Nguồn: The Economist
Người biểu tình ở Hồng Kông đã đánh đấu kỷ niệm năm năm cuộc bỏ phiếu bác bỏ các cải cách chính trị nửa vời do Trung Quốc đưa ra. Bất chấp việc chính quyền cấm tuần hành, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường một cách hòa bình tại trung tâm thành phố và, đồng thời, một cách ít hòa bình hơn, đã bao vây các tòa nhà chính phủ và làm tê liệt hệ thống tàu điện ngầm. Đó là đợt biểu tình cuối tuần lần thứ 13 liên tiếp.
Taliban, một nhóm thánh chiến, đã tấn công hai thành phố ở miền bắc Afghanistan ngay cả khi các nhà đàm phán cho biết họ đã gần hoàn thành một thỏa thuận hòa bình. Mỹ dự kiến sẽ rút gần hết quân đội ra khỏi Afghanistan nếu Taliban hứa ngừng che chở cho những tên khủng bố tìm cách tấn công các mục tiêu Mỹ. Tuy nhiên, một thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính phủ dân cử của Afghanistan vẫn còn rất xa xôi.
Nga phàn nàn rằng các cuộc không kích của Mỹ ở tỉnh Idlib, Syria, vốn gây ra nhiều thương vong, sẽ đe dọa một lệnh ngừng bắn ở đó. Mỹ cho biết họ đanh vào một tiền đồn của al-Qaeda. Một thỏa thuận quốc tế nhằm tạo ra “khu vực xuống thang” ở Idlib do phe nổi dậy nắm giữ, cũng là nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân, chỉ có hiệu quả hạn chế.
Binyamin Netanyahu đã gia hạn lời cam kết, rằng “với sự giúp đỡ của Chúa”, sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây vào lãnh thổ Israel, trong một bài phát biểu trước cuộc bầu cử vào ngày 17 tháng 9. Ông Netanyahu và các đồng minh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4, nhưng không thể thành lập một liên minh cầm quyền. Sau đó vào cuối ngày Chủ nhật, Israel và Hizbullah, một nhóm vũ trang của người Shia, đã tiến hành một số giao tranh nhỏ ở biên giới Lebanon.
Tám mươi năm sau khi Thế chiến II bùng nổ, tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đề nghị Ba Lan tha thứ cho sự tàn bạo mà Đức gây ra trong cuộc chiến. Khoảng 6 triệu người Ba Lan đã bị giết trong thời gian Đức chiếm đóng; Ba Lan vẫn đang tìm kiếm các khoản bồi thường. Nhìn lại lịch sử, việc Đức xâm lược quốc gia láng giềng đã khiến Anh và Pháp tuyên chiến.
Một cuộc chặn xe kiểm tra giấy tờ đã biến thành một vụ xả súng ở Texas. Tay súng đã thoát khỏi cảnh sát và xả súng bừa bãi; anh ta cũng đánh cắp một chiếc xe bưu chính và chạy đến một rạp chiếu phim, nơi y đấu súng với cảnh sát cho đến khi bị giết. Bảy người khác thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương, trong đó có một số sĩ quan cảnh sát và một bé gái 17 tháng tuổi. Không rõ động cơ của tay súng là gì.
Vòng áp thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Một số hàng hóa trị giá 112 tỷ đô la giờ đây phải chịu mức thuế 15%. Tổng thống Donald Trump đang đe dọa sẽ mở rộng thuế quan đối với gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 12. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thêm thuế đối với hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả dầu thô.
Bão Dorian đã mạnh lên thành cơn bão cấp 5 trước khi đi vào quần đảo Bahamas, dẫn đến “tình trạng thảm họa”, theo Trung tâm Quốc gia về Bão của Mỹ. Đường đi dự kiến của cơn bão đã thay đổi; thay vì đi từ đông sang tây đến bờ biển phía đông Florida, giờ đây bão dự kiến sẽ quay lên hướng bắc, hướng về Florida, Georgia và 2 bang Carolina.
TIÊU ĐIỂM
Biểu tình Hồng Kông vẫn quyết liệt
Chính phủ Hồng Kông đang bị bao vây bởi chính người dân trong khi cảnh sát bắt đầu cứng rắn hơn. Sau vụ bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ và chính trị gia, bao gồm cả người nổi tiếng nhất, Joshua Wong, cảnh sát đã cấm các cuộc biểu tình vào cuối tuần với lý do lo ngại nguy cơ bạo lực. Dẫu vậy, ngày 31 tháng 8, hàng chục ngàn người vẫn xuống đường và mọi thứ bắt đầu trong hòa bình nhưng cuối cùng kết thúc trong bạo lực. Những người biểu tình cứng rắn vây quanh các tòa nhà của cảnh sát và chính phủ, đồng thời ném bom xăng. Cảnh sát chống bạo động đã đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng và thậm chí bắn súng cảnh cáo; họ cũng đánh hành khách trong một chuyến tàu điện ngầm.
Vào ngày Chủ nhật, người biểu tình tràn ngập các tuyến đường bộ và đường sắt dẫn về sân bay, làm gián đoạn các chuyến bay ở đó thêm một lần nữa. Một cuộc tổng đình công được kêu gọi diễn ra vào ngày 2 tháng 9. Hơn 900 người đã bị bắt giữ, nhiều người trong số họ là thanh thiếu niên. Cảnh sát khẳng định họ vẫn kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo họ có thể can thiệp vào lãnh thổ mà họ đã hứa hẹn “một mức độ tự trị cao”. Xem ra không bên nào chịu lùi bước.
Than đá: thảm họa môi trường của Châu Á
Tuần lễ Khí hậu Châu Á-Thái Bình Dương sẽ bắt đầu tại Bangkok hôm nay, và một chuỗi các cuộc họp về môi trường lớn hơn của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra ở New York vào cuối tháng này. Các cuộc triển lãm và thảo luận sẽ trình bày những ý tưởng mới nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Châu Á có thể áp dụng một số ý tưởng này. Châu lục này gần như “nghiện” nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá. Họ khai thác và tiêu thụ 3/4 số than của thế giới. Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu dùng lớn nhất; đất nước này cũng thải ra nhiều khí carbon dioxide hơn bất kỳ nước nào khác.
Không thua kém, Đông Nam Á là khu vực duy nhất trên thế giới có sản lượng điện than thực sự tăng trưởng vào năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Các nhà hoạt động kì vọng rằng năng lượng tái tạo giá rẻ cùng với mối lo ngại về ô nhiễm không khí và quản lý nguồn nước (các nhà máy điện than sử dụng rất nhiều nước) sẽ làm giảm sự ưa chuộng của châu Á đối với loại nhiên liệu đen này. Nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng đã không còn mặn mà. Song các chính phủ vẫn có ý định tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ ngành than.
Kết quả bầu cử ở hai bang đông Đức
Một nỗi lo lớn trước cuộc bầu cử ở hai tiểu bang đông Đức là đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) sẽ chiến thắng ở một hoặc cả hai bang. Tuy nhiên, phe trung dung đã chiến thắng. Kết quả sơ bộ ở Brandenburg cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền đã buộc AfD xuống vị trí thứ hai; còn tại Sachsen, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) giành chiến thắng vững chắc. Điều đó sẽ giúp tăng cường lòng tin vào “đại liên minh” giữa SPD và CDU trong chính phủ liên bang Đức.
Tuy nhiên, việc thành tích của AfD ở hai bang miền đông năm nay tốt hơn nhiều so với các cuộc bầu cử trước đó vào năm 2014 xem ra không phải là tin tốt lành. Việc này sẽ buộc các đảng cầm quyền ở cả hai bang phải thành lập các liên minh lớn, kém linh hoạt để loại AfD ra khỏi quyền lực, cho phép đảng này tự thể hiện mình trước công chúng như là sự thay thế khả dĩ duy nhất. Và nó cũng gợi ý rằng, gần 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khoảng cách giữa đông và tây vẫn còn rất lớn.
Vòng thuế quan mới có hiệu lực
Vào ngày 1 tháng 9 cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo lên một nấc thang mới. Mức thuế mới 15% đối với hàng nhập khẩu trị giá khoảng 112 tỷ USD từ Trung Quốc của chính quyền Trump, bao gồm cả quần áo và giày dép, bắt đầu có hiệu lực; Trung Quốc đánh trả bằng thuế quan đối với số hàng hóa trị giá 29 tỷ đô la, bao gồm 3 tỷ đô la nhập khẩu xăng dầu. Mặc dù vòng thuế quan mới nhất này sẽ tác động tới người tiêu dùng Mỹ song những biến đổi về giá cả có thể cần một thời gian nữa mới thấy được vì phải mất nhiều tuần hàng hóa mới được chuyển từ tàu lên kệ hàng.
Chính quyền Trump dường như rất bình tâm. Hai bên đang trao đổi và dự định sẽ gặp nhau vào cuối tháng này. Nếu họ không đạt được thỏa thuận thì hai đợt thuế quan nữa sẽ đi vào hiệu lực, đợt đầu tiên vào ngày 1 tháng 10 và sau đó là ngày 15 tháng 12. Điều đáng lo ngại là xung đột có thể lan rộng ra ngoài lĩnh vực thuế quan, lan sang các lệnh cấm đối với các giao dịch kinh doanh nói chung. Dù mọi thứ đã rất tệ, vẫn còn dư địa để chúng trở nên tồi tệ hơn.
Argentina kiểm soát tiền tệ
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự sụp đổ mạnh hơn nữa của đồng peso, chính phủ Mauricio Macri đã ban hành một nghị định vào Chủ nhật hạn chế việc người dân mua đô la Mỹ và bắt buộc các nhà xuất khẩu phải đổi các khoản thu bằng đồng đô la trong tương lai sang đồng peso. Kể từ thứ Hai, khi các ngân hàng sẽ mở cửa thêm giờ, các cá nhân sẽ được phép mua tối đa 10.000 đô la một tháng trong khi các công ty sẽ bị buộc phải đổi đô la lấy peso.
Sắc lệnh này, theo đề xuất của chính phủ trước đó nhằm bảo vệ đồng peso bằng cách bán tới 5 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày kể từ thứ Hai, cho thấy chính phủ của ông Macri đang quyết tâm ngăn đà mất giá của đồng peso. Đồng tiền này đã mất giá hơn 25% từ khi ông Macri bị đánh bại bởi phe đối lập dân túy trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào tháng Tám. Hẳn ông Macri cảm thấy rất cay đắng khi phải kiểm soát tiền tệ trở lại. Ông từng bãi bỏ biện pháp này khi lên cầm quyền hồi năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét