Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Luật Hiến pháp và Chính trị học (8)


Nguyễn Văn Bông


 
THIÊN THỨ BA: SỰ THAM GIA CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG DÂN TRONG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

VẤN ĐỀ THAM GIA CHÍNH TRỊ

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc sưu tầm, nghiên cứu của khoa chính trị học tiết lộ rằng sự tham gia của công dân vào cuộc sinh hoạt chính trị kém phần đắc lực. Đây là một hiện tượng chính trị mà người ta tìm thấy không những trong các nước mà mức sống đã lên cao, mà luôn cả trong những quốc gia mới nữa. Và là một hiện tượng cực kỳ quan trọng liên hệ mật thiết đến nền dân chủ cận đại. Người ta có thể quả quyết rằng chính vì công dân không lưu tâm cho mấy đến cuộc sinh hoạt chính trị, vì, công dân chịu đựng hơn là hoạt động để ảnh hưởng đến đời sống chính trị mà khuynh hướng độc tài có cơ hội phát triển.

Nếu chính thể dân chủ – như mọi người đã biết – có ý nghĩa sâu xa là toàn dân tự quyết định lấy vận mệnh của mình, thì vấn đề then chốt là vấn đề công dân tham gia chính trị.

Cần phải nhận định ngay rằng tham gia chính trị không có nghĩa là tham gia chính quyền! Nó cũng không có nghĩa là cúi đầu tuân lệnh.

*

Mỗi người trong chúng ta đương nhiên là phần tử của một xã hội chính trị, vì mỗi người chúng ta đã được sinh ra và sống trong xã hội ấy. Dù muốn dù không, chúng ta thuộc về một xã hội chính trị. Nhưng thuộc về một xã hội chính trị là một chuyện, mà ý thức tầm quan trọng của mối tương quan giữa mình và xã hội ấy và cùng chung một định mệnh là một vấn đề khác nữa.

Thường thường công dân chỉ nhận thức được xã hội chính trị qua những sự kìm chế, sự cưỡng bách đè nén lên đầu họ để rồi khi nói đến Quốc gia, Nhà nước, họ không khỏi có một thái độ thờ ơ, một cái nhìn lãnh đạm. “Chúng nó”, “Các ổng”… là những danh từ chỉ chính quyền và gián tiếp phủ nhận vai trò đại diện, và thái độ thờ ơ đối với thời cuộc vẫn tiếp diễn giữa lúc sự sống còn của đất nước được đặt ra.

Tất cả vấn đề là phải đảo ngược khuynh hướng tai hại này và chỉnh đốn cuộc sinh hoạt chính trị. Nói đến sinh hoạt chính trị là nói đến tất cả những hành vi của công dân nhằm mục tiêu hướng dẫn bộ máy chính quyền.

Tham gia chính trị  – ở đây là tham gia của công dân vào cuộc sinh hoạt chính trị  – chỉ có nghĩa là khi nó được thể hiện qua sự can thiệp của công dân vào những vấn đề công cộng.

Sự tham gia này – điều kiện tất yếu để tránh ngay khuynh hướng độc tài và củng cố cuộc sinh hoạt chính trị dân chủ – không được nhiều người chú ý. Và thái độ bất tham gia, thái độ thụ động vẫn tiếp tục ngự trị trong thực tế và trong lòng người.

CHƯƠNG I: TUYỂN CỬ

Mục I: CHẾ ĐỘ TUYỂN CỬ VÀ ĐẶC TÍNH CỦA ĐẦU PHIẾU

Đoạn 1: CHẾ ĐỘ TUYỂN CỬ

Ngày nay, với sự tiến triển của tư tưởng dân chủ, chế độ tuyển cử là chế độ phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, cần phải ý thức ngay rằng hiện tượng này là thành quả của bao thế kỉ đấu tranh của các dân tộc trên thế giới hầu giành quyền bầu cử. Trước đây – và giờ này trong một vài nước – chế độ tuyển cử không có tính cách phổ thông, rộng rãi và trái lại quyền đầu phiếu bị hạn chế rất nhiều: đó là chế độ hạn chế đầu phiếu. Chúng ta sẽ lần lượt trình bày hai chế độ này:

A. Chế độ hạn chế đầu phiếu

Có hạn chế đầu phiếu khi nào quyền bầu cử không phải là quyền đương nhiên của mỗi công dân. Có đầu phiếu hạn chế khi nào quyền bầu cử chỉ dành cho những công dân hội đủ một vài điều kiện như tài sản, học lực, giai cấp xã hội, chủng tộc.

1. Hình thức thứ nhất của hạn chế đầu phiếu là chế độ đầu phiếu theo thuế ngạch: ở đây điều kiện đòi hỏi là tài sản: nghĩa là chỉ có quyền bầu cử những công dân nào có đóng một số thuế tối thiểu được ấn định trước. Những người chủ trương chế độ đầu phiếu theo thuế nghạch quan niệm rằng chỉ có những người có thể đóng thuế – nghĩa là những người có tài sản mới thực là những công dân tha thiết với việc quốc gia. Chính những người này mới có quyền bầu cử, nghĩa là tham gia vào việc chọn lựa nhà cầm quyền – vì chính họ là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những quyết định của chính quyền.

Trên đây chỉ là một quan niệm quá chật hẹp, quá vật chất về tác dụng của tuyển cử. Không phải có tài sản mới quan tâm đến quốc sự, không phải chỉ có những công dân giầu có mới chịu ảnh hưởng của những quyết định của chính quyền. Thật ra, chế độ đầu phiếu theo thuế ngạch chỉ là một biện pháp nhằm kìm hãm sự tiến triển của phong trào dân chủ bằng cách truất quyền bầu cử của đại đa số công dân mà dành quyền ấy cho các địa chủ trong lúc đương thời. Không quyền bầu cử tất nhiên là không quyền ứng cử, rốt cuộc là đại diện nhân dân và nhà cầm quyền thuộc về một giai cấp nào đó.

2. Hình thức thứ hai của hạn chế đầu phiếu là chế độ tuyển cử theo năng lực; ở đây điều kiện là một trình độ học thức tối thiểu. Mục đích là loại hẳn những người được xem là không xứng đáng, ví dụ như mù chữ, không biết đọc và không biết viết. Tất cả vấn đề là chúng ta tự hỏi chế độ đầu phiếu năng lực có phải là một vi phạm quan trọng đến tính cách phổ thông của cuộc đầu phiếu hay không? Câu trả lời rất tế nhị vì nó tùy thuộc trình độ giáo dục của mỗi quốc gia. Trong một quốc gia mà giáo dục được phổ biến rộng rãi, vấn đề thất học chỉ là một ngoại lệ, thì sự kiện loại những người mù chữ chỉ là một biện pháp hữu hiệu chặn đứng những công dân thiếu năng lực. Trái lại, trong những quốc gia mà giáo dục không được phổ thông lắm, đa số vẫn còn mù chữ, dành quyền bầu cử cho người biết đọc và biết viết tức là áp dụng đầu phiếu hạn chế vi phạm đến tính cách phổ thông của tuyển cử. Áp dụng đầu phiếu hạn chế có thể là chính đáng, nhưng dù sao cũng có tính cách phản dân chủ.

Tóm lại, tùy theo trình độ giáo dục của mỗi xứ, chế độ tuyển cử theo năng lực được xem là vi phạm hay không đến tính cách phổ thông của đầu phiếu.

3. Ngoài những điều kiện về năng lực hay tài sản, người ta còn tìm thấy những hình thức hạn chế khác liên quan đến điều kiện giai cấp hay chủng tộc. Hạn chế đầu phiếu còn có một hình thức khác nữa liên quan đến vấn đề phụ nữ. Phụ nữ có quyền đi bầu hay không là một đầu đề được tranh luận sôi nổi. Vì đây là một khía cạnh của vấn đề nam nữ bình quyền.

Những người chủ trương truất quyền bầu cử của phụ nữ cho rằng:
  • Phụ nữ, bản tính yếu ớt rồi, tất nhiên là khác nam nhi.
  • Phụ nữ không gánh vác nhiều việc nước nhất là không thi hành quân dịch.
  • Phụ nữ có nhiệm vụ thiêng liêng là “tề gia nội trợ” bầu cử để làm gì; những hoạt động ngoài xã hội, nhất là chính trị dành cho nam giới.
Đó là những lí do phủ nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Mặc dù ngày nay những lí do trên không còn xác đáng nữa, nhưng nó đã làm cản trở không ít việc phụ nữ bầu. Bằng cớ là ngay giờ phút này, phụ nữ vẫn chưa có quyền đi bầu tại Thụy Sĩ. Và tại Hoa Kỳ phụ nữ có quyền bầu cử ở năm 1920, ở Anh 1928, tại Pháp 1945.

Tóm lại, qua những hình thức mà chúng ta vừa thấy đó, phụ nữ, chủng tộc, giai cấp, năng lực hay tài sản chế độ hạn chế đầu phiếu đã được áp dụng rất lâu. Nhưng đây là một chế độ giao-thời và chế độ này đã nhường chỗ cho chế độ phổ thông đầu phiếu trong rất nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay.

B. Chế độ phổ thông đầu phiếu

Có phổ thông đầu phiếu là khi nào quyền bầu cử của công dân không bị hạn chế bởi những điều kiện về tài sản, học lực, giai cấp v.v… Trong chế độ phổ thông đầu phiếu tất cả công dân không phân biệt, có học hay thất học đều có quyền đi bầu.

Tuy nhiên phổ thông đầu phiếu không có nghĩa là bất cứ công dân nào cũng có quyền đi bầu cử. Dù đầu phiếu có phổ thông, cũng còn có những loại người mà quyền đầu phiếu bị phủ nhận.

1. Loại thứ nhất: những vị thành niên

Người ta quan niệm rằng sử dụng lá phiếu là một điều tối quan trọng vì tác dụng của nó là chọn lựa nhà cầm quyền, một điều tối quan trọng như vậy, một hành vi căn bản như thế, những vị thành niên – nghĩa là những con người chưa đủ lí trí, chưa hiểu biết – không thể làm được.

Nhưng tuổi nào là tuổi trưởng thành để có quyền sử dụng lá phiếu? Ấn định một con số tùy thuộc ở mỗi quốc gia và trong giai đoạn lịch sử của quốc gia đó. Thường thường là 21 tuổi nhưng cũng có thể dưới 21 hay trên 21.

Ở Việt Nam ta[i], chiểu theo Dụ số 8 ngày 23-4-1956, tuổi trưởng thành để có quyền đi bầu cử là 18 tuổi. Và Sắc luật ngày 19-6-1966 ấn định thể thức bầu cử Quốc hội Lập hiến trong điều 4 có ấn định rằng: “Cử tri trong mỗi đơn vị bầu cử là những người có quốc tịch Việt Nam, bất luận nam hay nữ, đủ 18 tuổi”.

2. Loại thứ hai: những người điên

Ở đây là những người đã được xác nhận là có bệnh loạn óc và bị giữ tại nhà thương điên. Và những người bị cấm vì trí óc thiếu minh mẫn. Tất cả những người này đều không quyền đi bầu.

3. Loại thứ ba: những người không xứng đáng

Không xứng đáng nghĩa là những ai can tội thường phạm về đại hình hoặc tiểu hình: giết người, trộm cướp, lừa gạt, biển thủ v.v… Tất cả những người này không còn xứng đáng là công dân một nước tự do và mất quyền bầu cử. Có thể xem như không xứng đáng những công dân đã cộng tác với địch hoặc có những hành động phản quyền lợi quốc gia trong thời kỳ bị chiếm đóng.

4. Loại thứ tư: những ngoại kiều

Ngoại kiều cư trú trong nước – vì không phải là công dân – nên không quyền đi bầu. Và dù có nhập tịch đi nữa, họ phải đợi một thời gian mới có quyền bầu cử.

Tóm lại, ngoài những loại kể trên, tất cả đều có quyền bầu cử trong một chế độ phổ thông đầu phiếu.

Đoạn 2: NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA ĐẦU PHIẾU

Đầu phiếu có thể có tính cách công khai hoặc kín, bình đẳng hoặc bất bình đẳng, trực tiếp hoặc gián tiếp, tự do hoặc cưỡng bách.

A. Đầu phiếu công khai và đầu phiếu kín

Đầu phiếu kín, ngày nay được xem là một bảo đảm quan trọng cho tự do của cử tri. Vì nếu phải công khai bầy tỏ lập trường của mình, có thể sợ rằng công dân không còn độc lập tinh thần để quyết định: công chức theo chỉ thị thượng cấp, quân nhân theo lệnh của cấp chỉ huy.

Tuy nhiên, đầu phiếu công khai thường được áp dụng tại Nghị viện trong những trường hợp quan trọng. Người ta quan niệm rằng, ít ra trước những vấn đề quan trọng, thái độ của dân biểu phải thẳng thắn rõ rệt. Và không có biện pháp nào hay cho bằng công bố những biểu quyết của dân biểu để cho các vị này ý thức trách nhiệm của mình đối với quốc gia và cử tri. Và chỉ có đầu phiếu công khai mới biết được lập trường chính trị của vị dân biểu.

B. Đầu phiếu bình đẳng và đầu phiếu phức số

Đầu phiếu bình đẳng có nghĩa là mỗi cử tri có quyền và chỉ có quyền bỏ một lá phiếu. Trái lại, với đầu phiếu phức số, một cử tri có thể bỏ được nhiều phiếu hoặc tại một nơi hoặc ở nhiều nơi, nhưng mỗi nơi bỏ một phiếu. Lịch sử nước Anh cho chúng ta thấy cách đầu phiếu phức số rất lí thú. Mỗi công dân Anh, trước năm 1951, có thể bỏ một phiếu nơi mình cư trú, một phiếu nơi có cửa hàng buôn bán, một nơi có đại học đường mà họ đã tốt nghiệp. Cách đầu phiếu này đã bị bãi bỏ vì tính cách bất công. Chỉ có người cử tri giầu, có phương tiện mới sử dụng được.

Tuy nhiên, dưới một hình thức khác, đầu phiếu phức số còn được chủ trương: đó là đầu phiếu gia đình, người ta cho rằng chủ gia đình phải có quyền bỏ một số phiếu ngang với số con vị thành niên hoặc mỗi chủ gia đình có thêm một phiếu khi con số con bằng hay hơn con số nhất định (ví dụ 3 con trở lên). Lí do đưa ra là chủ gia đình có con đông, có trách nhiệm nhiều trong xã hội. Cần phải nhận định ngay rằng có những chủ gia đình bê bối và có những kẻ độc thân nhưng rất quan tâm đến việc công. Hơn nữa, tại sao lại chủ gia đình đại diện cho con? Hoặc những đứa con này có một ý chí rõ ràng và đủ trí không để thể hiện ý chí đó thì để cho chúng nó quyết định: vấn đề là hạ thấp tuổi trưởng thành để có quyền đi bầu. Hoặc nếu luật pháp cho rằng chúng nó không đủ sáng suốt để sử dụng lá phiếu thì có lí do nào để cho người cha đại diện, và đại diện cho ai?

C. Đầu phiếu trực tiếp và đầu phiếu gián tiếp

Đầu phiếu trực tiếp có nghĩa là cử tri bầu thẳng, một cách trực tiếp, những nhà cầm quyền. Trái lại, với đầu phiếu gián tiếp, cử tri bầu trước hết một số đại diện – thường gọi là “cử tri đệ nhị cấp” – rồi các đại diện này mới bầu nhà cầm quyền qua một cuộc bầu cử thứ hai. Đầu phiếu gián tiếp có thể áp dụng với nhiều trật: 2 trật, 3 trật…

Đầu phiếu gián tiếp đã đóng một vai trò quan trọng ở thế kỉ trước, khi mà những phương tiện giao thông cùng những kĩ thuật thông báo không được nhanh lắm thành thử giữa cử tri và đại diện cần phải có một sự trung gian. Ngày nay những lí do này không còn nữa và đầu phiếu trực tiếp được thông dụng.

Tuy nhiên, đầu phiếu gián tiếp vẫn còn được áp dụng trong việc tổ chức cơ quan công quyền của một quốc gia liên bang, nhất là để bầu đại diện ở Thượng Nghị viện.

D. Đầu phiếu tự do và đầu phiếu cưỡng bách

Đầu phiếu tự do có nghĩa là tùy ý cử tri đi hay không đi bầu. Đầu phiếu cưỡng bách có nghĩa là có một sự bắt buộc pháp lí cử tri đi bầu. Cần phải thêm rằng cưỡng bách không có nghĩa một sự kềm chế thân thể cử tri mà trái lại sẽ có một sự chế tài nào đó đối với công dân không tham gia cuộc đầu phiếu. Nguyên tắc cưỡng bách đầu phiếu dựa trên hai ý tưởng chính: thứ nhất bỏ phiếu là một nhiệm vụ mà đương sự không thể tự mình từ chối; thứ hai sự bất tham gia của công dân sẽ làm mất ý nghĩa của cuộc đầu phiếu.[ii]

Mục II: THỂ THỨC ĐẦU PHIẾU

Sau khi đã xét qua chế độ tuyển cử và phân tích đặc tính của đầu phiếu, bây giờ chúng ta tự hỏi theo cách nào, công dân sẽ chọn lựa nhà cầm quyền. Đó là thể thức đầu phiếu. Trong mục này chúng ta sẽ lần lượt trình bày một vài quy tắc trước khi đề cập đến những thể thức của đầu phiếu.

Đoạn 1: MỘT VÀI QUY TẮC TỔ CHỨC

A. NHỮNG VẤN ĐỀ HÀNH CHÍNH

Trong mọi cuộc tuyển cử, luôn luôn có một số vấn đề liên quan đến cử tri và ứng cử viên mà chúng ta cần thấu hiểu.

1. Về phía cử tri
* Số cử tri: tất cả nam nữ công dân có quyền bầu cử.
* Số cử tri có trong danh sách: tất cả công dân có quyền đi bầu và có tên trong danh sách ở mỗi đơn vị bầu cử. Đây là một điều cần ghi nhớ. Để có thể đi bầu, mỗi công dân phải có tên trong danh sách cử tri và có thẻ cử tri hợp lệ.
Thường thường, cơ quan hành chính thiết lập và niêm yết danh sách cử tri trong mỗi đơn vị hai lần: lần thứ nhất lối 2 tháng trước ngày bầu cử và lần thứ nhì lối 1 tháng trước ngày bầu cử.
Công dân nào có đủ điều kiện bầu cử mà bị sót tên hoặc nhận thấy có sự lầm lẫn trong việc ghi tên trong danh sách cử tri, đều có quyền khiếu nại.
* Số cử tri đi bầu: tất cả các cử tri có đến phòng phiếu và bỏ lá phiếu vào thùng phiếu.
* Số phiếu có giá trị: Kể như bất hợp lệ và vô giá trị những trường hợp sau đây: phong bì không đựng gì cả; phong bì đựng những giấy tờ khác lá phiếu đã phát ra; lá phiếu không nằm trong phong bì; lá phiếu bị xé mất hết tên họ ứng cử viên; phong bì đựng hơn một lá phiếu; phong bì hay lá phiếu có viết thêm chữ hay ghi thêm dấu hiệu; tên khác.

2. Về phía ứng cử viên
Ứng cử viên đương nhiên phải là cử tri có quyền đi bầu. Tuy nhiên thường thường luật lệ còn quy định một số điều kiện khắc khe liên quan đến ứng cử viên. Để lấy thí dụ cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966: có quyền ứng cử Dân biểu Quốc hội Lập hiến những nam nữ công dân hội đủ các điều kiện sau đây:
  • Có quốc tịch Việt Nam liên tục từ khi sinh hoặc đã nhập tịch Việt ít nhất 5 năm, hoặc đã hồi Việt tịch ít nhất 3 năm tính đến ngày bầu cử.
  • Đủ 25 tuổi.
  • Không bị liệt vào những trường hợp vô tư cách. (Ví dụ có án phạt về tiểu hình, đại hình, khánh tận, sa thải v.v…)
Ngoài ra, không được quyền ứng cử trong địa hạt nhiệm sở những người đang đảm nhiệm các chức vụ sau đây và những người phối ngẫu của họ:
  • Các Đô trưởng, Thị trưởng, thẩm phán, cấp chỉ huy ngành cảnh sát, các sĩ quan, hạ sĩ quan v.v…
Vì đây là những chức vụ điều khiển, người ta ngại rằng có thể có áp lực dễ dàng đối với cử tri và đồng thời dùng phương tiện chính quyền đưa đến sự thiếu bình đẳng giữa ứng cử viên.

B. ĐẦU PHIẾU ĐƠN DANH HAY ĐẦU PHIẾU LIÊN DANH

1. Đầu phiếu được xem là đơn danh là khi nào trong một đơn vị tuyển cử, cử tri chỉ có quyền bầu một ứng cử viên.
Đầu phiếu liên danh có nghĩa là trong mỗi đơn vị tuyển cử, cử tri có quyền bầu hai hay nhiều ứng cử viên. Đầu phiếu liên danh có hai loại:
* Loại thứ nhất: ứng cử viên tranh cử một cách rời rạc.
* Loại thứ hai: một danh sách ứng cử thành lập, tùy theo chính đảng hay nhóm có khuynh hướng chính trị khác nhau. Ví dụ trong một đơn vị tuyển cử, có ba ghế phải bầu, thì mỗi danh sách phải ghi tên ba ứng cử viên. Cử tri khi bỏ phiếu tùy theo luật bầu cử của mỗi xứ có thể có hai thái độ:
  • Hoặc họ bắt buộc phải bỏ cho cả danh sách.
  • Hoặc họ có quyền lựa chọn và gạch tên những người mà họ không muốn bầu và thay vào bằng tên ứng cử viên thuộc một danh sách khác.
2. Thể thức đơn danh hay liên danh đầu phiếu liên quan đến vấn đề ấn định địa giới các đơn vị tuyển cử. Nếu lãnh thổ được phân chia ra nhiều đơn vị tuyển cử nhỏ bé, và mỗi đơn vị chỉ có một ghế, thì lẽ tất nhiên đầu phiếu phải là đầu phiếu đơn danh. Trái lại, nếu đơn vị tuyển cử được ấn định một cách rộng rãi – ví dụ như nếu chúng ta lấy một tỉnh để làm đơn vị tuyển cử – mỗi tỉnh ít ra cũng có một số dân biểu thì lẽ tất nhiên đầu phiếu là đầu phiếu liên danh.
3. Đơn danh hay liên danh đầu phiếu đều có những ưu và khuyết điểm.
* Để bênh vực lối đơn danh đầu phiếu, người ta cho rằng theo thể thức này cử tri biết rõ ứng cử viên hơn. Vì đơn vị tuyển cử là một đơn vị nhỏ, ứng cử viên nhất định phải là người mà cử tri biết nhiều. Hơn nữa, ra tranh cử một mình, đơn thương độc mã, ứng cử viên phải cổ động mạnh và như thế, đức độ, tài năng của ứng viên sẽ được cử tri phán đoán một cách xác thực. Trong lúc đó, theo lối liên danh đầu phiếu, thường thường người ta thấy những danh sách với ứng cử viên vô danh bất tài. Họa may chỉ có người đứng đầu danh sách là có tên tuổi, còn lại toàn là người có tên mà chính đảng cố ghép vào để cho danh sách đầy đủ đó thôi.
* Để bênh vực lối liên danh đầu phiếu, người ta cho rằng đơn danh đầu phiếu hay đưa đến những cuộc tranh luận giữa người và người, cuộc tranh giành giữa cá nhân có ảnh hưởng, thế lực hậu quả không tốt đẹp như: xâm phạm đến đời tư, đến thanh danh của ứng cử viên…Toàn là những chi tiết vớ vẩn, những ganh tị thấp hèn. Trái lại, với lối liên danh đầu phiếu – nhất là với hình thức danh sách – cuộc vận động tuyển cử sẽ hướng về chính đảng, và khuynh hướng chính trị, nghĩa là sự phán đoán của cử tri sẽ dựa trên những tiêu chuẩn chính trị, những chương trình, ý tưởng, chính sách v.v…
Đó là những ưu và khuyết điểm mà người ta thường đưa ra để bênh vực cho hai thể thức đơn danh và liên danh. Sự thật, kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng mỗi thể thức không hẳn có những hậu quả đương nhiên như thế. Tùy theo truyền thống, theo tình hình chính trị, tùy theo trình độ giáo dục chính trị của mỗi xứ, đơn danh hay liên danh cũng có thể đưa đến những cuộc tranh luận về chính sách hay những cuộc tranh giành cá nhân.

Đoạn 2: ĐẦU PHIẾU THEO ĐA SỐ VÀ ĐẦU PHIẾU THEO TỶ LỆ

Đây là hai thể thức đầu phiếu quan trọng được áp dụng trong rất nhiều quốc gia.

A. ĐẦU PHIẾU THEO ĐA SỐ

Đầu phiếu theo đa số nghĩa là trong mỗi đơn vị tuyển cử, ứng cử viên nào nhiều phiếu hơn cả thì đắc cử. Đầu phiếu theo đa số có hai hình thức: Đầu phiếu theo đa số với một vòng và đầu phiếu theo đa số với hai vòng. Với thể thức thứ nhất – đầu phiếu theo đa số với một vòng – kết quả sẽ có ngay sau khi đầu phiếu – vì với thể thức này, một đa số tương đối cũng đủ để đắc cử. Và dù trong trường hợp có đồng phiếu, thường vị cao niên đắc cử.

Trái lại với thể thức thứ nhì – đầu phiếu theo đa số với hai vòng – tính cách của đa số được ấn định khắt khe hơn. Trong vòng thứ nhất, chỉ được đắc cử ứng cử viên nào thu được đa số tuyệt đối tổng số phiếu có giá trị. Nếu không một tuần hay hai tuần sau, cử tri lại phải đi bầu lần thứ nhì mà trong vòng thứ nhì này, đa số tương đối đủ để đắc cử.

B. ĐẦU PHIẾU THEO TỈ LỆ

Đầu phiếu được xem là đầu phiếu theo tỉ lệ khi nào số ghế trong một đơn vị tuyển cử được chia cho các danh sách ra tranh cử theo tỉ lệ số phiếu của mỗi danh sách. Đầu phiếu theo tỉ lệ hết sức phức tạp. Có nhiều hình thức về đầu phiếu theo tỉ lệ. Chúng ta chỉ đề cập ở đây thể thức đơn giản nhất nhưng cũng rắc rối rồi. Thể thức đầu phiếu theo tỉ lệ đòi hỏi chúng ta giải quyết nhiều bài toán.

1. Bài toán thứ nhất
Trong một đơn vị tuyển cử nhất định:
  • Số ghế phải bầu là bao nhiêu?                                        5
  • Tổng số cử tri đã bỏ phiếu là bao nhiêu?                   100.000
2. Bài toán thứ hai
Ấn định thương số tuyển cử hay là số chia tuyển cử: nghĩa là lấy tổng số cử tri đã bỏ phiếu trong đơn vị tuyển cử chia cho số ghế phải bầu. Thương số đó tức là thương số tuyển cử hay là số chia tuyển cử: 100.000/5 = 20.000

 3. Bài toán thứ ba
Số phiếu của mỗi danh sách
A. 47.000
B. 21.000
C. 19.000
D. 13.000

4.  Bài toán thứ tư
Số ghế của mỗi danh sách hay là số ứng cử viên đắc cử của mỗi danh sách. Chúng ta lấy số phiếu của mỗi danh sách chia cho số chia tuyển cử:
Danh sách A: 2 ghế (47.000 : 20.000)           2
Danh sách B: 1 ghế (21.000 : 20.000)           1
Tóm lại, số ghế của mỗi liên danh sẽ được tính bằng cách chia số phiếu của liên danh cho thương số tuyển cử; cứ có bao nhiều lần thương số tuyển cử trong số phiếu nói trên thì liên danh có bấy nhiêu ghế.

5. Bài toán thứ năm

Hai ghế còn lại sẽ chia cho danh sách nào? Để giải quyết bài toán này, có hai phương pháp:
Phương pháp số dư lớn nhất và phương pháp số trung bình lớn nhất. Theo phương pháp số dư lớn nhất, người ta sẽ phân phối số ghế còn lại cho danh sách nào có số dư lớn nhất. Để lấy thí dụ của chúng ta, danh sách C, D mỗi danh sách một ghế vì hai danh sách còn nhiều phiếu dư. Với phương pháp này, kết quả cuối cùng là: A 2 ghế, B 1 ghế, C 1 ghế, D 1 ghế. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng không công bình vì đối với danh sách A, phải có 23.500 cử tri mới được 1 ghế, trong lúc đó danh sách D chỉ cần 13.000 cũng có 1 ghế.

Phương pháp số trung bình lớn nhất, nhằm thực hiện sự công bằng trong việc phân phối các ghế còn lại. Nghĩa là cố gắng làm sao mà số ghế cấp cho mỗi danh sách tương xứng với số phiếu của mỗi danh sách.
Người ta lần lượt phân phối từng ghế một còn lại cho mỗi danh sách và xem số trung bình của danh sách nào lớn nhất. Danh sách nào có số trung bình lớn nhất sẽ thừa hưởng ghế còn lại. Ví dụ: ở trên 3 ghế phân phối rồi, còn ghế thứ tư và thứ năm.
  • Nếu phân phối ghế thứ tư cho danh sách A thì danh sách này sẽ có 3 ghế với 47.000 phiếu, nghĩa là trung bình mỗi ghế 15.700 phiếu.
  • Nếu phân phối ghế thứ tư cho danh sách B thì danh sách này sẽ có hai ghế với 21.000 phiếu, nghĩa là trung bình mỗi ghế 10.500 phiếu.
  • Nếu phân phối ghế thứ tư cho danh sách C thì danh sách này sẽ có một ghế với 19.000 phiếu.
  • Nếu phân phối ghế thứ tư cho danh sách D thì danh sách này sẽ có một ghế với 13.000 phiếu.
Danh sách C được ghế thứ tư, vì được số trung bình cao nhất.
Rồi cũng như vậy nữa cho ghế thứ năm.
  • Nếu phân phối cho danh sách A – trung bình 15.700
  • Nếu phân phối cho danh sách B – trung bình 10.500
  • Nếu phân phối cho danh sách C vừa được 1 ghế (2 ghế với 19.000) – trung bình 9.500
  • Nếu phân phối cho danh sách D – trung bình 13.000
So sánh chúng ta thấy rằng danh sách A có số trung bình trội nhất, danh sách A sẽ được ghế thứ năm. Kết quả cuối cùng, với phương pháp số trung bình lớn nhất, chúng ta có:
  • A: 3 ghế
  • B: 1 ghế
  • C: 1 ghế
C. Ý NGHĨA CỦA CÁC THỂ THỨC ĐẦU PHIẾU

Người ta đã tranh luận rất nhiều về các thể thức đầu phiếu. Những ưu và khuyết điểm của mỗi cách được đưa ra và dựa trên những yếu tố công bình và đại diện.

a. Đầu phiếu theo tỉ lệ được xem là công bình nhất vì mọi xu hướng chính trị có thể đại diện tại Quốc hội. Các đảng phái, nhỏ, lớn đều có đại diện. Người ta quan niệm rằng một Nghị viện bao gồm tất cả nguồn dư luận, khuynh hướng chính trị, tôn giáo trong nước là một Nghị viện có tính cách hoàn toàn đại diện. Một Quốc hội được bầu với lối đầu phiếu tỉ lệ phản ảnh thực sự thực trạng dư luận của một quốc gia. Đầu phiếu theo đa số, trái lại gạt bỏ một cách trắng trợn thiểu số ra ngoài Nghị viện. Hơn nữa, đôi khi chính đảng có đa số tại Quốc hội lại là thiểu số trên phương diện tổng số phiếu cử tri.

Đứng trên phương diện thuần túy công bằng, những nhận xét trên rất đúng. Tất cả vấn đề là thử hỏi một thứ công bằng giản dị như thế sẽ đưa đến đâu. Khi mà cần phải lấy một quyết định, quyết định do đa số chứ không phải theo tỉ lệ. Chúng ta có thể chọn lựa dân biểu theo tỉ lệ nhưng khi phải quyết định nghĩa là chọn lựa giữa cái này hay cái kia, danh từ tỉ lệ không còn có nghĩa nữa. Vấn đề đặt ra là tìm một thể thức đầu phiếu có thể đưa đến một cơ quan chính trị có khả năng quyết định. Theo quan niệm này – và đây là một quan điểm thực tế nhất – chúng ta có những nhận xét sau đây về giá trị của thể thức đầu phiếu.

b. Đầu phiếu theo đa số với một vòng đưa đến sự tập trung dư luận. Nói một cách khác thể thức đầu phiếu này giúp nhiều cho sự thành lập một hệ thống lưỡng đảng trong một đơn vị tuyển cử nhất định. Lí do là vì một đa số tương đối đủ để được đắc cử ở vòng đầu là vòng duy nhất, mọi chia rẽ chắc chắn sẽ đưa đến thất bại. Để lấy một ví dụ cụ thể: trong một đơn vị tuyển cử dư luận theo Đảng Bảo thủ chiếm 60% và dư luận theo Đảng Lao động 40%. Ví dụ vì một lí do nào đó, có một sự chia rẽ nội bộ của Đảng Bảo thủ. Thay vì có một ứng cử viên Bảo thủ chống lại một ứng cử viên Lao động, chúng ta thấy hai ứng cử viên Bảo thủ trong đơn vị ấy. Kết quả có thể đưa đến như thế này: 35% cho ứng cử viên Bảo thủ thứ nhất; 25% cho ứng cử viên Bảo thủ thứ nhì và 40% cho ứng cử viên Lao động. Rút cuộc: ứng cử viên Lao động đắc cử mặc dù dư luận theo phe Lao động là thiểu số ở đơn vị ấy, vì một lẽ rất giản dị là họ không bị chia rẽ.

Bởi vậy, đầu phiếu theo đa số với một vòng đưa đến sự thành lập một hệ thống lưỡng đảng trong mỗi đơn vị tuyển cử. Và những lực lượng tác giả của kết quả này là chính đảng và cử tri. Chính đảng – như chúng ta vừa thấy – để tránh kết quả tai hại một sự chia rẽ, sẽ tìm cách để đưa ra tranh cử một ứng viên xứng đáng và duy nhất.

Về phía cử tri cũng thế. Với một thể thức đầu phiếu vừa đơn giản, vừa cứng rắn như vậy, cử tri có khuynh hướng bỏ phiếu cho ứng cử viên – không phải ứng cử viên lí tưởng – mà gần họ nhất và có nhiều hi vọng đắc cử. Thực tại chính trị tại Anh Quốc cho chúng ta thấy điều đó. Ở Anh có Đảng Tự do được dư luận chú ý không ít. Nhưng ở Quốc hội đại diện của Đảng Tự do hoàn toàn như không có. Vì trong đa số đơn vị tuyển cử, ứng cử viên Đảng Tự do không bao giờ có hi vọng đắc cử, cử tri của Đảng Tự do có khuynh hướng dồn phiếu mình cho một trong hai ứng cử viên khác. Làm như thế để cho lá phiếu của họ có một tác dụng cụ thể.
Do đó tâm trạng của cử tri cũng như của chính đảng đưa đến một sự tập trung lực lượng chính trị nếu đầu phiếu theo đa số với một vòng được áp dụng

c. Trái lại, hậu quả của đầu phiếu theo tỉ lệ là một sự li tán chính đảng và dư luận. Nếu mỗi chính đảng chắc chắn rằng mình sẽ có một số đại diện tương xứng với số phiếu mà cử tri bỏ cho mình thì không có lí do gì thúc đẩy các chính đảng kết hợp lại. Các khuynh hướng, các hệ phái sẽ thi đua nhay xuất hiện và cố giữ tính cách tự trị và riêng biệt của mình. Quốc hội gồm nhiều hệ phái, chính đảng lẻ tẻ, nho nhỏ như thế, chắc chắn sẽ trở nên bất lực vì không quyết định được gì. Và với một hệ thống đa đảng như thế trong một chế độ đại nghị – chế độ mà Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chắc chắn sẽ có khủng hoảng chính trị trầm trọng, vì Quốc hội chỉ biết lật đổ Chính phủ và không có khả năng thành lập Chính phủ. Và các khủng hoảng chính trị sẽ đưa đến một sự hỗn loạn và sẽ là những cơ hội khuynh hướng độc tài có dịp phát triển.
d. Cần phải nhấn mạnh rằng, những nhận xét trên đây chỉ có tính cách tương đối. Chúng ta không thể nói rằng – ở Việt Nam[iii] – nếu áp dụng đầu phiếu đa số với một vòng – chúng ta đương nhiên sẽ có một hệ thống lưỡng đảng. Nhưng dù sao, thể thức này là một trong những yếu tố đưa đến sự cấu tạo những lực lượng tập trung, một hệ thống chính đảng giản dị và hữu hiệu.

Mục III: VẤN ĐỀ BẤT THAM GIA CUỘC ĐẦU PHIẾU

Đi bỏ phiếu là một hành vi cực kỳ quan trọng, thể hiện sự tham gia của công dân vào cuộc sinh hoạt chính trị. Vẫn biết rằng đi bầu không có nghĩa là tất cả sự tham gia – vì công dân còn tham gia chính trị với nhiều hình thức khác nữa – nhưng đây là một hình thức tham gia quan trọng, dễ nhận thấy và dễ thảo luận. Thông thường, trước khi tuyển cử, trong lúc tuyển cử, có những sự vận động tuyên truyền, bao nhiêu giấy tờ, bao nhiêu tài liệu, tất cả các sự kiện ấy đều hướng về tuyển cử. Và chính tính cách công khai và vô số tài liệu nhất là về thống kê đã giúp nhiều trong việc khảo cứu tác dụng của tuyển cử trên phương diện chính trị học. Và một trong những vấn đề chính là vấn đề bất tham gia:
  • Mực độ bất tham gia
  • Nguyên do của sự bất tham gia
Đoạn 1: MỰC ĐỘ BẤT THAM GIA

Để hiểu trong một quốc gia nào đó, công dân có tham gia hay không tham gia vào một cuộc tuyển cử nhất định, chúng ta chỉ cần so sánh vài con số và biết ngay: con số về cử tri có tên trong danh sách tuyển cử và con số những cử tri đi bầu. Thoạt tiên thì dễ như thế, nhưng sự thật để có một ý niệm chính xác, vấn đề phức tạp hơn nữa. Vì so sánh hai sự kiện trên không cho chúng ta con số chắc chắn:

A. Điểm thứ nhất, chúng ta phải để ý đến những công dân không có tên trong danh sách cử tri không đi bầu mà còn có vô số công dân không chịu xem coi mình có tên trong danh sách cử tri hay không. Có những người không có tên trong danh sách cử tri tại nơi mình cư trú nhưng có tên trong danh sách ở một nơi mà họ không còn ở nữa. Chính những người này là những người không tham gia vào cuộc bầu cử.

B. Điều thứ hai là mặc dù chính quyền nhất là các tòa hành chính cố gắng rất nhiều để lập danh sách cử tri và cập nhật hóa, mặc dù thế vẫn còn nhiều thiếu sót nhất là trường hợp của công dân có tên ở hai nơi: ví dụ cử tri ở quận ba và ở một quận khác nữa.

C. Điểm thứ ba: trong số công dân không đi bỏ phiếu, cần phải ý thức rằng có một số người có lí do chính đáng đã không đi bầu: nghĩa là vì bận thật chứ không phải không muốn tham gia. Trên phương diện thống kê, thì chắc chắn là có một số người đau ốm hoặc bận công vụ.

Đó là điều mà chúng ta phải để ý khi đo lường mức độ tham gia của công dân. Vì khi mà chúng ta xem kỹ, tổng số bất tham gia có thể xuống nhiều, và như thế cuộc sưu tầm mới đem đến những kết luận tương đối khách quan và chính xác

Đoạn 2: NGUYÊN DO CỦA SỰ BẤT THAM GIA

Tại sao công dân lại không đi bỏ phiếu? Nhất là sau khi đã chịu khó xem còn có tên mình trong danh sách cử tri và lãnh thẻ cử tri. Một câu hỏi quan trọng mà câu trả lời – tùy thuộc ở nguyên nhân – sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sinh hoạt chính trị. Yếu tố liên hệ đến cá nhân, đến thời cuộc về ý nghĩa của cuộc tuyển cử.

A. YẾU TỐ CÁ NHÂN liên hệ đến cá nhân mỗi người cũng như gia đình, nghề nghiệp
  • Nam giới hay nữ giới: nữ giới ít đi bỏ phiếu.
  • Tuổi tác: trẻ tuổi và già ít đi bỏ phiếu như những người đứng tuổi.
  • Giai cấp xã hội và mực độ sinh sống: giai cấp trung lưu; công chức cao cấp hay nghề nghiệp tự do hay là thành phần thương gia; thợ thuyền; công chức hay tư chức hạng B; nông dân.
  • Địa thế của cư trú: xa hay gần chỗ bỏ phiếu: phương tiện giao thông.
B. YẾU TỐ THỜI CUỘC
Tùy theo lúc, công dân tham gia nhiều hay ít vào cuộc tuyển cử. Một cuộc tuyển cử để lập một chính thể mới, hay là sau một cuộc chính biến, một cuộc khủng hoảng chính trị chắc chắn sẽ có rất đông người tham gia.

C. YẾU TỐ LIÊN HỆ ĐẾN Ý NGHĨA TUYỂN CỬ
  • Tham gia nhiều về cuộc tuyển cử toàn quốc hơn là địa phương
  • Tuyển cử có tính cách chính trị hơn là nghề nghiệp
  • Tuyển cử kết quả biết trước.
(Còn tiếp)

Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.


[i] Tức Việt Nam Cộng hòa (p&c)
[ii] Ngày 27-11-65 tại Sydney (Úc) một công dân Úc không chịu nộp phạt 1,5 Úc Kim về tội không bỏ phiếu, đã bị phạt 3 ngày tù. (NVB)
[iii] Tức Việt Nam Cộng hòa (p&c)


Nguồn:  http://www.procontra.asia/?p=3159

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét