Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

TRUNG ĐÔNG LIỆT QUỐC

Trung Đông Liệt Quốc

Ngô Nhân Dụng


Cách đây nửa thế kỷ, nhà văn Nguyễn Hiến Lê xuất bản một cuốn sách về vùng Trung Đông. Ông đã ví tình trạng phân liệt trong đó giống như chuyện Đông Châu Liệt Quốc bên Tàu. Đông Châu Liệt Quốc bao gồm thời Xuân Thu (722-476 trước Công Nguyên) và thời Chiến Quốc (476-221 TCN)

Nhưng ở bên Tàu lúc đó chỉ có các nước nhỏ tranh hùng với nhau, trong khi các ông vua nhà Châu vẫn còn làm thiên tử. Ở Trung Đông thì khác. Từ đầu thế kỷ thứ 20 đến giờ, ngoài các tiểu quốc tranh hùng vùng này còn chịu cảnh bị các cường quốc trên thế giới chi phối, như Mỹ, Nga, và các nước Châu Âu. Nếu thời Đông Châu Liệt Quốc kéo dài gần 500 năm thì chắc chuyện Trung Đông Liệt Quốc sẽ phải chờ cả trăm năm nữa mới có cơ được ổn định.

Vùng Trung Đông nằm trong Đế Quốc Ottomam (trung tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ) ba bốn thế kỷ trước khi các đế quốc Châu Âu phân chia với nhau sau Đại chiến Thứ Nhất, đường biên giới hoàn toàn do họ quyết định. Sau Đại Chiến Thứ Hai, các đế quốc rút đi, các quốc gia thành lập với di sản của tình trạng chia cắt cũ, những nhóm chủng tộc và tôn giáo bị cắt xén đem ghép trong nhiều nước khác nhau. Giữa mấy trăm triệu người Á Rập đó lại xuất hiện nước Israel, quy tụ người Do Thái khắp thế giới về đất tổ định cư, hiện nay đã tới 6 triệu người, được Mỹ và Châu Âu ủng hộ. Đó là một mầm mống chia rẽ và xung đột không ngừng. Nhưng bên trong thế giới Á Rập lại còn đường phân chia giữa hai phái cùng theo Hồi Giáo, người Sun Ni chiếm đa số và người Shi A ít hơn, đã đổ máu chống lẫn nhau từ 12 thế kỷ. Khối tín đồ Shi A đông nhất nằm trong nước Iran, và nước này thấy có bổn phận phải bênh vực người đồng đạo đang chịu phận thiểu số ở các nước Á Rập.

Muốn hiểu các biến động trong vùng Trung Đông phải nhìn tới bối cảnh lịch sử và địa dư chính trị đó. Thí dụ, trong vụ Thủ Tướng Israel Netanyahu phản đối ông Tổng Thống Mỹ Obama về cách ngăn không cho Iran làm bom nguyên tử. Người ta chú ý quá nhiều đến mối bất đồng ý kiến giữa hai người mà quên các yếu tố khác trong bối cảnh. Một là chính các nước Á Rập, không khác gì Israel, cũng không muốn Mỹ nói chuyện hòa hoãn với Iran. Họ lo Iran đang bành trướng thế lực, can thiệp vô các nước trong vùng. Hai là cả khối Á Rập đang thay đổi, chính quyền các nước này đều phải lo về xung đột giữa các nước họ với nhau và đối phó với dân trong mỗi nước. Mà trong vấn đề này, các chính phủ Á Rập phải có hai mối lo, thứ nhất là bàn tay của Iran can thiệp vào các nhóm người Shia A trong nước họ; hai là các nhóm Hồi Giáo quá khích đe dọa tất cả các chính quyền, tiêu biểu là lực lượng Quốc gia Hồi Giáo IS đang hoạt động mạnh ở Iraq, Syria nhưng cũng hiện diện tại Lebanon, Lybia, Ai Cập và các Bắc Phi khác.

Các nước Á Rập đã chống Israel từ khi nước này ra đời, chiến tranh đã xẩy ra nhiều lần, lần chót năm 1967 Israel thắng thế đã chiếm tất cả vùng phía Tây sông Jordan, trong đó có Thánh Địa Jerusalem, tất cả thuộc nước Jordan trước cuộc chiến. Nhưng mối tranh chấp Á Rập - Israel bây giờ được thu gọn vào một vấn đề, là việc thành lập một quốc gia cho người Palestine trong vùng Tây Ngạn. Bây giờ, mối lo lắng của các nước Á Rập về sự bành trướng của Iran còn lớn hơn mối xung đột với Israel.

Cho nên, các nước Á Rập đang bàn chuyện lập một đạo quân sang phục hồi ngôi tổng thống ở nước Yemen. Yemen là một nước loạn từ lâu rồi, người miền Nam, miền Bắc đã từng đánh lẫn nhau, nhóm Al-Qeada rồi hậu thân của nó là đạo quân IS cũng nhúng tay vào. Nhưng lý do chia rẽ lớn nhất vẫn là tôn giáo. Trong dân số 25 triệu, người Shi A chiếm 45%, người Sun Ni chiếm 53% nắm chính quyền và được các nước cũng theo phái Sun Ni ủng hộ. Tháng Chín năm ngoái, một phong trào của người Shi A nổi lên, gọi là Houthis là tên của vị thủ lãnh. Năm nay quân Houthis chiếm được thủ đô, thả cho ông tổng thống Mansour Hadi chạy tới Aden, một thành phố ven biển. Trong tuần qua, quân Houthis tiến đánh Aden, ông tổng thống được cứu đưa sang Á Rập Saudi trong khi quân đội của ông còn cầm cự.

Và trong mấy ngày qua, hàng trăm máy bay Á Rập Saudi đã bỏ bom tấn công các căn cứ Houthis tại thủ đô Yemen và chung quanh Aden. Iran phản đối, mặc dù vẫn xác định họ không trợ giúp gì cho nhóm đồng đạo Houthis cả. Mười nước chung quanh hỗ trợ Á Rập Saudi, gồm có các tiểu vương quốc United Arab Emirates; có Qatar, Bahrain, Kuwait, Jordan, Morocco, Egypt, Jordan. Ngoại trưởng các nước trong Liên Đoàn Á Rập đang họp ở Egypt thảo luận việc lập một đạo quân chung đổ bộ vào Yemen; hai nước Hồi Giáo khác là Sudan và Pakistan hứa sẽ đóng góp.

Cuộc nội chiến ở Yemen đã biến thành cuộc chiến giữa Iran và các nước Á Rập. Chính phủ Obama công nhận Mỹ đã giúp không quân Á Rập về tin tức tình báo và thông tin, vận tải.

Yemen nằm ở phía Nam bán đảo Á Rập, chiếm địa thế quan trọng, vì hầu hết các tàu chở dầu từ các nước Á Rập Saudi, United Arab Emirates, Kuwait và Iraq đều phải đi ngang bờ biển Yemen, qua vùng Aden rất hẹp, trước khi vào Hồng Hải để qua kênh Suez đưa dầu xuất cảng sang Châu Âu. Mỹ và các nước Á Rập không thể ngồi yên trông một chính quyền thuộc phái Shia kiểm soát con đường này!

Ngoài ra, Á Rập Saudi là khách hàng nhập cảng nhiều vũ khí của Mỹ nhất. Saudi là nước chi tiêu về quân sự đứng hàng thứ tư trên thế giới: Với dân số 29 triệu (riêng người nước ngoài tới đó làm việc đã lên tới gần 10 triệu), trong Năm 2013 vương quốc này dùng 67 tỷ đô la mua vũ khí, ngân sách chỉ thấp hơn Nga (88 tỷ), Trung Cộng (188 tỷ) và Mỹ (640 tỷ) nhưng cao hơn Pháp, Anh, Đức. Trong năm 2015, Saudi sẽ chi tiêu gần 10 tỷ đô la mua vũ khí, phần lớn mua từ Mỹ. Tất nhiên chính phủ Mỹ phải bảo vệ một khách mua hàng lớn như vậy, trước sự đe dọa bành trướng ảnh hưởng tại Yemen.

Nhưng Mỹ và Iran vẫn đang “cộng tác” ở mặt trận Iraq và Syria mặc dù hai bên không chính thức liên lạc. Quân đội Iraq đã bao vây thành phố Tikrit đang nằm trong tay quân IS từ hai tuần qua. Trong số 20,000 quân thuộc phe chính phủ, hai phần ba là quân tình nguyện toàn là những tín đồ Shia và được Iran trang bị vũ khí, mang tên Lực Lượng Dân Quân PMF (Popular Mobilization Forces). Một số tướng lãnh và nhiều sĩ quan người Iran đang làm cố vấn cho đạo quân tình nguyện này. Trận tấn công ngưng gần một tuần lễ, vì không tiêu diệt được những ổ kháng cự của quân IS tại trung tâm thành phố. Cho tới ngày Thứ Năm vừa qua, mặt trận phát động lại, vì máy bay Mỹ bắt đầu thả bom tấn công quân IS trong thành phố Tikrit. Người Mỹ nói rằng họ chỉ cho phi cơ trợ chiến sau khi quân PMF đồng ý không tham dự, vì không quân Mỹ chỉ yểm trợ cho quân chính phủ Iraq mà thôi. Ngược lại, đạo quân PMF thì tuyên bố họ rút khỏi trận đánh vì không đồng ý mời không quân Mỹ tham chiến. Có thể cả hai bên đều nói sự thật, vì cả Mỹ, chính phủ Iraq và Iran đều muốn tận diệt quân IS nhưng Mỹ với Iran không thể chính thức cộng tác với nhau.

Thành phố Tikrit có tính cách tiêu biểu. Vì đây là quê quán của ông Saddam Hussein, thủ lãnh Iraq đã bị quân Mỹ đánh bại năm 2003, bị bắt rồi bị giết. Đây là một trung tâm của người theo giáo phái Sun Ni tại Iraq. Họ chỉ chiếm 40% dân Á Rập ở nước này những Hussein đã ưu đãi người đồng đạo, cho lãnh các chức vụ quan trọng nhất trong chính phủ khiến người theo phái Shia thấy họ bị bạc đãi, kỳ thị. Hussein đã hai lần gây chiến với Iran, cho nên khi ông ta bị quân Mỹ lật đổ, Iran thoát được một mối lo. Chính quyền do quân Mỹ dựng lên do người theo phái Shi A đứng đầu, vì họ chiếm đa số. Nhưng đến lượt những người theo phái Sun Ni cảm thấy họ bị kỳ thị, bạc đãi. Vì thế, nhiều người đã ủng hộ nhóm IS, tiến đánh quân chính phủ, có lúc đe dọa cả thủ đô, cho tới khi không quân Mỹ trở lại can thiệp. Cả Iran và Mỹ đều muốn tiêu diệt quân IS tại Iraq cũng như Syria, nhưng hai bên vẫn không nói chuyện với nhau. Hai nước này chỉ chính thức nói chuyện tại Thụy Sĩ trong cuộc đàm phán về vũ khí nguyên tử, cùng với Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức.

Câu chuyện Đông Châu Liệt Quốc tại vùng Trung Đông phức tạp hơn những chuyện bên Tàu trước đây 2,500 năm. Chỉ có thể hiểu được những biến cố rắc rối trong vùng này khi chúng ta nhìn vào những mâu thuẫn căn bản. Mâu thuẫn giữa người Do Thái ở Israel và người Á Rập dễ hiểu hơn cả. Mâu thuẫn giữa các nước Á Rập với nhau, mâu thuẫn giữa họ và Iran chỉ có thể hiểu được khi nhìn vào cuộc tranh chấp giữa hai giáo phái cùng tin lời Tiên Tri Muhammed. Nước Mỹ đứng giữa các cuộc tranh chấp, để bảo quyền lợi dầu lửa. Nhưng thị trường dầu lửa đang thay đổi, Mỹ sắp trở thành quốc gia bán dầu nhiều hơn mua dầu. Chính quyền Obama đang cho Iran được đóng một vai trò chính thức trong vùng Trung Đông để giới lãnh đạo nước này tập sống theo các quy luật quốc tế. Nếu Iran tỏ ra tôn trọng một hiệp ước về nguyên tự lực ký kết với 5 siêu cường, thì trong mười năm tới, họ sẽ đóng vai một cường quốc trong vùng. Iran, khối Á Rập và nước Israel sẽ tạo một thế thăng bằng trong vùng. Chắc chắn sẽ còn những xung đột nhỏ trong từng quốc gia và giữa nhiều nước. Nhưng nếu các nước mạnh nhất như Israel, Ai Cập, Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể chia ảnh hưởng với nhau thì cả vùng Trung Đông có thể tạm yên. Mục đích của chính quyền Obama vẫn là chuyển trục, dùng tài nguyên, vũ khí cho miền Á Đông thay vì vẫn chi tiêu cho vùng Trung Đông như trong nửa thế kỷ vừa qua.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét