Tướng Quang đi Mỹ: Nhân quyền có được giải chế hơn?
Phạm Chí Dũng
Có lẽ đã rất lâu rồi, chính giới Việt-Mỹ mới trải nghiệm một
sự kiện đặc biệt: nhân vật đứng đầu ngành bị quốc tế chỉ trích nặng nề nhất về
chủ đề nhân quyền - Bộ Công An - sẽ diện kiến ở Hoa Kỳ vào một thời điểm có thể
rất gần, theo một nguồn tin cậy.
Thậm chí, chuyến xuất cảnh của Ủy Viên Bộ Chính Trị Trần Đại
Quang còn có thể mang tính chiều sâu và ẩn dụ, xét trên bình diện tổng thể “đi
dây” lẫn nhu cầu thể hiện cá nhân, hơn cả cuộc viếng thăm dự kiến tới
Washington của cấp trên của ông là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - người sắp kết
thúc nhiệm kỳ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị bị xem là khá lu mờ.
“Phóng sinh” tin tức
Điểm đặc biệt không kém trong việc loan tin về lần đi Mỹ của
Tướng Quang lại được tiết lộ từ thái độ “vô tình” của tân đại sứ Mỹ tại Việt
Nam - ông Ted Osius. Không phải tại các phòng khánh tiết, không phải họp báo,
cũng chẳng phải là trả lời phỏng vấn, người vừa thả cá phóng sinh ở Hồ Gươm đã
tung ra thông tin đắt giá này trong buổi nói chuyện với tầng lớp tương lai của
Việt Nam - các sinh viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội tại giảng đường trường này.
Một điểm đặc biệt ý nhị nữa là tin tức của ông đại sứ chỉ xuất
hiện hai ngày sau khi bà Rose Gottemoeller, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, gặp gỡ và
làm việc với ông Tô Lâm, thứ trưởng Bộ Công An, vào đầu Tháng Ba. Có vẻ như hai
vị này đã “dàn xếp” khá ổn thỏa về một số chủ đề và nội dung nào đó, tất nhiên
bao gồm cả nhân quyền, để cuối cùng kéo theo sự ấn định chuyến nhập cảnh vào Mỹ
của Tướng Trần Đại Quang.
Tuy nhiên có một điểm khác biệt cơ bản. Nếu chuyến công du Mỹ
của ông Nguyễn Phú Trọng đã được giới ngoại giao Việt Nam vận động từ khoảng một
năm trước đây, tức vào đầu năm 2014, và không còn mấy bất ngờ cho tới khi báo
chí Hoa Kỳ và sau đó thông tấn xã Việt Nam đưa tin, thì hành trình của Tướng
Quang lại mang tính đột biến hơn nhiều. Sự bất ngờ này cũng khiến dư luận không
khỏi liên tưởng về cuộc “ra mắt” hoàn toàn bí mật của ông Phạm Quang Nghị tại
Washington, DC, hồi cuối Tháng Bảy, 2014. Ông Nghị hiện là ủy viên Bộ Chính Trị
kiêm bí thư Thành Ủy Hà Nội, một nhân vật được xếp vào vị trí người thừa kế chức
vụ tổng bí thư cho Đại Hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Tuy vậy, nếu những cuộc tiếp xúc của ông Phạm Quang Nghị với
giới chính khách Quốc Hội Mỹ là khá trừu tượng về chủ đề và nội dung, thì mặc
dù chưa đặt chân lên đất Mỹ, chuyến hành trình của bộ trưởng Bộ Công An Việt
Nam lại được chính Đại Sứ Ted Osius mô tả là “sẽ làm việc với các quan chức Mỹ
về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền.”
Nhân quyền lại được xem là rào cản vời vợi nhất trong mối
quan hệ Việt Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, tính từ thời điểm 1995.
Ai sẽ chất vấn Tướng Quang?
Liệu chân dung của Tướng Quang có lóe sáng tại Washington, DC?
Hình ảnh có thể dễ dàng tổng kết là sau ba lần tiếp nhận giải
chế của Hoa Kỳ - một về gỡ bỏ cấm vận kinh tế, một cho hiệp ước thương mại song
phương Việt Mỹ, và lần gần nhất được gia nhập WTO vào năm 2007, đảng và chính
quyền Việt Nam vẫn chỉ chấp hành khoảng 20% trong tổng số hơn 200 khuyến nghị của
các quốc gia trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về các quyền con người -
như một số đánh giá của giới phân tích và tồ chức nhân quyền quốc tế.
Từ tự do thể hiện chính kiến của giới có quan điểm khác nhà nước
đến quyền tự thị tâm linh của các tôn giáo Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Thống
Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, vẫn bị chính quyền Việt Nam khép vào khuôn khổ “luật
là tao, tao là luật.”
Một trưởng công an phường còn tiến xa hơn nhiều với một phát
ngôn đặc trưng thời đại công an trị: “Tự cái con c...!”
Thân phận các đối tượng xã hội chịu khổ rủi cũng chẳng khá
gì hơn: Công nhân không được quyền lập nghiệp đoàn độc lập của họ, dân oan đất
đai bị cấm biểu tình, những trí thức phản đối Trung Quốc bị cấm cửa ngay tại
nhà họ, còn hơn 800 tờ báo nhà nước thì bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ
Thông Tin và Truyền Thông tìm mọi cách không cho mở miệng.
Ngay cả quyền tự do đi lại trong nước của rất nhiều công dân
cũng luôn bị biến thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo “chỉ thấy cái xà trong
mắt người mà không thấy cái dằm trong mắt mình.”
Tình cảnh trên đang trở thành một thách thức khôn tả cho
chuyến đi Mỹ sắp tới của Tướng Trần Đại Quang. Triển vọng hầu như chắc chắn là
trong thời gian ở đất nước cựu thù, ông Quang sẽ phải đối mặt với những cuộc phản
đối mạnh mẽ của các phong trào người Việt hải ngoại, nhưng hơn thế nhiều là sẽ
phải tìm cách trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn của giới chức chính phủ Mỹ,
các thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ và đặc biệt là các thượng nghị sĩ Cộng Hòa về
sáo ngữ “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người.”
Lịch sử có lặp lại vào 2015?
Xét từ một góc độ khác, chuyến đi Mỹ của Tướng Quang lại
mang hàm ý có vẻ tích cực cho tương lai quan hệ Việt-Mỹ và chiều hướng cởi nới
về nhân quyền.
Việc từ rất lâu mới có sự kiện nhân vật bộ trưởng Công An Việt
Nam hoặc chấp nhận, hoặc tự thân muốn ra mắt ở Washington, DC, cho thấy mối
quan hệ giữa hai quốc gia đã không còn nằm ở vận mốc những năm 2009-2012 khi Việt
Nam say sưa đàn áp phong trào bất đồng và đối lập, mà đang nghiêng về khuynh hướng
“Tây tiến,” đặc biệt sau sự kiện quá đình đám của một trang blog có tên là Chân
Dung Quyền Lực vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 với vô số thông tin tranh đấu nội
bộ được tung tóe.
Hiển nhiên là, ở vào tình thế mà năm 2015 được chiêm tinh
gia Phước Lộc tiên đoán “sẽ có những thảm cảnh đấu đá, tranh giành một mất một
còn không khoan nhượng, gây hỗn loạn, nội bộ ly tán, để rồi cùng níu kéo nhau
như những con chim se sẻ đỏ đâm đầu xuống sông,” ai “nắm” được quốc tế và nhất
là “siết” được Hoa Kỳ, người đó sẽ có nhiều cơ hội nhất để giành chiến thắng tại
Đại Hội 12 vào đầu năm 2016.
Sự “khai ân” của chính quyền vào sát Tết Nguyên Đán 2015 khi
tạm phóng thích hai blogger chưa lãnh án tù là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập
thật ra chỉ là chuyện nhỏ trong kho chứa tù nhân lương tâm mênh mông. Bởi cũng
như dịp Tết Nguyên Đán 2014 đã không có một tù nhân chính trị nào được trả tự
do, Tết Nguyên Đán vừa qua cũng chẳng có một thân phận bất đồng thụ án nào được
thoát chân khỏi cửa trại giam.
Tất cả còn phải chờ đợi kết quả “đối ngoại.”
Tình hình bất nhất trong ngoài như thế khiến người ta liên
tưởng lại thời điểm này của năm 2014. Tương tự chuyến làm việc tại Hà Nội của
bà Rose Gottemoeller mới đây, một nữ phụ tá ngoại trưởng khác của Mỹ, bà Wendy
Sherman, đã làm việc với Hà Nội vào đầu Tháng Ba, 2014. Ngay sau đó và chẳng cần
đúng vào dịp lễ lạt hay đợt “đặc xá” nào, một loạt tù nhân chính trị được phía
Việt Nam phóng thích, bắt đầu từ “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu đến Luật Sư
Cù Huy Hà Vũ, mở đầu cho “chiến dịch” thả đến 14 tù nhân lương tâm trong năm
2014, mà phạm nhân cuối cùng là người bị chính quyền khó chịu nhất - Điếu Cày
Nguyễn Văn Hải.
Lịch sử có lặp lại vào năm nay - 2015?
Không thể thoải mái hơn khi khẳng định tính xu thế: Giới cầm
quyền yếu đuối ở Việt Nam phải tìm cách liên minh với xứ Cờ Hoa nhằm ly tâm mối
tai họa của quốc gia có biệt hiệu “Bành Trướng.”
Nếu không quá câu nệ vào một số dư luận cho rằng Tướng Trần
Đại Quang “thân Tàu,” chuyến “tiền trạm” Mỹ của đương kim bộ trưởng công an có
thể liên đới chủ trương thời thượng “cải cách thể chế” và nhìn nhận lại ảo ảnh
lịch sử từ cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam - mà nghe nói cho đến
nay đến cả một lý thuyết gia như ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã dần xiêu lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét