Phi Khanh/Người Việt
Từ Sài Gòn, mua một
vé xe đường dài, đi gần một ngày đường, đất Cà Mau hiện ra với đầy đủ cảm giác
miên man của một tỉnh địa đầu tổ quốc.
Tìm một phòng trọ vừa
phải nghỉ qua đêm, sáng mai lại tiếp tục mua vé tàu cao tốc ra Ðất Mũi. Ngồi
tàu cao tốc gần bốn giờ đồng hồ, Ðất Mũi hiện ra chơi vơi, bồng bềnh giữa ba
bên là biển, một bên là rừng tràm, sú, vẹt và những thanh âm của rừng ngập mặn,
thanh âm của trùng dương.
Nơi đây, mọi thứ đều
khó, việc đi lại, học hành và kiếm sống vô cùng khó, nghề thụt ba khía như một
thứ cứu cánh trong thời đại mà người ta cảm thấy sợ những sản phẩm công nghiệp.
Nói về nghề thụt ba
khía, có lẽ hiếm có nghề nào ở Ðất Mũi lại dễ kiếm tiền như nghề này. Không những
dễ kiếm tiền, nghề thụt ba khía còn cho người nghèo một thứ cảm hứng bất tận để
sống, để vượt qua mọi nỗi buồn nơi đầu sóng ngọn gió.
*Mỗi ngày thấy mặt trời
lên
Anh Út Dã, một người
thụt ba khía có thâm niên hơn hai chục năm nay, nói với chúng tôi: “Nghề này chỉ
mới phát triển chừng sáu, bảy năm nay thôi, mới kiếm được tiền đấy chứ ngày xưa
thì không!”
“Cách đây chừng sáu,
bảy năm, ba khía không làm gì cho hết, các loại tôm, ốc, thậm chí tôm hùm còn đầy
rẫy ra, vậy mà chưa đầy mười năm, mọi chuyện thay đổi kinh khủng quá, thiên
nhiên hình như cũng khô cằn ra thì phải. Bây giờ người ta nuôi tôm, nhân giống
tôm nhưng con tôm lại trở nên khan hiếm, đánh bắt cả ngày cũng không có tôm
hùm.”
“Ngày trước chỉ cần cất
rớ là đã có cái để ăn, cua đồng, của xanh, cua mang vuông, cua tím đều có cả.
Bây giờ hiếm lắm. Không hiểu sao bây giờ các loại đều hiếm. Miền Tây ngày xưa
chỉ cần ra ruộng bắt cũng có cá. Bây giờ không có đâu. Chỉ có con ba khía nó ở
sâu trong hang, ít ra ngoài như con cua nên còn nhiều.”
“Vì cua hiếm nên mắm
ba khía trở thành đặc sản, một ký mắm ba khía thượng hạng có thể lên đến một
triệu đồng, loại vừa vừa thì vài ba trăm ngàn, bốn năm trăm ngàn đồng. Cũng nhờ
vậy mà ngày nào tui thụt được chừng hai ký ba khía thì có thể kiếm tiền triệu.
Bà vợ ở nhà chế biến thành mắm mang ra chợ bán.”
“Nhưng nói thì nói vậy
chứ không phải ngày nào cũng có tiền, bởi vì bây giờ người ta thụt nhiều lắm rồi.
Ði đâu cũng đụng đầu. Cái rẻo Ðất Mũi này rộng chừng ba chục cây số vuông.
Trong đó phần rừng ngập mặn chiếm hết hơn hai phần ba, đất để ở ít lắm. Ao đầm
thì bây giờ có chủ hết rồi. Rừng ngập mặn cũng có chủ rồi, bờ biển Khai Long
cũng đã có chủ, mở khu du lịch rồi. Coi như dân ngày càng khó ra.”
Có lẽ chính vì điều
kiện sinh sống, đất sống ngày càng eo hẹp mà phần đông người Ðất Mũi bỏ lên
thành phố để làm thuê. Mặc dù cuộc sống tất bật của thành phố không hề hợp với
điệu sống bồng bềnh, lãng đãng của họ nhưng họ chấp nhận lao vào thành phố để
bươn chải. Ði cả một ngày đường ở Ðất Mũi mà gặp chẳng được mấy người trẻ. Toàn
là người già và trẻ con.
*Mắm ba khía, ăn một
miếng nhớ một đời
Cũng theo anh Út Dã,
mắm ba khía là món ngon mà ăn vào khó quên. Sở dĩ nó ngon đến mức khó quên bởi
hương vị rất sang trọng nhưng cách ăn thì lại rất dân dã, gần với nhà nghèo.
Chị Bé Sáu, người bán
mắm ba khía ở chợ Quận 2 Cà Mau, nói với chúng tôi: “Mắm ba khía làm cũng rất
đơn giản, chỉ cần có muối ngon, ba khía thụt về, rộng trong chậu nước sạch và đầy
chứng ba tiếng đồng hồ, sau đó cho nó ngâm mình trong nước vo gạo chừng 3 tiếng
đồng hồ nữa và đem ra ngâm lại nước lạnh cho đến khi nó nhả sạch bùn trong ruột.”
“Khi ba khía ít động
đậy thì mình cho muối vào, tỉ lệ muối mặn hay nhạt sẽ quyết định mắm đó chua
hay mặn. Ðây là bí quyết làm mắm. Mình muối chừng hai chục ngày cho đến khi hũ
mắm bị đứt chưn. Nghĩa là toàn bộ ba khía nổi lên trên bề mặt hủ, có một lớp nước
ở bên dưới thì cũng là lúc mắm bắt đầu chín.”
“Lúc này nếu mà kỹ
thì mình nướng mấy khúc mía thật chín, rửa sạch và chần lên trên miệng hũ mắm để
đè ba khía chìm xuống. Chừng mười ngày sau thì có thể mang ra dùng được. Nhưng
đây chỉ mới là giai đoạn làm thô. Giai đoạn chế biến mới quan trọng.”
“Khi vớt mắm ra, mình
phải dùng đôi đũa sạch để hũ mắm khỏi bị dơ nước, có dòi. Sau đó xé nhỏ từng
con ba khía và trộn với một ít đường, ớt, sả, củ riềng, củ gừng, tỏi giã nhỏ và
chanh. Trộn đều lên cho đến khi cả bát mắm thơm ngào ngạt. Lúc này ráng nhịn một
chút, chờ cơm nóng mang ra. Chỉ ăn cơm trắng đang nóng với mắm ba khía. Ăn một
miếng sẽ nhớ suốt đời.”
Nói xong, thấy chúng
tôi có vẻ mê mẩn, chị Bé Sáu mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Nồi cơm nấu bằng
lửa rơm thơm ngát (đây là chủ ý của chị chứ nhà chị vẫn có bếp gas, có mọi thứ),
bát mắm cứ chín dần theo đôi đũa trộn của chị.
Chị đơm cho mỗi người
một chén cơm trắng và mời mọi người gắp mắm. Chắc là khó để tả cái cảm giác cơm
gạo thơm ngấm vào đầu lưỡi, sau đó là vị mắm chua chua, ngọt ngọt và mặn mặn, vừa
thơm mùi gừng, tỏi riềng lại vừa thơm mùi ruộng đồng, miệt vườn. Trong đó, một
chút hương phù sa quyện vào đầu lưỡi.
Thật là khó quên bữa
cơm trắng mắm ba khía nơi địa đầu tổ quốc, nơi của những con người chân chất, mộc
mạc, hồn hậu và thân thiện. Hình như trong ẩm thực cũng mang đậm hồn vía, tính
cách của vùng miền thì phải?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét