Vào ngày này năm 1941, lãnh sự Nhật Bản ở Hawaii đã được chỉ thị chia Trân Châu Cảng thành năm khu vực, tính toán số lượng tàu chiến trong mỗi khu và báo về đế quốc. Quan hệ Mỹ – Nhật đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Nhật chiếm đóng Đông Dương và tạo nên mối đe dọa ngầm đối với Philippines, một nước dưới quyền bảo hộ của Mỹ.
Sự trả đũa của Mỹ bao gồm việc tịch thu toàn bộ tài sản của Nhật tại Mỹ và cấm tàu Nhật đi qua Kênh đào Panama. Tháng 09/1941, Tổng thống Roosevelt đã đưa ra tuyên bố, do Thủ tướng Anh Winston Churchill soạn thảo, đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh Mỹ – Nhật nếu người Nhật dám xâm chiếm bất kỳ vùng lãnh thổ nào ở Đông Nam Á hoặc Nam Thái Bình Dương.
Quân đội Nhật Bản từ lâu đã nắm quyền quyết định các vấn đề đối ngoại của nước này. Vì vậy dù đàm phán chính thức nhằm giảm căng thẳng đã diễn ra giữa ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Chiến tranh Nhật Bản Hideki Tojo, người sẽ sớm trở thành Thủ tướng, vẫn không hề có ý định rút khỏi các lãnh thổ đang chiếm đóng. Ông cũng tự cho “lời đe dọa” chiến tranh của người Mỹ chính là một tối hậu thư và nhanh chóng chuẩn bị đi nước cờ đầu tiên trong cuộc đối đầu Mỹ – Nhật: không kích Trân Châu Cảng.
Tháng 09/1941, Nagai Kita, Tổng Lãnh sự Nhật ở Hawaii, được yêu cầu bắt đầu chia Trân Châu Cảng thành năm khu vực riêng biệt nhằm xác định số lượng tàu chiến [Mỹ] đang neo đậu ở mỗi khu vực. Nhưng người Nhật đã không biết rằng người Mỹ đã chặn được tin tình báo này. Thật không may, nó phải được gửi về Washington để giải mã. Các chuyến bay từ phía đông lại không diễn ra thường xuyên, vậy nên tin tức được chuyển đi bằng đường biển, một quá trình tốn nhiều thời gian hơn. Nhưng dù có đến được thủ đô, tình trạng thiếu nhân lực cũng như các ưu tiên khác đã tiếp tục trì hoãn việc giải mã. Khi tin nhắn cuối cùng được giải mã vào giữa tháng 10, nó đã bị loại bỏ vì được cho là sẽ không gây nên hậu quả lớn.
Người ta sẽ chỉ nhận ra hậu quả thực sự của bức điện đó vào ngày 07/12.
Nguồn: Japanese gather preliminary data on Pearl Harbor, History.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét