Ai là kẻ thù của Việt Nam? - Nguyễn Hưng Quốc
Ở Việt Nam lâu
nay, giới cầm quyền cũng như giới truyền thông hay nói đến những “thế
lực thù địch”. Không ai giải thích rõ, nhưng hầu như mọi người đều biết,
với nhóm từ ấy, người ta nhắm đến các quốc gia Tây phương, đặc biệt là
Mỹ, trong cái gọi là âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm làm thay đổi chế
độ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ cần bình tĩnh và sáng suốt một
tí, người ta sẽ thấy ngay là Mỹ không có lý do gì để trở thành “thù
địch” với Việt Nam. Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam (miền Bắc) đã
chấm dứt từ 40 năm trước. Cuộc chiến tranh lạnh, nguyên nhân làm bùng nổ
chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, cũng đã chấm dứt cùng với sự sụp đổ
của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào đầu thập niên 1990.
Với Mỹ, một trong những nguyên tắc nền tảng của mọi chính sách đối ngoại
là không có bạn cũng như không có kẻ thù vĩnh viễn. Bạn hay thù tùy
thuộc vào lợi ích quốc gia, nghĩa là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh
hiện nay là Mỹ muốn làm bạn với Việt Nam. Có hai lý do chính: Một, Mỹ
muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam để làm ăn; và hai, Mỹ cần
Việt Nam để bảo vệ Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập
và quan trọng nhất trên thế giới.
Trong quan hệ với Việt Nam, Mỹ
hay nhấn mạnh đến yếu tố nhân quyền như một trong những điều kiện để
hợp tác. Điều đó khá dễ hiểu. Một, đó là một trong những nguyên tắc căn
bản trong các chính sách ngoại giao của Mỹ: để làm bạn, cả hai nước phải
chia sẻ với nhau một bảng giá trị chung. Cốt lõi của bảng giá trị ấy là
tôn trọng quyền làm người. Hai, riêng với Việt Nam, Mỹ lại càng cần nêu
lên nguyên tắc ấy chủ yếu để đáp ứng lại sự đòi hỏi của một bộ phận khá
đông dân chúng Mỹ. Ở trên, tôi có nói với Mỹ, không có kẻ thù vĩnh
viễn. Đó là về phía chính phủ. Với dân chúng thì khác. Những người từng
tham gia vào chiến tranh Việt Nam cũng như thân nhân của những người đã
từng bị hy sinh tại Việt Nam không dễ gì quên hẳn được quá khứ. Đó là
chưa kể cộng đồng người Việt khá đông đảo tại Mỹ. Tất cả đều yêu sách
chính phủ Mỹ cần đặt ra những điều kiện nào đó khi muốn đẩy mạnh quá
trình hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, nên lưu ý: nhân quyền là điều
kiện nhưng không phải là điều kiện tiên quyết. Trên thực tế, lâu nay,
chính phủ Mỹ vẫn hợp tác với khá nhiều chế độ độc tài nếu họ thấy sự hợp
tác ấy là cần thiết và có lợi.
Bởi vậy, có thể nói với Việt Nam,
Mỹ sẽ không đẩy yêu sách dân chủ hoá trong chừng mực mối quan hệ giữa
hai nước tốt đẹp đủ để bảo vệ những lợi ích chung. Cái gọi là âm mưu
“diễn biến hoà bình” của Mỹ, nếu có, chỉ có một ý nghĩa rất tương đối
trong cái gọi là chủ nghĩa thực tiễn (realism) của những nhà hoạch định
chính sách tại Mỹ. Đó là chưa kể, để bảo vệ các lợi ích của họ, điều Mỹ
cần nhất ở Việt Nam là sự ổn định về chính trị. Điều đó lại cũng dễ
hiểu. Không ai có thể an tâm làm ăn buôn bán cũng như bàn chuyện hợp tác
chiến lược ở những nơi thường xuyên thay đổi chính phủ cả. Ở điểm này,
chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam rất gần nhau: mọi người đều muốn ổn
định dù cái giá để trả cho sự ổn định, về phía dân chúng, là cái ách độc
tài nặng trĩu trên lưng của họ.
Nếu Mỹ không phải là lực lượng thù địch của Việt Nam thì là ai?
Câu trả lời hầu như ai cũng rõ: Trung Quốc. Chỉ có thể là Trung Quốc. Chứ không có bất cứ ai khác.
Nói đến âm mưu xâm lấn của Trung Quốc, nhiều người nghĩ đến viễn cảnh
Trung Quốc tấn công trên đất liền. Tôi nghĩ viễn cảnh ấy sẽ không xảy
ra. Trung Quốc không phiêu lưu một cách dại dột như thế. Bởi chọn thế
trận như vậy là phải đối diện với cuộc chiến toàn dân của Việt Nam. Có
chiếm cũng không giữ được đất. Vả lại, Trung Quốc cũng không cần chiếm
Việt Nam khi họ có thể tác động dễ dàng lên guồng máy lãnh đạo Việt Nam
để đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị của họ.
Cuộc xâm lấn của Trung Quốc chỉ diễn ra trên biển.
Nói đến âm mưu xâm chiếm trên biển của Trung Quốc, phần lớn chỉ để ý
đến các sự kiện cụ thể như vụ cắt dây cáp ngầm của Việt Nam, việc đem
giàn khoan HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam, việc cải tạo bãi đá Gạc-Ma
hay việc bắt bớ các ngư dân Việt Nam đang đánh cá gần Hoàng Sa hay
Trường Sa. Chỉ chú ý đến các sự kiện ấy nên người Việt Nam dễ thấy thỏa
mãn khi một số khó khăn đã được giải quyết: dây cáp ngầm được nối, giàn
khoan được rút về nước hay những ngư dân bị bắt được thả. Có lẽ nghĩ như
thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho là Việt Nam đã “thắng lợi” trong
cuộc đương đầu với giàn khoan HD-981 hồi đầu năm ngoái. Thật ra, đó chỉ
là những sự kiện lặt vặt. Âm mưu thực sự của Trung Quốc lớn hơn nhiều:
làm chủ hơn 90% diện tích Biển Đông của Việt Nam.
Mà Trung Quốc
không hề giấu giếm điều đó. Bằng hành động cũng như bằng lời nói, lúc
nào họ cũng cho Biển Đông là “sân nhà” của họ, là “lợi ích cốt lõi” mà
họ không thể từ bỏ hay nhân nhượng. Có thể hình dung chiến lược xâm lấn
Biển Đông của Trung Quốc được bao gồm ba giai đoạn: một, tuyên bố con
đường lưỡi bò (hoặc con đường gồm chín khúc); hai, tuyên bố vùng nhận
dạng hàng không trên trời tương ứng với con đường lưỡi bò dưới biển; và
ba, thực hiện việc kiểm soát ngặt nghèo cả trên trời lẫn dưới biển để
bất cứ một chiếc thuyền hay một chiếc máy bay nào đi ngang qua con đường
lưỡi bò ấy cũng đều phải xin phép Trung Quốc và chịu sự kiểm tra của
Trung Quốc. Xong giai đoạn thứ ba, cuộc xâm lấn của Trung Quốc coi như
kết thúc.
Khi cuộc xâm lấn ấy kết thúc, nước nào bị thiệt hại
nhiều nhất? Câu trả lời rất đơn giản: Việt Nam. Brunei nhiều lần tuyên
bố chủ quyền ở Trường Sa nhưng họ chưa bao giờ thực sự làm chủ bất cứ
hòn đảo hay bãi đá nào. Chỉ thực sự làm chủ một số đảo hay bãi đá ở
Trường Sa và Hoàng Sa là Philippines, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam.
Trong số các quốc gia ấy, nước làm chủ nhiều nhất là Việt Nam. Do đó,
nếu Biển Đông mất, Việt Nam cũng sẽ là nước bị mất mát nhiều nhất. Hơn
nữa, ngoài đảo, còn có vùng biển. Nếu con đường lưỡi bò của Trung Quốc
được xác lập chính thức, Việt Nam sẽ mất khoảng 90% chủ quyền trên Biển
Đông.
Mất 90% cũng có nghĩa là mất trắng Biển Đông.
Tất cả những sự phân tích đều không có gì mới mẻ. Hầu như ai cũng biết trừ… chính quyền Việt Nam.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn : VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét