Mấy hôm nay dư luận liên tục “nóng” lên sau vụ 17.000 lô đất tái
định cư cho người dân thành phố Đà Nẵng bị “ém nhẹm” một cách “tím gan
tím mật”. Báo chí đua nhau giật tít tựa theo kiểu “ém 17.000 là một kỳ
tích” khiến dân chúng ai nấy đều “đau và thấm thía”.
“17.000 chứ có phải 17 lô đâu!” – Một tờ báo đặt vấn đề mà ai đọc cũng tâm đắc. Có lẽ, đó cũng là thắc mắc của hàng triệu người dân đang hướng về những dòng thông tin rỉ rả nhỏ giọt không thỏa “cơn khát” của dư luận. Mà ngay khi 17 lô thôi cũng là chuyện đáng để người ta quan tâm, tìm kiếm và “ngưỡng mộ” tác giả của màn biến hóa “giấu đất” kinh điển này.
Không phải dạng vừa đâu!
Tôi tạm mượn tựa bài hát gây bão mạng và đầy tranh cãi vào thời gian qua – “Không phải dạng vừa đâu” – để nói về “chuyện tưởng như đùa” khi 17.000 lô đất nhưng bị giấu như kiểu một viên kẹo, hòn sỏi. Thế mới nói “các vị giấu đất” quá tài! Tài đến mức một thứ dường như không thể dời đi, càng không thể che đậy, biến dạng… nhưng khi vô tay các vị thì ngay cả như “phù thủy của thế giới” David Copperfield (hay David Seth Kotkin, một ảo thuật gia người Mỹ nổi tiếng với nhiều trò ảo thuật huyền bí và luôn gây bất ngờ cho khán giả. Nhà ảo thuật thành công nhất thế giới về mặt thương mại – Theo Wikipedia) cũng phải chào thua.
Tôi và vài thằng bạn ra quán bia ngồi “chém gió” chuyện đó chuyện đây. Đứa bạn ngẫu hứng la lên nhưng tôi thấy có lý: “David Copperfield từng diễn trò ảo thuật làm biến mất một chiếc xe tải, thậm chí là bức tượng nữ thần. Nhưng nếu qua Việt Nam để làm biến mất hẳn một lô đất thì cũng không dám, chứ nói chi 17.000 lô. Vị nào làm được điều này không chừng David Copperfield phải gọi bằng sư phụ. Nên mời vị đó ra mà thưởng, chứ phạt làm gì”. Thiết nghĩ cũng cần phải “thưởng” cho “nhà ảo thuật cao tay” ém mất 17.000 lô đất lắm! Bởi nhờ có vị ấy mà “đẳng cấp” lấp liếp của một bộ phận quan chức mới bộc lộ để dân không khỏi bất ngờ.
Nhưng nếu như nói đến đây mà tôi vẫn chưa thể thuyết phục được bạn về “đẳng cấp” của các vị quản lý đất, thì tôi xin nói thêm để chứng minh rằng những kẻ giấu đất đã rất cao tay. 17.000 lô đất này không phải “bất động” mà trong quy hoạch, nó luôn vận động về cả con người lẫn các dòng luân chuyển vốn, hạ tầng nhờ vào nguồn ngân sách rót từ thành phố, thậm chí có thể từ trung ương. Mà đã vận động thì phải để lại dấu tích: giấy tờ, hồ sơ thủ tục, biên bản liên quan đến việc quy hoạch, đầu tư vốn, khảo sát để lấy ý kiến người dân, khái toán và quyết toán. Nghĩa là, số tiền hàng năm đầu tư cho dân (lẽ ra được) ở 17.000 lô đất ấy cũng “bốc hơi” theo.
Vậy mà cho đến nay, cả cấp quản lý trực tiếp vẫn “bó tay” trước việc giải thích sự “lọt sổ” bí ẩn của 17.000 lô đất lần này, cùng theo đó là số tiền vẫn chưa được công bố. Làm biến một bức tượng hay một chiếc xe tải đã khó, nhưng làm biến mất luôn những dấu vết, dù chỉ là trầy xướt của các vật khủng đó lại càng khó hơn. Thế mới gọi các vị “không phải dạng vừa đâu”.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Cũng một logic rất thường gặp khi xảy ra bê bối, ban quản lý cũng lên tiếng “sẽ điều tra, sẽ xử lý mạnh tay”. Nhưng đối tượng cần bị khiển trách và xử lý trước tiên phải là đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ của 17 ban quản lý dự án. Bởi lẽ “con dại, cái mang”.
Tôi tạm lấy ví dụ “nóng hổi” diễn ra ngay tại Việt Nam, và cũng trên đất Đà Nẵng, để minh họa cho thứ mà tôi gọi là “thuộc cấp sai, sếp trên phải liên đới chịu trách nhiệm”. Cụ thể mới đây, sau nghi án POSCO (công ty Nam Triều Tiên) lót tay hối lộ cho các quan chức Việt Nam tại dự án đường cao tốc Việt Nam (mà thật ra là phía Nam Triều Tiên đã có kết luận là POSCO vi phạm vấn đề “lại quả” cho quan chức Việt), Việt Nam tiếp tục là cái tên “hot” khi xuất hiện trên website chính thức của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng với nghi án “quỹ đen” trong dự án ODA do WB tài trợ ở Đà Nẵng.
Theo đó, WB tuyên bố trước thế giới rằng tổ chức này chính thức ban hành lệnh cấm hoạt động trong vòng một năm đối với Tập đoàn Louis Berger Group (LBG, Mỹ) vì dính líu đến các hành vi hối lộ trong hai dự án do WB tài trợ tại Việt Nam, bao gồm dự án Giao thông Nông thôn III và dự án Đầu tư Ưu tiên Cơ sở hạ tầng Đà Nẵng. Kèm theo đó, công ty mẹ của LGB (chính là BGH) cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.
Tuy nhiên quyết định hạn chế đấu thầu công ty mẹ BGH không chờ đến WB lên tiếng, mà theo thông tin từ WB, chính công ty mẹ này đã tự nguyện hạn chế quyền đấu thầu của mình vì đơn vị này tự “phê bình” về việc hạn chế trong khả năng quản lý công ty con LBG.
Trước hành động tự nguyện của BGH, đích thân Leonard Frank McCarthy, Phó Giám đốc quản lý vấn đề liêm chính của WB, dù không nói ra trực tiếp nhưng vị này cũng bày tỏ sự đồng tình khi nói rằng: “Phản ứng của công ty đối với những hàng vi sai phạm chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy công ty có cam kết hoạt động một cách liêm chính hay không”.
Những thông tin về vụ án POSCO hay LBG đã tràn ngập trên báo chí quốc tế và những cái tên trong tốp đầu cựu quản lý các đơn vị vi phạm lần lượt bị xét nhà, điều tra, triệu tập lấy lời khai và thậm chí là cấm xuất ngoại và bị bắt giam. Những quan chức Nam Triều Tiên đứng sau (trong đó có cả quan chức chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak) cũng bị các cơ quan chống tham nhũng “sờ gáy” mà không cần “nể mặt, nể mũi” bất kỳ ai. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: “Kẻ đưa tiền” đã sa lưới, còn kẻ nhận tiền rồi ngày nào mới chịu/bị trình diện trước người dân?
Suốt nhiều năm qua, chúng ta vẫn nêu cao khẩu hiệu “phê và tự phê”, nhưng ngay cả cái văn hóa cơ bản nhất là “nhận trách nhiệm” thì vẫn còn là thứ quá xa xỉ với một bộ phận không nhỏ công chức Việt. Câu chuyện 17.000 lô đất “bị ém” một cách “xuất quỷ nhập thần” mà ngay cả quan chức quản lý cũng chỉ biết “lặng thinh” cho đến lúc này (và không biết cho đến khi nào mới có đáp án). Nó không chỉ cho thấy một hệ thống quản lý với thuộc cấp thiếu trung thực, mà còn trưng ra một bộ sậu quản lý yếu kém về mặt phổ quát.
Minh bạch đến nay vẫn chỉ là khẩu hiệu
Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến một nhà nước pháp quyền lấy “minh bạch” làm trọng tâm. Tôi hoàn toàn đồng ý nếu không muốn nói là “vô cùng ngưỡng mộ”. Bởi có lẽ Thủ tướng cũng đã nhận ra một xã hội thiếu vắng nhiều sự đồng thuận chính trị khi sự kết nối, hiểu nhau và tin tưởng nhau giữa quan-dân ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong đó, vấn đề “thiếu minh bạch” chính là nguyên nhân chủ đạo tạo ra “cớ sự” này.
Cơ chế thông tin hai chiều, tức quan làm gì dân cũng biết và dân nói gì quan cũng nghe thấy, vẫn còn là ước mơ của hàng triệu người dân. Nếu bạn kêu tôi chứng minh thì xin thưa, 17.000 lô đất chính là minh chứng mới nhất và hùng hồn nhất. Thông tin quy hoạch rõ ràng đã “chết” trước khi đến tai người dân. Quy trình làm việc và nguyên nhân tại sao 17.000 lô đất bị “hô biến” khỏi sự kiểm soát của chính quyền càng cho thấy một quy trình làm việc mập mờ, lỏng lẻo và thiếu chuyên nghiệp. Có lẽ người dân cũng chẳng biết hàng năm ngân sách phải chi bao nhiêu cho 17.000 lô đất “lấy tiền thật mà sống như ảo” suốt thời gian qua.
Xin các vị quản lý hãy một lần ngó sang các nước bạn bè mà học tập cách người ta “phòng chống” và trị bọn tham quan ra sao. Trước hết là việc áp dụng hệ thống chính phủ điện tử (dùng công nghệ, thuật toán quản lý quy trình) để rà soát. Hệ thống này không cho phép bất kỳ một sự thiếu vắng “bất thường” nào về tiền và của. Vụ POSCO hay LBG bị phát hiện chỉ là hai trong số những bài học về quy trình kiểm soát quy hoạch hay thi công các công trình công cộng. Bên cạnh đó là việc đưa thông tin quy hoạch đến toàn thể dân chúng, từ cấp chính phủ đến cấp địa phương thông qua hệ thống báo chí, website, mạng xã hội. Điều này cho thấy các ngài có sự thống nhất, đồng bộ và dân chúng cũng biết “các ngài mượn gì và phải trả gì cho dân” – lấy đó làm cơ sở để người dân có thể giám sát và phản hồi nhằm minh chứng cho thứ mà lâu nay vẫn gọi là minh bạch (nhưng nằm trên giấy).
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét