Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Hãy vuốt mắt cho nỗi Sợ Hãi

Hãy vuốt mắt cho nỗi Sợ Hãi

Đại Tá Lê Trọng Nghiã
Nguyệt Quỳnh

Nhà thần học nổi tiếng Dietrich Bonhoeffer là một thành viên hàng đầu của lực lượng kháng chiến chống lại chế độ tàn bạo Đức Quốc Xã ngay trong lòng nôi của nó. Mặc dù ghê tởm hành động tàn sát người Do Thái của Hitler, Bonhoefer và một số sĩ quan cao cấp trong quân đội vẫn giữ thái độ bề ngoài hợp tác với chế độ. Họ tin rằng những cơ may tốt nhất để chặn đứng Hitler nằm ở vị trí cận kề nhất với những kẻ điều khiển quyền lực quốc gia và việc này đòi hỏi một sự đồng lõa bất đắc dĩ. Bonhoeffer có câu nói nổi tiếng lên án sự im lặng của người dân Đức: “Im lặng khi đối diện với cái ác chính là bản thân của cái ác…”. Lẽ ra ông đã có cuộc sống an lành tại Hoa Kỳ, nhưng Bonhoeffer đã trở về với quê hương và chịu trả giá cho cái ước nguyện của mình là phải chận đứng sự tàn bạo của chính quyền Đức Quốc Xã.

Có lẽ mẫu số chung của những con người sống dưới các chế độ phát xít hay cộng sản là thái độ im lặng cam chịu. Đặc biệt nỗi im lặng cam chịu của nhiều đảng viên CS lại chợt hiện rõ lên qua cái chết của cựu Đại tá Lê Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa ra đi để lại cho cuộc đời nhiều nỗi ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì nó nhắc nhở rằng cả dân tộc VN đã bị dối lừa, bị oan khuất chứ không riêng gì bản thân Đại tá Lê Trọng Nghĩa. Vậy ai sẽ là người minh oan cho các nạn nhân của chế độ? của biết bao gia đình quanh vụ án Nhân Văn Giai Phẩm? của hàng trăm ngàn người bỏ mạng trong chiến dịch “Cải cách ruộng đất”? ...

Ông Nghĩa vốn là một sĩ quan cấp tá của Quân Đội Nhân Dân, xuất thân từ thành phần trí thức, là một nhà luật học, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông là một trong ba người đã lãnh đạo vụ “cướp chính quyền” từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Ông từng là Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Nói chung ông thuộc thành phần ưu tú của đảng CSVN.
 
Nhưng bản di chúc của ông để lại cho thấy ông đã phải sống im lặng đằng đẳng suốt 48 năm trời dưới sự đày đọa của đảng, để rồi chết đi với nỗi oan khuất của mình. Xét cho cùng, ông Nghĩa và các đồng chí của ông, trong đó một phần lớn đã vô tình góp xương máu, góp công sức xây dựng nên chế độ này. Và chính nó đã đẩy ông và người dân VN đến cảnh phải chịu hết nỗi oan khuất này đến nỗi oan khuất khác. Cái chết của ông Nghĩa nay đang nhắc nhở những người còn sống phải đặt lại câu hỏi về giá trị của sự cam chịu và lợi ích gì khi cứ nhất định đem nỗi oan khiên của mình xuống tuyền đài nay mai.  

Có nhiều người lên tiếng ngợi khen cựu Đại tá Lê Trọng Nghĩa là người trung nghĩa. Nhưng câu hỏi bật lên là: Ông “trung nghĩa với ai?”. Và im lặng là trung nghĩa?

Trung nghĩa với ai khi chỉ im lặng nhìn một tập đoàn lãnh đạo: trao đổi dần từng phần chủ quyền đất nước; ngày ngày nạo vét tài nguyên quốc gia bỏ vào túi riêng; mặc nhiên dìm dân tộc trong lạc hậu; bỏ mặc số phận dân nghèo để họ tiếp tục phải gánh chịu những thảm hoạ ghê rợn, đặc biệt những thảm họa do tham nhũng rút ruột công trình, do bỏ túi xong là phủi tay?

Có lẽ một thí dụ có đủ tất cả các tệ trạng nêu trên là vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Vũng Áng. Kỹ sư Hoàng, người làm việc tại khu công nghiệp Vũng Áng kể rằng: Những công nhân Trung Quốc và công nhân các nước khác được giao phần việc sau khi công nhân Việt Nam xử lý thô. Họ được ưu tiên làm việc trong mát, có mức lương cao gấp ba hoặc bốn lần công nhân Việt Nam…Đặc biệt, các công nhân Trung Quốc hầu như làm những việc bên trong một khu vực riêng bí mật, ít xuất hiện, và họ làm gì, người Việt Nam không tài nào biết được. Ngay cả kỹ sư Việt Nam cũng không biết được phần việc của công nhân nước ngoài, đặc biệt là công nhân Trung Quốc.”

Như thế cựu Đại tá Lê Trọng Nghĩa đã im lặng tới chết để mặc đảng và những đồng chí lãnh đạo của ông tiếp tục tàn hại đất nước là trung nghĩa hay sao?

Trung nghĩa hay chỉ vì muốn yên ổn bản thân? Câu hỏi này quả thật khá phũ phàng. Nhưng đối với những vị càng có chức vụ cao, càng ở cấp chỉ huy nhiều người khác, thì càng phải đối diện với câu hỏi này. Nhiều đảng viên CSVN ở cấp ngang hàng hoặc cao hơn Đại Tá Nghĩa đã đối diện với câu hỏi lương tâm đó và đã can đảm chọn con đường cho mình. Họ là các ông Trần Độ, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, và nhiều người khác nữa. Các vị đó đều đang được đảng sắp xếp cho một cuộc sống sung sướng, đầy đủ cho đến hết đời nhưng họ đã không thể chấp nhận im lặng để sống nốt cuộc sống ấy. Chính vì vậy mà họ đã rửa sạch thanh danh của mình trong lịch sử ngàn năm của dân tộc dù có vô tình tiếp tay với kẻ ác trong một thời gian.

Trung nghĩa hay nhẫn tâm với cháu con? Không lẽ ông Nghĩa và những người đang chọn thái độ im lặng không nhìn thấy tình trạng lệ thuộc quá nguy hiểm vào Trung Quốc và hiểm họa con cháu họ sẽ phải sống trên mảnh đất đã trở thành một tỉnh của Tàu? Không lẽ họ không thấy tình trạng suy đồi của xã hội mà con cháu của họ sẽ là những nạn nhân trực tiếp? Không lẽ họ không thấy sự tụt hậu nhục nhã của đất nước sau 40 năm thống nhất, đến độ đi sau cả Miến lẫn Miên trong nhiều lãnh vực? Thử hỏi làm sao có thể nhẫn tâm im lặng để mặc con cháu đời sau tiếp tục bị nghiền nát bởi cỗ máy đã nghiền nát cuộc đời mình?

Cũng có người cho rằng sự im lặng đến từ sợ hãi. Các chế độ cộng sản đều khuyến khích sử dụng "bạo lực cách mạng" gieo rắc sợ hãi để kiểm soát mọi mặt xã hội. Nghiên cứu của các nhà thần kinh học gần đây cho thấy nỗi sợ hãi và những trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt thường để lại những ấn tượng khó phai trong tâm trí con người. Trong khi ta sợ hãi, những tế bào thần kinh mới phát sinh sẽ in dấu mạnh mẽ về những tình huống kinh sợ mà ta đã đối mặt. Để đạt được mục tiêu gây sợ, ở thời hoàng kim cộng sản, những vụ thủ tiêu, giết người man rợ đã đồng loạt xảy ra tại các quốc gia theo chủ nghĩa này và VN không là ngoại lệ.

Nhưng sự sợ hãi không vĩnh viễn. Người ta có thể giúp nhau vượt qua thói quen sợ hãi và một khi người dân không còn sợ hãi nữa, tức khắc các chế độ dựa vào sợ hãi để cai trị sẽ tan rã. Đã có quá nhiều bằng chứng về hiện tượng này, từ sự sụp đổ hàng loạt của khối cộng sản Đông Âu dài đến các cuộc cách mạng màu và gần đây nhất là sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Ai Cập, Tunisia, Libya…

Trước tình hình đất nước hiện nay, im lặng không thể được coi là trung nghĩa. Im lặng cũng không đem lại sự yên ổn cho bản thân và không còn là một giải pháp khôn ngoan nữa. Thay vì im lặng, nhiều đảng viên kỳ cựu đã chọn cách sống xứng đáng với tiền nhân và với các thế hệ tương lai bằng hành động thiết thực. Họ không chờ đợi được đảng minh oan cho cá nhân mình như cựu Đại tá Lê Trọng Nghĩa. Họ nghĩ đến đất nước và tương lai cháu con nhiều hơn. Một thí dụ cụ thể là lá thư ngỏ của 61đảng viên lão thành đòi đích danh lãnh đạo đảng phải bạch hóa thông tin về những cam kết với Bắc Kinh tại Hội nghị Thành Đô năm 1990.

Một thí dụ đáng phục khác là sự lên tiếng của Thiếu tướng Lê Mã Lương về cái chết thảm thương của 64 chiến sĩ hải quân tại đảo Gạc Ma năm 1988. Ông chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, kẻ đã ra lệnh cho các chiến sĩ Việt Nam không được nổ súng chống trả lại hải quân Tàu. Thiếu tướng Lê Mã Lương gọi đây là nỗi đau của mọi người lính trong quân đội: “Nỗi đau này còn âm ỉ và nó sẽ đi cùng với người lính cho đến khi kết thúc sứ mệnh trên mảnh đất này”.
 
Hương hồn của 64 chiến sĩ, gia đình họ, và hàng triệu người Việt Nam cám ơn sự lên tiếng can đảm của Thiếu tướng Lê Mã Lương vì người bộ trưởng ra lệnh cấm bắn đó -- chính là Lê Đức Anh -- và nhiều ủy viên Bộ Chính Trị đồng lõa vẫn còn sống và còn nắm nhiều quyền lực sau hậu trường. Câu hỏi còn lại là hiện có bao nhiêu tướng lĩnh trong quân đội có được tiếng nói lương tâm như Tướng Lê Mã Lương trong lúc giòng chảy của dân tộc đang cuồn cuộn bên bờ tử sinh?  
 
Chúng ta không trách gì Đại tá Lê Trọng Nghĩa, mà chỉ thấy tiếc nuối một cuộc đời bị lường gạt và quá phí phạm. Chúng ta chia tay ông hôm nay và cũng chia tay luôn với sự im lặng cam chịu vô lý. Xin hãy cùng nhau Vuốt Mắt cho nỗi Sợ Hãi.
 
Nguyệt Quỳnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét