Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Cắt giảm quân số và xu hướng cải cách của quân đội Trung Quốc


Tác giả: Nguyễn Thế Phương


Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 3 tháng 9 vừa qua đánh dấu lần thứ tư Trung Quốc cắt giảm quân kể từ giữa những năm 1980. Trong khi 300.000 là con số lớn với tất cả các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương, thì nó chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng số quân trong các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Ngay khi quyết định vừa công bố, lập tức đã xuất hiện nhiều lý thuyết khác nhau giải thích về việc cắt giảm này. Phân tích sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ góc nhìn lịch sử chỉ ra đây là một bước tiếp theo của quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, vừa giúp việc tinh gọn bộ máy nhân sự PLA, vừa là quá trình tái cấu trúc quân đội mang tính hệ thống để thích ứng với các thay đổi của môi trường chiến lược, mục tiêu hướng đến và học thuyết quốc phòng.


Cắt giảm đi kèm với thay đổi học thuyết quân sự

Trong lịch sử phát triển của quân đội Trung Quốc, các đợt cắt giảm quân sự lớn luôn luôn đi kèm với một chu trình hiện đại hoá và thay đổi học thuyết quân sự chủ đạo.

Đợt hiện đại hoá đầu tiên được tiến hành sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi sau Nội chiến Quốc-Cộng (1946-1949), kéo dài cho đến giữa thập kỷ 1980. Quân đội của Đảng Cộng sản có thể giành chiến thắng trước quân đội Tưởng Giới Thạch nhờ sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và quy ước, cùng với một kế hoạch chiến tranh tiêu hao hiệu quả. Để làm được việc này, cần một lực lượng lục quân lớn. Hồng quân Trung Quốc giai đoạn này chủ yếu là những người lính xuất thân từ nông dân với hoả lực hạn chế, tính cơ động, liên lạc và hậu cần yếu kém. Theo ước tính, ngay sau Nội chiến, tổng quân lực của hồng quân Trung Quốc vào khoảng 6,27 triệu người.

Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trong giai đoạn này đã nhận ra tầm quan trọng của quá trình hiện đại hoá. Kể từ những năm 1960, Trung Quốc duy trì một lực lượng lục quân mạnh với khả năng tiến hành chiến tranh quy ước chống lại một cuộc xâm lược lớn (từ Liên Xô), cùng một lực lượng cơ giới mạnh. Quá trình hiện đại hoá tập trung vào học thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao Trạch Đông, tăng cường năng lực cho các lực lượng tấn công quy ước, và tiếp tục phát triển  các lực lượng chiến lược mang tính răn đe (tên lửa, hạt nhân).

Học thuyết “chiến tranh nhân dân” và chiến lược “phòng thủ chủ động” của Mao Trạch Đông, cùng với sự nhấn mạnh vào phòng thủ các đường biên giới trên bộ. Học thuyết này tạo điều kiện cho lục quân Trung Quốc trong giai đoạn này giữ vai trò hết sức quan trọng, áp đảo hai quân chủng khác là không quân và hải quân. Cho tới giữa những năm 1980, quân số Trung Quốc vào khoảng 4,2 triệu quân, tức là giảm gần 2 triệu người so với thời kỳ đầu.

Đợt hiện đại hoá lần thứ hai bắt đầu từ giữa những năm 1980 cho tới giữa thập kỷ 1990. Yếu tố tác động tới quá trình hiện đại hoá lần này bao gồm cả môi trường chiến lược bên ngoài lẫn thay đổi từ bên trong. Hoà bình và phát triển đi cùng với mối quan hệ được cải thiện với Liên Xô, chính sách cải cách mở của bắt đầu từ năm 1978, cùng ảnh hưởng to lớn của Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy sự thay đổi về mặt chiến lược và tư duy phát triển của quân đội.

Vào năm 1985, Đặng đã thay thế các chiến thuật như “nhử địch vào chiến tuyến” hay “chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực” của Mao Trạch Đông lần lượt bằng “tăng cường phòng thủ chiều sâu” và “cuộc chiến khu vực ở vùng ngoại vi Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông đặt những chiến thuật như trên vào trong học thuyết cũ của Mao, mặc dù có chỉnh sửa ít nhiều. Nhiều học giả gọi đây bằng cái tên “chiến tranh nhân dân dưới điều kiện mới” (people’s war under modern conditions).

Dưới các học thuyết và chiến lược mới của Đặng Tiểu Bình, từ năm 1985 cho tới 1997, quân số Trung Quốc giảm từ 4,2 triệu quân xuống chỉ còn 2,5 triệu quân. Trong khoảng thời gian này, Bắc Kinh thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời”, không đứng ra thách thức trật tự của Mỹ và các cường quốc khác. Tuy không biểu dương sức mạnh thực tế ra bên ngoài, nhưng quân đội Trung Quốc liên tục cập nhật những diễn biến quân sự. Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất tại Iraq năm 1991 – chẳng hạn – là một trong những bước ngoặt quan trọng, tác động to lớn đến tư duy quân sự của Trung Quốc.

Bên cạnh chủ thuyết “chiến tranh nhân dân dưới điều kiện mới” của Đặng Tiểu Bình, người kế thừa ông là Giang Trạch Dân đã bổ sung một bổ đề mới: “chiến thắng cuộc chiến tranh khu vực dưới ảnh hưởng của công nghệ cao” (winning local wars under high-tech conditions). Thất bại toàn diện của quân đội Saddam Hussein dưới sức mạnh của không quân và hải quân Mỹ cho thấy tính huỷ diệt mà các loại vũ khí công nghệ cao có thể tạo ra. Hiện đại hoá quân đội Trung Quốc bước vào giai đoạn thứ ba tập trung vào khái niệm “cuộc cách mạng quân sự” (RMA): ưu tiên xây dựng một quân đội thông tin hoá đi kèm với phát triển khoa học công nghệ quân sự ở trình độ cao. Trong giai đoạn 2003-2005, quân số Trung Quốc đã giảm từ 2,5 xuống còn 2,3 triệu người.

Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu đợt cắt giảm quân lần thứ tư kể từ những năm 1980. Lần này, cũng như những lần trước, sẽ đánh dấu bước cải cách của quân đội Trung Quốc nhằm hoàn thành mục tiêu hiện đại hoá nhanh chóng trong những năm tiếp theo.

Tiếp nối chiến lược hiện đại hoá trước đây

Tuyên bố giảm quân ngay ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít và cử hành lễ diễu bình gợi nên nhiều đồn đoán. Một trong số đó kết nối với tình hình kinh tế Trung Quốc đang có những điều chỉnh đi xuống và các vụ án tham nhũng trong giới quân đội cấp cao lần lược được phanh phui. Trong bức màn bí mật của hệ thống chính trị Trung Nam Hải, quá trình quyết sách luôn là ẩn số, và không có nhiều bằng chứng có thể khẳng định mức độ chính xác hai giả thuyết.

Tuy vậy, nếu nhìn từ một chiều dài lịch sử, điểu chỉnh quân số vừa rồi có thể đơn giản là một tiếp nối của chiến lược hiện đại hóa PLA đã tiến hành ròng rã nhiều năm nay. Trong phần trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc cắt giảm quân số là phù hợp với sự phát triển của tiềm lực quốc gia. PLA sẽ tối ưu hoá cấu trúc và quy mô của mình, xây dựng một quân đội hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc. Điều này cho thấy, việc cắt giảm quân số đơn giản là một bước tinh gọn đơn thuần, trong khi nguồn lực và xu hướng chính sách không thay đổi.

Các con số nói được nhiều thứ, trong đó trước hết là phủ định phần nào về việc tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của kinh tế. Ngân sách cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 vẫn tăng trưởng hai con số ở mức 10,1%, đạt 141,45 tỷ USD. Chính quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ suốt ba thập kỷ vừa qua đã trở thành bệ đỡ cho quá trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc.

Cùng với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, có thể thấy rõ xu hướng phát triển trong tương lai của PLA thông qua bản Sách trắng Quốc phòng mới nhất của nước này được công bố vào tháng 5. Bản sách trắng 2015 nhấn mạnh tới ba điểm quan trọng đưa ra các giải thích tương đối sáng tỏ hơn. Thứ nhất, mục tiêu tối thượng của Bắc Kinh vẫn là đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia, lợi ích và chủ quyền trên biển, đảm bảo hoà bình và ổn định tại khu vực ngoại vi của Trung Quốc.

Thứ hai là phát triển PLA những năm sắp tới tập trung vào việc xây dựng một lực lượng hải quân mạnh. Sách trắng có nêu rõ “Trung Quốc phải phát triển một cấu trúc quân đội hải dương hiện đại phù hợp […] biến quốc gia trở thành cường quốc hải dương”. Và thứ ba, Sách trắng đồng thời nhấn mạnh tới yếu tố công nghệ như một nền tảng quan trọng. Trong đó là hang loạt các loại vũ khí được đề cập như thiết bị bay không người lái, vũ khí có độ chính xác cao, vũ khí thông minh. Môi trường không gian và môi trường mạng cũng được đề cập như những mặt trận mới trong quá trình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Theo cách tiếp cận của Trung Quốc, một bản định hướng chiến lược quân sự (sách trắng) cũng gần như là đại diện cho chiến lược quân sự quốc gia. Được định hình bởi Quân ủy Trung ương, bản định hướng là sự bao quát cấp ở cấp độ cao nhất về mọi khía cạnh của PLA. Kể từ khi lập quốc từ năm 1949 cho đến nay, theo tài liệu này, Bắc Kinh đã tám lần đưa ra các bản định hướng chiến lược.

Sách trắng 2015 cho thấy sự thay đổi lần thứ chín đã xảy ra, chuyển dịch từ mục tiêu “chiến thắng các cuộc chiến tranh khu vực dưới điều kiện thông tin hoá” (Winning Local Wars Under the Conditions of Informationization) sang “Winning Informationized Local Wars”. Như vậy, sự thay đổi lần này là một bước tiến hóa về chất chứ không phải là một sự đột phá mới hoàn toàn.

Các bản định hướng chiến lược được xem là nền tảng cơ bản cho chiến lược quân sự quốc gia của Trung Quốc. Năm 1957, Nguyên soái Bành Đức Hoài khẳng định: “Các định hướng chiến lược ảnh hưởng đến việc xây dựng quân đội, huấn luyện binh sĩ và sự chuẩn bị cho chiến tranh”. Một bản định hướng chiến lược được cấu thành bởi nhiều thành tố.

Đầu tiên là đối thủ chiến lược, dựa trên sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình quốc tế cũng như sự nhận thức về những mối đe dọa đến lợi ích quốc gia.

Thứ hai là các định hướng chiến lược chính, trong đó đề cập đến các tiêu điểm địa lý cho một cuộc xung đột tiềm năng, từ đó tạo ra những nhận thức nền tảng trong ưu tiên bố trí nguồn lực đối phó thích hợp.

Thứ ba là những cơ sở để chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, miêu tả các đặc điểm chính của một cuộc chiến mà Trung Quốc sẽ phải đối phó ở tương lai.

Thứ tư là những tư tưởng định hướng cơ bản, đề cập đến những nguyên tắc mà PLA phải tuân thủ trong các tình huống chiến tranh trong tương lai.

RMA và khả năng phối kết hợp

Để thấy rõ hơn về quá trình hiện đại hoá và xu hướng hiện đại hoá, không thể không nhắc tới khái niệm hay xu hướng “cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự” (RMA). Kể từ đầu những năm 2000, các sĩ quan và quan chức cấp cao Trung Quốc đã thúc đẩy khái niệm RMA như là một định hướng xây dựng và hiện đại hoá quân đội. Mặc dù chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng, các tính chất của “RMA mang đặc sắc Trung Quốc” được thể hiện thông qua các bản Sách trắng Quốc phòng các năm liên tục.

Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 đề cập tới hai điểm quan trọng giúp định hướng quá trình hiện đại hoá PLA. Thứ nhất là sự trỗi dậy của các mối đe doạ an ninh từ biển; và thứ hai là sự nổi lên của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông (một trong những thành tố quan trọng nhất của RMA). Từ hai điểm này, Trung Quốc đưa ra khái niệm “chiến thắng một cuộc chiến tranh thông tin hoá ở mức độ khu vực”.

Các tranh luận bên trong nội bộ PLA về RMA và vai trò của công nghệ thông tin nổi lên mạnh mẽ từ sau chiến dịch “Bão táp sa mạc”. PLA ấn tượng với những gì mà quân đội Mỹ làm được trước quân đội Iraq (sở hữu đa phần là vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc). Với các loại vũ khí chính xác cùng vai trò của tác chiến điện tử, quân đội Mỹ đã tiêu diệt hoàn toàn quân đội Iraq mà không hứng chịu thiệt hại nào đáng kể.

Về tái cấu trúc chỉ huy của quân đội, nhiều ý kiến cho rằng Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ cố gắng cải cách cấu trúc chỉ huy của PLA theo mô hình bộ chỉ huy hỗn hợp của Mỹ. Hợp nhất tất cả bộ chỉ huy của các lực lượng không quân, hải quân, lục quân và tên lửa chiến lược có thể được coi là bước đi cải cách cấu trúc đầu tiên. Bảy đại quân khu cũng có khả năng được rút xuống thành bốn vùng chiến lược.

Lực lượng quân cảnh sẽ được tái cơ cấu và đổi tên thành lực lượng vệ binh quốc gia với nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội địa, chống khủng bố và giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống cấp bậc của các chỉ huy quân sự địa phương sẽ bị giảm xuống để hạn chế ảnh hưởng chính trị của họ. Tất cả những thay đổi đó, nếu thật sự xảy ra, sẽ làm giảm đi đáng kể sự cồng kềnh và đa tầng nấc hiện nay trong cung cách chỉ huy của PLA.

Tập trung vào xây dựng một hệ thống chỉ huy hỗn hợp hiện đại, hiệu quả chắc chắn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình tái cấu trúc quân đội ở cấp độ chỉ huy chiến trường. Khả năng triển khai các chiến dịch hỗn hợp đa binh chủng sẽ được tăng cường nhờ hệ thống chỉ huy thông tin tác chiến hợp thành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến.

Các cải cách có thể sẽ bao gồm tối ưu hoá cấu trúc, chức năng và giám sát chiến lược của các đại bản doanh hỗn hợp. Tiếp theo đó, quá trình chỉ huy thực tế trên chiến trường cần phải hạn chế bớt vai trò của lục quân. Lục quân giảm, vai trò của không quân và hải quân sẽ gia tăng. Các quân khu sẽ phải tái cấu trúc lại hệ thống chỉ huy cho phù hợp với tình hình mới (đồng đều hơn trong thành phần chỉ huy).

Hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc tình báo, giám sát là trọng tâm của quá trình hiện đại hoá trước đây, song cái thiếu vẫn là khả năng tích hợp. Các trung tâm tác chiến cần được kết nối thông suốt, và an toàn với bộ chỉ huy trung tâm. Thông tin từ chiến trường được gửi về cho trung tâm chỉ huy theo thời gian thực. Điều này yêu cầu năng lực tình báo và giám sát phải được tăng cường. PLA đã thiết lập Cục Thông tin hoá và Cục Huấn luyện quân đội (vào năm 2011) nhằm giám sát các lĩnh vực cải cách quan trọng trên.

Để nâng cao khả năng phối hợp, không chỉ cấu trúc chỉ huy thay đổi mà những yếu tố khác cũng phải thay đổi theo. Năng lực của binh sĩ sẽ được nâng cao để phù hợp hơn với các hình thức tác chiến mới. Muốn như vậy, PLA cần điều chỉnh lại chương trình huấn luyện của mình, tập trung hơn vào các bài huấn luyện tác chiến hỗn hợp đa binh chủng. Chất lượng binh sĩ và sĩ quan hiện tại cũng bị các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá là chưa phù hợp, và cần được nâng cao hơn.

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra những nhận định lát cắt đầu tiên: tuyên bố cắt giảm 300.000 binh lính của Tổng bí thư Tập Cận Bình là một bước tinh giản cần thiết, nối tiếp quá trình hiện đại hóa PLA ít nhất là từ hơn một thập kỷ trở lại đây. Xu hướng giảm dần bộ binh chuyển dần sang hải quân, không quân phản ánh sự thay đổi của môi trường và mục tiêu chiến lược mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang hướng tới. Sự phát triển của khoa học và xu hướng tự động hóa cũng là một lý do không kém phần quan trọng. Với xu thế này, khả năng PLA sẽ còn tiến hành nhiều hơn các đợt cắt giảm khác trong tương lai là có thể dự báo trước.


http://nghiencuuquocte.net/2015/12/05/cat-giam-quan-so-cai-cach-quan-doi-trung-quoc/#more-12626

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét