Bước tiến mới dân chủ hóa Việt Nam
Những ngày này, dư luận cả nước đang hướng sự chú ý về hai vụ việc chấn động tàn phá môi trường.
Tác hại của những dự án này đã được các chuyên gia chỉ rõ trong nhiều bài báo.
Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh pháp luật.
Cụ thể hơn là nói tới các nguyên tắc căn bản nhất của một xã hội thượng tôn pháp luật, dân chủ và công bằng, vốn đã bị vi phạm nghiêm trọng qua hai sự việc trên như thế nào.
Luật quan, luật dân
Đầu tiên và quan trọng nhất, khi những người có quyền muốn những người còn lại tuân thủ luật pháp, chính bản thân họ cũng phải tuân thủ luật pháp. Đối với việc chặt cây ở Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ rõ chính quyền đã vi phạm nghị định 64/2010, luật Bảo vệ môi trường, luật Thủ đô. Còn đối với vụ lấp sông Đồng Nai, chính quyền đã vi phạm luật Tài nguyên nước và luật Bảo vệ môi trường. Thử hỏi, khi luật pháp ‘nghiêm’ không được áp dụng cho quan chức mà chỉ áp dụng cho dân thì sẽ còn ai tôn trọng luật pháp ‘nghiêm minh’ ấy nữa?Qua cả hai vụ việc, nhà cầm quyền đều lừa dối người dân, tự cho rằng đã rất minh bạch dự án, đã tham khảo ý kiến người dân và đều được người dân đồng tình, nhưng sự thật, như chính báo chí trong nước đã chỉ ra, là hoàn toàn ngược lại.
Một xã hội công bằng phải dựa trên luật pháp chuẩn mực. Luật pháp làm ra phải được áp dụng như nhau cho tất cả mọi người, không ai được ngoại lệ và không ai được đứng trên luật pháp.
Không thể đối xử với quan chức khác với dân thường. Nếu quan chức tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm mà không sợ sự chế tài của pháp luật thì đất nước chẳng sớm thì muộn sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Thứ hai, người dân - những người được yêu cầu tuân theo luật pháp, tuân theo quyền lực chính trị, phải có tiếng nói. Nếu họ lên tiếng thì họ sẽ được chính quyền lắng nghe một cách tôn trọng. Ở vụ chặt cây tại Hà Nội, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã thẳng thừng là ‘không phải hỏi’ ý kiến dân gì cả.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại không thèm trả lời 21 câu hỏi của phóng viên báo chí trong một cuộc họp báo một chiều, độc thoại của ông và diễn ra chỉ vỏn vẹn chừng mười phút.
Sự việc lấp sông ở Đồng Nai còn kịch tính hơn khi phóng viên báo Thanh Niên xin lên sân thượng nhà những người dân ở gần hiện trường để chụp ảnh nhưng đều bị từ chối với lý do “Tôi sợ”.
Thậm chí phóng viên còn bị người lạ theo dõi. Tại sao người dân lại sợ hãi khi các phóng viên muốn sự thật được phơi bày? Làm sao có thể có tiếng nói khi ngay cả việc được biết sự thật cũng không thể được?
Từ đó ta thấy, xã hội Việt Nam hiện tại có hai giai cấp. Giai cấp thống trị là các đảng viên cộng sản có chức quyền không do dân bầu, đứng trên luật pháp. Và giai cấp bị trị là tất cả những người còn lại chịu sự chi phối của một thứ luật pháp bất công. Điều này cũng phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin với quan niệm nhà nước và luật pháp là công cụ đàn áp của giai cấp thống trị.
Cộng hòa chính danh
Để xảy ra hai sự việc trên, cũng như dự án bô-xít Tây Nguyên, đều là do sự vắng bóng hoàn toàn ở Việt Nam của các quy chế của một nhà nước pháp quyền, dân chủ, cộng hòa chính danh.Trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là dân không có quyền bầu ra đảng cầm quyền lãnh đạo theo chọn lựa của họ, do đó đây là nhà nước cộng hòa mạo danh.
Và thứ hai là luật pháp không chuẩn mực, được làm ra để phục vụ lợi ích của một đảng, không có hệ thống tư pháp độc lập, từ đó gây ra bất công xã hội.
Những lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm cao nhất vì họ nhận là họ có quyền lãnh đạo “trực tiếp, tuyệt đối, và toàn diện” mọi mặt đời sống xã hội.
Họ không thể đổ thừa là cấp dưới làm sai và chỉ tạm đình chỉ công tác của một vài cán bộ cấp sở, phòng.
Ở các nước dân chủ, chỉ cần một vụ việc như vậy là đã có thể khiến đảng cầm quyền phải ra đi, nhường lại quyền lãnh đạo cho đảng thắng cử.
Những bộ luật để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình đều bị nhà cầm quyền trì hoãn hoặc bóp méo, như các bộ luật về quyền tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do báo chí…
Thiếu vắng hành lang pháp lý để tự tập hợp lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, để sửa đổi những bộ luật sai trái, để “biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra”, những người dũng cảm lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của nhà cầm quyền rất dễ gặp rủi ro như bị sách nhiễu, đàn áp, bắt giữ trái phép.
Lựa chọn cho Đảng
Dẫu còn đầy khó khăn như vậy, người dân Việt Nam đã không còn chấp nhận chịu đựng nữa mà bắt đầu phản kháng, không còn ở phạm vi cá nhân đơn lẻ mà đã bắt đầu đứng lại cùng nhau, lên tiếng cùng nhau để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Hãy nhìn những tấm ảnh người dân cùng nhau xuống đường biểu tình để bảo vệ cây xanh; nhìn trên cả mạng xã hội và báo chí chính thống cũng phản ứng quyết liệt với chuyện chính quyền Hà Nội chặt cây, chính quyền Đồng Nai lấp sông, với những quan chức khinh thường dân.
Nhìn vào việc người dân tự thành lập các tổ chức xã hội dân sự, không chỉ mang tính xã hội mà cả tính chính trị, ta có thể thấy việc chuyển đổi sang một xã hội dân chủ, công bằng đã bước sang một giai đoạn mới.
Nếu nhà cầm quyền chọn cách đàn áp sự phản kháng của người dân, cuối cùng họ sẽ tạo ra những con người dũng cảm đấu tranh chống bất công.
Nếu nhà cầm quyền chọn cách bưng bít thông tin, lừa dối dư luận, cuối cùng họ lại đánh mất niềm tin của người dân - cốt lõi cho sự tồn tại của bất kỳ chế độ nào.
Nếu nhà cầm quyền chọn tiếp tục tước đoạt quyền làm chủ của người dân, cuối cùng họ đã buộc người dân phải đứng lên thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu ra đảng lãnh đạo mới.
Và nếu những người lãnh đạo đảng cộng sản hiểu và thấm thía câu ca dao từ cổ xưa truyền lại "Bao giờ giặc nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa” như là lời tổng kết của dân gian với các triều đại đến rồi đi trên đất nước này thì họ sẽ hành động khác.
Và hãy bắt đầu bằng việc trả lại quyền làm chủ cho người dân qua nhà nước cộng hòa chính danh, và tạo dựng xã hội công bằng qua luật pháp chuẩn mực.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà vận động cho nhân quyền, dân chủ hóa và cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét