Chính quyền làm gì, dân nỏ biết...
Công ty Toàn Thịnh Phát đang lấp sông Đồng Nai để thực hiện dự án. Ảnh: TIẾN DŨNG
Chuyện ở hai đầu đất nước, Hà Nội và Đồng Nai. Một bên mở chiến dịch chặt hàng ngàn cây xanh nhưng “không cần hỏi dân” như lời một quan chức đã nói; bên kia lấp sông để làm dự án, khi phóng viên hỏi đã họp dân chưa thì chủ doanh nghiệp nói rằng “hình như chính quyền đã gặp dân rồi” (TN, 21.3.2015, 15:00)!
Chuyện cây xanh thì đã tạm dừng, có nghĩa là lời dân đã được chính quyền đã hiểu. Còn ở Đồng Nai, trong trường hợp này, hình như chắc chắn là chưa – với nghĩa, dân phải là đa số người có liên quan đến môi trường sống chưa hề biết, bởi nếu dân biết, đã không xảy ra chuyện bão tố giữa đầu xuân…
Của đáng tội, nói cho công bằng, cũng có vài ba dân biết,
đó là chủ các dự án. Họ biết chắc thu ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ có
ngàn tỷ đồng, biết chắc cái sự sông chưa lấp, có nghĩa là căn hộ chỉ mới
có trên giấy nhưng đã nhận tiền đặt chỗ… căn hộ từ khi mới đổ vài trăm
xe đất, với giá bán “chỉ 6 đến 8 tỷ đồng/căn” (TN đã dẫn). Người Huế nói
rất hay khi “mô tả” cái sự này: “Mỗi căn hộ chỉ gần chục tỷ, chớ
mấy”!...
Cái lợi ích nhỡn tiền, nói như người xưa, giấu đầu chuột, hở đầu
voi kinh khủng khiếp. Vốn ít, vay ngân hàng, coi nước sông như lúa non,
bán để ăn non bất chấp cái sự tháo chạy đường dài, không khác gì hơn là
cung cách ăn xổi, ở thì. Nói một cách khác, cho “đặt chỗ” thu hồi vốn
theo cách “nấu cháo mầm đá”.
Nghịch lý của cái sự dân nỏ biết và
cái sự dân nỏ được phép hiện rõ rành rành: Trong khi không cho phép dân
mở mang xây dựng dọc bờ sông thì chính quyền Đồng Nai lại cho phép dự án
lấp sông – có chỗ lấn thẳng vào lòng sông đến cả 100m!
Khoản 4, Điều 9 của Luật Tài nguyên
(nước) ghi rõ các hành vi bị cấm là “đặt vật cản, chướng ngại vật, xây
dựng công trình kiến trúc gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước”… Chẳng
lẽ đổ hàng triệu tấn đất đá không phải là… chướng ngại vật, không cản
dòng nước?
Các nhà chuyên môn sẽ phân tích rốt ráo
tác hại của việc lấp sông, nhưng hãy thử suy từ cách nói của Triệu Công
khuyên Chu Lệ Vương cách đây gần 3.000 năm thì rõ: Bịt miệng dân
chúng sẽ thành mối nguy giống như dòng nước bị chặn lại sẽ trở nên nguy
hiểm. Dòng nước không thoát sẽ dẫn đến tràn, người chịu tai họa sẽ rất
nhiều…
Các nền văn minh lớn của phương Đông đều
được “sinh ra” bên những dòng sông lớn. Lẽ ra, những cư dân của bên
sông phải hiểu rõ mối nguy từ câu “nhất thủy, nhị hỏa” – lũ tràn bờ bởi
sự bịt dòng chảy là mối hiểm họa khôn lường.
Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài
nhất nước, chảy qua 12 tỉnh, thành để đem đến sự sống cho 20 triệu con
người. Tầm mức ảnh hưởng, tác động của nó đối với xã hội, dân cư, tự
nhiên là rất lớn. Chẳng lẽ cái việc lấp sông, chặn dòng lớn như thế mà
người dân lại chẳng biết gì?
Hà Văn Thịnh (Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét