Ngô Nhân Dụng
Lên ngôi từ năm 31 trước Công Nguyên, hoàng đế La Mã Augustus cho đúc
tiền thật nhiều, đồng tiền mang hình ảnh oai phong của ông, người đã mở mang đế
quốc La Mã rộng gấp đôi, xóa bỏ chế độ Cộng Hòa. Các đồng tiền đúc ra cũng cho
phép ông chi tiêu thoải mái, xứng đáng với một triều đại huy hoàng. Nhưng
Augustus có thể coi là một người đầu tiên đã thi hành một chính sách “phát triển
kinh tế bằng cách gia tăng khối lượng tiền tệ lưu hành.” Ông nới lỏng tín dụng,
ấn định lãi suất thấp, chấp nhận lạm phát, để giá cả tăng lên kích thích công
việc buôn bán làm ăn. Quá trình này có hiệu quả, ít nhất cho đến năm 10 TCN các
khó khăn mới xuất hiện.
Người nối nghiệp là Tiberius phải cứu chữa nền tài chánh bằng cách thay
đổi hoàn toàn, áp dụng một chính sách khắc khổ, tiết kiệm. Giá cả xuống, nhiều
người vỡ nợ, gia sản bị chủ nợ tịch biên bèn thưa kiện, và không ai còn muốn
cho ai vay tiền nữa. Khi một nghị sĩ báo cho một ngân hàng ông sắp đến rút tiền
lớn, ngân hàng tuyên bố phá sản. Nhiều người đi rút tiền, thêm nhiều ngân hàng
phá sản. Cơn sốt phá sản lan từ La Mã đi các địa phương, Lyons, Carthage,
Corinth ở Hy Lạp, và Byzantium ở Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ. Sau cùng, Tiberius phải
quay ngược chiều lần thứ hai, đem công quỹ phát tiền cho các ngân hàng, bắt các
ngân hàng phải lấy lãi suất rất thấp suốt ba năm, có khi bằng zero!
Giáo Sư Michael Pettis, đang dạy kinh tế tại Bắc Kinh đã nhắc lại câu
chuyện trên năm 2009, để cảnh báo chính quyền Trung Cộng không nên thả lỏng cho
các món nợ công và tư ngày càng lớn lên trong nền kinh tế Trung Quốc. Ông
Pettis cũng nhắc lại tấm gương nước Mỹ; chính sách thả lỏng tín dụng, cho vay dễ
dàng từ năm 2001 đã đưa tới cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế từ năm 2007.
Với tổng sản lượng nội địa (GDP) hơn 10 ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm, tổng số
nợ ở Trung Quốc hiện nay lớn gần gấp ba, lên tới 28 ngàn tỷ đô la.
Vào năm 2008 tỷ lệ nợ trên GDP ở nước Tàu chỉ là 100%; rồi tăng lên từ
chương trình kích thích năm đó, do phản ứng của Bắc Kinh khi kinh tế thế giới
rơi vào cơn khủng hoảng, phát xuất từ cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mỹ năm 2007,
lan sang Châu Âu. Bắc Kinh đã bơm 800 tỷ mỹ kim làm thuốc ngừa, nhờ thế kinh tế
Trung Quốc không bị suy thoái, tăng uy tín “kinh bang tế thế” của “mô hình
Trung Quốc.”
Nhưng số tiền “kích thích” đó được sử dụng như thế nào? Hầu hết dùng
trong “thế võ trấn sơn” của đảng là xây dựng, xây dựng, xây dựng. Chính quyền địa
phương và các doanh nghiệp nhà nước được vay nợ với lãi suất thấp đổ tiền vào
xi măng, thép, nhôm, xây dựng thật nhiều. Số nhà cửa, xưởng máy, đường, cầu,
phi trường, hải cảng gia tăng. Từ đó quả bóng địa ốc phồng to, căng lên dần dần
dọa nổ.
Bắc Kinh đối phó với cơn khủng hoảng địa ốc bằng cách chuyển trọng tâm
qua thị trường chứng khoán. Trong lúc hạn chế bắt ngân hàng bớt cho vay tiền để
xây nhà, các ngân hàng do nhà nước sai bảo được lệnh đem tiền cho các nhà đầu
tư mua chứng khoán. Ðồng thời, guồng máy báo đài cùng thúc đẩy việc làm giầu bằng
chứng khoán. Không cần lệnh từ cấp trên, các nhà báo đã có thể viết bài ca tụng
các công ty hay các người đầu tư, khi nhận được các phong bì, tạo nên ảo tưởng
những cách làm giầu nhanh chóng.
Hậu quả là quả bom nợ lớn lên trong thị trường địa ốc đang bị kìm hãm lại
được tăng thêm với những món nợ mới trong giới đầu tư chứng khoán. Một nền kinh
tế không thể sống bằng nợ mãi mãi. Khi các món nợ tăng lên, sẽ tới lúc chúng
tác hại. Ðó là bài học kinh tế của hoàng đế Augustus hơn 2000 năm trước.
Tỷ lệ tổng số nợ ở Trung Quốc lớn bằng 280% GDP đáng lo ngại, nhưng tốc
độ gia tăng của các món nợ còn là những tín hiệu báo động mạnh hơn nữa. Năm
2010, số nợ của các công ty tư và các cá nhân ở Trung Quốc đã tăng lên một số
tương đương với 35% GDP. Ðể so sánh, chỉ cần nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chánh
và kinh tế ở Nhật Bản những năm 1990 phát nổ khi số nợ tăng lên một năm lớn bằng
25% GDP. Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2007 khi tổng số nợ tăng thêm lớn bằn 15%
GDP.
Các cơn khủng hoảng gần đây và phương cách cứu chữa lúng túng của chính
quyền Bắc Kinh khiến không những người Trung Hoa mà cả thế giới đặt câu hỏi
không biết họ có khả năng đưa nền kinh tế đi xuống một cách nhẹ nhàng, hay là sẽ
gây đổ vỡ lớn.
Gần hai tháng trước, các thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến đã xuống
giá đột ngột, Bắc Kinh tìm cách nâng lên giá cổ phiếu với nhiều biện pháp không
bình thường: Ra lệnh người mua không được mua, người bán phải ngưng bán, và đưa
thêm tiền cho người ta vay để mua cổ phiếu! Trên thế giới chưa có một chính phủ
nào can thiệp vào giá cả trên thị trường chứng khoán như thế!
Nhưng các giải pháp bất thường này mất hiệu lực. Giữa Tháng Tám, sau
khi đã hạ giá đồng nguyên trong hai ngày liền, tới ngày Thứ Tư, Ngân Hàng Trung
Ương phải tăng giá để chặn không cho tiền xuống quá thấp. Từ ngày Thứ Hai, 24
Tháng Tám, Chỉ số Thượng Hải lại tụt xuống, trong hai ngày mất 8.5%, rồi 7.6%
và sau khi Ngân Hàng Trung Ương (Nhân Dân Ngân Hàng) đã cắt lãi suất vẫn mất
thêm 1.3% nữa. Tổng cộng giá trị các công ty Trung Quốc đã giảm 42% kể từ giữa
Tháng Sáu, gần 5 ngàn tỷ Mỹ kim biến mất, các nhà đầu tư nhỏ cháy túi!
Ðể cứu vãn thị trường chứng khoán lần thứ nhì, Nhân Dân Ngân Hàng lại cắt
lãi suất một phần tư điểm, xuống 4.6% một năm, và cho phép các ngân hàng thương
mại được cho vay nhiều hơn bằng cách giảm bớt số tiền dự trữ bắt buộc xuống
18%, giảm bớt nửa điểm. Cả hai biện pháp nhằm giúp các ngân hàng cho vay dễ
dàng hơn, có thể đưa thêm tiền cho những người muốn vay để mua cổ phiếu. Chỉ cần
giảm 0.50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng cho phép các ngân hàng cho vay thêm 678 tỷ
đồng nguyên, tương đương với 106 tỷ đô la. Trong ngày Thứ Năm, 27 Tháng Tám,
cơn sốt hạ nhiệt độ, thị trường Thượng Hải tăng lên được 5.3%.
Chính sách thả lỏng tín dụng này có thể giúp thị trường chứng khoán ổn
định trong ngắn hạn nhưng sẽ khiến cho quả bom nợ càng nguy hiểm hơn. Người ta
có thể kéo dài thời gian chờ bom nổ, nhưng nếu không tìm cách tháo ngòi thì cơn
nguy biến sẽ tới.
Chưa có xã hội nào thoát khỏi hậu quả tai hại khi thả cho quả bóng nợ
tăng lên mãi, Ðế quốc La Mã năm 10 trước Công Nguyên; Nhật Bản năm 1990, nước Mỹ
năm 2007, đó là những bài học đắt giá.
Cả thế giới đang theo dõi tình hình kinh tế nước Trung Hoa vì tất cả
các nước hiện nay đang liên hệ chặt chẽ với nhau. Trung Quốc đã từng nhập cảng
58% số quặng sắt, 58% số đậu nành, 31% số đồng thau, 15% số dầu lửa trên thế giới.
Tất cả những nước cung cấp tiếp liệu cho hơn một tỷ người Trung Hoa sẽ cùng xuống
dốc với khách hàng của họ. Những nước này gồm từ Brazil qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới Phi
Châu. Công nghiệp Ðức bán máy móc cho các xí nghiệp Tàu đã chứng kiến số bán giảm
5% từ đầu năm tới nay.
Nước Mỹ có lẽ bị ảnh hưởng nhẹ nhất. Số thu trong nhờ giao dịch với
Trung Quốc của các công ty Mỹ trong chỉ số SP500 chỉ lớn bằng 2% tổng số bán của
họ trên toàn thế giới. Số xuất cảng từ Mỹ sang Tàu chỉ bằng 1% GDP; nếu có giảm
bớt 10% thì cũng không đáng lo. Chủ tịch công ty Apple mới họp nhân viên thông
báo rằng chi nhánh ở Trung Quốc vẫn yêu cầu gửi thêm hàng, mặc dù số điện thoại
di động bán ở Trung Quốc đã giảm! Nhưng khi kinh tế các nước ở Châu Mỹ La tinh,
Châu Âu, Châu Á xuống thì họ cũng chính là những khách hàng của Mỹ! Cho nên nước
Mỹ cũng khó bình chân như vại!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét