Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

16339 - Tuần hành vì môi trường ở Việt Nam có thể bị xem là chống đối?


Kết quả hình ảnh cho Cuộc tập hợp chống biến đổi khí hậu ở Paris hôm 21/9
Cuộc tập hợp chống biến đổi khí hậu ở Paris hôm 21/9


Nhiều người trẻ Việt Nam tỏ thái độ dè dặt, không dám hưởng ứng phong trào xuống đường của giới trẻ toàn thế giới về môi trường do họ ‘sợ bị gán ghép những tội danh về chính trị và bị bắt bớ’, một nhà hoạt động môi trường ở Hà Nội nói với VOA.

Kể từ ngày 20/9, nhân dịp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có kỳ họp tập trung vào chủ đề môi trường, dưới ngọn cờ đầu là nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, giới trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên, đã đồng loạt bãi khóa, tuần hành trên khắp thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa để đẩy lùi tình trạng biến đổi hậu.

Thế nhưng, giới trẻ tại Việt Nam không thể hòa cùng phong trào xuống đường của các thanh thiếu niên toàn cầu dù Việt Nam là một trong những quốc gia được xem là bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trao đổi với VOA, bà Cao Vĩnh Thịnh, một nhà hoạt động môi trường từ Hà Nội vốn là thành viên của nhóm vận động bảo vệ môi trường Green Trees, nói rằng nhiều sinh viên mà bà quen biết hoặc làm việc cùng ‘đều quan tâm đến vấn đề môi trường’ và ‘đều biết đến Greta Thunberg’.

Tuy nhiên, bà nói rằng ‘những tiếng nói phản đối về môi trường bị hạn chế vì chính trị hiện tại’.

“Thế hệ trẻ có hiểu biết và quyết tâm phanh phui những sai trái của các tập đoàn thì bị các kênh truyền thông của nhà nước bôi nhọ danh dự và bị đánh đập, bị bắt bớ trên đường phố,” bà Thịnh nói và cho biết riêng tổ chức Green Trees của bà trong năm 2019 ‘đã bị tấn công liên tục’.

“Bản thân tôi là nhà hoạt động môi trường chỉ quan tâm đến cây xanh, Formosa xả thải và những cánh rừng bị những nhóm lợi ích tàn phá nhưng lại bị lên án rất gay gắt là ‘nhận tiền của nước ngoài’ và ‘có âm mưu lật đổ chính quyền’ và trước nhà tôi có người canh giữ,” bà nói thêm.

“Vô hình chung các bạn sinh viên và những nhà hoạt động môi trường khác cũng dè dặt hơn.”

Bà cho biết để hưởng ứng phong trào của giới trẻ thế giới, những nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam đã chia thành nhiều nhóm nhỏ. Có nhóm xuống đường vào ngày 22/9 ở khu vực Dinh Thống Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Còn tại Hà Nội, một số bạn đi thu gom rác.

“Tuy nhiên, chúng tôi chưa tạo thành kết nối lớn hơn để cùng nhau xuống đường trong một ngày và thể hiện mong muốn đối với chính phủ Việt Nam.”

“Riêng đối với Green Trees, trong bối cảnh các thành viên chúng tôi bị bắt bớ liên tục, việc tổ chức kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường là rất rủi ro. Đó có thể là cái cớ để họ gán cho chúng tôi những tội danh như xúi giục, gây rối trật tự an ninh quốc gia,” bà Thịnh trăn trở.

Do đó, bà cho biết tổ chức của bà quyết định tổ chức một chương trình ca nhạc vào tháng 11 ở Hà Nội về chủ đề biến đổi khí hậu để ‘thông qua con đường âm nhạc nhằm chuyển tải thông điệp về môi trường đến tất cả các giới ở thủ đô.’

Khi được hỏi tại sao đi đấu tranh môi trường mà lo ngại bị quy là hoạt động chính trị, bà Thịnh nói: “Tôi hiểu rõ đứng đằng sau những tập đoàn như Sun Group và Formosa luôn có sự móc ngoặc, đi đêm với nhau. Các doanh nghiệp chi rất nhiều tiền cho hệ thống hiện tại đang vận hành nên họ xem những người bảo vệ môi trường (vốn chống đối lợi ích của các doanh nghiệp) là phản động.”

Bà Thịnh đưa ra dẫn chứng là dự án khu nghỉ dưỡng Tam Đảo của Tập đoàn Sun Group. “Chỉ trong hai ngày họ đã duyệt xong báo cáo tác động môi trường của dự án đối với khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại ở miền Bắc và họ thi công rất nhanh.”

“Nếu không có tiền thì không thể nào hoàn thiện dự án lớn như thế một cách suôn sẻ và nhanh như thế,” nhà hoạt động này bày tỏ nghi ngờ.

Về mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân và việc chấp nhận đánh đổi môi trường, bà Thịnh đưa ra dẫn chứng về trường hợp Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp, tức Formosa, vốn gây ra thảm họa môi trường cho bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016.

“Khi trình bày dự án, ông Võ Kim Cự (bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc đó) có nói về viễn cảnh đem lại lợi ích kinh tế, giúp đỡ người dân phát triển, giúp miền Trung mạnh mẽ và hùng cường, nhưng hậu quả là môi trường bị hủy hoại, cá chết và gây thiệt hại cho xuất khẩu hải sản,” bà bức xúc.

Nhà hoạt động này tố cáo rằng những dự án du lịch của Sun Group như ở Bà Nà hay Tam Đảo ‘chỉ có lợi cho chính tập đoàn giúp họ mạnh lên’ chứ ‘không đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam’.

“Bà Nà Hill trở thành độc quyền của một tập đoàn và ai đi lên trên đấy phải bắt buộc đi theo con đường của họ. Do đó người dân bị mất nhiều hơn được, bị mất rừng, mất quyền tự do đi lại,” bà giải thích.

Về tình hình môi trường hiện nay ở thủ đô Hà Nội, bà Thịnh nhắc đến vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông mà bà gọi là ‘thảm họa’ khiến bà phải đóng cửa cửa hàng mặc dù nó nằm cách nhà máy Rạng Đông 5 km.

“Hồi năm 2016, sau sự kiện họ chặt phá 6.700 cây xanh trong năm 2015, Hà Nội đã trải qua nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ ngoài trời lên đến 50 độ C. Còn ô nhiễm không khí đã xảy ra từ năm 2018,” bà nói.

“Đô thị hóa khắp nơi. Rất nhiều nhà cao tầng, chung cư mọc lên. Đi đâu cũng thấy bê tông cốt thép khiến không khí ở Hà Nội bị ảnh hưởng bên cạch tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu,” bà mô tả về hiện trạng môi trường ở Hà Nội.

“Tôi cực kỳ lo lắng cho tương lai con cái tôi,” bà nói thêm và cho biết bà dấn thân bảo vệ môi trường vì ‘coi đây là trách nhiệm của tôi đối với tương lai của con tôi’.

Để góp phần chống lại biến đổi khí hậu, bà Thịnh cho biết các cửa hàng tạp hóa của bà ở Hà Nội kinh doanh theo mô hình ‘không rác thải’.

“Khách hàng không sử dụng túi nylon, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tái sử dụng những sản phẩm nhựa trong gia đình như chai gội đầu, sữa tắm, hạn chế di chuyển bằng phương tiện cá nhân và chuyển sang đi bằng xe máy điện, xe buýt hay đi bộ,” bà nói.

Thành viên chủ chốt của nhóm xã hội dân sự Green Trees kêu gọi chính phủ Việt Nam ‘phát triển theo hướng bền vững, sửa đổi luật về môi trường và ủng hộ và bảo vệ tiếng nói của những người dân bảo vệ môi trường’ và bày tỏ tiếc nuối khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống tác động của biến đổi khí hậu.

“Rất nhiều người có trí thức ở Mỹ và mong đợi nước Mỹ đi trên con đường phát triển bền vững có tâm trạng rất buồn,” bà nói.

“Mỹ là một trong những nước có lượng khí thải lớn nhất toàn cầu trong khi biến đổi khí hậu đã khiến cho bang California hạn hán liên tiếp, cháy rừng khắp nơi. Biến đổi khí hậu không phải là câu chuyện viễn vông (Tổng thống Trump xem biến đổi khí hậu là ‘trò lường gạt’) mà là do chính sách phát triển công nghiệp tối đa,” bà nói thêm.

Bà bày tỏ mong muốn lãnh đạo các nước Mỹ và Trung Quốc ‘nghĩ đến tương lai của hành tinh’.

“Biến đổi khí hậu xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ hay Trung Quốc mà là tất cả các quốc gia tồn tại trên hành tinh này,” bà Thịnh nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét