Lý Quang Diệu: 'Kiệt xuất' do đâu?
Trong những ngày qua báo chí quốc tế đã có rất nhiều bài viết, bình
luận về ông Lý Quang Diệu. Tất cả đều khen ngợi vị Thủ tướng đầu tiên
của Singapore.
Các nguyên thủ quốc gia – từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron đến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – đều đánh giá cao tài năng của ông.
Dư luận và báo chí Việt Nam cũng dành cho ông một sự ngưỡng mộ đặc biệt.
Hiếm có một chính trị gia nào nhận được sự khâm phục như vậy từ dư luận, báo chí quốc tế. Cũng ít có một lãnh đạo nào cùng lúc được cả giới lãnh đạo các nước phương Tây và Trung Quốc kính trọng.
Có thể nói, trong số những người lập quốc, thế hệ lãnh đạo đầu và thậm chí hiện tại của các quốc gia từng bị thuộc địa – trong đó có Việt Nam – không một ai sánh được với ông, làm nên được những kỳ công và được mến phục như ông.
Điều gì đã giúp ông Lý Quang Diệu trở thành một lãnh đạo kiệt xuất, được mến mộ như vậy?
Có học vấn cao
Có rất nhiều yếu tố giúp ông Lý Quang Diệu trở thành một chính khách lỗi lạc và học vấn là một trong những yếu tố ấy.Ông đã được nhận một học bổng vào học kinh tế, văn chương Anh và toán tại Raffles College – nay là Đại học quốc gia Singapore. Đây cũng là nơi ông gặp bà Kha Ngọc Chi, người vợ tương lai của ông và nhiều đồng nghiệp, cộng sự của ông sau đó.
Việc học của ông bị gián đoạn trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Singapore nhưng năm 1946, ông đã sang Anh vào học tại trường kinh tế London và sau đó chuyển tới trường Fitzwilliam, thuộc đại học Cambridge. Tại đây ông đạt những thành tích cao và được trao tấm bằng hạng ưu ngành luật vào năm 1949.
Trong số những người lập quốc hay thế hệ lãnh đạo đầu tiên của các quốc gia hậu thuộc địa, trong đó có Việt Nam, hiếm có ai được đào tạo bài bản, học vấn cao, và có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới trí thức, học hỏi được những tiến bộ – đặc biệt liên quan đến chính trị, luật pháp – của các nước phương Tây như ông.
Chẳng hạn, dù có đến Anh, Pháp và Mỹ, Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quốc – sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh – không (được) theo học tại bất cứ một đại học nào ở ba quốc gia này.
Những thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam – từ Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đến nhiều người trong dàn lãnh đạo sau – ít ai được đào tạo đàng hoàng, hay có học vấn cao hoặc theo học tại các trường đại học ở các nước phương Tây.
Trong cuộc bàn luận về vụ ‘Xét lại chống Đảng’ do BBC thực hiện vào tháng hai năm nay, cả cựu Đại tá Quân đội Bùi Tín và Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ cho rằng ông Lê Duẩn và những người ủng hộ ông lúc đó, như ông Lê Đức Thọ, không phải là những người trí thức mà chỉ là những người thuộc tầng lớp công nông, ít học.
Được học cao, được đào tạo bài bản tại những trường có uy tín của Anh là một lý do quan trọng tại sao ông Lý Quang Diệu vượt trội các nhà lãnh đạo ở các quốc gia hậu thuộc địa cùng thời với ông hay thậm chí sau ông, về nhiều mặt – đặc biệt về nhận thức, tầm nhìn.
Nhìn xa, trông rộng
Khi nói về ông Lý Quang Diệu, giới quan sát, nghiên cứu đều cho rằng ông là một người vừa khôn ngoan, nhạy bén, thức thời, vừa rất thực dụng.
Chẳng hạn, dù Singapore cũng từng bị thuộc địa và ông luôn muốn hòn đảo này thoát khỏi sự phụ thuộc, cai trị của Anh, ông không chỉ không phủ nhận mà còn biết tiếp thu, áp dụng những tiến bộ – đặc biệt về kinh tế, công nghệ – của Anh và các nước phương Tây khác.
Mặc dù phần lớn người Singapore – và chính bản thân ông cũng là một – người gốc Hoa, ông không chọn tiếng Hoa mà là tiếng Anh để làm ngôn ngữ chính cho đảo quốc này. Quyết định đó không chỉ giúp người dân Singapore dễ dàng tiếp xúc với các nước phát triển như Anh, Mỹ và học hỏi, tiếp nhận tri thức, công nghệ cao của phương Tây mà còn bắc cầu để những tập đoàn lớn trên thế giới đến với hòn đảo nhỏ này.
Là một trí thức, ông Lý Quang Diệu, rất coi trọng giáo dục, tri thức, trọng dụng người hiền tài. Ông chú tâm phát triển, trọng dụng nhân tài ở trong nước và luôn tìm cách thu hút chất xám, người tài từ các nước.
Đây là một điểm khác biệt lớn giữa ông và giới lãnh đạo Việt Nam. Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, các lãnh đạo Việt Nam thường không coi trọng – hay thậm chí sợ – tầng lớp trí thức. Việc giới văn nghệ, trí thức bị đàn áp trong vụ ‘Nhân văn – Giai phẩm’ trong những năm 1950 hay Viện nghiên cứu phát triển (IDS) buộc phải giải thể năm 2009 là hai ví dụ điển hình.
Một lãnh đạo Việt Nam được biết là rất mến phục ông Diệu và cũng được ông Diệu tôn trọng là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Điều đó cũng dễ hiểu vì cũng giống như ông Diệu, ông Kiệt là một người nhạy bén, rất coi trọng giới trí thức, văn nghệ.
Hơn nữa, là một người hiểu biết rộng, thông minh ông Diệu không giáo điều, máy móc. Trái lại, ông rất thực dụng. Thay vì dựa vào một chủ thuyết nào đó để giúp Singapore tồn tại, phát triển, ông nhìn thẳng vào chính những điểm yếu, thế mạnh của Singapore và bối cảnh chính trị khu vực và cố phát huy, tận dụng tất cả những điểm đó, biến chúng thành cơ hội, thế mạnh cho đất nước mình.
Một điểm nổi bật khác, đáng trân trọng nữa nơi ông mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng có đó là trung thực, mẫu mực, coi trọng luật pháp. Chính điều này đã giúp Singapore trở thành một quốc gia châu Á minh bạch nhất và luôn nằm trong 10 nước ít tham nhũng nhất thế giới. Có thể việc ông theo học ngành luật và tốt nghiệp xuất sắc về ngành này từ một trường đại học danh tiếng cũng tác động rất lớn đến tính cách này của ông.
Ông Diệu có nhiều tính cách, phẩm chất khác giúp ông trở thành một chính trị gia lỗi lạc. Nhưng nhãn quan biết nhìn xa, trông rộng của ông là một yếu tố quan trọng giúp ông làm nên bao điều ‘thần kỳ’ cho Singapore.
Từ một nước nghèo, kém phát triển, thiếu tài nguyên, lại phải đối diện nhiều bất ổn xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn Singapore đã trở thành một quốc gia giàu có, văn minh, ổn định, bỏ xa tất cả các nước trong khu vực.
Chẳng hạn, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 1960 – một năm sau khi ông lên nắm giữ chức Thủ tướng Singapore tự trị – ước tính thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 395 USD. Con số đó ở miền Nam Việt Nam là 223 USD và miền Bắc Việt Nam là 74 USD.
Nhưng năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở Singapore lên tới 55,182 USD trong khi ấy ở Việt Nam chỉ là 1,910 USD.
Là một nước nhỏ, đa số người gốc Hoa nằm bên cạnh hai nước lớn (Indonesia và Malaysia Hồi giáo) và trong bối cảnh một châu Á nhiều xung đột, Singapore không chỉ tránh được chiến tranh, giữ vững được độc lập mà còn trở thành một đối tác quan trọng, không thể thiếu của các cường quốc. Thiết lập được mối quan hệ thân thiện và đặc biệt có lợi cho mình với cả Mỹ và Trung Quốc trong thời kỳ Chiến trạnh Lạnh – hay làm cầu nối giúp hai địch thù, đối thủ này đến với nhau – không phải là một chuyện dễ.
Trong khi đó, Việt Nam đã bị biến thành con cờ, nạn nhân trong các ‘cuộc chơi’, xung đột giữa các nước lớn như Liên xô – Trung quốc và Mỹ - Trung quốc.
Chính những khác biệt này làm không ít người đặt câu hỏi tại sao cùng từng là thuộc địa, kém phát triển Singapore trở nên phồn thịnh, hùng mạnh, trong khi các quốc gia khác trong vùng như Việt Nam, vẫn mãi cứ nghèo, yếu thế?
Nếu Singapore trở nên giàu mạnh vì có một vị lập quốc, một lãnh đạo có tâm, có tầm, phải chăng Việt Nam nghèo, tụt hậu vì thiếu một lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm?
Nghèo do lãnh đạo?
Trong một lần trả lời BBC tiếng Việt gần đây, một nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng không nên so sánh Việt Nam với Singapore vì hoàn cảnh (lịch sử) hai nước khác nhau và một trong những nguyên nhân chính được đưa ra để giải thích sự khác biệt ấy – và cũng gián tiếp biện hộ cho sự thua kém của Việt Nam so với Singapore – là khác với Singapore, Việt Nam phải trải qua chiến tranh.Ít ai phủ nhận hoàn cảnh Việt Nam khác Singapore và chiến tranh gây nên nhiều hậu quả nặng nề cho Việt Nam. Nhưng cách lý giải như vậy có hoàn toàn thỏa đáng?
Khi bàn luận về vụ ‘Xét lại chống Đảng’ và hậu quả của nó, có ý kiến cho rằng nếu theo con đường hòa bình (hiệp thương, đàm phán giữa hai miền Nam Bắc) để thống nhất Đất nước do cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người trí thức khác đề nghị lúc đó – thay vì dùng bạo lực (đấu tranh vũ trang) do phe của ông Lê Duẩn chủ xướng – Việt Nam có thể đã không phải trải qua một cuộc chiến dài, đẫm máu như vậy.
Nhận định này đúng hay sai để giới nghiên cứu và thời gian trả lời. Nhưng có thể nói, nếu giới lãnh đạo Việt Nam ít nhiều có được một nhãn quan như ông Diệu, Việt Nam chắc chắn đã có một hướng đi tốt hơn, giúp Việt Nam phát triển hơn, chủ quyền được bảo đảm hơn và vị thế của Việt Nam cũng được coi trọng hơn.
Chẳng hạn, nếu ngay sau biến cố 1975, Việt Nam biết áp dụng những chính sách phát triển kinh tế như Singapore đã làm sau 1965 – thay vì phải chờ mãi đến giữa những năm 1980 – khi không còn một chọn lựa nào khác – mới tiến hành cải cách kinh tế, Việt Nam chắc chắn sẽ không tụt hậu như bây giờ.
Trong một thế giới thay đổi từng ngày, 10 năm không phải là một thời gian ngắn. Trung Quốc đã có những thay đổi nhanh, phát triển mạnh phần lớn vì sau cuộc gặp với ông Lý Quang Diệu vào năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình đã biết học từ Singapore và cho tiến hành cải cách kinh tế ở Trung Quốc.
Và nếu cải cách triệt để và toàn diện hơn trong gần 30 năm qua, có thể Việt Nam giờ cũng đã khác nhiều.
Được biết, ông Diệu – người đã từng gặp gỡ, cố vấn cho lãnh đạo Việt Nam – rất lạc quan về những tiến bộ của Việt Nam trong những năm đầu đổi mới nhưng về sau ông đã trở nên bi quan về tiến trình cải cách và tương lai của Việt Nam.
Ông Diệu và nhiều người khác tỏ ra bi quan vì – như Tiến sĩ Vũ Minh Khương nhận định khi trả lời phỏng vấn BBC gần đây – giới lãnh đạo Việt Nam ‘quá yếu kém’, không coi việc đưa Đất nước ‘trở thành hùng cường là một sứ mệnh thiêng liêng’ mà chỉ biết ‘xoay xở để sống, tồn tại’.
Một kiểu tư duy như vậy cho thấy họ không chỉ thiếu tâm huyết mà còn thiếu cả tầm nhìn.
Phải chăng vì thiếu cả tâm lẫn tầm, đến giờ – dù Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Xã hội tập trung đã thất bại ở Liên Xô, Đông Âu và ngay cả tại miền Bắc Việt Nam trước 1954 và cả nước trước 1986 – dù chấp nhận kinh tế thị trường phần nào, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định chủ nghĩa xã hội và mãi lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình?
Nếu đủ tâm, đủ tầm chắc chắn họ đã dám dẹp bỏ tất cả những gì kìm hãm sự phát triển của Đất nước, không cần phải viện đến một chủ thuyết xa lạ, lỗi thời nào đó và tự tìm ra một con đường phát triển tốt nhất, thích hợp nhất cho Việt Nam như ông Diệu đã từng làm cho Singapore.
Những ngày này lãnh đạo các nước trên thế giới sẽ tới Singapore để viếng và tham dự đám tang của ông Lý Quang Diệu – và cũng qua đó, cùng với người dân Singapore, bày tỏ sự khâm phục và ghi nhớ đóng góp của ông.
Đến bao giờ Việt Nam mới có được một vị lãnh đạo được người dân kính trọng và thế giới ngưỡng mộ như thế?
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả đang sống và làm việc tại Anh.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét