Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Nhầm - Tuấn Khanh's Blog

Nhầm - Tuấn Khanh's Blog


“Nhầm” có thể trở thành một trong những từ ngữ của năm của người Việt. “Nhầm” xứng đáng trở thành tên gọi trong một chương lịch sử hiện đại của người Việt.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến việc “nhầm” trở nên thịnh hành ở Việt Nam như bây giờ. Trong vụ hàng ngàn cây xanh bị chặt đổ đầy những câu hỏi, như một vụ án công chưa có câu trả lời, người chịu trách nhiệm chính thức là ai, thì lại có tin hàng loạt cán bộ cấp be bé bị kiểm điểm. Có nhầm không? Người Việt đủ thông minh để hiểu rằng thủ phạm chính vẫn ở đâu đó trong các dinh thự cao rộng, vụ kiểm điểm chỉ là một thủ pháp để xoa dịu sự bất bình của đám đông.

Lãnh đạo Hà Nội nói rằng họ rút kinh nghiệm về việc chặt cây mà không tham khảo ý kiến dân chúng, nhưng bên cạnh những lời trần tình đó, người ta chứng kiến các sinh viên đi dán thông báo bảo vệ cây xanh bị công an, dân phòng sách nhiễu, những chiếc nơ thiện chí về môi trường bị xé đi một cách lạnh lùng và chủ tâm. Một cuộc tuần hành hoà bình kêu gọi bảo vệ cây xanh cũng vây trong không khí căng thẳng như chống bạo động. Ai đang nhầm ở đây, về một sự kiện có sinh hoạt dân sự bình thường bị đè nặng bởi các áp lực mơ hồ nào đó?

Những cây xà cừ cao khoẻ bị nhầm là cây chết, hư hỏng. Gỗ vàng tâm bị nhầm là gỗ mỡ… Chúng ta đang nhầm rất nhiều thứ, bao gồm nhầm cả việc đặt để những người vào vị trí quản lý nhưng lại không có khả năng, luôn nhầm những chuyện quan trọng, gây hoạ cho không biết bao nhiêu người về sau.

Rất nhiều quan chức khi mắc sai lầm, vẫn hay nói rằng đám đông, xã hội đã hiểu nhầm ý của họ. Điều đáng nói là những vị quan chức đó vẫn luôn đúng đắn, chỉ có một xã hội hiểu nhầm. Có khi trí tuệ của đám đông lên đến 80 triệu người, bằng cả một dân tộc, vẫn bị coi là hiểu “nhầm”. Dân gian không vô cớ mà hình thành rất nhiều các thành ngữ mỉa mai như “lỗi của thằng đánh máy”, “bán vé số thu nhập rất cao”, “coi pháo hoa để quên nghèo”… tất cả cũng chỉ xuất phát từ việc “nhầm” của miệng nhà quan. Họ nhầm về nhân dân, và nhân dân đều nhầm về họ.

Trong một truyện cười về nhà triết học Đức F. W. Nietzsche (1844-1900), hậu thế nói rằng khi ông sắp mất, báo chí đứng đầy quanh giường và hỏi rằng toàn bộ học thuật phức tạp của ông, đã có truyền nhân nào kế tục không. Nietzsche thều thào chỉ tay về một cậu học trò thẹn thùng đứng ở gần cửa. “Nó. Chính nó…” Tất cả mọi phóng viên đều ùa sang cậu học trò đó. Duy nhất một nhà báo không chen chân kịp, đành ở lại và hỏi Nietzsche rằng “Cậu ấy thế nào?”. Nietzsche thì thào trong hơi thở cuối “Nó là người hiểu sai mọi thứ”.

Ai trên đất Việt hôm nay, đã quá vội vã, khiến “nhầm” về mọi thứ? 

Không chỉ Hà Nội, mà ngay ở Sài Gòn, những hàng cây cao lớn, sống hớn nửa thế kỷ đang bị im lặng hạ gục trong các công viên, trên các con đường ở Gò Vấp. Những hàng cây cũng khoẻ mạnh và không tội tình gì. Cuộc sống đang bị triệt hạ âm thầm mà chỉ có số đông dân chúng là nạn nhân. Điều đó thì không thể nhầm.

Con sông Đồng Nai cũng đang chuẩn bị lấp để cho một dự án làm ra tiền nào đó. Hôm nay lấp được một phần, sẽ không lâu lấp đến những phần khác. Hàng triệu con người sống với sông nước ở miền Nam sẽ chịu tai hoạ từ những kẻ phác thảo các dự án từ phòng máy lạnh và nước đóng chai. Tương lai khốn khó và tài nguyên tự nhiên của đất nước cạn đi là một điều không thể “nhầm”, thậm chí khi một ngày nào đó những người trách nhiệm vẫn phủi tay, hô to rằng mình “nhầm”.

Tất cả mọi chuyển động đều làm ra tiền. Đánh dấu một cái cây cần chặt thôi đã có tiền hơn nửa triệu bạc, thì không lý gì tiền tỷ không được làm ra từ các câu chuyện mà dân chúng phẫn nộ.
Trên đất nước Phượng hoàng hôm nay, quá nhiều những kẻ may túi ba gang đeo bám và trục lợi cho bản thân mình. Phượng hoàng rồi cũng phải kiệt sức trong sự tử tế của mình và không thể nào còn cất cánh nổi. Ngay trong cái chết của nó, ắt cũng kéo theo không biết bao nhiêu kẻ ôm bám cùng những chiếc túi khổng lồ mà luôn “nhầm” là may chỉ với ba gang.


https://nhacsituankhanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét