trên hệ tư tưởng chung (‘giải pháp Đỏ’) hoặc tham gia các hoạt động ngoại giao của Liên Hợp Quốc, gồm Hoa Kỳ và Asean.

Tháng 8/1990, cố vấn Phạm Văn Đồng nói với ông Cơ: "Chúng ta phải tuân thủ luật chơi của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an, của Hoa Kỳ và châu Âu.

Chúng ta cần tận dụng nhân tố Hoa Kỳ trong tình hình mới... Kế hoạch này rất tốt về lý thuyết, nhưng quan trọng là làm thế nào thực hiện nó. Chúng ta không nên đưa ra yêu cầu quá lớn [kiểu như là] 'nắm chắc kết quả bầu cử Campuchia). "Nếu bạn bè của chúng ta được 50% trong cuộc tổng tuyển cử, đó sẽ là kết quả lý tưởng".

Không lâu sau cuộc trò chuyện này, Bắc Kinh đã mời khẩn cấp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng hội đàm ở Thành Đô (Trung Quốc giải thích việc chọn địa điểm hẻo lánh này để bảo mật).

Mục tiêu của cuộc gặp là “nỗ lực giải quyết vấn đề Campuchia và đạt được bước đột phá trong việc bình thường hóa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam”. Đây là một điều bất ngờ, vì Trung Quốc đến thời điểm đó kiên quyết khẳng định vấn đề Campuchia phải được giải quyết ‘theo ý họ’ trước khi đàm phán việc bình thường hóa với Việt Nam.

                               Các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười

‘Cứu chủ nghĩa xã hội’

Ông Trần Quang Cơ cho rằng Trung Quốc bây giờ đã phải thay đổi lập trường, vì ưu tiên hàng đầu của họ là phát triển kinh tế đã bị trì hoãn bởi các biện pháp biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ Thiên An Môn.

Việc các bên khác (Hoa Kỳ, Nhật Bản và Asean) tăng tốc ngoại giao, loại bỏ yếu tố là cả Trung Quốc và các nước Asean đều cho rằng Việt Nam chiếm đóng Cambodia, cùng mối quan ngại của Asean về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực khiến Bắc Kinh khó kiểm soát giải pháp Campuchia. Do vậy mà nước này muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận với Việt Nam.

Đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam gặp phía Trung Quốc tại Thành Đô đầu tháng 9/1990.

Đáng lưu ý, đoàn Việt Nam không có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người mà Bắc Kinh xem là “chống Trung Quốc quá mức”.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị, ông Thạch đã bày tỏ sự phản đối về cả ‘giải pháp Đỏ’ ở Campuchia lẫn việc Hà Nội đặt cược tất cả vấn đề ngoại giao vào ván bài lợi ích chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc "cứu chủ nghĩa xã hội", theo chủ trương của Nguyễn Văn Linh và một số ủy viên bộ chính trị khác.

Lập trường của ông Thạch đã bị suy yếu khi ông không chứng minh được kết quả nếu chơi ‘quân bài Mỹ’. Cuối cùng, Hà Nội quyết định loại bỏ ông Thạch nhằm xoa dịu Bắc Kinh.

 Chỉ có Tổng bí thư Giang Trạch Dân (phải) cùng Thủ tướng Lý Bằng (giữa) tham dự Hội nghị Thành Đô

‘Xúc phạm có chủ đích’

Thoạt đầu Bắc Kinh thuyết phục ông Phạm Văn Đồng đến hội nghị Thành Đô bằng chỉ dấu là Đặng Tiểu Bình sẽ tham dự nhưng thực tế thì không.

Phía Trung quốc chỉ có Tổng bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý Bằng.

Ông Võ Văn Kiệt sau đó cho rằng đây là một sự ‘xúc phạm có chủ đích’ với Việt Nam, và rằng đoàn Việt Nam "đã rơi vào một cái bẫy" khi cử lãnh đạo cấp cao đi hội đàm mà không gặp người đồng cấp của Trung Quốc.

Đoàn Việt Nam nhanh chóng nhận ra Trung Quốc không hề quan tâm đến ‘giải pháp Đỏ’ cũng như hình thành một liên minh ý thức hệ với Việt Nam.

Trung Quốc thường viện dẫn đến khái niệm ‘đoàn kết giữa hai đảng’ chỉ khi có điều gì đó phù hợp với lợi ích riêng của họ và vẫn tiếp tục khước từ lời kêu gọi của Việt Nam muốn Trung Quốc thay Liên Xô làm ‘tường thành của chủ nghĩa xã hội’ trong một thế giới đổi thay.

Nhìn nhận hội nghị Thành Đô là một ‘thất bại ngoại giao’ của Việt Nam, ông Trần Quang Cơ giải thích nguyên do chính là Việt Nam đã tự lừa dối bằng cách bấu víu vào niềm tin rằng Trung Quốc quan tâm đến một liên minh ý thức hệ để chống lại ‘diễn biến hoà bình’ của đế quốc nhằm triệt tiêu các nước cộng sản còn lại.

Sự việc càng tồi tệ hơn khi Bắc Kinh hân hoan tiết lộ băng ghi âm các cuộc hội đàm cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam nhất trí với việc lực lượng chống Hun Sen sẽ chiếm ưu thế trong chính phủ liên minh.

Điều đó có nghĩa là Hà Nội bỏ rơi Hun Sen, nhân vật được cho là ‘người của Việt Nam’ trên chính trường Campuchia.

Một trong những mục tiêu của việc Bắc Kinh hé lộ băng ghi âm là vẽ nên hình ảnh Việt Nam ‘gian dối và không đáng tin cậy’. Và họ đã thành công: trong một cuộc họp Bộ Chính trị tháng 5/1991, ông Phạm Văn Đồng thừa nhận hối tiếc vì “bị cuốn vào ủng hộ một chính sách khôn ngoan”.

Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với ông Nguyễn Văn Linh là ông Linh đã phạm phải một ‘sai lầm nghiêm trọng’.

Đúng ngày quốc khánh Việt Nam 2/9/1990, một ngày trước khi khai mạc hội nghị Thành Đô, ông Đỗ Mười chấp nhận lời kêu gọi của Lý Bằng về việc ‘hai nước láng giềng’ (chứ không phải ‘hai đồng chí’) bình thường hóa quan hệ bình thường và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia.

Động lực của việc Hà Nội nhượng bộ Thành Đô được cho là “vì lợi ích của việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, mang tính thực dụng (bù đắp nguồn viện trợ của Liên Xô nay không còn nữa và nhượng bộ sức ép của Trung Quốc), ngoài ra cũng có một phần của ý thức hệ.

Các ông Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh đích thân bay đến Phnom Penh và cố gắng thuyết phục Hun Sen chịu câu kết với quân Pol Pot trước viễn cảnh “đế quốc đang muốn tiêu diệt chủ nghĩa xã hội”. Họ còn nói rằng Campuchia có thể đóng góp để cứu chủ nghĩa xã hội bằng cách tiến tới sự hòa giải giữa cộng sản theo Hun Sen với Đảng Cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ).

Ông Lê Đức Anh lập luận: "Người Mỹ và phương Tây muốn có một cái cớ để loại bỏ chủ nghĩa cộng sản. Họ đang loại bỏ chủ nghĩa này ở Đông Âu. Họ thông báo rằng sẽ tiến tới loại bỏ chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng họ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta phải tìm kiếm đồng minh. Đồng minh đó là Trung Quốc”.

‘Giải pháp Đỏ’ cũng khiến Campuchia từng bước trở nên xa cách Việt Nam. Đại sứ Việt Nam thông báo rằng sau cuộc họp này, thái độ của Hun Sen với Việt Nam đã thay đổi.


                                             Ông Võ Văn Kiệt trong cuộc gặp Hun Sen

Không quan thầy, chẳng tiểu đệ

Kết cục, theo tác giả David W.P. Elliott, là một Việt Nam không có quan thầy cộng sản và cũng chẳng còn tiểu đệ cộng sản.

Ông cho biết ngay cả hồi ký thẳng thắn của Trần Quang Cơ về Hội nghị Thành Đô cũng không đề cập đến tin về một đề nghị của Trung Quốc muốn “đi xa hơn vấn đề Campuchia”.

Một tờ báo Anh dẫn nguồn tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đề nghị thay thế nguồn cung hàng hóa mà Liên Xô cắt đứt, và trả lại một phần Trường Sa.

Để đổi lại sự giúp đỡ của họ, Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội ‘phối hợp tương thích’- nói cách khác là ‘phụ thuộc’ vào chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, theo một nguồn tình báo ở Bangkok.

Nguồn này được dẫn lời nói Hà Nội đã suy nghĩ rất lâu trước khi bác bỏ.

Tuy vậy, David W.P. Elliott cho rằng tình hình ngày càng xấu đi của Việt Nam sau đó khiến Việt Nam phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò phụ thuộc mà Trung Quốc áp đặt, dù thậm chí không có ‘cà rốt’.

Có thể thấy nhận định và tư liệu về Thành Đô trong cuốn sách của David W.P. Elliott dựa chủ yếu vào hồi ký của nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ.

Cuốn sách này chỉ công bố không chính thức năm 2001, đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.

Ông Trần Quang Cơ đã qua đời tại Hà Nội tháng Sáu 2015.


http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151223_thanhdo_vn_china

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét