Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Nguyễn Hưng Quốc - Người Việt Vị Kỷ


Nguyễn Hưng Quốc - Người Việt Vị Kỷ



Hầu như tất cả sách vở bằng tiếng Việt đều nhấn mạnh: người Việt Nam có tinh thần cộng đồng cao. Trong bảng giá trị truyền thống của Việt Nam, nước bao giờ cũng đứng trên làng; làng bao giờ cũng đứng trên gia đình; và gia đình bao giờ cũng đứng trên cá nhân.

Thế nhưng chỉ cần nhìn vào đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy khác hẳn.

Ở Việt Nam, bất cứ nơi nào cần phải sắp hàng cũng có vô số người chen lấn, không cần biết người khác rồng rắn chờ đợi bao lâu cả. Đi ngoài đường, có vô số người sẵn sàng vất rác xuống bất cứ nơi nào, mặc kệ vệ sinh chung, nghĩa là mặc kệ người khác. Buổi sáng hay buổi chiều, ngay ở các thành phố lớn, người làm việc dọn dẹp hàng quán, dùng chổi hất rác ra ngoài đường, bất kể người qua lại. Mỗi lần gặp tai nạn, trong lúc những người ngoại quốc thường tổ chức thoát hiểm một cách trật tự thì người Việt phần lớn mạnh ai nấy chạy.

Gần đây, qua những video clip về các vụ hành hung trong học đường được tung lên mạng, dư luận sửng sốt trước cảnh một số học sinh, có khi là học sinh nữ, xúm vào đánh túi bụi một học sinh khác, trong lúc nhiều học sinh đứng hay ngồi chung quanh nhìn. Dửng dưng. Hay cảnh học sinh đánh thầy giáo đến ngất xỉu trên bục giảng và các học sinh khác trong lớp hay ngay cả đồng nghiệp đứng nhìn. Dửng dưng. Qua báo chí, người ta phát hiện một số trẻ em bị chủ hoặc có khi ngay cả bố mẹ hành hạ đến thượng tật trong suốt bao nhiêu năm và người ta cũng phát hiện một sự thật khác: trong suốt bao nhiêu năm ấy, xã hội chung quanh đều dửng dưng.

Thật ra, nói như vậy dễ làm nhiều người động lòng. Nhưng dù sao, đó cũng là sự thật. Và sự thật đó đã được biết lâu lắm rồi. Bởi vậy, nhiều người, phải nói là rất nhiều người, thường nói: một người Việt Nam thì hơn một người Nhật; hai người Việt Nam thì bằng hai người Nhật; nhưng ba người Việt Nam thì lại thua ba người Nhật. Lại có người kể chuyện cười: Nếu bị rớt xuống một cái hố sâu, ba người Nhật sẽ tìm cách kênh nhau và kéo nhau lên mặt đất; còn ba người Việt Nam thì không bao giờ: Khi người này tìm cách trèo lên thì hai người kia sẽ nắm chân kéo xuống!

Nhớ, đã lâu, trong một lần trò chuyện, nghe một trí thức Việt Nam ra vẻ ưu thời mẫn thế, than thở là sức mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ gia tăng gấp bội nếu mọi người biết ngồi lại và làm việc chung với nhau, một người bạn ngoại quốc, vốn là một học giả chuyên về Việt học, cười đáp: “Nếu biết đoàn kết thì đâu còn là người Việt nữa!” Tất cả người Việt Nam đứng đó đều im lặng. Làm sao mà cãi lại được chứ?
Chính tính vị kỷ đã đẻ ra sự chia rẽ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét