‘Chết trong đồn công an’
226 người chết trong nhà tạm giam, tạm giữ trong ba năm. Những cái
chết bất thường ấy được gói gọn trong hai lý do: Bệnh lý và tự sát.
Trong đó, số chết vì tự sát nhiều
hơn. Trả lời Quốc hội, đại diện ngành công an lại chia việc tự tử trong
đồn làm hai loại “treo cổ và tự sát”. Điều đó khiến đại biểu Đỗ Mạnh
Hùng phải hỏi ngược: “Vậy thì treo cổ là tự treo hay bị người khác
treo?”.
Dù chết vì nguyên nhân nào, hàng
trăm cái chết của những công dân chưa bị coi là tội phạm trong thời gian
bị tạm giam, tạm giữ cũng khiến dư luận rúng động; đòi hỏi ngành công
an phải xem lại trách nhiệm quản lý bị can lẫn việc chăm sóc sức khỏe
cho họ.
Nếu chết vì bệnh thì việc quản lý bị
can đã được thực hiện như thế nào mà những dấu hiệu bệnh lý của họ
không được phát hiện kịp thời? Họ có được chuyển cấp cứu và chăm sóc tốt
hay không?
Còn nếu họ tự sát thì có rất nhiều
câu hỏi được đặt ra: Quá trình thẩm vấn, lấy cung có đẩy tâm trạng họ
vào cùng quẫn, bế tắc, phẫn uất khiến họ tự sát? Những dấu hiệu khủng
hoảng, ân hận, giày vò (dẫn đến tự sát) có được phát hiện để trị liệu
hoặc chú ý giám sát để họ không có điều kiện tự sát? Và ở nhiều trường
hợp, một câu hỏi không thể không đặt ra, họ có bị nhục hình hoặc đe dọa
dùng nhục hình? Câu hỏi này không phải là không có cơ sở khi mà trên
thực tế đã có những vụ như anh Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) bị các điều tra
viên đánh đến chết tại Công an TP Tuy Hòa, hay như ông Nguyễn Thanh Chấn
ở Bắc Giang, 10 năm thụ án chung thân vì tội giết người mà ông không hề
thực hiện.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng đó?
Số lượng người bị tạm giam, tạm giữ so với năng lực quản lý của cơ quan
công an ra sao? Có hay không dấu hiệu lạm dụng biện pháp ngăn chặn? Đó
là điều cần được xem xét.
Nhiều trường hợp tự sát có thể sẽ
được ngăn chặn nếu can phạm có chỗ dựa pháp lý và tâm lý đủ để vượt qua
khủng hoảng, mà sự có mặt của luật sư là một trong những chỗ dựa ấy. Từ
đó đặt ra vấn đề: Việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng ngay
từ giai đoạn điều tra đã được thực hiện như thế nào?
Xã hội không thể bình yên nếu các
hành vi phạm tội không được ngăn chặn và trừng trị. Tạm giữ, tạm giam là
một điều kiện cần thiết, là một công cụ để ngành công an thực hiện sứ
mạng này. Nhưng việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm cho người bị giam giữ cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành công
an được giao. Họ chỉ là những công dân tạm thời bị hạn chế một số quyền để
phục vụ việc điều tra ngăn chặn tội phạm, còn sức khỏe, tính mạng và
danh dự họ cũng quý như mọi người.
NHẬT HÒA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét