'Phong trào công nhân VN đã trưởng thành'
Phong trào đấu tranh của công nhân và người lao động Việt Nam chứng
kiến diễn biến lịch sử sau khi lần đầu tiên qua nhiều năm, đình công của
công nhân Sài Gòn đã làm chính quyền phải thay đổi chính sách ở tầm
quốc gia, theo các khách mời của
Bàn tròn Giữa tuần của BBC.
"Trước một hiện tượng đình công lớn như vậy và nguyên nhân của đình công không phải là do bị ngược đãi, mà đây là đình công phản đối... về một vấn đề chính sách bảo hiểm mà một dự luật mới ra đời, tôi nhận xét rằng đây là một xu thế tất yếu của tiếng nói độc lập của người công nhân.
"Bởi vì từ trước đến nay chúng ta có công đoàn, nhưng những vấn đề chính sách thuộc về công nhân thì dường như công nhân không có được tiếng nói của mình ở trong các chính sách, cũng như pháp luật về người lao động.
"Và vì thế cho nên tuy nó là bột phát, nhưng theo tôi đây là một xu hướng tất yếu. Điều này đặt ra hai cách thức đối với chính phủ.
"Cách thứ nhất là phải thấy rằng cần phải thành lập công đoàn độc lập để cho người công nhân có được tiếng nói độc lập của mình, liên quan đời sống của những người lao động.
"Thứ hai là việc tạo tiếng nói cho người lao động hay là minh bạch hơn nữa quá trình làm luật, chính sách, đang đòi hỏi chính phủ cần phải minh bạch hơn nữa. Nếu như không minh bạch trong làm chính sách, thì chắc chắn, nhiều chính sách sai lầm không gắn với thực tiễn sẽ bị phản ứng.
"Mà mức độ phản ứng này theo chúng tôi, nó là một tiếng chuông cảnh báo cho nhà nước về câu chuyện làm luật và làm chính sách, vì từ trước đến nay quy trình làm luật và chính sách của chúng ta (Việt Nam), gần như nó được thực hiện trong khép kín, trong nội bộ chính quyền, chứ nó rất ít được tham vấn ý kiến, nguyện vọng của các đối tượng mà dự án luật, hay một chính sách được ban hành có thể tác động đến người dân.
"Điều này theo tôi, về mặt nhà nước, chắc chắn phải có bài học rõ ràng và phải có điều chỉnh, đặc biệt hiện nay Quốc hội đang xem xét luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm sao hoàn thiện hơn quy trình làm luật", PGS. Hoàng Ngọc Giao nói với Bàn tròn từ Hà Nội.
'Tin vui, khởi sắc'
Từ Bắc Giang, Tiến sỹ Trần Tuấn, chuyên gia về chính sách phát triển cộng đồng thuộc một cơ quan nghiên cứu độc lập thuộc Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết cảm tưởng về sự kiện cuộc đình công ở Tân Tạo đã thành công khi 'buộc được' chính phủ thay đổi chính sách và hứa đề nghị Quốc hội sửa luật về chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động."Khi tiếp nhận tin này, thứ nhất là tôi không ngạc nhiên và điểm chia sẻ chung là đây là một tin vui, bởi vì nó đã thể hiện thấy rằng người lao động, hay người dân nói chung không những là không còn thờ ơ với chính sách của nhà nước, mà bây giờ đã trực tiếp tham gia vào kể cả những dự thảo luật mới ban hành.
"Và sự kết nối với một số lượng đông như vậy, xảy ra trong một tình hình trật tự như vậy, không có những xô xát xảy ra, báo hiệu một bối cảnh mới, trong đó tình trạng bạo lực, đàn áp sẽ theo chiều hướng không còn như trước đây. Đây là một điều mừng."
Còn từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, chủ biên tờ báo mạng ' Việt Nam Thời báo', thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (không được nhà nước công nhận), nêu quan điểm:
"Tôi đánh giá đây là một phong trào xã hội thứ hai, tiếp theo 'Phong trào Dân oan', nổi lên từ năm 2006 cho tới gần đây. Trong hàng chục năm qua, phong trào dân oan đã khởi sắc và người ta phản đối chính sách đất đai toàn dân và người ta yêu cầu phải có đất đai sở hữu tư nhân.
"Còn người ta nhìn thấy vào mùa Xuân năm nay, tôi muốn nói là mùa Xuân Việt Nam, khởi sắc một phong trào thứ hai gọi là 'phong trào công nhân'. Đây là một phong trào chưa từng thấy và nó ảnh hưởng rất rộng.
"Phóng viên của chúng tôi đã tỏa ra và ghi nhận không chỉ ở Sài Gòn mà vài ngày sau, làn sóng đình công đã lan ra Long An, từ Long An lại lan sang Bình Dương là miền Đông Nam Bộ, và từ miền Đông Nam Bộ lại lan về miền Tây Nam Bộ là Tiền Giang.
"Như vậy hiện nay chúng ta có bốn địa phương, một là Sài Gòn, hai là Bình Dương, ba là Long An và thứ tư là Tiền Giang. Và tôi nghĩ rằng người công nhân họ bức xúc rất chính đáng về vấn đề này, đó là luật Bảo hiểm Xã hội mới năm 2014 đã không đáp ứng được quyền lợi của họ.
"Và theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), đến năm 2021, Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam có thể vỡ, và đó là một khả năng khá là cận kề và một số chuyên gia, một số học giả, giới trí thức và những người công nhân, họ đánh giá tình hình còn thê thảm hơn, gần hơn.
"Có nghĩa là nếu mà không cẩn thận thì chỉ trong vòng 3-4 năm nữa thôi, thậm chí là 2-3 năm nữa thôi là Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể vỡ," ông Dũng nói với Bàn tròn.
Giải pháp ưu tiên
Các khách mời tại Bàn tròn cho rằng đình công cũng có những khía cạnh bất lợi cho giới chủ, nhà đầu tư, kể cả nhà nước, và với người lao động có thể là 'cực bất chẳng đã' thì đã phải dừng làm việc để đấu tranh.Và khi được hỏi đâu là giải pháp ưu tiên để giải quyết rốt ráo, triệt để các vấn đề dẫn đến đình công, tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan giới công nhân, thợ thuyền, giới chủ, nhà đầu tư, nhà nước và cả cộng đồng đều được hưởng lợi và 'cùng thắng', Tiến sỹ Phạm Thị Loan, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói:
"Theo tôi, giải pháp ưu tiên là nên để cho Công đoàn Độc lập ra đời, nhưng vấn đề ở chỗ là tổ chức công đoàn này phải thực sự là người đại diện cho người lao động và hệ thống bộ máy, cũng như cơ chế vận hành của tổ chức công đoàn này phải thực sự có chất lượng và đủ mạnh để đại diện cho tiếng nói của người lao động.
"Bởi vì theo quan điểm của tôi, giới chủ cũng muốn có một công đoàn độc lập này để mà có người đối thoại cho chính thống. Và khi mà việc đình công nổ ra thì nó cũng là vấn đề có tổ chức, chứ hiện nay, kể cả giới chủ cũng không yên tâm, bởi vì mỗi một lần công nhân đình công thì đấy là tự phát và nhiều khi thiệt hại cho cả giới chủ.
"Cho nên theo quan điểm của tôi, ưu tiên hiện nay Chính phủ nên cho phép Công đoàn Độc lập ra đời. Nhưng còn với những người lao động, đối với toàn thể những người lao động thì cần phải làm thế nào đấy để có được một tổ chức công đoàn thực sự đủ mạnh, đủ tầm cỡ, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh, để đại diện cho toàn thể những người lao động.
"Để có thể cùng ngồi vào bàn và đối thoại với những người lập chính sách hoặc là những người vận hành chính sách, cái đấy quan điểm của tôi là nên càng sớm, càng tốt.
"Còn đừng lo, đừng nghĩ rằng làm như thế thì sẽ đối lập với chính quyền, thì tôi nghĩ không phải như thế, bởi vì người dân Việt Nam lúc nào cũng có trách nhiệm với đất nước Việt Nam, có trách nhiệm với nhân dân Việt Nam, cho nên nếu họ có thành lập ra cái gì đấy, thì cũng là vì trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với nhân dân.
"Cho nên nếu là một chính quyền có trách nhiệm với dân, thì cần phải hướng đến những quyền lợi của người dân, cũng như những ông chủ, những người chủ chân chính là những ông chủ mong muốn mang đến lợi ích hai bên gọi là "win-win" (cùng thắng) cho cả hai phía," Tiến sỹ Phạm Thị Loan, người cũng đồng thời là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Việt - Á nói với BBC hôm thứ Năm.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét