Nguyễn Ðạt/Người
Việt
Cheo
Leo là tên quán cà phê “xưa” nhất Sài Gòn, ở căn nhà số 36, hẻm 190, đường Nguyễn
Thiện Thuật, quận 3.
Khu vực này chi chít
ngõ hẻm ngang dọc, nên từ lâu đã có tên gọi là khu Bàn Cờ. Chúng tôi được biết
quán Cheo Leo hình thành từ năm 1938, trước cả thời gian xảy ra Ðệ Nhị Thế Chiến,
1939-1945.
Bên trong quán “Cheo
Leo.”
Tồn tại đến hôm nay,
quán Cheo Leo đã 75 năm tuổi; đặc biệt quán Cheo Leo vẫn pha cà phê bằng vợt,
còn gọi là cà phê bít tất.
Vào thập niên 60 của
thế kỷ trước, khi còn là học sinh trường trung học Chu Văn An, tôi đã biết có
quán cà phê Cheo Leo. Bạn đồng lứa tuổi chúng tôi, học tại trường Chu Văn An và
trường Pétrus Ký, cả hai trường đều không xa khu Bàn Cờ. Khi tập tành ngồi quán
cà phê, nhiều bạn đã lui tới thường xuyên quán Cheo Leo.
Riêng tôi, theo đòi
những “ông anh văn nghệ,” đã tìm tới quán có cà phê phin, để được làm dáng trầm
tư, nhìn ngắm từng giọt đậm đen nhỏ từ cái phin xuống đáy ly cốc.
Thuở đó tuy pha cà
phê bằng phin chưa phổ biến, nhưng ở khu vực Bàn Cờ đã có những quán pha cà phê
bằng phin, nổi tiếng như các quán cà phê Phong, cà phê Năm Dưỡng...
Sau biến cố 30 tháng
4 1975, không còn thấy bóng dáng cà phê Phong nữa. Cà phê Năm Dưỡng còn tiếp tục,
nhưng cách đây mấy năm đã trở thành nhà nghỉ khách sạn. Hầu hết quán cà phê nổi
tiếng của Sài Gòn mà chúng tôi biết từ thuở học trò, đã biến mất cả rồi. Duy nhất
quán Cheo Leo vẫn ngày ngày mở cửa, với cà phê vợt của một truyền thống gần như
tuyệt tích.
Vừa qua, gặp bạn xa
Sài Gòn đã nhiều năm, muốn tìm lại hình bóng cũ hương vị xưa của Sài Gòn.
Chúng tôi tới quán
Cheo Leo, thưởng thức ly cà phê pha bằng vợt.
Gặp chị Nguyễn Thị
Sương, chúng tôi thăm hỏi về quán cà phê kỳ cựu này. Chị Sương là con ông Vĩnh
Ngô, người lập nên quán Cheo Leo cách đây 75 năm.
“Nghe cha tui nói,
thuở đó vùng Bàn Cờ này còn hoang sơ heo hút lắm, không khác chốn đèo heo hút
gió, nên khi mở quán cha tui đặt tên là quán Cheo Leo. Từ đó khách uống cà phê
gọi luôn tên cha tui là ông Cheo Leo...”
Một vị khách lão niên
ngưng ngụm cà phê đá, nói với chúng tôi:
“Sanh thời ông Cheo
Leo điệu nghệ lắm. Ổng luôn vận quần soọc, cỡi vespa đi chợ Bến Thành mua cà
phê chánh hiệu Meilleur Gout, Jean Martin mang dìa pha vợt. Tới khi Sài Gòn đã
hiếm quán cà phê pha vợt, ổng cũng không chịu pha phin, biểu pha bằng cái phin
thì cà phê cũng chẳng ngon hơn chút nào, mà nỡ bỏ đi cái cách cà phê pha vợt đã
quá thân thương với người Sài Gòn. Tụi tui mến ổng là vậy.”
Ông Cheo Leo mất
trong năm 1993, lúc vừa tròn 75 tuổi, ngang bằng tuổi quán Cheo Leo hôm nay. Chị
Sương dẫn chúng tôi vào nơi pha chế cà phê vợt, phía trong cùng của căn nhà chật
hẹp. Cái lò nung để ủ nóng cà phê ngẫu nhiên như một kiệt tác nghệ thuật, với
những dòng chảy nâu quánh kết tinh của 75 năm, không khác những dòng thạch nhũ
trong hang động.
Lò nung đun nước pha
chế cà phê vợt.
“Thuở đó cha tui đã tự
làm cái lò nung này, từ cái thùng phuy chèn thêm lớp gạch pha với đường cát
vàng hạt lớn. Chánh giữa lò nung để than lửa lên có ngọn đặng đun nước sôi. Nước
sôi già mới đổ vào cái siêu, thứ siêu người ta thường đun thuốc Bắc. Cái siêu
này để tấm vải lược, tức cái vợt, bỏ cà phê xay thiệt nhuyễn trong đó. Ủ kín một
lúc, khi cà phê đã ra hết thì chắt nước cà phê qua cái siêu khác, đặt bên rìa
lò nung đặng giữ nóng lâu, hoặc chắt liền vào ly phục vụ khách vừa tới quán.”
Chị Sương mở nắp đậy
cái vại sành, đặt nơi không xa lò nung. Chúng tôi nhìn vào khối nước trong trẻo,
nghe chị nói:
“Nước phông tên phải
để từ 3 ngày trở lên mới dùng đun sôi đặng pha cà phê. Cha tui biểu hồi xưa
dùng nước giếng thì khác, lấy nước lên xài được liền. Tới khi nơi này phát triển
dân cư, san lấp hết giếng xây dựng nhà cửa, phải dùng nước phông tên có thuốc
sát trùng, nên để lắng xuống ít nhứt 3 ngày mới dùng.”
Chúng tôi tỏ ý về sự
chật hẹp của quán Cheo Leo, phục vụ cà phê một ngày không được nhiều khách. Chị
Sương mỉm cười, nhỏ giọng: “Ðắp đổi qua ngày là gia đình chúng tôi mừng rồi.
Khách tới uống cà phê ở quán này là bà con lối xóm không hà, ít khi có khách từ
xa tìm tới như mấy chú. Chẳng thể so sánh với thuở trước, thời Việt Nam Cộng
Hòa đó. Cha tui biểu thời đó quán
Cheo Leo để máy ca
hát rộn rã, khách ra vào quán suốt ngày. Có thời gian quán Cheo Leo mở cửa đón
khách từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm mới hết khách, đông nhứt là giới sinh viên học
sinh. Bây giờ tui còn gặp lại mấy người vào quán là khách từ thuở đó, khi là học
sinh trường Pétrus Ký trường Chu Văn An. Nay mấy người đó đều là những ông già
trên dưới sáu bảy chục tuổi.”
Tới quán Cheo Leo,
chúng tôi ngùi ngùi nhớ lại một thời đã qua. Người bạn đặc biệt nhắc nhớ Sài
Gòn ngày xưa, các bác tài sáng sớm chở vợ con trên xe xích lô máy, tới quán tiệm
hủ tíu và cà phê bình dân. Ăn uống xong xuôi chở vợ con về, các bác tài mới bắt
đầu một ngày chạy xe chở khách.
Hầu hết quán tiệm
bình dân Sài Gòn thuở ấy pha cà phê bằng vợt, như quán Cheo Leo còn tồn tại đến
hôm nay. Giống một loài sắp tuyệt chủng, quán Cheo Leo càng làm xao lòng những
khách hoài xưa, giữa vô số quán tiệm cà phê đủ kiểu hiện đại, mọc lên như nấm
sau cơn mưa ở Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét