Phần II (B)
MỘT VÍ DỤ LỊCH SỬ
Nếu có người
nghĩ rằng, có lẽ thời gian chưa
đủ dài, để cho các công cuộc Tây phương
hóa nói trên, hoàn toàn xâm nhập vào các lĩnh vực tôn giáo, thì chúng ta có thể
lấy trường hợp của đế quốc Hy
Lạp La Mã khi xưa đối với các
quốc gia ở trong khu vực ảnh hưởng
của mình, để thêm một bằng cớ rằng công cuộc Tây phương hóa ngày nay không vượt qua được lĩnh vực tôn giáo.
Xưa kia,
các nước nằm trong đế quốc La
Mã, hoàn toàn La Mã hóa trên mọi lĩnh vực, trừ ra lĩnh vực tôn giáo, mặc dù sự
thống trị của đế quốc La Mã đã kéo dài gần một ngàn năm. Hơn thế nữa, sau đó,
chính một tôn giáo Đông phương,
Gia Tô giáo, đã thống trị ngược
lại hết đế quốc La Mã Hy Lạp lúc bấy giờ. Nhưng đó là một vấn đề thuộc về một địa hạt lớn lao mà chúng ta không
thể đề cập ở đây được. Nay
chỉ cần ghi nhớ thêm một điểm: Công cuộc Tây phương hóa không vượt
qua được lĩnh vực tôn giáo.
Sau này chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Trên lĩnh vực văn hóa, tình trạng có hơi khác. Văn hóa dân
tộc bắt nguồn từ di sản tinh thần thừa hưởng của dĩ vãng gồm, một mặt, các sáng tác văn hóa khẩu truyền hay
thư loại, một mặt, đặc thức
suy tưởng của dân tộc mà di
sản đó đã hun đúc trong nhiều thế hệ. Nay, mở cửa tiếp văn minh Tây phương có nghĩa là thâu nhận thêm nhiều
sáng tác văn hóa. Nhưng sự
thâu nhận, dù có lên đến một mức độ quan trọng nào cũng không phủ nhận được di sản tinh thần của dĩ vãng. Do
đó, đặc thức suy tưởng cổ
truyền của dân tộc, nếu có bị ảnh hưởng
ít nhiều, vẫn giữ nguyên bản chất.
Như vậy ta
nên chia lĩnh vực văn hóa làm hai phần: phần thứ nhất là phần văn hóa hấp thụ,
và phần thứ hai là phần văn hóa sáng tạo. Phần hấp thụ sẽ thu nhận văn hóa Tây
phương và chịu Tây phương hóa. Nhưng phần sáng tạo chắc chắn sẽ giữ đặc tính
của dân tộc vì chịu ảnh hưởng
đặc thức suy tưởng cổ truyền.
Như vậy chúng ta có thể tin
rằng công cuộc Tây phương hóa
sẽ không làm mất tính chất dân tộc, nếu chúng ta, sau khi chế ngự được các kỹ thuật của Tây phương, lên đến mức độ sáng tạo với
những phương tiện kỹ thuật
đó.
Những sự kiện dưới
đây có thể xem như là những
bằng cớ để xác nhận điều quả quyết trên đây. Các dân tộc ở Âu châu đều sống
trong một nền văn minh kỹ thuật chung. Chẳng những tất cả các phương tiện kỹ thuật về sản xuất, về vận
chuyển, về thông tin, vân vân..., đều như nhau, mà cho đến những chi tiết trong đời sống hằng ngày cũng
giống nhau, mặc cùng một thứ quần áo, ăn cùng một thức ăn. Nhưng tất cả các sáng tác trong mỗi ngành của
mỗi dân tộc đều khác.
Ví dụ âm nhạc của một người Đức, không bao giờ giống âm nhạc của một người Anh. Nghĩa là, mặc dù sống trong một
không khí văn minh kỹ thuật duy nhất, nhưng các di sản tinh thần của mỗi dân tộc vẫn cứ bộc lộ trong các
sáng tạo của dân tộc đó. Sau hơn bốn mươi năm của một công cuộc Tây phương hóa triệt để, thâm nhập mọi lĩnh vực của đời sống, các sáng tạo
văn hóa của Nga Sô vẫn mang đặc tính dân tộc người Nga. Sau hơn một trăm năm Tây phương hóa toàn diện, các sáng tạo văn hóa của Nhật vẫn mang đặc tính
dân tộc Nhật.
Có lẽ tới đây chúng ta không cần kéo dài cuộc biện luận nữa.
Chúng ta có thể quả quyết rằng một công cuộc Tây phương hóa toàn diện không làm mất bản chất
dân tộc, miễn là chúng ta phải vượt
lên được đến mức sáng tạo. Dưới mức này, cố nhiên là dân tộc
tính không bộc lộ được, và
trong không khí ồ ạt của văn minh kỹ thuật Tây phương, dân tộc tính có vẻ như bị mất.
Nay, nếu chúng ta phán đoán theo vẻ bên ngoài ấy thì chúng
ta sẽ rụt rè như các cụ xưa kia, sợ mất quốc
hồn quốc túy và công cuộc Tây phương
hóa của chúng ta sẽ thất bại và mang đến tất cả các hậu quả tai hại, mà chúng
ta biết.
ẢNH HƯỞNG TƯƠNG PHỐI
GIỮA TÔN GIÁO VÀ SỰ KIỆN TÂY PHƯƠNG HOÁ
Trước khi
sang vấn đề Tây phương hóa
đến mức độ đủ cao, chúng ta trở lại một chút về vấn đề tôn giáo và công cuộc
Tây phương hóa. Công cuộc Tây
phương hóa không vượt qua được lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng. Vấn đề này đã được đề cập đến nhân khi bàn đến giới hạn
ảnh hưởng của công cuộc Tây
phương hóa.
Tuy nhiên tự nó vấn đề tôn giáo không quan hệ đối với một
công cuộc Tây phương hóa. Trước đây xã hội Tây phương xây dựng trên căn bản tinh thần của
đạo giáo Gia Tô. Nhưng sau đó
nhiều sự mâu thuẫn nội bộ về giáo lý đã làm nguồn gốc cho những cuộc chiến tranh
tôn giáo tàn khốc làm suy giảm tín ngưỡng của đại chúng. Và kế đó, sau khi thoát khỏi sự gò bó tư tưởng của giáo hội La Mã, khoa học Tây phương mới phát triển được đến mức độ ngày nay và trang bị xã hội
Tây phương với những phát minh
hùng mạnh. Sự giảm tin tưởng
vào một tôn giáo, đã có một thời chủ trương những tư tưởng chật hẹp về vũ trụ, đã làm
lung lay đến tận nền tảng cơ sở tôn giáo của xã hội Tây phương.
Nhưng vừa
đúng lúc khi văn minh Tây phương
chứng kiến sự suy giảm của đức tin vào sức mạnh tín ngưỡng mà Gia Tô giáo đã hun đúc trong nhiều
thế kỷ, thì văn minh Tây phương
lại được khoa học tạo cho
mình một đức tin vào sức mạnh kỹ thuật, mà tính cách hữu hiệu trong công cuộc
chinh phục thế giới còn hơn bội phần sức mạnh tín ngưỡng đã mất.
Gần đây, sau khi khoa học đã tỏ ra không đủ khả năng để giải
quyết một mình các vấn đề căn bản của nhân loại, thì tinh thần tôn giáo lại
phục hưng. Nhưng cho đến ngày nay, sự phục hưng tinh thần tôn giáo trong xã hội
Tây phương chưa lên đến một mức độ đủ cao để cho sự thâu
thập văn minh Tây phương, mặc
nhiên, bắt buộc sự thâu thập tôn giáo Tây phương.
Do đó, trong thời kỳ hiện nay, có thể gọi là thời kỳ hậu tôn
giáo của văn minh Tây phương,
vấn đề tôn giáo không quan trọng đối với công cuộc Tây phương hóa. Nhưng vấn đề tôn giáo lại có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng cho công cuộc phát triển dân tộc như chúng ta sẽ thấy sau này.
Công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao.
Mấy trăm năm kinh nghiệm của Nga và gần một thế kỷ kinh
nghiệm của Nhật chỉ cho chúng ta thấy hai điều: Trước hết là, một khi, để chống lại với sự
tấn công của văn minh Tây phương,
chúng ta đã lao mình vào công cuộc Tây phương hóa, và, nếu công cuộc Tây phương hóa của chúng ta không đạt đến một mức độ đủ cao thì, sự đe dọa
nói trên vẫn còn mãi, và mục đích của cuộc Tây phương hóa sẽ không đạt được.
Bởi vì, như
chúng ta đã thấy trong trường
hợp của hai nước kể trên đây,
và nhất là trong thời kỳ đầu của trường
hợp Nga, nếu chúng ta không Tây phương
hóa đến mức độ đủ cao thì lúc nào chúng ta cũng chạy theo đuôi kỹ thuật Tây phương và do đó sự đe dọa không chấm
dứt được. Điều thứ hai lại do
điều thứ nhất mà ra. Muốn
không chạy theo đuôi kỹ thuật Tây phương nữa thì chúng ta phải chế ngự cho được khả năng sáng tạo khoa học của Tây phương. Lúc bấy giờ, như Nga Sô ngày nay, chúng ta sẽ có đủ khả
năng để góp phần vào công cuộc sáng tạo kỹ thuật chung của nhân loại.
Thực hiện được
sự góp phần này đương nhiên
chúng ta sẽ tự cung cấp hai thắng lợi: thứ nhất chúng ta sẽ trở thành ngang
hàng với các nước trên thê
giới trên phương diện đóng
góp vào văn minh nhân loại, và thứ hai là sự ngang hàng đó, cũng như kỹ thuật đã tiến bộ của chúng ta,
sẽ bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi sự uy hiếp của các nước lớn, mối đe
dọa truyền kiếp cho chúng ta đến ngày nay.
Có một quan niệm sai lầm cho rằng công cuộc Tây phương hóa của một nước lên đến mức độ đủ cao khi nào nước đó có thể tự túc về các sản
phẩm kỹ thuật và khoa học của Tây phương. Quan niệm đó sai lầm ở chỗ nó phản lại bản chất bao quát và
nhân loại của khoa học. Và một khoa học cô lập là một khoa học không tiến bộ
nữa. Nhưng vấn đề này lại thuộc
một địa hạt rộng lớn khác.
Trở lại vấn đề Tây phương hoá đến mức độ đủ cao, các đoạn trên này cho chúng ta thấy rằng
Tây phương hóa đến mức độ đủ
cao, có nghĩa là Tây phương hóa đến khi nào chúng ta chế ngự được khả năng sáng
tạo khoa học của Tây phương. Cho đến khi nào chúng ta chưa ra khỏi giai đoạn hấp thụ khoa học và kỹ
thuật Tây phương, thì chúng
ta vẫn chưa thoát lên đến mức
độ đủ cao.
Chỉ khi nào chúng ta sử dụng được, chẳng những là khoa học và kỹ thuật
Tây phương, mà lại còn cả phương tiện sáng tạo khoa học và kỹ
thuật, thì chúng ta mới đạt đến mức độ đủ cao trong công cuộc Tây phương hóa. Vì vậy cho nên, khi nào
chúng ta còn thấy tự mãn sau khi đã hấp thụ được kỹ thuật và khoa học của Tây phương, thì công cuộc Tây phương hóa đã bắt đầu thất bại. Trong thực tế bao giờ mà các chuyên
viên của chúng ta gởi đi du học ngoại quốc còn lấy làm tự mãn sau khi vừa hấp
thụ xong các kỹ thuật và khoa học của ngành mình, thì công cuộc Tây phương hóa của chúng ta còn ở vào một
mức độ thấp và lúc nào cũng bị sự thất bại đe dọa. Chỉ khi nào các chuyên viên
của chúng ta, sau khi đã hấp thụ đƣợc các kỹ thuật và khoa học của ngành mình,
lại ý thức rõ rệt rằng, chỉ vừa bước
đi qua một giai đoạn sơ khởi, và còn cần phải nỗ lực để đạt đến chỗ chế ngự được khả năng sáng tạo trong ngành
của mình, thì lúc bấy giờ cuộc Tây phương hóa của chúng ta mới đi đúng đường và có hy vọng thành công.
Sự kiện trên đây giải thích cho chúng ta hiểu vì sao, trong
thời kỳ Pháp thuộc khối người
mới vừa Tây phương hóa được đến một mức độ rất thấp, chiếm
được vài cái bằng cao cấp, đã
lấy làm tự mãn, và từ đó sự tiến bộ đã ngừng hẳn. Sự kiện này chứng minh một
cách rõ ràng rằng công cuộc Tây phương
hóa của chúng ta ở thời kỳ Pháp thuộc, không được hướng dẫn,
không có lãnh đạo cho nên những người
“theo mới” không biết đi đến mức nào là đúng. Chưa chi đã lấy làm tự mãn thì làm sao còn có ý chí để thực hiện một
công cuộc Tây phương hóa đến
mức độ đủ cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nhiều hy sinh.
Một công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao là một điều thiết yếu cho sự phát triển dân
tộc, nhưng làm thế nào cho
công cuộc Tây phương hóa đạt
đến mức độ ấy? Sau khi đã phân tích như trên kia rồi thì chúng ta không còn lọt vào sự lầm lẫn thông thường cho rằng hấp thụ kỹ thuật và
khoa học là đã đạt đến mức độ đủ cao. Và chúng ta biết rằng muốn đạt đến mức độ
đó thì phải chế ngự cho được
khả năng sáng tạo khoa học và kỹ thuật. Nghĩa là phải học cho được cái bí quyết
của người Tây phương đã giúp cho họ đẻ ra khoa học và kỹ thuật.
Đặc tính của văn minh Tây phương.
Sau khi hấp thụ khoa học và kỹ thuật Tây phương, thì mọi người đều công nhận khoa học và kỹ thuật Tây phương có những đặc tính sau đây: suy
luận chính xác, tổ chức ngăn nắp và minh bạch. Và phần đông đều nghĩ rằng chính
tinh thần khoa học Tây phương
đã tạo những đặc tính ấy.
Đó là một sự lầm lẫn thông thường rất tai hại và nếu đã nghĩ như vậy thì không làm sao tìm được bí quyết đã giúp cho Tây phương sáng tạo khoa học và kỹ thuật.
Sự thật là những đặc tính: chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ
chức là đặc tính của nền văn minh Tây phương.
Và chính nhờ có những đặc tính này, mà nền văn minh Tây phương đã sáng tạo ra khoa học. Khoa
học mang những đặc tính ấy như
là những đặc tính bẩm sinh, chớ không phải khoa học tạo ra các đặc tính ấy.
Vì vậy cho nên sự hấp thụ khoa học và kỹ thuật của Tây phương không, không đủ tạo cho người hấp thụ khả năng sáng tạo khoa
học, tiêu chuẩn của một công cuộc Tây phương hóa thành công đến mức độ đủ cao. Trước khi khoa học phát minh và phát triển như ngày nay, tập quán của người Tây phương đã chính xác trong suy luận và ngăn
nắp minh bạch trong tổ chức. Trái lại lối suy luận, ví dụ của người ở xã hội Đông Á là lối suy luận trực
giác, hình ảnh, và do đó, mơ hồ.
Nhưng
chính người Tây phương đã thừa hưởng những đặc tính đó của văn minh Hy Lạp
và La Mã. Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức đã nằm sẵn
trong lối kiến trúc câu văn của Hy Lạp cũng như của La Mã. Sau khi đế quốc La Mã phía Tây, đóng đô ở Roma đã sụp
đổ, xã hội Tây phương trải
qua một thời đại đen tối vì hai lý do.
Trước hết
sự xâm chiếm của các bộ lạc man rợ đã cắt đứt xã hội Tây phương với nguồn gốc Hy Lạp, La Mã. Lý do thứ
hai là, vì sự tồn tại của xã hội Gia Tô giáo Tây phương, giáo hội La Mã, trong một thời kỳ vô
cùng hỗn độn đã bắt buộc áp dụng một chủ trương đóng khung tư
tưởng đến cực độ. Vì đó mà,
nếu giáo hội với tư cách là
người thụ thác của văn minh
Hy Lạp La Mã khi xưa đã cứu
vớt được tập quán ngăn nắp và
minh bạch trong đời sống, đã không bảo vệ được, đặc tính chính xác về lý trí của văn minh Hy Lạp và La Mã.
Sau đó, nhờ tình hình tương đối ổn định, sự nối lại với nguồn gốc văn minh Hy Lạp La Mã đã
thực hiện được và xã hội Tây
phương bước vào thời kỳ thường gọi là Phục Hưng, phục hưng tinh thần văn minh Hy Lạp và La Mã, đồng thời cởi bỏ được sự đóng khung tư tưởng của giáo hội. Và từ đó lần lần với sự củng cố chính trị của các
quốc gia trong xã hội Tây phương,
khoa học mới phát minh và nảy nở.
Sở dĩ các sự kiện lịch sử trên đây được nhắc lại là để chứng minh rằng bí quyết
đã giúp cho người Tây phương sáng tạo được khoa học và kỹ thuật là ba đức tính
ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí.
Họ đã dùng những đức tính ấy như những khí cụ giải phẫu sắc bén để tìm
hiểu vũ trụ và tạo hóa. Nếu không có những khí cụ thám cứu đó, sự tìm hiểu vũ
trụ và tạo hóa không thực hiện được.
Và nếu sự tìm hiểu vũ trụ và tạo hóa không thực hiện được thì khoa học không phát minh và nảy nở
được. Tưởng nên nhắc lại một lần nữa rằng người Tây phương không phải chỉ ngăn nắp, minh bạch trong
tổ chức và chính xác về lý trí riêng trong lĩnh vực khoa học mà thôi. Họ đã
ngăn nắp, minh bạch tổ chức và chính xác về lý trí trong câu văn, lời nói, hành
động và đời sống hàng ngày. Trải qua nhiều thế kỷ các đức tính ấy đã được hun đúc thành tinh thần kỹ
thuật Tây phương.
Trở lại việc tìm hiểu vũ trụ và tạo hóa trên kia, chúng ta
nên thêm rằng một khi đã có trong tay những khí cụ thám cứu, việc tìm hiểu vũ
trụ chưa chắc đã có kết quả được, nếu chúng ta có một quan niệm
chấp nhận vũ trụ như Thượng Đế đã ban cho, và vì vậy,
không cần tìm hiểu thêm nữa. Nhưng
đây là một điểm đã lọt sang lĩnh vực tôn giáo và công cuộc Tây phương hóa dưới đây. Sự kiện đã như
vậy thì, nếu chúng ta muốn chế ngự khả năng sáng tạo khoa học chúng ta cần tạo
cho dân tộc các đức tính nói trên kia.
Nói rõ hơn nữa đồng thời với vấn đề hấp thụ khoa học và kỹ thuật
đương nhiên phải có, chúng ta
phải gieo sâu vào trí não của mọi người tập quán ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức, và chính xác về lý
trí. Chính đó mới là căn bản của một cuộc Tây phương hóa chính danh có đường
hướng và có mục đích.
Vấn đề đã đặt ra như vậy, chúng ta mới ý thức rõ rệt tính cách vĩ đại của công cuộc Tây
phương hóa mà chúng ta cần
phải thực hiện. Không phải Tây phương
hóa một nhóm người, mà Tây phương hóa toàn thể dân tộc. Không
phải Tây phương hóa trên mặt,
chỉ bắt chước lối sống của người Tây phương mà phải Tây phương hóa cho đạt đến cái tinh túy văn minh
Tây phương.
Công cuộc đã vĩ đại như vậy, thì, tuy chúng ta chưa bàn đến chi tiết thực hành, nhưng chúng ta cũng quan niệm được, ngay bây giờ, tính cách lớn lao của các phương tiện cần phải vận dụng, cũng như tính cách nặng nề của những hy sinh
đòi hỏi và tính cách liên tục và trường
kỳ của những nỗ lực phi thường
cần thiết.
Chúng ta phải ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí, không phải
riêng cho lĩnh vực nào, mà trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, không phải
riêng cho một trình độ trí thức nào, mà cho tất cả các trình độ trí thức. Nghĩa
là ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức và chính xác về lý trí phải chi phối tất
cả hoạt động của chúng ta, trong gia đình cũng như ngoài gia đình, từ phạm vi sinh hoạt thông thường đến những phát triển cao nhất của lý
trí. Do đó, vai trò của mỗi người
đều quan trọng, và do đó, vai trò của các người đàn bà trong gia đình vô cùng mật thiết với sự phát triển dân tộc.
Xem như thế, chúng ta lại còn phân biệt rõ rệt đặc tính của hai cuộc
Tây phương hóa. Cuộc Tây phương hóa bắt buộc, không đường hướng, không mục đích, dưới thời Pháp thuộc, chỉ là một cuộc Tây phương nông cạn, của một mớ người. Thậm chí, đến các người phụ nữ cũng bị gạt ra khỏi việc
theo mới: trong khi các ông mặc âu phục, ăn theo Tây và nói tiếng Tây, thì các
bà vẫn phải vận ta, ăn theo ta, nói tiếng ta, để mà bảo vệ phong tục Việt Nam.
Trái lại, công cuộc Tây phương hóa tự ý, có lãnh đạo, có mục đích, như chúng ta quan niệm ngày nay, là một cuộc
Tây phương hóa toàn diện cho
mọi người và đến mức độ đủ
cao để cho mục đích của công cuộc Tây phương hóa đạt được.
Cố nhiên một công cuộc đại qui mô như vậy đòi hỏi ở toàn dân, những nỗ lực phi thường một cách liên tục và trường kỳ, những hy sinh lớn lao và nặng nề.
Nhưng thực
hiện công cuộc phát triển dân tộc to tát đến tầm mức ấy, là một hành động có
mãnh lực hấp dẫn đến tột bậc, tất cả các phần tử của dân tộc. Một công cuộc
phát triển dân tộc vĩ đại đến tầm mức ấy, hùng mạnh như nước hải triều đang lên, hấp dẫn và lôi cuốn mọi người, vì đó là lẽ sống của dân tộc.
Công cuộc Tây phương hóa tự ý.
Một công cuộc Tây phương hóa tự ý, có đường
hướng và có mục đích, phải
toàn diện và đến mức độ đủ cao. Sự Tây phương hóa phải ăn sâu và lan rộng đến toàn dân. Ngược lại một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc như thời Pháp thuộc, không có lãnh đạo, không
có mục đích, hỗn độn và nông cạn, chỉ giới hạn trong một nhóm người thường tiếp xúc với người
Pháp. Công cuộc Tây phương
hóa thời Pháp thuộc, là một công cuộc tự nó phát sinh như cỏ dại, đụng đâu mọc đấy, không ai chăm
nom và cũng không ai thiết đến.
Công cuộc Tây phương
hóa chúng ta chủ trương là
một công cuộc do chúng ta tạo ra như
trồng một cây quí, lúc nào cũng phải săn sóc, vun phân, tưới nƣớc. Vì các lý do trên, cho nên các nỗ
lực Tây phương hóa của chúng
ta phải đặt trọng tâm vào đại chúng. Mà ở xứ ta đa số quần chúng là ở nông
thôn. Và lý luận đã dần dần dẫn dắt chúng ta đến một kết luận tối quan trọng cho
hành động của chúng ta sau này: Công tác Tây phương hóa của chúng ta phải dồn nỗ lực về nông thôn, nơi tập trung đa
số nhân lực và tài sản của quốc gia. Nếu chúng ta không làm như vậy thì chúng ta sẽ rơi vào cái sai lầm
của các nhà lãnh đạo các quốc gia ở Cận Đông mà chúng ta đã thấy trên kia: đương nhiên công cuộc Tây phương hóa của chúng ta sẽ giới hạn
trong một nhóm nhỏ. Công cuộc Tây phương hóa, sẽ thất bại và lần lần đại chúng sẽ tách rời với nhóm lãnh
đạo, và tình trạng đó sẽ tạo hoàn cảnh thuận tiện cho một cuộc cách mạng tiêu
diệt nhóm người Tây phương hóa một cách riêng biệt.
Sở dĩ chúng ta chủ trương một công cuộc Tây phương hóa đến mức độ đủ cao, mục đích là để chế ngự được khả năng sáng tạo khoa học và kỹ thuật.
Khoa học và kỹ thuật của Tây phương
mà chúng ta đã hấp thụ là những phương
tiện. Những đức tính ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức, chính xác về lý trí,
sẽ cho chúng ta khả năng chẳng những để sử dụng, mà còn cải tạo những phương tiện trên.
Như vậy
khi nào chúng ta đạt đến mức độ đủ cao trong công cuộc Tây phương hóa, là chúng ta đã đạt lên đến lĩnh
vực sáng tạo, và chúng ta đã thấy rằng đến mức đó, thì công cuộc Tây phương hóa không làm cho mất bản chất
dân tộc. Vả lại, ví dụ mà bản chất dân tộc có phải mất vì lẽ chúng ta tự tạo
cho chúng la được những đức tính
ngăn nắp, minh bạch trong tổ chức, và chính xác về lý trí, thì có lẽ bản chất
dân tộc gồm những đặc tính ngược
lại với những đức tính trên.
Nếu như thế thì, dù có phải mất bản chất dân tộc,
để mà thâu phục được những
đức tính trên, thì cũng đáng mất. Trong khi tìm những lý lẽ để trả lời câu hỏi
nêu lên ở đầu chương này chúng
ta đã đương nhiên đề cập đến
và giải thích như thế nào là
một công cuộc Tây phương hóa
toàn diện và đến mức độ đủ cao.
Tôn giáo và công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây
phương hóa.
Mục đích của công cuộc Tây phương hóa là để phát triển dân tộc, và chúng ta cũng thấy rằng, nếu
tôn giáo không quan trọng đối với công cuộc Tây phương hóa, thì trái lại tôn giáo lại là một
yếu tố vô cùng quan trọng đối với công cuộc phát triển dân tộc.
Tính cách thiết yếu của công cuộc phát triển dân tộc bằng
cách Tây phương hóa không cần
phải chứng minh nữa. Trên căn bản đó, dưới đây chúng ta trở lại ảnh hƣởng của tôn giáo đối với công cuộc
phát triển dân tộc.
Tất cả các giáo lý đều xây dựng trên một toàn bộ khái niệm
về vũ trụ, trong đó đời sống của nhân loại ở thế gian này và ở thế giới bên kia
là phần quan trọng nhất. Đi vào chi tiết hơn, các khái niệm sẽ liên quan đến
các dây liên hệ giữa người và
vũ trụ, và đến tính cách huyền bí của sự con người xuất ra từ vũ trụ.
Hồi giáo và Gia Tô giáo, chú trọng về phần sau của mệnh đề
trên đây, nên cả hai giải thích về số mệnh của con người sau khi rời cõi trần. Phật giáo, Lão
giáo lại chú trọng về phần trước
của mệnh đề, dẫn dạy rất nhiều về tiền kiếp. Ấn Độ giáo chú trọng về cả hai
phần của mệnh đề, và xây dựng thuyết linh hồn vũ trụ. Khổng giáo không phải là
một tôn giáo.
Chúng ta lại có thể chia các giáo lý ra làm hai loại theo
tiêu chuẩn dưới đây:
- Loại thứ nhất là các giáo lý công nhận đời sống ở thế gian
này là sự thật và tìm cách giải quyết các vấn đề của nhân loại ngay trong cõi
đời này.
- Loại thứ hai là các giáo lý phủ nhận đời sống ở thế gian
này, không tìm cách giải quyết các vấn đề của nhận loại trong đời sống ở thế
gian này và chỉ chú trọng đến đời sống ở thế giới bên kia.
Gia Tô giáo và Hồi giáo thuộc loại thứ nhất. Phật giáo, Lão
giáo và Ấn Độ giáo thuộc loại thứ hai. Ở đây không phải chỗ đê luận về tôn giáo
nhưng để tìm hiểu ảnh hưởng tôn giáo đến công cuộc phát
triển dân tộc bằng cách Tây phương
hóa.
Công nhận đời sống và phủ nhận đời sống.
Đời sống trên thể gian này, dù chúng ta có công nhận hay phủ
nhận, thì tự nó đã có. Đó là sự hiển nhiên. Và đối với chủ trương phủ nhận đời sống, thì chính là vì có
đời sống, nên mới có người
trụ vào đó mà phủ nhận đời sống. Như
vậy thì, các giáo lý phủ nhận đời sống, đương nhiên đã ôm trong lòng, ngay từ lúc đầu, một mâu thuẫn không
bao giờ gỡ được.
Các giáo lý công nhận đời sống, không có cái mâu thuẫn đó.
Mâu thuẫn đó ảnh hưởng thực
tế như thế nào? Các giáo lý
phủ nhận đời sống, đương
nhiên, giảng dạy các tín đồ không chú trọng về đời sống hiện tại, và chỉ tìm
cách giải quyết các vấn đề vật chất trong thế gian này, vừa đủ để nuôi sống,
chờ đợi ngày sang thế giới bên kia. Nhưng, mâu thuẫn nội bộ đã bộc lộ ra trong các giáo điều ấy, vì như thế, thì các tín đồ sẽ sống mà
không sống, hay sẽ không sống mà sống.
Các giáo lý công nhận đời sống, mặc dù không phủ nhận đời
sống bên kia thế giới, vẫn giảng dạy các tín đồ tìm cách giải quyết ngay các
vấn đề vật chất ở thế gian này, và, sống cho đúng mức và sống cho đáng sống. Do
đó, các tín đồ của các giáo lý phủ nhận đời sống, sẽ có xu hướng trốn tránh cuộc đời, từ chối cuộc
chiến đấu để sống, và không sẵn sàng đương đầu với các khó khăn khổ não của cuộc đời. Nghĩa là sẽ không
muốn và cũng không dám sống mạnh.
Ngược lại,
các tín đồ của các giáo lý công nhận đời sống sẽ có xu hướng tìm sống, công nhận cuộc chiến đấu để
sống, và sẵn sàng đương đầu
với các sự khó khăn và khổ não của cuộc đời. Nghĩa là sẽ muốn sống mạnh và dám
sống mạnh.
Tôn giáo và phát triển dân tộc.
Và tôn giáo sẽ ảnh hưởng quan trọng đến công cuộc phát triển dân tộc ở chỗ này. Một công
cuộc phát triển dân tộc bằng cách lấy Tây phương hóa là một công trình vĩ đại, và, như chúng ta sẽ thấy, sẽ đòi hỏi ở toàn dân
nhiều nỗ lực phi thường,
nhiều hy sinh lớn lao, và như
vậy một cách liên tục và trường
kỳ. Như vậy, mặc dầu một công
cuộc phát triển vĩ đại sẽ hấp dẫn đến tột độ, đời sống đã là một cuộc chiến đấu
tự nó đã gian lao, đặt vào khuôn khổ một công cuộc phát triển dân tộc, đời sống
sẽ gian lao hơn bội phần. Trừ một vài hoàn cảnh rất đỗi thuận lợi và hiếm có,
mà chúng ta sẽ xét ở một đoạn
sau, chúng ta có thể quả quyết rằng ít hay nhiều, công cuộc phát triển của dân
tộc sẽ diễn ra trong không khí khổ hạnh cho mọi người.
Các trường
hợp của Nga Sô và của Nhật là những ví dụ rất hùng biện. Nếu may ra, hoàn cảnh
của chúng ta tương tự như hoàn cảnh của Nhật, thì không khí
khắc khổ sẽ giảm đi, nhưng
dầu thế nào, vẫn có. Trong những điều kiện như vậy, cố nhiên là tín đồ của các giáo lý, thuộc loại thứ nhất, sẵn
sàng tham gia một công cuộc phát triển dân tộc, như chúng ta đã tả trên đây, hơn là tín đồ
của các giáo lý thuộc loại thứ hai. Bởi vì những ngƣời trước để tâm đến đời sống hiện tại hơn, trong
khi những người sau này, dù
không phải nhận được đời sống
hiện tại, vẫn không tích cực tìm cách giải quyết các vấn đề, liên quan đến đời
sống ở thế gian này. Lúc gặp gian khổ, xu hướng tự nhiên của những người này là tránh phấn đấu, tìm cách yên phận cho qua cuộc đời tạm bợ.
Trái lại, trong hoàn cảnh đó, xu hướng
tự nhiên của những người trước là cố sức phấn đấu để tìm cách
giải quyết các vấn đề ngay trong đời sống hiện tại.
Những công cuộc phát triển dân tộc đã thành công có chứng minh
lý luận trên đây không? Nhật Bản đã thành công trong công việc phát triển dân
tộc, trong khi đó tôn giáo, của đa số quần chúng ở Nhật, là một môn phái của
đạo Phật gọi là đạo Thiền. Như
vậy trường hợp của nước Nhật mới xem qua, không xác
nhận lý luận trên. Thật ra thì, mặc dù đạo Thiền là một môn phái của đạo Phật,
nhưng sau khi sang đất Nhật
rồi, đụng với dân tộc tính của Nhật, giáo lý nhà Phật đã thay đổi một cách sâu xa
đến nỗi, thuyết bất bạo động của Phật đã biến thành tín ngƣỡng của những nhà
quí phái say máu của Nhật gọi là Samourai.
Và giáo lý phủ nhận đời sống của Phật đã biến thành giáo lý
công nhận đời sống của đạo Thiền. Hơn nữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản thời Minh
Trị, chủ trương và hướng dẫn công cuộc Tây phương hóa nước Nhật đã đưa Thần đạo là lên hàng Quốc đạo. Căn bản
của giáo lý Thần đạo là tôn sùng tạo hóa dưới tất cả hình thức nghĩa là công nhận đời sống hiện tại, một cách
hùng biện.
Trường hợp
thứ nhì của một công cuộc Tây phương
hóa thành công là Nga Sô. Như
chúng ta đã biết nước Nga theo Gia Tô giáo Đông phái. Gia Tô Đông phái ở Hy Lạp
và Tây phái ở La Mã, đã phân ly với nhau, không phải vì những nguyên nhân về
giáo lý mà vì những điều thuộc về nghi lễ và sử dụng tượng Thánh. Nghĩa là dân chúng Nga vẫn có
tâm lý của những người tín đồ
của một tôn giáo công nhận đời sống hiện tại.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Nga, yếu tố tôn giáo lại có một ảnh hưởng, không phải tích cực mà lại tiêu cực
bởi vì phương pháp áp dụng
bởi các nhà lãnh đạo Cộng Sản là một phương pháp cưỡng
bách đến tột độ. Do đó mức độ tham gia, đòi hỏi ở dân chúng vượt xa khỏi mức độ sẵn sàng tham gia của
tín đồ một tôn giáo công nhận đời sống.
Trường hợp
thứ ba là công cuộc Tây phương hóa có kết quả nửa chừng của
Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên do của sự kết quả nửa chừng này ở chỗ các nhà lãnh đạo Thổ
Nhĩ Kỳ không quan niệm đúng mức sự cần thiết phải làm cho công cuộc Tây phương hóa ăn sâu và lan rộng vào
quần chúng, hơn là ở chỗ tham gia thiếu hăng hái của quần chúng, vì một lý do
tôn giáo. Đáng lý ra, các tín đồ Hồi Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo đúng nhận xét trên
đây, có thể đóng góp một sự tham gia tích cực vào công cuộc phát triển dân tộc
Thổ, nhưng cơ hội không đến
với họ chỉ vì các nhà lãnh đạo không nghĩ rằng sự tham gia của họ là thiết yếu.
Ngay đối với các dân tộc đang nỗ lực tìm phát triển, ảnh hưởng tôn giáo đến công cuộc phát
triển cũng có thể nhận thức
đƣợc. Công cuộc phát triển của dân tộc Ấn Độ chậm hơn công cuộc phát triển của
dân tộc Trung Hoa không phải chỉ vì Trung Hoa áp dụng biện pháp cưỡng bách của khối Cộng Sản, trong khi Ấn Độ
áp dụng biện pháp thuyết phục của khối Tự Do. Cho đến ngày Cộng Sản lên cầm
quyền ở Trung Hoa, phản ứng tự nhiên của mỗi người Tàu, trước mọi
vấn đề liên quan với đời sống, đều ăn khớp với luân lý Khổng Mạnh. Và đã là
luân lý thì đương nhiên công
nhận đời sống hiện tại và lý do sinh tồn của luân lý chính là để giải quyết các
vấn đề của đời sống ngay trong cõi thế gian này.
Đa số dân chúng Ấn Độ theo Ấn Độ giáo mà bản chất là phủ
nhận đời sống hiện tại. Vì thế cho nên chúng ta không nên lấy làm lạ mà nhận
xét ở dân chúng Ấn Độ một sự tham gia kém hăng hái vào công cuộc phát triển của
dân tộc hơn là dân chúng ở Trung Hoa. Giả sử mà hai khối dân chúng Ấn Độ và
Trung Hoa có ở vào ngoại cảnh chính trị giống nhau đi nữa, thì chắc chắn là vẫn
sẽ có sự khác nhau về thái độ nói trên trước công cuộc phát triển. Nói rộng ra hơn nữa, chúng ta có thể nhìn
vào bản đồ các tôn giáo trên thế giới đính kèm theo quyển sách này mà tiên đoán
dân tộc nào sẽ góp một phần tích cực vào công cuộc phát triển và dân tộc nào sẽ
tham gia một cách khó khăn hơn khi, vì lẽ sống còn, các nhà lãnh đạo bắt buộc
thực hiện công cuộc phát triển dân tộc.
Trên đây, chúng ta đề cập đến ảnh hưởng của tôn giáo đến công cuộc phát triển
dân tộc, chỉ vì mỗi tôn giáo, đương
nhiên, rèn đúc cho tín đồ một tâm lý xã hội ăn nhịp với các khái niệm về vũ trụ
và về đời sống của tôn giáo đó. Các khái niệm về đời sống đó đã ăn sâu vào tiềm
thức của mỗi ngƣời trước
những sự kiện của đời sống, đều thích hợp với các khái niệm trừu tượng ấy. Ảnh hưởng mà chúng ta muốn nói trên kia đối với
công cuộc phát triển dân tộc chính là ảnh hưởng vô hình đó.
Và chúng ta đã cố ý để ra ngoài và không đề cập đến một thứ
ảnh hưởng chính trị thiết thực
của tôn giáo, khi một giáo phái nào tự xem mình là một lực lượng quần chúng có thể dùng làm một hậu
thuẫn chính trị. Hay là khi một giáo phái nào, đã bị nhà đương quyền của một quốc gia liệt vào hàng
một nơi ẩn trú của những người
chống đối lại với chủ trương
chính trị của họ. Trường hợp
sau này là trường hợp của các
quốc gia có một chính thể độc tài nhƣ ưhính thể Cộng Sản. Hai trường hợp trên đều là hai trường hợp bất thường
của một giáo phái đã tự ý hay bắt buộc đưa mình xuống một hình thức thấp hơn hình thức tôn giáo một bậc. Và
như thế sớm hay muộn tôn giáo
sẽ trải qua một cơn khủng hoảng vô cùng mãnh liệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét