Tại sao Anh, Đức,
Pháp, Ý vào AIIB?
Ngô Nhân Dụng
Trong vòng một tuần
qua, Anh, Đức, Pháp, Ý lần lượt chịu góp vốn vào Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở
Á Châu (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng; dù chính phủ Mỹ không đồng ý.
Đây là một thất bại
ngoại giao của Mỹ. Thất bại này do chính quyền Obama tự tạo ra khi họ làm “ồn
ào” về một “sự đã rồi,” một sự kiện thế nào cũng xảy ra, mà lại đáp ứng chính
những đòi hỏi của Mỹ về Ngân Hàng Đầu Tư này.
Phân tích cho cùng,
phải thấy rằng nếu Bắc Kinh không thành lập AIIB mới là điều lạ. Và nếu các nước
như Anh, Đức, Pháp, Ý bỏ qua cơ hội không tham dự vào ngân hàng quốc tế đó mới
là điều lạ. Việc tham gia của các nước này sẽ giảm bớt vai trò quan trọng của
Trung Cộng, và thúc đẩy AIIB không đi vào con đường mà Tổng Thống Obama đã tỏ
ra nghi ngại.
Bắc Kinh đang có quá
nhiều tiền cần sử dụng. Đầu năm 2015, Bắc Kinh có 3,850 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ,
so với 3,993 tỷ vào Tháng Bảy năm 2014. Họ không thể sử dụng số tiền thu vô nhờ
xuất cảng vào việc nâng cao nếp sống của người dân tiêu thụ, vì chướng ngại của
cơ cấu kinh tế quốc doanh còn quá nặng nề. Thay vì đầu tư vào giáo dục, y tế
công cộng, hoặc tăng lợi tức cho công nhân, nông dân, giới lãnh đạo ở Trung Nam
Hải đem tiền đi gây ảnh hưởng ngoại giao. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc
khởi xướng một định chế tài chánh, kinh tế quốc tế. Họ đã cùng với các quốc gia
trong nhóm “BRICS” (Brazil, Russia, India, China và South Africa) lập một Ngân
Hàng Phát Triển mới. Năm ngoái họ cũng lập một Quỹ Phát Triển Đường Tơ Lụa
(Silk Road Fund). Cho nên, khi chúng ta biết nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở khắp
Châu Á rất lớn, việc lập Ngân Hàng AIIB là một điều tự nhiên.
Tập Cận Bình đã đưa dự
án AIIB ngày 24 Tháng Mười năm 2014, bên cạnh hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Chính
phủ Mỹ không hưởng ứng cho nên nhiều nước đồng minh cũng đứng ngoài, trong đó
có những nước kinh tế mạnh nhất trong vùng như Úc, Nhật Bản, Nam Hàn,
Indonesia. Nhưng các đồng minh khác của Mỹ là New Zealand, Singapore và Thái
Lan, chưa kể Ấn Độ là một nước đối nghịch với Trung Quốc, đều ký tên trong số
21 quốc gia thuộc thành phần sáng lập mà phần lớn các nước Châu Á nghèo.
Trong hội nghị G-20 tại
Australia sau đó, Thủ Tướng Úc Tony Abbott và Tổng Thống Barack Obama giải
thích thái độ bất hợp tác. Họ tỏ ý lo ngại rằng AIIB sẽ không theo đúng các quy
tắc công khai minh bạch (transparent), và quy trách rõ ràng (accountable) như
Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Ngoài ra còn mối
lo ngân hàng mới này, đặt trụ sở ở Bắc Kinh, khi cho vay sẽ bất chấp các điều
kiện bảo vệ quyền làm người của giới lao động cũng như nhu cầu bảo vệ môi trường,
mà các ngân hàng quốc tế khác vẫn phải theo.
Bộ trưởng tài chánh
George Osborne đã thông báo cho bộ trưởng tài chánh Mỹ từ đầu tuần trước, ngày
Thứ Năm nước Anh mới công bố việc gia nhập AIIB, nhưng Mỹ vẫn lên tiếng phản đối.
Đây là một hành động ngoại giao dại dột. Chính quyền Mỹ đã đẩy một quyết định
tài chánh của đồng minh lên thành một vấn đề bang giao lớn giữa hai nước. Hậu
quả càng tai hại hơn khi Thứ Ba tuần này, đến lượt Đức, Pháp, Ý cùng nối gót,
sau khi Anh quốc “xé rào.” Cả bốn nước đều muốn đóng vai những quốc gia sáng lập
AIIB, trước hạn chót, ngày 31 Tháng Ba năm 2015.
Thực ra, việc tham dự
của các nước Châu Âu, có thể thêm Luxembourg, Thụy Sĩ, Úc, Nam Hàn, sẽ giúp giải
tỏa mối lo ngại mà ông Obama đã nêu lên vào năm ngoái: AIIB có hoạt động theo
các tiêu chuẩn đứng đắn được quốc tế công nhận hay không? Mối lo ngại này rất
chính đáng. Trung Quốc đã nổi tiếng trong việc đem hàng tỷ đô la cho các nước
Phi Châu vay để phát triển, mà mục tiêu thật chỉ là hối lộ. Vì vậy, lần này Tập
Cận Bình phải lên tiếng bảo đảm AIIB sẽ theo đúng các quy tắc theo mẫu mực của
IMF và Ngân Hàng Thế Giới (WB). Việc tham dự của bốn nước Châu Âu trong Nhóm
G-7 sẽ là một thử thách để biết lời cam kết của Tập Cận Bình có thể tin được
hay không.
AIIB có số vốn khởi đầu
là 50 tỷ đô la, sẽ tăng lên thành 100 tỷ đô la. Để so sánh, vốn điều lệ của
Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) là US$160 tỷ và của World Bank là $223 tỷ.
Ngay từ đầu, AIIB mở cửa mời các nước khác tham dự trong thành phần sáng lập. Tỷ
lệ góp vốn cổ phần vào AIIB nhiều hay ít tùy theo tỷ lệ tổng sản lượng nội địa
(GDP) của mỗi nước. Nếu Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Úc, Nam Hàn không tham dự,
thì Bắc Kinh sẽ chiếm đa số cổ phần áp đảo trong AIIB. Khi các nước kinh tế lớn
này gia nhập, tỷ trọng của Trung Quốc sẽ giảm bớt. Ông George Osborne đã nhấn mạnh
chính phủ Anh sẽ buộc AIIB phải hoạt động theo các tiêu chuẩn tài chánh quốc tế.
Chúng ta có thể tin các nước Anh, Đức, Pháp, Ý, Ấn Độ sẽ không để cho AIIB cấp
tiền cho những dự án nuôi tham nhũng, hối lộ, phá hoại môi trường hoặc bóc lột
người lao động.
IMF và Ngân Hàng Thế
Giới đã được thành lập từ sau Đại Chiến Thứ Hai. Cả hai định chế tài chánh quốc
tế hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Mỹ, là nước góp vốn cổ phần nhiều nhất. Chủ tịch
Ngân Hàng Thế Giới luôn luôn là người Mỹ, chức vụ này tại IMF được chia cho các
nước Châu Âu. Những nước mới lên, như Ấn Độ, Brazil, Nga, Trung Quốc trong khối
BRICS, phải đóng vai trò quá nhỏ so với tỷ trọng kinh tế của họ.
Ngân Hàng Phát Triển
Châu Á (ADB) thì do Nhật Bản kiểm soát từ khi thành lập năm 1966. Có lúc vốn
góp của Nhật chiếm gần 42%, vào năm 1986. Chức chủ tịch đều là người Nhật, các
nhà thầu Nhật phụ trách đa số các dự án xây cất được ADB cấp vốn. ADB đã được cải
tổ, vào cuối năm 2013, số cổ phần của Nhật xuống chỉ còn 15.67%, của Mỹ là
15.56%, Trung Quốc có 6.47%, Ấn Độ 6.36%, và Úc chiếm 5.81%. Việc cải tổ cơ cấu
Ngân Hàng Thế Giới và IMF đã được nêu lên từ mấy chục năm nay, không thể tiến
hành được vì Quốc Hội Mỹ ngăn cản.
Ngân Hàng Thế Giới và
ADM, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cho vay trong rất nhiều lãnh vực, AIIB sẽ chỉ
chú trọng đến các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á
tiên đoán châu Á cần 8,000 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng trong mười năm. Mỗi năm
ADM dự trù sẽ cho vay 13 tỷ, quá nhỏ so với nhu cầu khoảng 750 tỷ. Số tiền ADB
cho vay chú trọng các lãnh vực điện lực (51%), đường sá (29%) và viễn thông
(13%). Các nước Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka vùng Nam Á sẽ cần 2,500 tỷ mỹ
kim từ 2015 đến 2024, để đầu tư vào điện lực, giao thông, và các công tác dẫn
nước, viễn thông và chế biến chất thải.
Nhu cầu xây dựng hạ tầng
cơ sở cho 600 triệu dân thuộc khối ASEAN, với tổng sản lượng nội địa 2,000 tỷ mỹ
kim, là một cơ hội cho các nhà đầu tư thế giới. Một cuộc nghiên cứu của giới kinh
doanh Nhật Bản cho biết một trở ngại của kinh tế 10 nước ASEAN là hạ tầng cơ sở
chưa phát triển. Tại Philippines, ADB tính mỗi năm cần đầu tư 20 tỷ đô la. Tại
Việt Nam, hệ thống đường xe lửa và xa lộ còn quá thô sơ, mấy ngàn cây số bờ biển
mà đến năm 2009 mới có một hải cảng sâu cho tầu lớn cập bến.
Bắc Kinh đã khởi xướng
Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB vì họ có sẵn gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim,
lớn bằng nửa GDP. Đứng về mặt tài chánh, số dự trữ ngoại tệ đó đều là “tiền gửi,”
của các công ty và ngân hàng trong nước, và của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Chính Ngân Hàng Nhân Dân không làm gì để kiếm ra tiền! Họ được giữ số dự trữ đó
vì người ta còn tin kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và các ngân hàng
trong nước chưa suy sụp.
Bất cứ một ngân hàng
nào, khi nhận tiền do người khác gửi thì việc quan trọng nhất là phải đem tiền
đó đầu tư. Hiện nay 60% đến 70% quỹ dự trữ là đô la Mỹ, được dùng mua công trái
hoặc các trái phiếu do chính phủ Mỹ bảo đảm. Những món đầu tư này lãi suất rất
thấp. Giá trị và lời lỗ bị ràng buộc với sự thăng trầm của Mỹ kim. Cho nên, nếu
có thể đem tiền đầu tư vào thứ khác thì tốt hơn. AIIB là một cửa ngõ cho các
món đầu tư mới, với hy vọng lợi suất cao hơn. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc
đã có kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cơ sở trong nước sẽ tìm được cơ hội mới. Bắc
Kinh cử Kim Lập Quần (Jin Liqun), 65 tuổi đứng đầu AIIB. Một cựu sinh viên được
học bổng Hubert Humphrey của Mỹ đi học đại học Boston, ông ta đã làm cho Ngân
Hàng Thế Giới và từng giữ chức phó chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, ADB.
Khi chấp nhận các nước
Châu Âu, Ấn Độ, hoặc Nhật Bản, Nam Hàn, Úc gia nhập vào thành phần sáng lập
AIIB, chính quyền Trung Quốc chứng tỏ họ muốn làm ăn thật, hoàn toàn với mục
đích phân tản (diversify) các món đầu tư, để kiếm lợi. Khi có thêm nhiều “nước
cổ đông” lớn, vai trò tương đối của Bắc Kinh sẽ giảm bớt. Họ không định sử dụng
AIIB như một công cụ ngoại giao, để hối lộ quan chức các nước nhỏ ở Châu Á. Với
thành phần các quốc gia sáng lập đông đảo này, hoạt động của AIIB sẽ theo đúng
khuôn khổ quốc tế hơn. Thực sự quyết định của Anh, Đức, Pháp, Ý gia nhập AIIB
hoàn toàn vì lý do kinh tế. Chính quyền Mỹ đã biến nó thành một thất bại ngoại
giao.
Mở mang Hạ Tầng Cơ Sở
Châu Á là một nhu cầu có thật và rất lớn, các nhà đầu tư thế giới không ai muốn
bỏ lỡ cơ hội. AIIB sẽ cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới, IMF và ADB, nhưng đối
với một nước luôn luôn cổ động cho thị trường cạnh tranh như nước Mỹ, đây phải
coi là một tin mừng! Thực ra các định chế tài chánh cũ như IMF và ADB, WB hiện
nay đang “làm không hết việc.” Hơn nữa, đây cũng là một “cú sốc” thúc đẩy Quốc
Hội Mỹ phải tiến hành việc cải tổ các định chế tài chánh quốc tế mà hiện nay Mỹ
đang đóng vai chủ động. Đồng thời, Quốc Hội Mỹ sẽ phải giúp chính phủ một cách
tích cực hơn trong việc thành lập tổ chức Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP
(Trans-Pacific Partnership), cùng Nhật Bản và mười nước khác, để giành ảnh hưởng
với Trung Quốc! Một ảnh hưởng lâu dài là mở mang hạ tầng cơ sở, giúp các nước
Châu Á phát triển.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=204720&zoneid=7#.VRCq-spR7CY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét