Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

DẠY TRẺ EM ĐÁNH NHAU

Dạy trẻ em đánh nhau - Theo Blog 5xu



Trên báo mấy hôm nay, các nhà đạo đức học núp bóng từ học giả đến các nghệ sĩ biểu diễn lên giọng kể tội các em nữ sinh đánh hội đồng một nữ sinh khác. Đổ tội cho gia đình không biết dạy con. Than phiền là lũ trẻ thiếu giáo dục nên mới hung bạo như thế.

Xin đính chính ngay, bọn trẻ hung bạo ấy chính là sản phẩm hoàn hảo của nền giáo dục này. Vì giáo dục đầy đủ quá nên mới sinh ra như thế. Giả sử lũ trẻ ấy không đi học, có lẽ chúng nó sẽ hiền lành hơn, ít nhất hiểu được việc làm hại người khác là một việc ác và sẽ có lỗi với tự nhiên, với đất trời.
Trên ghế nhà trường, bọn trẻ con ngây thơ mắt đang sáng tự nhiên lại được học đủ các tấm gương oai hùng. Họ là các dũng sĩ măng non, cầm súng đi diệt Mỹ diệt Ngụy từ tấm bé. Bọn trẻ con được học về các anh hùng trẻ tuổi, như cô Sáu, trở thành một hình tượng bất diệt nhờ đi ném lựu đạn giết người (dù có thể là người ác) ở lứa tuổi vị thành niên. (Xem thêm các dũng sĩ măng non diệt Mỹ Ngụy ở phụ lục ở cuối bài).

Cũng ở trên ghế nhà trường, những trẻ em aka tương lai của đất nước, được học các tác phẩm, có thể có chút giá trị nào đó về văn học, nhưng hoàn toàn độc hại cho nhân cách trẻ em. Trẻ em phải học và thi về các nhân vật kiểu mẫu, mỗi khi gặp khó khăn, thay vì nỗ lực tìm giải pháp vượt qua, các nhân vật ấy giải quyết vấn đề rất tiêu cực: vượt qua khó khăn bằng cách bán thân (bác Kiều), bán chó bán con đẻ (bác Dậu), chửi bới ăn vạ (bác Phèo). Thậm chí trẻ con phải học và thi về những thứ rất đau đầu: cướp chính quyền, đánh nhau thì ai có cuốc dùng cuốc (Bác Ông Cụ).

Đấy là trong nhà trường. Ngoài xã hội thì có một thời kỳ rất dài người ta làm văn hóa bằng cách: mỗi người làm một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Thật là hiếu chiến và sùng bái bạo lực. Ở mẫy giáo bây giờ (năm 2015) người ta vẫn dạy trẻ em, và cả trên Zing MP3 nữa, vẫn tồn tại bài hát có lời như sau:

“Đồn giặc cháy xác phơi đầy đồng
Bộ đội ơi cho bé em theo
đừng cười chê em bé tí teo
vác súng trên vai theo bước quân hành
nhằm giặc Mỹ súng em pằng pằng”.


Những đứa trẻ ngày xưa, nay đã thành ông bà, bố mẹ. Giáo dục thẫm màu anh hùng bạo lực từ nhà trường có thể đã chuyển hóa vào đến tận gia đình.

Ngày xưa, thực ra cũng chưa xưa lắm, thời tôi và các đàn anh còn đi học phổ thông, nền giáo dục và văn hóa đặc sắc và đậm đặc các chất liệu bạo lực như thế. Nên nạn trấn lột và bắt nạt nhau tràn lan ở Hà Nội. Học sinh cấp 3 trong cặp có con lê (hoặc dao găm) là việc bình thường. Những năm sau, mặc dù giáo dục vẫn thế nhưng nhờ có mở cửa mà văn hóa (tư nhân và ngoại nhập) có thêm ít nhiều tính nhân văn, nên cái ác trong nhà trường giảm đi.

Nhưng hiện tượng nhân văn hóa trẻ em Việt Nam này diễn ra và lan tỏa rất chậm chạp. Khi mà ở Hà Nội học sinh bắt đầu hiền lành hơn, nhân văn hơn, thì ở các tỉnh lẻ mọi việc vẫn như cũ và cái ác (do tác động tiêu cực của đổi mới kinh tế, gây bất bình đẳng) trầm trọng hơn. Đó là vì giáo dục vẫn tàn ác thế, văn hóa tuyên truyền ở địa phương vẫn hiếu chiến thế, mà văn hóa nhân văn của tư nhân và ngoại nhân mới chỉ chập chững ở thành thị mà chưa lan được đến nông thôn.

Ngày qua ngày, ở các đô thị lớn, văn hóa nhân văn của tư nhân đè bẹp văn hóa hiếu chiến của nhà nước, thì giáo dục đành phải đơn côi gánh vác trách nhiệm truyền bá bạo lực cho lớp trẻ. Vậy nên học sinh thành phố bớt đánh nhau hơn ở nông thôn. Và ở nông thôn ngày nay, trẻ em đang được hòa mình trong nền giáo dục bạo lực và văn hóa hiếu chiến, giống như ở Hà Nội khoảng 30 năm trước đây.

Việc thay đổi giáo dục là bất khả. Làm sao mà bỏ Chí Phèo và cô Sáu ra khỏi sách giáo khoa bây giờ. Chưa kể chính giáo viên cũng là sản phẩm hoàn thiện của nền giáo dục phế phẩm ấy. Chưa kể thần tượng muôn đời của thanh niên Việt Nam chính là Thánh Gióng, một đứa trẻ đi đánh giặc. Việc đánh giặc (giết người) là việc của người lớn, của quân đội chính quy mà nước ta có từ thời Lê Hoàn. Không phải là việc của trẻ em mà chiến tranh nhân dân hô hào rát họng. Thánh Gióng còn là sự phản chiếu tâm thức bạc nhược bất lực của triều đình, khi mà Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng thì giấc mơ giải phóng đành gửi gắm vào một em bé thiếu nhi cưỡi ngựa sắt và roi sắt (phản chiếu công nghệ quân sự cao cấp) tự dưng có mà không biết ở đâu ra. Liệu có bố mẹ nào tự hào có đứa con ba tuổi ra trận giết người? Vậy mà ở Việt Nam lại có.

Cách duy nhất để cứu trẻ em, là mang về nông thôn một nền văn hóa tư nhân lành mạnh, yêu lao động và lương thiện. Kể cả là mang về quê văn hóa ngoại nhập kiểu K-Pop, vẫn cứ là có ích. Việc này rất quan trọng, bởi 70% thanh thiếu niên Việt Nam đang sống ở nông thôn. Những thanh thiếu niên của ngày nay cần phải là những cha mẹ hiền lành trong tương lai.

Và một cách nữa dễ hơn, đừng dạy những thứ thiếu nhân cách trong nhà trường nữa. Nếu chưa biết dạy cái gì cho tốt, thì bỏ quách nó đi, chỉ dạy trẻ em biết chữ, biết toán lý hóa, biết vẽ bầu trời màu xanh và biết đủ bảy nốt nhạc. Còn hơn dạy đủ thứ bạo lực như bây giờ.

Để minh họa, tôi copy dưới đây một bài viết từ website của tỉnh đoàn, đăng ngày 22/04/2011. Trong bài viết này, có em bé tuổi vị thành niên đã kịp giết 80 tên địch.

Kể chuyện dũng sĩ diệt Mỹ măng non ở miền Nam

“Hướng tới chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2011), xin giới thiệu cùng các bạn thiếu nhi Cà Mau những dũng sỹ diệt Mỹ nhỏ tuổi ở miền Nam, đây là những tấm gương tiêu biểu được các thế hệ thiếu nhi cả nước quí mến!”

* Đoàn Văn Luyện: Quê Quảng Ngãi, căm thù giặc giết mẹ, giết em, Luyện nghĩ cách trả thù , tiêu diệt giặc. Mới đầu, Luyện cùng các bạn trong sớm bày mưu lấy súng của giặc cho các anh du kích. Sau, em xin cùng đi đánh. Các anh không cho. Luyện lẳng lặng mạng lựu đạn phục kích định hạ chiếc trực thăng Mỹ.Không đánh được, Luyện quăng trái lựu đạn vào tụi Mỹ, giết 5 tên. Các anh du kích biết tin, vừa khen em dũng cảm, vừa phê bình em tự ý chiến đấu không báo cáo ai, có thể gây nguy hiểm. luyện nhận ra lỗi của mình, lần sau trong trận đánh trả thù cho anh Nguyễn Văn Trỗi, Luyện đã được các chú trong xã cho đánh. Em gài mìn bẫy giặc rất mưu trí và diệt thêm 9 tên nữa. Thành tích giết giặc đó đã đưa em tới danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi”.

* Hồ Văn Mên: Trước những tội ác vô cùng dã man của giặc Mỹ và tai sai đối với đồng bào, bà con ở xã; căm thù quân giặc giết cha, Mên xin được đi đánh giặc. Được bà con và các chú cho đi, Mên liền rủ thêm bạn, lập thành một nhóm đánh giặc. Mên đánh giặc nhiều lúc, bằng nhiều cách, cả bọn lính Mỹ đánh bộ lẫn bọn đi xe tăng, xe cơ giới. khi gài mìn, lúc bắn súng, quăng lựu đạn, bằng nhiều cách khác nhau, Mên đã tiêu diệt gần 80 tên địch gần gấp 6 lần tuổi mình. Tại đại hội chiến sỹ thi đua tỉnh, Mên được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng 3 danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới và dũng sĩ quyết thắng cấp ưu tú”. Đại hội nhất trí bầu mên là chiến sĩ thi đua số một của lực lượng vỏ trang nhân dân giải phóng Thủ Dầu Một. Tại đại hội anh hùng chiến si thi đua toàn miền Nam, em được cô Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định gọi tới chụp ảnh chung, em chỉ mới cao hơn vai cô một chút.

* Kơ- Pa – Kơ – Lơng: Người đội viên anh hùng của núi rừng Bơ – lây- me… Sau trở thành anh hùng quân đội, đã có một tuổi thiếu niên vô cùng oanh liệt. Đến tuổi vào Đội, thì lúc đó Kơ- Pa – Kơ – Lơng gia nhập du kích đánh giặc bằng vũ khí thô sơ. Ở Gia Lai – Tây Nguyên nơi núi rừng quê hương em, bắt đầu giết thằng giặc Mỹ bằng mũi ná tẩm thuốc độc rồi mới cướp súng của chúng mà bắn chúng. Rồi, Kơ- Pa – Kơ – Lơng đánh mìn. Mìn của em có “mắt”, giúp em đánh tang 8 xe quân sự giặc và tiêu diệt 88 tên. Kơ- Pa – Kơ – Lơng nhiều lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Mười lăm tuổi, đánh tổng cộng 30 trận, khi trở thành chiến sỹ giải phóng, anh lại được tuyên dương là anh hùng các Lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam./.

Còn đây là tiểu sử Hồ Văn Mên, lấy từ website của một trường học:

http://www.tieuhoctranquoctuanquynhon.com/index.php…

“Hồ Văn Mên sinh năm 1953 tại ấp Thạnh Lộc, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé trong một gia đình nghèo. Lên 6 tuổi, mồ côi mẹ. Năm 10 tuổi, cha bị bọn Mỹ Ngụy bắt đánh đập tàn phế rồi giết chết. Hồ Văn Mên liền vào đội thiếu nhi tham gia giết giặc từ đấy. Đến năm 13 tuổi, Mên đã 3 năm làm cách mạng, tham gia 7 trận lớn nhỏ, diệt 79 tên địch bao gồm các thứ lính, sĩ quan Mỹ, ngụy, lính Pắc-chung-hy (lính ngụy Triều Tiên) cùng nhiều xe cơ giới của địch.”


Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét