Lãnh đạo Hà nội không thể phủi tay như một người ngoài cuộc
NGỌC QUANG ghi
Bài viết này truy trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội là hai ông
Phạm Quang Nghị và Nguyễn Thế Thảo đã được đăng trên báo Giáo Dục Việt Nam,
nhưng đã bị gỡ xuống sau đó.
Có điều lạ là các trang mạng nhân danh Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn
Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng do bộ Công an dựng lên đều đăng lại
bài này.
Thứ trưởng Bộ Thông Tin đã tuyên bố không lãnh đạo nào có
trang mạng thì tại sao 4 trang mạng này lại ngang nhiên lấy tên 4 lãnh đạo?
Thường, khi một bài được đăng trên một trang mạng nói trên
thì, cùng ngày cùng giờ cùng phút, được đăng trên cả 4 trang mạng lãnh đạo.
Cũng có khi, rất hiếm, một bài chỉ được đăng trên một hoặc
hai trang mạng thí dụ như bài "6.700 cây xanh và kịch bản “nực cười” của
lãnh đạo Hà Nội" trong đó nêu đích danh Bí thư Phạm Quang Nghị và được
đăng trên hai trang Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang chứ không đăng trên hai
trang Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng.
Phải chăng sự kiện này cho phép kết luận rằng Phạm Quang Nghị,
Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng cùng phe?
***
Xung quanh chuyện hàng loạt cây xanh lâu năm ở Hà Nội bị đốn
hạ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò truyện với Nhà thơ Trần Đăng
Khoa – một người vốn đã gắn bó với Hà Nội từ những năm tháng còn bom đạn, chiến
tranh ác liệt.
Sau nhiều ngày liên tục bị các nhà khoa học, các chuyên gia ở
nhiều lĩnh vực khác nhau, công luận phản đối dữ dội rốt cuộc ông Chủ tịch Hà Nội
đã phải ra quyết định tạm dừng chặt cây xanh. Nhưng điều mà công luận quan tâm
lúc này là ai phải chịu trách nhiệm khi có hàng trăm cây xanh lâu năm đã bị đốn
hạ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo
vẫn cho rằng "không có lợi ích nhóm", cũng "không có chiến dịch
đốn hạ 6.700 cây xanh ở Thủ Đô”! Nói vậy có thể tin được không? Không có chiến
dịch đốn hạ cây, tại sao lại có hàng trăm cây lớn bị chặt? Nhiều tuyến phố ngổn
ngang như công trường khai thác gỗ. Và nói như một tờ báo: “Xe tải chở gỗ đi
kìn kìn…"
Thời chiến tranh, bom đạn tàn phá khốc liệt, Hà Nội vẫn giữ
được lá phổi xanh của mình. Bấy giờ, tôi còn là một cậu bé mà vẫn tự hào về Thủ
Đô Hà Nội: "Những năm giặc bắn phá – Ba Đình vẫn xanh cây – Trăng vàng
Chùa Một Cột – Phủ Tây Hồ hoa bay…". Bây giờ, không có giặc, cũng không
còn bom đạn nữa mà cây xanh thành phố Hà Nội lại bị hạ sát tàn bạo còn hơn cả
những trận rải thảm của B52.
Ông Chủ tịch thành phố chỉ ra cái lỗi của Sở Xây dựng, yêu cầu
kiểm điểm nghiêm túc; còn ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch thành phố thì
khăng khăng, "việc thực hiện thay thế cây xanh là một chủ trương đúng của
thành phố, đúng quy trình, quy định của pháp luật, tuy nhiên sự việc xảy ra như
những ngày qua là do thông tin chưa rõ ràng và sự nôn nóng của các nhà tài trợ
trong việc chặt cây". Đổ lỗi cho các nhà tài trợ, trong khi chính các nhà
tài trợ cho biết họ chỉ góp tiền giúp Thành phố trong việc phủ xanh cây, chứ họ
không chặt cây, cũng không chọn cây và trồng cây. Điều này tôi cũng đã bàn rồi.
Việc thay thế những cây mục ruỗng, thay thế những cây không phù hợp trồng ở đô
thị là đúng. Nhưng điều đáng bàn và nguy hiểm ở chỗ, người ta đã mượn gió bẻ
măng, lấy việc chỉnh trang cây xanh thành phố làm ngụy trang để phá hủy hàng loạt
cây xanh, trong đó có những cây có tuổi thọ hàng trăm tuổi. Họ ào ạt làm đêm,
làm ngày theo lối chụp giật. Thực chất đây là cuộc khai thác gỗ.
Nhiều học giả, nhiều nhà khoa học, nhiều người dân đã lên tiếng.
Có người đứng ra bảo vệ cây. Họ thắt khăn trắng cho mình và thắt khăn trắng cho
cây. Họ dán khẩu hiệu lên cây: "Xin đừng chặt tôi. Tôi là cây khỏe mạnh".
Nghệ sĩ nổi tiếng Chiều Xuân vừa khóc, vừa lấy thân mình ngăn cản để giữ một
cây xanh ở số nhà 65 phố Nguyễn Thái Học của chị. Rồi rất nhiều người dân khác
nữa cũng đứng lên bảo vệ cây. Họ lên tiếng trên facebook cá nhân, họ comment
vào các bài viết phản ánh sự kiện này. Có thể nói hàng vạn comment. Trong đó có
cả những lời quá đà, không phải góp ý mà chửi rủa. Điều ấy là không nên. Nhưng
sự nổi giận đến mất bình tĩnh của họ là điều có thể hiểu được.
Nhà thơ Trần Đăng
Khoa
KTS Nguyễn Hoàng Phương còn có sáng kiến rất hay, thậm chí cực
thông minh làm bộ phim tài liệu "6700 người bảo vệ 6700 cây", ghi lại
những hình ảnh tàn phá cây này. Ngay lập tức 3000 người ủng hộ. Bây giờ thì thì
đến 47000 người. Họ tham gia quay VIDEO clip, chứ bản thân nhóm KTS Nguyễn
Hoàng Phương không thể làm nổi. Tư vấn cho bộ phim thú vị này, Đạo diễn Nhân
dân Đăng Nhật Minh nói “Đây là một vấn đề đang gây nhiều bức xúc thậm chí phẫn
nộ cho người dân ở Hà Nội. Việc chặt hạ để thay thế 6.700 cây xanh khác là điều
không có gì để biện minh. Tôi đã đọc khá nhiều lời giải thích của những người
có trách nhiệm rằng, đây là những cây không nên trồng ở Hà Nội, nguy hiểm, sâu
mọt… Nhưng thực chất có phải thế không? Cũng cần phải hiểu rằng những cái cây
mà người ta đã chặt ấy là một phần lịch sử của thành phố, một phần ký ức của những
người từng sống và lớn lên ở Hà Nội. Vì vậy, không thể nào biện minh bằng lí do
gì mà xóa đi những ký ức đó được. Nó là một phần số phận của thành phố, gắn liền
với thành phố, như một phần lịch sử của thành phố. Cho nên chúng ta phải trân
trọng và giữ gìn nó".
Vụ tàn phá cây xanh này là một vết ố của Hà Nội. Có thể nói,
từ khi giải phóng Thủ Đô đến giờ, đã nửa thế kỷ nay, chưa bao giờ những người
có trách nhiệm ở Hà Nội lại để lại một tiếng xấu nặng nề trong nhân dân đến như
thế trong mấy ngày vừa rồi. Tôi không nói giới lãnh đạo Hà Nội xấu, trong số họ,
có không ít người rất tận tụy, để lại ấn tượng tốt lành trong nhân dân, như Thiếu
tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội đã rất nhanh nhạy, có nhiều việc
làm tốt đẹp, như một mình tay không vào hang ổ tướng cướp giải cứu con tin, việc
lên tiếng minh bạch rõ ràng về nhóm người xấu núp danh Dư luận viên ngăn cản
nhân dân tưởng niệm những chiến sĩ anh hùng đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, để
tránh sự hiểu lầm của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và Nhà nước. Rồi còn nhiều,
còn nhiều người nữa…. Tôi xin phép nói sau.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã tạm dừng kế hoạch
chặt 6700 cây xanh, nhưng cảnh rất nhiều cây đã bị đốn hạ trước đó
vẫn khiê´n người dân xót xa.
Nhưng việc hôm nay chúng ta bàn là vụ Cây Tặc xảy ra giữa
thanh thiên bạch nhật ở Hà Nội đã thành một vết nhơ ô uế trong tâm khảm nhân dân
cả nước và cả dư luận Quốc tế, bởi rất nhiều tờ báo Quốc tế đã đưa tin bình luận
về vụ tàn sát cây xanh này. Bây giờ thì ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu kiểm điểm
Sở Xây dựng và đình chỉ mấy anh Trưởng phòng, Phó phòng. Việc con voi cuối cùng
xử phạt một con muỗi. Đúng là một trò đùa. Người ta đã đùa trên nỗi đau của
Dân. Đùa trên di sản của ông cha bị tàn phá. Đành rằng Sở Xây dựng Hà Nội là có
lỗi. Nhưng chả lẽ chỉ có họ có lỗi thôi ư? Liệu họ có gan làm cái việc động trời,
là tàn phá môi trường và tiêu diệt lá phổi xanh của Thủ đô, nếu không có sự cho
phép của những người đứng đầu chính quyền thành phố?
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo – Ảnh: ST
Vậy vấn đề là trách nhiệm của ông Chủ tịch thành phố đến
đâu? Và ông Phó Chủ tịch – người giúp việc cho Chủ tịch thế nào? Chẳng lẽ các
ông chỉ biết nói một câu "rút kinh nghiệm" rồi phủi hết trách nhiệm,
quay lại kiểm điểm cấp dưới như một người có trách nhiệm, một người ở ngoài cuộc,
rồi đổ tất cả tội lỗi lên đầu họ.
Sở dĩ tôi nói đến vai trò của ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo,
vì ông là người biết sớm nhất việc làm sai trái này, bởi ngay từ ngày 16/3, khi
một loạt cây xanh bị đốn hạ, mà không phải cây sâu mọt, nhà báo Trần Đăng Tuấn
đã có thư ngỏ gửi đích danh ông. Ông Tuấn yêu cầu ông nên dừng ngay việc giết
cây rồi cân nhắc kỹ và rà soát lại. Sau đó bức thư còn được đăng trên facebook
cá nhân, rồi nhiều báo điện tử đăng lại. Tiếp đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều
học giả có uy tín đã lên tiếng, nhan nhản khắp các mặt báo là sự phản đối dữ dội
những hành vi chặt phá cây xanh của nhân dân cả nước. Lẽ ra, nếu ông là người
có trách nhiệm, người biết nghe tiếng nói của dân như ông nói, thì ông phải lệnh
dừng ngay việc chặt cây, rồi tiếp đó là rà soát lại. Việc rà soát không phải là
việc của sở xây dựng, mà là việc của Lãnh đạo Thành phố.
Thành phố phải lập ra một đoàn Khảo sát, gồm thành viên của
nhiều đơn vị, nhưng dứt khoát trong đó phải có Công an, Viện Kiểm sát và đặc biệt
là các nhà chuyên môn, các nhà khoa học. Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều nhà
khoa học nhưng họ không được tham gia. Các ông cứ tự tung tự tác, bí mật như
người buôn bạc giả, trong khi không có chuyên môn, chọn cây vàng tâm trồng thay
cho bao nhiêu những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Vàng tâm đâu có thích hợp trồng ở
thành phố, và khi các nhà khoa học lé mắt đến thì hóa ra cũng không phải vàng
tâm, mà là cây mỡ, một loại cây chẳng có giá trị gì, đặc biệt là cho bóng mát,
cảnh quan, và điều hòa môi trường, không khí.
Rất nhiều cây xanh cổ thụ bị đốn hạ
Ông có thư hồi âm nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhưng đó chỉ là
phép xã giao, trong đó thông báo cũng lại giao cho Sở xây dựng rà soát. Nghĩa
là cũng lại nói cho có nói, một cách "ném bùn sang ao!". Và rốt cuộc
cây vẫn tiếp tục bị đốn hạ vô tội vạ, dù vẫn đưa tin trên truyền thông là Ủy
ban đề nghị rà soát việc chặt cây. Xin các vị cứ lật lại các trang bao điện tử ở
thời điểm ấy. Mãi đến chiều ngày 19/3, một nhóm gồm các luật sư Vũ Trần Hải
cùng các luật sư Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân đã có Thư khẩn cấp đề nghị dừng
ngay việc chặt hạ 6.700 cây xanh. Thư gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và cả ông Chủ tịch UBND TP
Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Các luật sư cho rằng việc chặt hạ 6.700 cây xanh của Hà
Nội là làm trái, nếu không nói là chống lại Nghị định 64/2010 NĐ-CP, cần xử lý
nghiêm người tham mưu và những kẻ làm trái pháp luật.
"Chúng tôi chứng kiến sáng 19/3/2015 vẫn chặt hạ cây
xanh, dù chiều 18/3 Văn phòng UBND Hà Nội có công văn yêu cầu Sở Xây dựng rà
soát, nhưng không yêu cầu dừng chặt hạ. Chúng tôi cũng đã gửi thư đến Bí thư
Thành ủy đề nghị xử lý phát ngôn thiếu thận trọng của ông Phó Ban Tuyên giáo
Thành ủy, gây bức xúc dư luận. Chúng tôi sẽ kiên trì theo dõi việc giải quyết của
các cơ quan chức năng và sẽ làm đến cùng". Thông tin này đưa trên báo
VOV.VN và nhiều báo điện tử khác in lại. Có lẽ đây là kiến nghị có sức mạnh nhất
khiến ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo không thể không ra tay. Và thế là sáng hôm
sau, ngày 20/3, ông Nguyễn Thế Thảo mới phải ra lệnh dừng chặt cây, mà lẽ ra
ông phải làm từ trước đó nửa tuần. Khi ông có lệnh này thì đã có 500 cây cổ thụ,
là linh hồn và vẻ đẹp của cảnh quan Thủ Đô bị đốn hạ, có báo nói là 2000 cây.
Điều này các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại để có con số chính xác khi
chúng ta rút kinh nghiệm.
Chứng kiến cảnh hàng loạt cây xanh “rỉ máu” do bị đốn hạ,
người dân thủ đô đã không thể ngồi yên.
Và như thế, có thể nói, người cứu lá phổi xanh của Thủ Đô,
người cứu bầu khí quyển của Thủ Đô là ba ông Luật Sư. Nếu các ông không có kiến
nghị gửi đến Thủ tướng, không làm quyết liệt, mà cứ để lây nhây cho dân nói,
dân phản đối, dân kêu gào, khóc lóc, chửi rủa thì cũng vẫn chỉ như nước đổ lá
khoai, kể cả những đại biểu ưu tú nhất của Dân, như Giáo sư nổi tiếng thế giới
Ngô Bảo Châu, nhà báo tài năng và có tâm đức Trần Đăng Tuấn, Kiến trúc sư giàu
kinh nghiệm và tâm huyết Hoàng Đạo Kính, hay tôi nữa có lên tiếng thì cũng bằng
không. Bởi chúng tôi chỉ là nhân dân. Nhân dân là mác là chông. Là sông là Núi
nhưng cũng không là gì…Vâng nhân dân là thế đấy. Khi có giặc thì chúng tôi là
mác là chông, là sông là biển ngăn giặc, đánh giặc, rồi hy sinh thành hàng vạn,
hàng triệu những nấm mồ vô danh ở Điện Biên, ở Thạch Hãn, ở Hoàng Sa, Trường
Sa, ở Biển Đông, ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Còn khi yên hàn, chúng tôi
chẳng là gì cả. Vì thế, có nói gì thì cũng bằng không. Bởi các ông có nghe đâu.
Chính ông Phó Trưởng ban Tuyên giáo của các ông nói thẳng
tưng trên công luận rằng không cần phải hỏi dân. Và nếu có ý kiến của dân thì
cũng chỉ là một ý kiến, (chắc ám chỉ nhà báo Trần Đăng Tuấn). Ông Phó ban Tuyên
giáo, người phát ngôn của các ông còn nói, nếu chính quyền mà cái gì cũng phải
hỏi dân, thì còn sinh ra chính quyền làm gì? Ôi chao ôi! Đã đến nỗi như thế thì
sao các ông cứ nói "chính quyền của dân, do dân, vì dân", rồi lại nữa,
làm gì cũng phải để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Nhưng Dân nói còn
không nghe thì Dân còn biết và bàn cái nỗi gì. Đã đến như thế thì xin các ông nên
đổi tên đi, đừng gọi là Ủy ban NHÂN DÂN Thành phố Hà Nội nữa. Khỏi phải lùng
bùng ngụy trang "nhân dân" làm gì, cứ gọi đúng cái tên của nó: Ví như
Ủy ban Chính quyền Nguyễn Thế Thảo – Hà Nội, hay Ủy ban Nguyễn Quốc Hùng, Phan
Đăng Long gì đó, chứ việc gì phải lôi "Nhân Dân" vào, trong khi ở đó
đâu có chỗ cho Dân. Vì các ông đâu có cần hỏi dân, và các ông cũng không nghe
Dân.
Chỉ khi Bác Hồ còn sống, Bác mới nghe Dân thôi. Bác còn nói
với mấy ông cán bộ rằng: "Bác hỏi dân, chứ Bác không hỏi các chú!".
Bây giờ Bác mất rồi, còn có ai nghe chúng tôi nữa không đây? Các ông thì dứt
khoát là không rồi. Vì nếu các ông hỏi dân, nghe dân thực sự, chứ không phải
nghe theo kiểu làm phép, nghe theo kiểu giả vờ thì chắc chắn câu chuyện đáng buồn
này đã không thể xảy ra. Vì thế ông Nguyễn Thế Thảo không thể phủi tay như một
người ngoài cuộc. Ông là người lãnh đạo cao nhất của cấp chính quyền, chả lẽ
ông không phải chịu trách nhiệm gì ư? Rốt cuộc, người gánh chịu mọi trách nhiệm
lại là mấy ông ở Sở với mấy ông cấp phòng của Sở. Còn ông Nguyễn Thế Thảo, ông
Nguyễn Quốc Hùng, ông Phó Ban Tuyên giáo Phan Đăng Long với phát ngôn coi thường
dân tai tiếng đến như thế, thì vẫn chẳng có lỗi gì cả. Đúng là một trò đùa. Các
ông vừa đùa, vừa rất coi thường Dân. Coi thường cả dư luận xã hội.
Nếu bây giờ báo chí thử làm một cuộc thăm dò ý dân, tôi giám
chắc và xin cá cược hầu hết những người dân sẽ rất mong ông Thảo cùng mấy ông cộng
sự của ông trong vụ chặt cây tai tiếng này từ chức rồi trao lại chính quyền của
dân cho chính những người của dân đảm trách. Mà những người của dân ấy cũng
đang ở trong đội ngũ của các ông thôi. Không thiếu đâu.
Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội
Ông nghĩ sao khi phóng viên đặt ra tới hơn 20 câu hỏi trong
buổi họp báo, nhưng ông Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng lại trả lời qua quýt rồi
nhanh chóng bước ra khỏi phòng?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi thấy đấy là một chuyện khôi hài.
Một chuyện cũng rất đáng xấu hổ. Thực ra, có ai bắt các ông ấy phải họp báo
đâu. Nếu đã họp báo thì phải chuẩn bị kỹ, phải nắm chắc mọi vấn đề để giải tỏa
dư luận. Cứ ú a ú ớ thì họp làm gì. Họp chỉ để nói chúng tôi minh bạch, không
có lợi ích nhóm mà người ta tin ư? Người ta đâu chỉ nghe anh nói, mà còn xem
anh làm. Mà lời nói với việc làm không đi đôi với nhau, thậm chí chúng chẳng có
họ hàng gì với nhau, thế mà lại cứ muốn người ta tin. Nếu cần họp báo là họp
trước lúc chặt cây, cần thông báo cho dân, cho giới truyền thông biết để có sự
đồng thuận của toàn xã hội. Thậm chí, nếu thực sự đàng hoàng, không khuất tất
và muốn được dân ủng hộ thì cần minh bạch thật trước dân.
Ông chủ tịch có thể đàng hoàng lên Truyền hình Trung Ương,
hoặc Kênh Truyền hình Quốc Hội Việt Nam, vì Hà Nội là Thủ đô cả nước chứ không
phải của chính quyền Hà Nội và người dân Hà Nội, ông chỉ cần nói chừng mười
phút thôi, thông báo cho toàn dân biết, chúng ta cần từng bước hiện đại hóa Hà
Nội, cần chỉnh trang thành phố, trong đó có việc thay thế những cây mục, những
cây không phù hợp làm ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng cảnh quan, đặc biệt những
cây có thể đổ gẫy trong mưa bão, như đã từng đổ cây, đè bẹp xe cộ, làm chết người.
Để bảo đảm vẻ đẹp cảnh quan, đảm bảo môi trường đô thị và an toàn cho người dân
tham gia giao thông, nhất là khi mưa bão, chúng tôi thấy cần loại bỏ 6700 cây.
Chúng tôi đã treo biển đánh dấu những cây cần loại bỏ, đề nghị các nhà khoa học,
các nhà sinh học và đông đảo nhân dân cùng chúng tôi rà soát lại số cây cần loại
bỏ ấy và phát hiện thêm những cây chúng tôi còn bỏ sót. Rồi ông thông báo kinh
phí thực hiện dự án này. Số tiền xã hội hóa bao nhiêu, đối tác là những ai, tiền
chặt cây, tiền bán cây là bao nhiêu, đưa số tiền ấy vào ngân quỹ nhà nước, hay
làm công tác xã hội hay làm gì với số tiền ấy. Rồi loại cây nào sẽ được chọn
thay cho cây đã chặt. Thời gian nào thì chính thức chặt cây.
Nếu đàng hoàng như thé, tôi tin cả xã hội sẽ đồng thuận. Còn
cứ làm một cách dấm dúi, chụp giật như thành phố vừa rồi mà còn mong nhân dân ủng
hộ, mong có sự đồng thuận thì đó chỉ là chuyện ở trên mây. Chính vì thế, cánh
báo chí cứ hỏi gỗ khai thác đưa về đâu, bán bao nhiêu. Đây chính là mấu chốt của
vấn đề. Cũng chính vì cái này mới có chuyện chặt cây. Bởi vừa rồi mang danh
nghĩa thay cây sâu mọt, nhưng thực chất chỉ là trò ngụy trang trá hình để các vị
khai thác gỗ, vì những cây các vị chặt có sâu mọt đâu. Nhiều cây gỗ cực đẹp, có
tuổi thọ hàng trăm năm, giá lên đến mấy trăm triệu, đấy là theo định giá của
dân. Mà định giá không khó lắm. Dân kinh tế, các nhà buôn gỗ có thể tính được
ngay. Dân biết thực chất vấn đề , các nhà báo cũng biết ngay vấn đề nên họ cứ
truy hỏi. Và các vị lãnh đạo thành phố thì lúng túng như gà vướng tóc. Tất
nhiên rồi sắp tới, các vị sẽ trả lời, và rồi cũng sẽ rất minh bạch, sẽ khó có
chuyện xà xẻo thật. Nhưng đó là sự minh bạch khi không thể không minh bạch. Vì
thế và chẳng có gì đáng để chúng ta phải chờ đợi những câu trả lời ấy nữa. Vì
khi người dân cần câu trả lời thì lãnh đạo thành phố không trả lời. Còn bây giờ
chỉ là sự hợp thưc hóa những chuyện khuất tất.
Tuy nhiên cũng vẫn cần thanh tra, nhưng thanh tra để quy
trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể. Và tốt nhất, đúng như mấy vị luật sư nói,
nên chuyển việc này cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thanh tra chính phủ vào cuộc.
Chứ Hà Nội gây ra sự cố động trời, Hà Nội lại Thanh Tra. Việc cần làm rõ trách
nhiệm của ông Thảo, lại để ông Thảo chỉ đạo thanh tra của ông Thảo làm rõ, thế
thì còn thanh tra cái nỗi gì. Chuyện thật cứ như đùa. Ai mà tin được. Trẻ con
cũng không tin chứ đừng nói dân. Vấn đề cần thanh tra là các loại cây họ chặt,
có đúng sâu mọt như họ nói không?. Điều này không khó, cứ xem những bức ảnh báo
chí đã chụp, rồi xem những thước phim dân quay, biết ngay thôi. Vì thế tôi đã
nói ngay, nói trắng phớ ra rằng đây là trò lừa đảo ngoạn mục giả danh cái đẹp.
Người ta đã mượn cớ chỉnh trang thành phố, mượn cớ bảo đảm an toàn cho dân
nhưng thực chất là việc khai thác gỗ và bán gỗ quý. Muốn được người dân và toàn
xã hội đồng thuận, không phải khó khăn gì. Chỉ cần thực sự công khai minh bạch
ngay từ đầu, như tôi đã nói, và làm đúng như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và làm tử tế là dân ủng hộ ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!
NGỌC QUANG ghi
(Lão Khoa)
Nguồn: huynhngocchenh.blogspot
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét