Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Dư luận xung quanh vụ bắt giữ khẩn cấp người mẫu Trang Trần

    Dư luận xung quanh vụ bắt giữ khẩn cấp người mẫu Trang Trần vì hành vi chống người thi hành công vụ

  • Dân Luận tổng hợp


    Người mẫu Trang Trần vừa bị bắt khẩn cấp.

    Khoản 1 Điều 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định cụ thể ba trường hợp phạm tội bắt khẩn cấp sau đây:

    Trường hợp thứ nhất: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    Trường hợp thứ hai: Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

    Trường hợp thứ ba: Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cớ.

    Trang Trần có ở trường hợp nào trong số này không? KHÔNG.

    Tuy nhiên, đấy là quy định của luật. Còn trên thực tế, thiên đường XHCN là một đất nước của công an, do công an và vì công an, cho nên Trang Trần hay Trang gì đi nữa cũng không nói chuyện luật ở đây được, phải không các bác?

    Theo FB Đoan Trang
    * * *
    Mọi người đều đồng ý với nhau rằng mọi quyền tự do đều cần có giới hạn. Lý do của việc đặt ra giới hạn là để đảm bảo quyền tự do của người khác và lợi ích chung của xã hội. Mỗi người cần bớt một chút tự do của mình để góp vào cái tự do chung của xã hội. Vấn đề là cái giới hạn ấy nằm ở đâu, và cái "một chút tự do" ấy là bao nhiêu. Đến đây thì bắt đầu cãi nhau không có hồi kết. Định lượng là một công việc không đơn giản, nhất là trong những xã hội đông dân và đa dạng về thành phần.
     
    Các xã hội thiết lập những cơ chế riêng để đi tìm cái ranh giới đó. Cơ chế của hệ thống án lệ (Anh, Mỹ, Úc) thì thiên về việc trao cho các thẩm phán quyền giải thích Hiến pháp và thiết lập các giới hạn. Cơ chế của hệ thống dân luật (Pháp, Đức, Nhật) thì thiên về sử dụng các văn bản pháp luật do lập pháp và hành pháp đặt ra. Hai hệ thống này tỏ ra vượt trội và trên thực tế nó đã tạo ra các xã hội thịnh vượng nhất trên hành tinh.

    Điều tiên quyết để hai hệ thống trên vận hành được là cấu trúc nhà nước tam quyền phân lập và dựa trên nền tảng chính trị dân chủ. Hai yếu tố này giúp cho các cơ quan nhà nước được đặt trong tình trạng bị kiểm soát liên tục và buộc phải lựa chọn những giải pháp tốt nhất có thể, đồng nghĩa với việc họ sẽ tìm mọi cách để xác định đúng cái giới hạn tự do của con người. Dù có thể các mô hình đó còn khiếm khuyết và chưa tìm được cái cần tìm, cỗ máy đó vẫn vận hành và ngày càng tiến gần đến cái giới hạn hợp lý hơn.

    Còn ở những xã hội chỉ có một đảng cầm quyền như Việt Nam, về cơ bản là không có cỗ máy đó, nỗ lực tìm kiếm cái giới hạn hợp lý là vô vọng. Hệ thống pháp luật và nhà nước Việt Nam có cái vỏ của hệ thống dân luật Pháp, nhưng thiếu hẳn hai yếu tố tam quyền phân lập và nền tảng chính trị dân chủ. Bản thân Việt Nam cũng không nhận mình thuộc về hệ thống dân luật Pháp, mà tự gọi là mô hình nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

    Mô hình này trao quyền quyết định cho Đảng cộng sản Việt Nam, với quyền năng tuyệt đối và không bị ai giám sát. Với địa vị đó, cái ranh giới tự do của con người luôn bị đẩy về phía người dân và mở rộng tối đa không gian tự do của đảng cầm quyền. Vì thế, trong cách hành xử với Trang Trần, chính quyền đương nhiên lựa chọn cách giải thích pháp luật và xác định giới hạn tự do có lợi nhất cho họ.

    Vậy nên nói gì thì nói, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về với cái vòng kim cô chính trị mà Việt Nam đang đeo trên đầu. Có cố tình lảng tránh đến đâu, viện dẫn kiến thức bác học nào và biện minh bằng tinh thần bác ái cao đến đâu đi chăng nữa, câu trả lời cuối cùng chỉ có một. Loại bỏ Đảng ra khỏi các tranh luận pháp luật chỉ thể hiện hoặc là đánh giá không đúng mức vai trò của Đảng trong đời sống pháp luật, hoặc là cố tình lảng tránh. Tôi không hứng thú với những tranh cãi lặt vặt về luật thực định lắm, vì đó không phải cái cần nói.

    Theo FB Trịnh Hữu Long
    * * *
    Mấy hôm nay có chuyện cô diễn viên người mẫu Trang Trần bị công an bắt, làm mình nhớ đến mấy chuyện hồi xưa học lái xe ở Mỹ. Trong sách dạy lái xe, người ta dạy thế này: khi bị cảnh sát dừng xe lại, bạn phải nhớ rằng cảnh sát cũng hồi hộp giống như bạn vậy đó. Do vậy, các hành động của bạn khi đó phải phù hợp. Không bước ra khỏi xe (trừ phi nó phóng loa bảo xuống xe, mà lúc đó là nguy rồi đó), kéo cửa xe xuống, nếu buổi tối thì mở đèn bên trong xe lên, tay chân để nơi thông thoáng, không có hành động gì bất chợt, ngồi đó chờ đến khi cảnh sát tiếp cận bạn. Khi cảnh sát bảo trình giấy tờ xe và bằng lái thì mới mở cốp mà lấy. Đừng tài lanh nó tưởng lấy súng ra là có khi chầu trời oan uổng! Và nhất là người khác ngồi trong xe cũng phải vậy. Khi bạn bè từ VN sang, ngồi trong xe mình, mình đều dặn thắt dây an toàn (rất ít người mới sang nhớ vụ này), và mấy cái hành vi phù hợp khi gặp cảnh sát. Tay chân manh động có khi nó bắn cho một phát là lên đường. Ai đúng ai sai thì lúc đó cũng đã toi mạng rồi. Và cũng đã không ít trường hợp bị cảnh sát bắn vì manh động. Dĩ nhiên, sau mỗi sự vụ bắn như vậy thì tình hình phức tạp: biểu tình, kiện tụng, báo đăng, truyền hình đưa tin, v.v.

    Tình hình ở VN coi bộ phức tạp hơn, và riết rồi không biết trật tự nằm ở chỗ nào. Cảnh sát có thể bị dân oánh gục lên gục xuống, hay cho nằm trên nắp ca pô taxi vài cây số, rồi được dân quay phim đưa lên mạng, mà súng ống không dám (hay không có quyền?) sử dụng. Vào đồn cảnh sát thì quay phim thoải mái, rồi cũng đưa lên mạng luôn. Rồi nhan nhãn tin tức về những cái chết bí ẩn trên đồn!

    Hình như là ở giữa nhân dân và chính quyền là một sự đôi co của hai thế lực thù nghịch vậy đó, theo kiểu: mày chửi tao hả, tao quay phim cho mày mang nhục với cộng đồng. Chẳng có thể thống, luật lệ gì cả.

    Đã thế, làm nền tảng cho sự đôi co vô thể thống là một nền truyền thông đại chúng siêu giật gân: Bắt khẩn cấp! Rồi kèm theo vô số những bình loạn trên FB, kẻ cảm thông cho người mẫu, kẻ thương tình cảnh sát.

    Chẳng thấy luật pháp đâu, chỉ thấy đôi co chợ búa. Dân chẳng ra dân, chính quyền chẳng nên chính quyền. Đại loạn.

    Kể thêm chuyên này, để thấy xã hội này không thể không loạn.

    Một lần mình ngồi trên xe buýt trên quốc lộ, phía trước là một xe ô tô cảnh sát, chạy chầm chậm, đèn xe cảnh sát xanh đỏ ngoáy ngoáy. Ô tô cảnh sát cứ thong dong trên đường. Xe nào muốn qua mặt thì qua!

    Mình thắc mắc: ủa cái đèn ngoáy ngoáy đầy quyền lực được cảnh sát sử dụng như thế sao? Nhớ lúc ở Mỹ, khi thấy cái đèn đó sáng lên, ngoáy ngoáy thì người đi đường phải có những động thái phù hợp.

    Cảnh sát, công an đang tự huỷ hoại quyền lực của mình, bằng nhiều cách: không hiểu quyền lực của mình, không sử dụng đúng quyền lực của mình. Không sử dụng đúng bao hàm luôn tham nhũng!

    Loạn!

    Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét