Linh Nguyễn & Ðỗ
Dzũng/Người Việt
Hình chụp lại từ ảnh
do gia đình cung cấp, cô Nguyễn Thị Thanh Tín và người bạn trai Haisan Trịnh.
(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
SAN BERNARDINO,
California (NV) - Trong số 14 nạn nhân bị bắn chết trong vụ thảm sát ở San
Bernardino, California, hôm Thứ Tư, có một người Việt Nam.
Ðó là cô Nguyễn Thị
Thanh Tín, 31 tuổi, nhân viên thanh tra thực phẩm của Sở Y Tế San Bernardino, đồng
nghiệp của nghi can Syed Rizwan Farook, người đã nã súng vào các đồng nghiệp
mình, và sau đó bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc rượt đuổi.
Sáng Thứ Năm, 3 Tháng
Mười Hai, gia đình cô Tín được Sở Cảnh Sát San Bernardino xác nhận tin buồn, tại
một cuộc họp báo ở khách sạn Hampton Inn, San Bernardino.
Anh Haisan Trịnh buồn
bã kể về sự kiện người bạn gái ra đi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
'Message' cuối cùng
Theo lời kể của anh
Haisan Trịnh, bạn trai của cô Tín, sáng Thứ Tư, anh nghe có vụ nổ súng, nhưng
nghĩ là ở một cơ quan nào đó.
“Tôi có biết tin,
nhưng không nghĩ xảy ra chỗ Tín dự tiệc. Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút,
Tín có text một message cho cả nhóm, gồm tôi và các anh chị em họ trong gia
đình, nói về các dự định tổ chức ngày Giáng Sinh năm nay. Một hồi sau, tôi text
cho Tín, không thấy Tín text lại. Tôi text nữa, rồi gọi điện thoại, chuông reo,
nhưng không thấy Tín trả lời,” anh Haisan kể.
“Thế rồi tin tức cho
biết vụ nổ súng xảy ra ở Inland Regional Center. Thế là tôi nhờ một người bạn
lái xe chở lên San Bernardino. Trên đường đi, tôi đọc tin tức liên tục, rồi lại
text, rồi lại gọi điện thoại, nhưng đều vô vọng. Tôi bắt đầu gọi các bệnh viện
trong vùng, không có nạn nhân nào là Tín. Khi tới nơi, tôi chỉ biết chờ, vì cảnh
sát không cho lại gần,” người bạn trai kể tiếp.
“Ðến khoảng 2 giờ 30
chiều thì tôi biết có 14 nạn nhân thiệt mạng. Thế rồi cảnh sát nói với tôi: 'Nếu
không thấy bạn gái anh trong các bệnh viện, thì anh phải chuẩn bị cho điều tệ
nhất.' Tôi nghe mà buồn vô cùng. Nếu còn sống, chắc chắn Tín sẽ liên lạc với
tôi,” anh Haisan nói với giọng buồn bã.
“Cho đến giờ phút
này, cả gia đình chúng tôi vô cùng hụt hẫng,” ông Nguyễn Quang Hàm, bác ruột của
cô Tín, kể trong nước mắt.
Theo lời ông Hàm,
cũng giống như anh Haisan, cả nhà ông gọi điện thoại, nhưng cô Tín không trả lời.
“Rồi tôi gọi cho mẹ
cháu, em tôi chỉ khóc. Mỗi khi mẹ cháu gọi, cháu đều gọi lại, nhưng lần này thì
không. Cho đến nửa đêm, chúng tôi lại gọi nữa, điện thoại reo, nhưng không ai
trả lời,” ông Hàm kể.
Khi chúng tôi đến nhà
cô Tín, mẹ cô không thể tiếp chúng tôi được, vì bà quá buồn.
Trong khi đó, bà con
thân thuộc, xa gần, tất cả đã tề tựu trong nhà.
Một số người lo trang
trí trong nhà, tất cả đều màu trắng, để cầu nguyện cho cô.
Ðứa con, đứa cháu tuyệt
vời
Ông Hàm cho biết, gia
đình cô Tín chỉ có ba mẹ con sống và đùm bọc lẫn nhau, cộng với sự chăm sóc của
gia đình bên ngoại, tức gia đình lớn của ông.
“Trong tất cả các đứa
cháu, Tín là người được mọi anh em họ trong nhà yêu quý nhất. Trong cuộc đời
cháu, Tín làm rất nhiều điều tốt đẹp, cho dù không phải là bên ngoài xã hội,”
ông Hàm kể thêm.
Ông nói tiếp: “Trong
các đứa cháu, lúc nào Tín cũng gần ông ngoại. Ngay cả sau khi bố tôi qua đời,
trong bốn năm trời, tuần nào cháu cũng đến mộ ông cầu nguyện. Cháu coi ông bà
ngoại như cha mẹ.”
Theo ông Hàm, điều
ông không bao giờ quên về cô cháu gái là có một lần, Tín sắp xếp để tất cả con
cháu trong nhà chụp chung một tấm hình để gia đình làm kỷ niệm.
“Thực ra, chúng tôi
có thể làm điều này, nhưng cuộc sống nhiều khi bận rộn, lại không thực hiện được.
Thế mà nó đã dàn xếp để mọi người có chung một tấm hình 'có một không hai,'”
ông kể tiếp. “Mỗi khi trong nhà có làm gì, Tín luôn là người đứng đầu. Em gái
tôi rất thương nó, vì nó chỉ lo cho gia đình.”
Ông Hàm cho biết, đã
nhiều lần nhắc bà Vân, mẹ của Tín, thúc cô lập gia đình, nhưng cô cứ chần chờ,
vì muốn lo cho mẹ.
Ông kể: “Tôi thường
nói với em gái rằng cô ấy có phúc lắm mới có được đứa con như vậy, nhưng tôi vẫn
giục mẹ nó bảo cháu lập gia đình. Em tôi nói rằng: 'Em có nói là bác giục con lấy
chồng, nhưng nó không chịu vì nó rất nặng lòng với gia đình.'”
“Tín rất yêu thương
gia đình. Gia đình là tất cả đối với Tín. Ðó là điều tôi nhận thấy ở cô,” anh
Haisan Trịnh kể.
Anh Haisan cho biết,
anh và cô Tín học chung trung học. Cô biết anh, nhưng anh không biết cô.
Hình chụp lại từ ảnh
do gia đình cung cấp, từ trái, anh trai, mẹ, và cô Nguyễn Thị Thanh Tín. (Hình:
Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Sau này, khi đã ra
trường, trong một lần đi dự tiệc sinh nhật của một người bạn, hai người gặp
nhau, họ quen nhau từ đó.
Ðiềm báo trước?
Ông Hàm cho biết, gia
đình ông theo đạo Công Giáo, không tin vào dị đoan, nhưng trong trường hợp này,
ông cảm thấy có một cái gì đó báo trước cho sự ra đi của người cháu yêu.
“Dù không tin, bây giờ
nghĩ lại, có vẻ như sự ra đi của cháu tôi đã được định đoạt trước,” ông Hàm
nói. “Cách đây mấy ngày, cháu nói có nằm mơ, thấy ông ngoại về, ông gọi cháu. Rồi
cách đây một ngày, tự nhiên, trong lúc rửa chén bát, mẹ cháu đánh rơi cái dĩa
xuống sàn, bể tan tành.”
Gia đình cho biết,
Tín sang Mỹ lúc 8 tuổi, tốt nghiệp trung học Valley High School, Santa Ana, sau
đó tốt nghiệp cử nhân khoa học sức khỏe tại đại học Cal State Fullerton.
Theo dự trù, cô sẽ lập
gia đình vào năm tới, và mới chỉ vài ngày trước, cô đã đi thử áo cưới.
Thế nhưng, như ông
Nguyễn Quang Hàm nói với nhật báo Người Việt, “Tội nghiệp, cháu tôi vắn số
quá.”
Ông Hàm cũng cho biết,
khi còn sống, cô Tín ước mơ được làm đám cưới tại nhà thờ Saint Barbara, Santa
Ana.
“Về chuyện hậu sự cho
cháu, mẹ cháu nói rằng đó là ước mơ của cháu, nhưng không thành hiện thực.
Thành ra, mẹ cháu muốn lễ an táng của cháu được cử hành ở nhà thờ Saint
Barbara,” ông Hàm nói. “Ðiều chúng tôi tiếc cho cháu là mọi thứ của cháu đều bị
đảo lộn. Cháu có nhiều ước mơ, dự tính cho tương lai, nhưng lại ra đi vội vã.
Ðiều tôi và mọi người trong gia đình quý cháu nhất là tính cởi mở, chân thật,
và tận tụy.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét