Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

16369 - Đô đốc Trịnh Hòa: Sứ giả hòa bình hay tội phạm chiến tranh?


Biên dịch: Trần Mẫn Linh - Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Bên cạnh việc tiến hành một cuộc đàn áp lớn chống lại người Hồi giáo, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đang làm sống dậy huyền thoại về Trịnh Hòa (Zheng He) – một đô đốc hải quân, người chỉ huy các chuyến hải trình hùng tráng vào đầu thế kỷ 15 xuyên qua Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và xa hơn thế nữa.
Khi đưa ra sáng kiến Vành đai và Con đường từ châu Á sang châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thường xuyên gọi Trịnh Hòa là biểu tượng cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, và cho tình hữu nghị với thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á.
Được mệnh danh là “Columbus Trung Quốc”, nhà thám hiểm thậm chí đã truyền cảm hứng cho một quán cà phê thời thượng ở Melbourne.
Thế nhưng, liệu ông có thực sự là một biểu tượng ngoại giao như cách Bắc Kinh muốn chúng ta tin không?


Màn biểu diễn gợi nhắc về hành trình của Trịnh Hòa tại Olympics Bắc Kinh 2008.

Trịnh Hòa là ai?
Chỉ huy những chuyến du hành vòng quanh địa cầu một thế kỷ trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, Trịnh Hòa được mô tả là một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Ông sinh năm 1371 tại tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, được đặt tên là Mã Hòa (Ma He). Cha mẹ ông theo đạo Hồi và thuộc nhóm người Hồi thiểu số.
Trong khi ít ai biết gì về gia đình ông, thì cả cha và ông của Trịnh Hòa đều từng thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca tại Ả Rập Xê-út ngày nay – cách Trung Quốc hơn 5.000 km.
Họ “Mã” của ông – là họ Trung Quốc xuất phát từ họ Muhammad – sau này được thay bằng họ “Trịnh”, là họ được Hoàng đế nhà Minh phong tặng khi ông đạt đến cấp bậc cao nhất mà một thái giám có thể có.


Mô hình con tàu thu nhỏ của Trịnh Hòa được đặt cạnh mô hình con tàu của Columbus theo tỉ lệ tại một triển lãm ở Dubai.

Trịnh Hòa đã thực hiện một loạt các chuyến du hành ấn tượng từ năm 1405 đến năm 1433, dẫn đầu hơn 20.000 người trên một hạm đội gồm hơn 100 tàu – rõ ràng là lực lượng hải quân tân tiến nhất thời đó.
Sau này, ông được cho là trở nên quan tâm đến các giáo lý Phật giáo, và qua đời ở Ấn Độ.
Trong khi hạm đội của Trịnh thể hiện sức mạnh và năng lực hải quân của Trung Quốc, lịch sử Trung Quốc chính thống lại mô tả như thể ông chưa từng tham gia vào ngoại giao pháo hạm, thay vào đó chỉ xây dựng tình hữu nghị với các nhà lãnh đạo nước ngoài.


Trịnh Hòa được cho là đã tới châu Phi nhiều năm trước khi Columbus đi tới châu Mỹ.

“Ông ta không chiếm một mảnh đất, thành lập bất kỳ pháo đài hay chiếm giữ bất kỳ của cải nào từ các quốc gia khác”, Thứ trưởng Bộ Truyền thông lúc bấy giờ của Trung Quốc là Xu Zu-yuan (Từ Tổ Viễn) cho biết vào năm 2004.
“Trong các hoạt động thương mại, ông đã hình thành thói quen cho đi nhiều hơn nhận lại, và do vậy ông được hoan nghênh và ca ngợi bởi người dân nhiều quốc gia xuyên suốt các chuyến đi của mình.”
Đây rõ ràng là cách Bắc Kinh muốn được nhìn nhận trên phạm vi quốc tế ngày nay, với Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đặt tên cho một trong những con tàu của mình là Trịnh Hòa.
Năm 2012, con tàu này đã thực hiện một “sứ mệnh hòa bình” tới các quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Ý, Canada và Indonesia, với mục đích tăng cường quan hệ với hải quân nước ngoài.


Tàu chiến mang tên Trịnh Hòa neo tại Trân Châu Cảng năm 2015.

Tầm quan trọng của Trịnh Hòa đối với chính sách đối ngoại Trung Quốc là gì?
Tập Cận Bình đã nhắc đến hạm đội của Trịnh Hòa trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017.
“Những người tiên phong này đã ghi tên mình vào lịch sử không phải như là những kẻ chinh phục bằng tàu chiến, súng hay kiếm. Thay vào đó, họ được nhớ đến như những sứ giả thân thiện”, ông Tập nói.
“Thế hệ này qua thế hệ khác, những người du hành trên con đường tơ lụa đã xây dựng một cây cầu cho hòa bình và hợp tác Đông-Tây.”


Đền thờ Trịnh Hòa tại Semarang, Indonesia.

Trịnh Hòa là “một nhân vật chủ chốt đại diện cho Con đường tơ lụa trên biển”, Sow Keat Tok của Viện Châu Á tại Đại học Melbourne cho biết.
Di sản của nhà thám hiểm hiện hữu ở Đông Nam Á – một thực tế mà Bắc Kinh muốn sử dụng làm đòn bẩy trong ngoại giao của mình với khu vực.
“Nếu bạn nhìn vào cách Trịnh Hòa được nói đến trong dân gian và qua truyền miệng, những điều đó nhìn chung là tích cực”, Tiến sĩ Tok nói với ABC.
Ở Indonesia và Malaysia – nơi cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số, Trịnh Hòa giữ vai trò đặc biệt trong việc truyền bá đạo Hồi, được tưởng niệm tại các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ và bảo tàng trên khắp quần đảo.


Bên trong nhà thờ Hồi giáo Muhammad Cheng Hoo ở Surabaya, Indonesia.

Nhà sử học của Đại học Hạ Môn – Liao Dake – đã viết rằng Trịnh Hòa “ủng hộ nền độc lập của vương quốc Melaka, tạo động lực cho sự lan rộng của Hồi giáo”.
Khi đưa tin về chuyến thăm của một nghị sĩ Indonesia tới nước này tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập rằng: “Di sản của Trịnh Hòa ở những nơi như Indonesia tiếp tục cho thấy các cuộc thám hiểm của ông đã tạo dựng những mối liên kết quan trọng, vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao và kinh tế để bao trọn khía cạnh văn hóa và các mối quan hệ khác”.
Trước khi đến thăm Manila vào tháng 11/2018, ông Tập viết một bài xã luận được các tờ báo Philippines đăng tải rộng rãi, tuyên bố rằng: “Hơn 600 năm về trước, nhà hàng hải Trung Quốc Trịnh Hòa đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Vịnh Manila trong bảy chuyến hải trình ra nước ngoài để tìm kiếm tình hữu nghị và hợp tác.”
Thế nhưng, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio tuyên bố hồi tháng trước rằng các nhà sử học đã chứng minh Trịnh Hòa chưa bao giờ đến Philippines, và rằng huyền thoại này chỉ là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biện minh cho các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông.
“Tôi gọi đây là câu chuyện lịch sử giả của thiên niên kỷ, tin tức giả của thế kỷ,” ông nói.
Trịnh Hòa có phải là một nhà thám hiểm hòa bình hay không?
Theo Tiến sĩ Dok, việc Bắc Kinh nhắc lại câu chuyện về Trịnh Hòa “truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc đang trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn mà không gây ra đe dọa nhiều hơn”.
Dù Bắc Kinh nhấn mạnh bản chất được cho là hòa bình trong các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa, nhưng một vài nhà quan sát phương Tây lại nhìn nhận Trịnh như là đại diện cho một điều gì đó khác.
Năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng lúc đó của Hoa Kỳ – James Mattis – đã tuyên bố Trung Quốc có “kế hoạch dài hạn để viết lại trật tự thế giới hiện có.”
“Triều đại nhà Minh dường như là hình mẫu của họ, dù theo kiểu cơ bắp hơn, đòi hỏi các quốc gia khác phải trở thành quốc gia triều cống, khúm núm dưới chân Bắc Kinh; đi theo Một Vành đai, Một Con đường.”
Geoff Wade, nhà sử học người Úc tập trung nghiên cứu sự can dự của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, lập luận rằng các chuyến đi của Trịnh Hòa thể hiện một dạng thức bạo lực của “chủ nghĩa thực dân hàng hải.”
Chẳng hạn, trong trường hợp của Việt Nam, Tiến sĩ Wade đã viết: “Có xâm lược, chiếm đóng, áp đặt một chính quyền dân sự và quân sự, bóc lột kinh tế và sự thống trị bởi một triều đình ở thủ đô của quốc gia xâm lược.”
Giai đoạn cai trị của nhà Minh ở Việt Nam là một phần trong 1.000 năm Trung Quốc thống trị quốc gia Đông Nam Á này, điều cho đến nay vẫn để lại sự căm giận trong lòng những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc.
Tiến sĩ Wade đã viết rằng những chuyến hải trình của Trịnh Hòa “liên quan đến việc sử dụng lực lượng quân sự lớn để xâm lược các dân tộc khác với dân tộc Trung Hoa, để chiếm lĩnh lãnh thổ của họ, chia lãnh thổ ấy thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn, chỉ định những người cai trị bù nhìn và các ‘cố vấn’, từ đó bóc lột kinh tế các khu vực bị chiếm đóng.”


Các bản đồ của Trịnh Hòa gây ra nhiều tranh cãi, có người cho rằng ông đã đi tới tận châu Mỹ.

Những cách giải thích khác nhau về lịch sử của Trịnh Hòa phản ánh các cuộc tranh luận đương đại ở Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương.
Liệu Trung Quốc là một cường quốc nhân từ đang tìm kiếm mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với các nước nhỏ hơn, hay một kẻ bắt nạt đang tìm cách bóc lột kinh tế từ họ?
Một nhân vật Hồi giáo có thể là một biểu tượng được Đảng Cộng sản tán thành?
Trong khi hình ảnh của Trịnh Hòa đang được đẩy mạnh trên trường quốc tế, Đảng Cộng sản lại đang đàn áp Hồi giáo ở trong nước.
Người Hồi sở hữu nhiều sự tương đồng hơn về mặt văn hóa với phần lớn người Hán, và do vậy cho tới  gần đây vẫn không bị Bắc Kinh nhắm đến như người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ).
Nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã mô tả “sự giám sát ngày càng tăng” đối với người Hồi ở quê nhà Ninh Hạ (Ningxia) của họ tại miền trung bắc Trung Quốc.
Các nhà chức trách đã ra lệnh thay thế hoặc phá hủy các nhà thờ Hồi giáo được cho là mang đậm phong cách Ả Rập, trong chính sách “Hán hóa Hồi giáo”.
Năm ngoái, hàng ngàn người Hồi đã phản đối việc phá hủy Nhà thờ Hồi giáo Lớn ở thị trấn Weizhou thuộc Ninh Hạ – một sự kháng cự hiếm hoi từ nhóm người thường được mô tả là “thiểu số Hồi giáo kiểu mẫu.”
“Việc chính quyền Trung Quốc khai thác các cuộc thám hiểm vĩ đại của Trịnh Hòa, một người Hồi giáo, cho mục đích ngoại giao và thương mại – trong khi lại bắt giam hàng triệu người Hồi giáo ở vùng Tân Cương – là đỉnh cao của sự đạo đức giả và vô liêm,” Sharon Hom, giám đốc điều hành của tổ chức Nhân quyền tại Trung Quốc, trả lời ABC.


Nhà thờ Hồi giáo ở quê nhà Trịnh Hòa tại Kunyang, Vân Nam, Trung Quốc.

“Nó cũng phơi bày mục tiêu thực sự của việc xây dựng đế chế và tạo ra các quốc gia chư hầu dọc theo Vành đai và Con đường.”
“Việc truyền bá ý thức hệ liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới mọi giai tầng trong xã hội Trung Hoa bằng ‘tư tưởng Tập Cận Bình’, và nỗ lực Hán hóa tôn giáo tạo ra sự chế giễu đối với bất kỳ tuyên bố nào của chính quyền về việc tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên,” bà Hom nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét