Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

15912 - Jimmy Lai: Tỉ phú Hồng Kông duy nhất dám đối đầu Bắc Kinh


Biên tập Lê Hồng Hiệp


Jimmy Lai (Lê Trí Anh) đã trở thành tâm điểm của công luận trong nhiều thập niên qua. Mọi sự bắt đầu khi ông trùm kinh doanh Hồng Kông – một người tị nạn từ Trung Quốc – tự thay đổi mình từ giữa những năm 1990 thành nhà sáng lập của tờ báo khiêu khích, chống Bắc Kinh, có tên gọi Apple Daily (Bình quả Nhật báo, hay Nhật báo Trái táo).
Một trong những quảng cáo giới thiệu tờ báo với thế giới miêu tả quan điểm của Lai theo cách thẳng thừng nhất: Bằng hình ảnh ông Lai ngồi trong nhà kho tối với một trái táo đỏ trên đầu, bị một người đàn ông trong bóng tối bắn tên loạn xạ vào người.
Kể từ đó, vai trò của ông Lai như một người kích động quần chúng ở Hồng Kông đã đe dọa đến sản nghiệp của ông, mang tới cho ông những mối nguy đến tính mạng và biến ông thành biểu tượng của căng thẳng giữa thành phố này và đại lục
Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, thành phố này được bảo đảm một hệ thống luật pháp riêng và các quyền tự do dân chủ nhất định cho đến năm 2047, khi mà thành phố sẽ hoàn toàn được trao cho Trung Quốc. Trong vòng 3 tháng qua, hàng triệu người đã tràn ngập các đường cao tốc của Hồng Kông trong các cuộc biểu tình chống lại sự xâm phạm của Bắc Kinh đối với những quyền tự do đáng quý ấy.
Apple Daily trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý từ phong trào này. Tờ báo của những người biểu tình. Trang nhất của báo kêu gọi người dân xuống đường, báo cũng in các poster mà những người biểu tình cầm khi tuần hành, và thường xuyên châm biếm các sai lầm của chính phủ.
Trong một thành phố của các nhà tài phiệt, ông Lai là tỉ phú duy nhất chấp nhận mạo hiểm số tài sản của mình vì tự do của Hồng Kông. Người đàn ông 70 tuổi này thường xuyên được nhìn thấy ở các cuộc xuống đường, bất kể mưa nặng hạt hay trời hè đỏ nắng.
Đối với những người ủng hộ ông, ông Lai là một nhà đấu tranh cho dân chủ dũng cảm. Còn những người chỉ trích ông thì gọi ông và tờ báo giật gân của ông là tay sai của Mỹ và là nguồn cơn gây hỗn loạn. Trong những năm gần đây, biệt thự của ông đã bị đặt bom, một bản cáo phó nói ông đã chết vì bệnh AIDS được đăng trên một tờ báo đối thủ, trong khi các khoản tài trợ chính trị của ông đã khiến ông trở thành đối tượng của một cuộc điều tra chống tham nhũng. Ông Lai bác bỏ các cáo buộc, và cuộc điều tra này cuối cùng bị chấm dứt.


Việc ông Lai có quan hệ với Hoa Kỳ là không thể chối cãi. Tháng trước, ông bay đến Washington để thảo luận với Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton về tầm quan trọng của nền tự do Hong Kong trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.
“Cuộc Chiến tranh Lạnh (mới) thật ra là cuộc cạnh tranh về các giá trị đối nghịch” ông Lai nói, miêu tả cuộc thương chiến Mỹ – Trung hiện tại là cuộc đấu tranh giữa nền dân chủ và chủ nghĩa chuyên chế. “Chúng tôi ở Hồng Kông đang đấu tranh chống lại Trung Quốc vì những giá trị cùng được chia sẻ bởi nước Mỹ. Chúng tôi đang chiến đấu cuộc chiến của họ ngay trong lòng kẻ thù.”
Đó là cuộc chiến mà vì nó ông nói ông sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình.
Một người tị nạn Trung Quốc
Ông Lai đã trải qua một cuộc đời vô cùng đặc biệt tại thời điểm ông thành lập Next Digital, tập đoàn sở hữu Apple Daily, vào những năm 1980.
Khi nạn đói tấn công đại lục vào năm 1960, ông Lai trốn khỏi tỉnh Quảng Đông và đến Hồng Kông dưới đáy khoang một tàu cá. Ông đến thành phố này lúc 12 tuổi và nghèo kiết xác.
Lai nói ông làm chân chạy việc ở một nhà máy dệt may, kiếm 60 HKD (7 USD) một tháng và sống trong một căn nhà cùng 10 người khác tại khu ổ chuột Sham Shui Po – đến nay vẫn là một trong những quận nghèo nhất Hồng Kông.


Khi được hỏi về ngày đầu tiên của mình, ông hồi tưởng cách mà các đồng nghiệp đưa ông đi ăn sáng. Được giải thoát khỏi “nỗi lo chết đói” thật đáng nhớ, ông Lai nói “Sự tự do ấy là cảm nhận đầu tiên của tôi về Hồng Kông và nó chưa từng làm tôi thất vọng.” Ông tiếp lời, “Chưa từng, đến tận bây giờ!”
Sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, dân số Hồng Kông đã tăng thêm 1.000 người mỗi ngày trong những năm 1950 khi những người di cư Trung Quốc tràn qua biên giới. Hầu hết là những người sống sót “táo bạo và có óc kinh doanh” cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro, ông Lai nhớ lại. Chị gái sinh đôi của ông là một trong những người được gọi là “kình ngư tự do”, theo nghĩa đen, bởi bà đã bơi từ Trung Quốc đến thành phố này. Bà tiếp tục trở thành một nhà phát triển bất động sản lớn ở Canada.
“Hồng Kông là vùng đất của các cơ hội,” ông Lai kể về thời ấy.
Trong vòng hai thập niên, ông học tiếng Anh, trải qua các công việc ở nhà máy cho đến nhân viên bán hàng và quyết định thành lập chuỗi bán lẻ của riêng mình. Trong một chuyến đi đến New York để xem thử mẫu vải, ông mua một chiếc pizza. In trên tờ khăn giấy là cái tên Giordano.
Cái tên này rồi sẽ trở thành thương hiệu của chuỗi cửa hàng thời trang nam nổi tiếng, thành công vượt bậc, đem lại gia tài đầu tiên cho ông.
“Tôi đã ngu ngốc đến nỗi cho rằng nếu tôi gọi nó là Giordano, mọi người sẽ nghĩ rằng nó là một thương hiệu Italia,” ông nói. Nhưng nó hiệu quả thật. Đến năm 1992, tập đoàn có hơn 191 cửa hàng, hằng năm sản xuất 9 triệu đơn vị hàng may mặc và có doanh thu 1,6 tỷ HKD (211 triệu USD).


“Ông ấy là một huyền thoại nếu xét những thành công kinh doanh của ông ấy,” Clement So, phó chủ nhiệm khoa báo chí tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nói. “Không chỉ vì những điều mà ông đã làm trong ngành truyền thông mà còn ở các ngành công nghiệp khác nữa.”
Việc làm ăn thời ấy đang bùng nổ, song có hai điều xảy ra vào cuối thập niên 1980 đã rẽ hướng cuộc đời ông Lai.
Điều đầu tiên là vào ngày 4/6/1989, xe tăng tràn vào Quảng trường Thiên An Môn nhằm giải tán những người biểu tình vì dân chủ, và thay đổi Trung Quốc mãi mãi. Con số thương vong được ước tính từ hàng trăm cho đến hàng ngàn người.
Jimmy Lai nói ngày ấy ông không quan tâm chính trị lắm, “nhưng tôi luôn có một lòng nhiệt thành sâu sắc với dân chủ vì những gì tôi đã trải qua ở Trung Quốc”
Hồng Kông khi ấy vẫn thuộc quyền cai trị của người Anh cho đến khi được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Khi mà cả thành phố đang dõi theo cuộc đàn áp Thiên An Môn trong khiếp sợ, thì Giordano bắt đầu sản xuất áo thun với các khẩu hiệu ủng hộ các sinh viên biểu tình.
Cũng khoảng thời gian này, người vợ đầu li dị ông. “Tôi cứ tưởng mình là một quý ông đầy đủ tư cách lắm,” ông nói. “Thành thử việc ấy đã làm tôi sốc.”
Chỉ một thời gian ngắn sau, ông được phỏng vấn bởi phóng viên địa phương Theresa Lai. Cặp đôi yêu nhau rồi cưới nhau. Tiếp theo, ông trở thành một ông trùm truyền thông.
Mỗi ngày một Trái táo
Ngày nay ông Lai sống trong một căn biệt thự trắng có hàng rào bao quanh ở một góc Cửu Long. Các nhân viên an ninh gác bên ngoài khu đất. Paparazzi từ các tờ báo đối thủ chụp hình tất cả những người ra vào khu nhà, gây áp lực lên đời sống cá nhân của ông Lai và tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy ông gặp gỡ các nhân vật thân Mỹ.
Ở bên trong ngôi biệt thự, các chú chim họa mi hót du dương bên trong những lồng sắt trắng cao, các bức họa ấn tượng treo trên tường, những quả dứa trắng lớn và các giỏ lan làm rạng rỡ mọi góc tường. “Tôi yêu hoa,” ông Lai nói, với chất giọng thượng lưu Anh, trong khi đang nhâm nhi bữa sáng với dâu tây và sandwich trứng được bày trên các đĩa sứ.
Phong cách mà ông thể hiện ở nhà, nơi ông thường xuyên tiếp đón các chính trị gia, nhà báo và các nhân vật nhiều ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận về tương lai nền dân chủ – hoặc phi dân chủ – của Hồng Kông trái ngược hoàn toàn với danh tiếng của ông như một kẻ hỗn hào, hành động theo bản năng, một nhà quản lý đi lên từ nhà máy, người chỉ học hết bậc tiểu học.
Hình ảnh trước công chúng này của ông khởi nguồn từ năm 1994, khi ông đăng một bài bình luận gây tranh cãi trên một tờ tạp chí sở hữu bởi Next Digital, trong đó miêu tả Thủ tướng Trung Quốc khi ấy, Lý Bằng, người thường được gọi là “gã đồ tể Bắc Kinh” do vai trò của ông trong vụ đàn áp Thiên An Môn, là “đứa con của một quả trứng rùa với IQ bằng 0” – một cách sỉ nhục nặng lời trong tiếng Trung.


Bắc Kinh đáp trả theo cách mà họ vẫn làm ngày nay. Họ trừng phạt hãng thời trang của ông.
Lai nói giấy phép hoạt động của Giordano bị chấm dứt trên phần lớn đại lục. Năm 1994, ông bán phần sở hữu của ông trong công ty này, và năm tiếp theo thành lập Apple Daily, cùng với một chiến dịch quảng bá trị giá 100 triệu HKD, 2 năm trước khi người Anh trao Hồng Kông lại cho đại lục.
“Bản chất của tôi là nổi loạn – là một người cách mạng,” ông nói. “Tôi thể hiện tính cách này trong công việc làm ăn. Bất cứ khi nào tôi kinh doanh, tôi sẽ tạo ra điều gì đó khác biệt. Đó là lý do tại sao tôi lại thành công hơn người khác. Tôi không tin vào việc cải thiện từ từ.”
Ông áp dụng triết lý bán hàng số lượng lớn của Giordano vào tờ báo mới của mình: Nó vừa túi tiền, phổ thông và gây náo động. Bề ngoài được thiết kế dựa trên tờ USA Daily, tờ báo đã “gây sốc cho truyền thông Hồng Kông theo một cách đầy tính cách mạng,” Clement So, phó chủ nhiệm khoa ở trường Đại học Trung văn Hồng Kông, nói. Tờ báo chẳng thèm quan tâm đến cân bằng tin tức: Nó chính xác là một tờ báo thiên kiến, với một “khẩu vị” mặn dành cho các tin đồn về người nổi tiếng.
Trên các sạp báo, Jimmy Lai thổi bùng cuộc chiến giá báo trên toàn thành phố, gần như “cho không” tờ báo giật gân của mình với giá 2 HKD (25 xu Mỹ), mức giá ở các sạp báo bán lẻ. “Các tờ báo khác nhanh chóng bắt chước theo song không thành công mấy,” So nói. “Phong cách viết, dùng những tấm hình lớn. Lối đánh số trang. Mọi thứ. Thậm chí còn có một cụm từ gọi là “Apple hóa.”
Apple Daily trở thành tờ báo được nhắc đến nhiều nhất ở thành phố này – một danh tiếng mà họ đạt được thông qua nền tảng tiên phong Apple Extra, nơi mà họ hoạt họa các tin nóng hổi từ giết người cho đến biểu tình. Tờ báo còn thu được thành công lớn ở Đài Loan, một nền dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. “Apple Daily thu được lợi nhuận rất lớn trong những ngày đầu của họ,” Willy Lam, một giáo sư lịch sử tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nói.
Vào năm 2008, tài sản của ông Lai trị giá 1,2 tỷ USD, theo Forbes.
Với việc các ông lớn truyền thông khác không sẵn sàng mạo hiểm lợi nhuận của mình bằng việc đối đầu với Bắc Kinh giai đoạn hậu 1997, Apple Daily trở thành tờ báo duy nhất chỉ trích Bắc Kinh thường xuyên của thành phố. “Họ quá sợ Cộng sản, họ để lại gần như cho mình tôi cả một thị trường truyền thông độc lập,” ông Lai nói.
Giọng điệu không thỏa hiệp của tờ báo, điều mà những người chỉ trích cho rằng có thể dẫn đến mất cân bằng trong biên tập do loại bỏ các quan điểm đối lập, lại vô tình trùng hợp với việc phần lớn các tờ báo Hồng Kông dần trở nên thân Bắc Kinh.
“Về căn bản, ngày nay người ta chọn đọc tờ báo nào đều dựa trên quan điểm chính trị của chính mình,” Michael Tien, một nhà làm luật thân Bắc Kinh và tài phiệt dệt may sở hữu chuỗi G2000 với hơn 700 cửa hàng trên toàn cầu, nói. Lối nghĩ cố chấp ấy làm cho Hồng Kông phân cực hơn bao giờ hết, kể cả giữa “vợ và chồng, cha mẹ và con cái, giữa bạn bè với nhau,” theo ông Tien.
“Không ai tin vào truyền thông. Không ai tin cảnh sát. Họ cũng không tin chính phủ,” ông Tien nói.
Sự phân mảnh xã hội đã trở thành bối cảnh cho những bất ổn xã hội hiện nay, khi mà người biểu tình và cảnh sát đối chọi với nhau trong một chuỗi những cuộc đụng độ bạo lực vốn được truyền thông miêu tả dưới những góc nhìn trái ngược nhau hoàn toàn.
Một số người Hồng Kông ủng hộ Bắc Kinh. Nhiều người ủng hộ dân chủ. Số khác nhận mình thuộc nhóm “ruy-băng xanh,” tức những người ủng hộ cảnh sát. Trong khi những người ủng hộ phong trào biểu tình và những người tự do hơn nhận định mình là nhóm “ruy-băng vàng.”
Nhiều người xác định mình là người Hồng Kông hơn là người Trung Quốc, nhằm phân biệt bản thân họ với những người sống ngay bên kia biên giới – vùng đất quê hương của phần đông cha mẹ và ông bà của họ.
Đối với ông Lai, người Hồng Kông là người đến từ một hòn đảo người Hoa nhỏ bé có cùng các giá trị với phương Tây. “Bản sắc của người Hồng Kông ngày nay…đã gần như ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi,” ông nói, “Chúng tôi coi mình là người Hồng Kông theo cách chưa từng có trước đó.”
“Tay trong” của Hoa Kỳ
Đầu năm 2018, một công dân Hồng Kông 19 tuổi bị cáo buộc giết bạn gái của anh ta ở Đài Loan rồi quay lại Hồng Kông trước khi bị bắt. Cảnh sát Đài Loan không thể làm được gì; Hồng Kông không có hiệp định dẫn độ với Đài Loan, hay bất kì lãnh thổ Trung Hoa nào.
Tháng Ba 2019, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đề xuất một biện pháp: giới thiệu đạo luật dẫn độ vốn sẽ cho phép dẫn độ tội phạm đến Đài Loan – hoặc Trung Quốc đại lục.
Ông Lai đang ở Mỹ khi dự luật được công bố và được cảnh báo bởi một chính trị gia Mỹ ngay sau bữa sáng về rủi ro mà dự luật này mang lại. “Tôi thật sự giật mình.” Ông nói. “Tôi nhìn lại nó một lần nữa và nói ‘Khốn kiếp, điều này thật kinh khủng.’ Tôi biết nó sẽ là một vấn đề lớn.”
Và ông đã đúng. Dự luật châm ngòi cho những cuộc biểu tình thường xuyên bạo lực kéo dài suốt ba tháng, với hơn 800 thanh niên bị bắt giữ vì các cáo buộc nổi loạn. Những người biểu tình thậm chí còn làm tê liệt sân bay của thành phố 2 lần.
Trò chuyện với Lai người ta có thể cảm thấy dường như rất nhiều những sự kiện định hình cuộc đời ông đều được lấy cảm hứng từ nước Mỹ. Cái tên “Giordano” đến từ một chiếc khăn ăn pizza ở New York; khi thương hiệu này gặp khó khăn trong những ngày đầu, một chuyến đi đến tiệm ăn McDonald’s đã truyền cảm hứng cho ông bình dân hóa các sản phẩm của công ty, giống như chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ đã làm trước đó; còn tờ Apple Daily thì được xây dựng dựa trên mô hình của USA Today.
Trợ lý hàng đầu của ông ở Hồng Kông, Mark Simon, còn là con trai của một cựu nhân viên CIA.
Chi tiết này chưa bao giờ ngừng hấp dẫn những kẻ đàm tiếu. Trong hàng thập niên, một trong những cáo buộc nhắm vào ông chính là việc ông là người của CIA, và tờ Apple Daily là một công cụ của Mỹ.
Đầu tháng này, truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi Lai và 3 nhân vật dân chủ khác ở thành phố này là “Tứ nhân bang” của Hồng Kông – liên hệ tới nhóm chính trị từng âm mưu lật đổ Mao Trạch Đông và giành quyền lực từ tay Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi những năm 1970.
Tờ Nhân dân Nhật báo gọi ông Lai là thành viên của một nhóm 4 người “trung gian bí mật và những kẻ phản bội thời hiện đại,” trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng cáo buộc những bất ổn ở Hồng Kông là do các thế lực nước ngoài gây ra.
Nhà làm luật thân Bắc Kinh Tien từng nói ông tin rằng Washington đổ tiền vào các phong trào dân chủ ở Hồng Kông nhằm tạo ra một “mối họa liên tục nhằm gây bất ổn cho Trung Quốc,” mặc dù ông không có chứng cứ cụ thể nào để chứng minh cho tuyên bố ấy.
Jimmy Lai gọi ý nghĩ về một cuộc cách mạng màu do Mỹ tài trợ là “ngớ ngẩn.”
“Nếu nước Mỹ thật sự tài trợ thì chứng cứ sẽ rõ rành rành,” ông nói. “Bạn không thể tìm được một người nào đứng dậy và nói ‘Này, tôi nhận tiền từ Mỹ.’”
Nhưng ông xem Mỹ như một đồng minh quan trọng của Hồng Kông – như lời cảnh báo sớm (của chính trị gia nêu trên) cho thấy. Khi ông trở về từ chuyến đi ấy, ông bắt đầu báo động mọi người. Ông nói các phóng viên lúc đầu không dao động lắm.


“Bà Lam trước khi đề xuất dự luật ấy vẫn đang bay cao,” ông nói, “Tập Cận Bình bắt tay bà ta (trong một sự kiện), bà ta đi cạnh ông ấy, bà ta thực sự muốn làm điều gì đó cho ông chủ của mình. Bà ta biết đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời. Mà thực sự thì nó gần như là một cơ hội tốt. Bởi vì mọi người ban đầu không quan tâm lắm.”
Song cộng đồng kinh doanh thì xáo động hơn trước tin này. “Tất cả mọi người đều phải chi một khoản gì đó để đổi lấy sự bảo vệ từ những người kiểm soát họ ở đại lục,” ông nói. Hơn nữa, họ hiểu rằng đạo luật có thể được dùng bởi những thế lực ở đại lục làm công cụ tống tiền; nếu một đối tác Trung Quốc muốn kiểm soát đối tác Hồng Kông của mình họ có thể báo cáo cho nhà chức trách ở bên kia biên giới, nơi mà tỉ lệ kết tội lên đến 99%.
Sự phản đối đối với dự luật dần xuất hiện, khởi đầu với cuộc tuần hành vào ngày 31/3, dẫn đầu bởi Lam Wing-kee, người nói rằng ông từng bị bắt cóc bởi các mật vụ đại lục hồi năm 2015 sau khi ông này rao bán các tài liệu chỉ trích Bắc Kinh. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
Bà Lam vẫn tiếp tục đề xuất dự luật.
Các cuộc tuần hành tiếp diễn: 160.000 người, rồi 1 triệu người. Dự luật vẫn dự kiến được trình lên cơ quan lập pháp cao nhất của thành phố, Legco, vào đầu tháng 6. Cuối cùng có đến khoảng 2 triệu người xuống đường vào ngày 16/6. Dự luật bị đình chỉ, song lúc đó đã quá trễ để kiềm chế sự giận dữ mà nó châm ngòi.
Ông Tien thừa nhận rằng Washington khó có thể điều khiển được một cuộc tuần hành 2 triệu người, nhưng khi mà người biểu tình cứ liên tục vẫy cờ Mỹ trong các cuộc xuống đường – điều mà ông Lai nói chỉ là một cách thức thu hút các ống kính truyền thông quốc tế – thì vị chính trị gia này yêu cầu cần có một cuộc điều tra độc lập xem liệu CIA có đang tài trợ cho một cuộc cách mạng màu trong thành phố hay không.
Một quan chức kì cựu người Mỹ bác bỏ cáo buộc rằng Washington tài trợ hay kích động các cuộc biểu tình, và Tổng thống Donald Trump cũng đã làm như vậy hồi tuần trước, khi ông tweet rằng “nhiều người đang quy trách nhiệm cho tôi và nước Mỹ, cho những việc đang xảy ra ở Hồng Kông. Tôi không thể hiểu nổi tại sao?”
Có tự do hơn là có tiền
Việc thành lập Apple Daily và tham gia cuộc đấu tranh vì dân chủ của Hồng Kông cho ông Lai “một ý nghĩa sống mà tôi chưa từng có” khi còn là một nhà tài phiệt ngành may mặc. “Sứ mệnh này,” ông nói, “có một ý nghĩa vô cùng lớn lao.”
Các nhà tài phiệt khác của thành phố đã cố tránh sa vào cuộc khủng hoảng. “Nếu bạn là một người làm ăn ở Hồng Kông, sẽ rất khó để kiềm chế được trước thị trường Trung Quốc,” Lam, vị giáo sư lịch sử, bình luận. “Và một khi bạn đã ở trong thị trường Trung Quốc thì khoản đầu tư của bạn trở thành con tin, thứ mà chính quyền Trung Quốc không ngần ngại sử dụng như một biện pháp gây áp lực.”
Lần gần nhất mà người giàu nhất Hồng Kông với khối tài sản 31 tỉ USD (theo Forbes) Li Ka-shing bày tỏ quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng chính trị này là 2 thông điệp tối nghĩa đăng trên nhiều tờ báo trong tháng này (Apple Daily không có trong số đó). Bản chất không rõ ràng trong lời cảnh báo của ông chắc chắn không thể là do nhầm lẫn – khắp nơi trong thành phố, các độc giả tranh cãi xem ông ám chỉ những người biểu tình, Bắc Kinh, hay cả hai. (Nguyên văn câu nói của ông: Best cause could lead to worst end – Mục đích tốt đẹp nhất có thể dẫn tới kết cục tồi tệ nhất).
“Không có nhà tài phiệt nào sẵn sàng” công khai chỉ trích Trung Quốc như ông Lai, theo Clement So, vị giáo sư tại Đại học Trung văn Hồng Kông. “Đó là điều khiến ông trở nên đặc biệt.”
Song điều đó đi kèm với những hiểm nguy.
Hồi năm 2015, bom xăng bị ném vào trụ sở chính của Next Media và nhà riêng ông Lai vào sáng sớm. “Chúng tôi không sốc. Thật không may, bạo lực đã trở thành điều quen thuộc ở Hồng Kông trong các vấn đề chính trị. Đó là một thực tế đơn giản,” trợ lý của ông Lai, Mark Simon, chia sẻ với CNN khi ấy.
Giờ đây, ông Lai có một đội vệ sĩ ở nhà, song kẻ tự nhận là gây rắc rối này nói ông chưa bao giờ quên thế nào là nghèo khó, và ông không hề có ý định bỏ rơi quần chúng trong cuộc “thập tự chinh” mà họ và ông cùng chia sẻ để bảo vệ nền dân chủ.
“Thanh niên không thấy tương lai của mình – mọi thứ đều thật đắt đỏ,” ông nói. “Kể cả việc sống trong một căn phòng nhỏ đã là quá đắt đối với họ.” Vùng đất của những cơ hội mà các doanh nhân như Lai và Li Ka-shing từng được tận hưởng khi họ lần đầu đến Hồng Kông nay đã không còn nữa.
“Với dự luật dẫn độ này mọi người nghĩ rằng, Okay, quá lắm rồi, chúng ta phải đấu tranh. Chúng ta phải chiến đấu chống lại giới hạn cuối cùng này,” theo ông Lai.
Và cuộc chiến ấy thật ra không có lợi về mặt tài chính lắm cho Apple Daily.
Giá trị tài sản cá nhân của ông Lai ngày nay vẫn là bí ẩn, song ông đã rơi khỏi danh sách người giàu nhất Hồng Kông của Forbes vào năm 2009. Các công ty lớn có hoạt động làm ăn sâu rộng ở đại lục, như Cathay Pacific hay CK Hutchison Holdings của Li Kai-shing, không bao giờ đặt quảng cáo trên tờ Apple Daily. Trưởng đặc khu tiền nhiệm của Hồng Kông CY Leung (Lương Chấn Anh), người mà tờ báo từ lâu chỉ trích vì mối quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh, thường đăng trên Facebook cá nhân các bức ảnh danh sách các công ty có quảng cáo trên tờ Apple Daily. “Apple Daily là kẻ thù công khai số một của CY Leung,” theo Lam, vị giáo sư lịch sử.


Hoạt động trong bối cảnh chính trị hiện nay, cùng với sự sụt giảm doanh số báo giấy và quảng cáo, đã gây thiệt hại về mặt tài chính cho Apple Daily. Tổng số phát hành của tờ báo chỉ ở mức 200,000 bản một ngày, bằng 2 phần 3 con số của 10 năm trước, bên cạnh 1,5 triệu lượt xem online. Doanh thu quảng cáo hằng ngày giảm một nửa trong 3 năm qua. Next Digital đã công bố thua lỗ suốt 3 năm vừa rồi.
Đầu năm nay. Tờ báo bắt đầu thu phí 3 HKD để đọc online cho đến tháng 9. Tháng tới, họ hi vọng độc giả sẽ trả phí thuê bao 50 HKD một tháng.
“Thời điểm hiện tại là thuận lợi cho Apple Daily vì mọi người muốn có tin tức,” theo Clement So, vị chuyên gia truyền thông. “Ông Lai sẽ muốn có sự hỗ trợ tài chính của các bạn đọc online, nếu ông thành công điều này sẽ là chiếc phao cứu sinh của ông. Nhưng nếu thất bại, rất đáng để lo ngại rằng ông không thể duy trì tờ báo về dài hạn.”
Trong khi đó, các tờ báo mới như Stand News và HKC News đang dần trở thành những đối thủ trong không gian báo chí dân chủ. Bằng cách đưa các buổi talkshow lên smartphone và thuê một đội ngũ nhỏ gọn, họ giữ chi phí đủ thấp để không cần phải cho các công ty thân Bắc Kinh thuê quảng cáo.
Năm 2047 đang đến gần
Đối với nhiều người, 2047, năm mà Hồng Kông khả năng cao sẽ quay trở lại Trung Quốc, tưởng chừng là một ngày rất xa trong tương lai. Song chỉ còn 28 năm nữa, một điều mà người Hồng Kông có thể trải nghiệm trong cuộc đời mình. Cuộc chiến vì dân chủ đã trở nên cấp bách hơn, tranh cãi hơn – nhưng cũng có thể là xa vời hơn, khi mà sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đem đến cho Bắc Kinh nhiều quyền lực chính trị hơn để nói không với dân chủ.
“Tôi không biết khi nào (các cuộc biểu tình) sẽ chấm dứt,” ông Lai nói, “nhưng có một điều tôi biết, với việc thế giới theo dõi chúng tôi… tôi nghĩ Trump, nước Mỹ, giờ đây không thể thoái lui (khỏi việc hỗ trợ Hồng Kông). Họ chỉ có thể tiến và tiến. Không phải về mặt tài chính, mà về chính trị và đạo đức.”
Đầu tháng này, Phó Tổng thống Pence nói cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ suy giảm nếu luật pháp của Hồng Kông bị vi phạm bởi Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích việc xâm phạm các quyền con người của Trung Quốc vì chúng đi ngược lại các lý tưởng của Hoa Kỳ. Ông Trump cũng tweet rằng Chủ tịch Tập Cận Bình nên có cuộc gặp với những người biểu tình.
Nếu áp lực quốc tế ngày càng tăng khiến nền kinh tế chậm lại và việc làm giảm, Trung Quốc có thể thay đổi, theo ông Lai. “Điều đó không có nghĩa là ĐCSTQ sẽ sụp đổ,” ông bổ sung. “Song có thể ông Tập sẽ bước xuống và một chính phủ tự do hơn sẽ lên thay và rồi chậm rãi đi theo con đường đúng.” Tuy nhiên, không có chỉ dấu nào cho thấy điều này sẽ sớm xảy ra.
Trong khi đó, nền kinh tế của Hồng Kông đang bị thiệt hại nặng ở các ngành du lịch, hàng không và bán lẻ do ngưng trệ từ các cuộc biểu tình. Michael Tien, vị chính trị gia thân Bắc Kinh, nói rằng doanh số hãng bán lẻ của ông đã giảm 40% trong tháng Tám. “Không còn ai có tâm trạng để ra đường và mua sắm,” ông nói. Chính phủ Hồng Kông đã công bố một gói kích cầu 2,4 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại từ trong bất ổn.
Đối với ông Lai, nếu nền kinh tế của trung tâm tài chính này phải chịu thiệt hại vì tự do, cứ để nó thiệt hại. Viễn cảnh của cuộc đấu tranh không đem lại cho người dân “một cái cớ để không tiếp tục chiến đấu.”
“Nếu chúng tôi đấu tranh, chúng tôi có thể có một phép màu,” ông nói. “Song nếu chúng tôi không làm vậy, chúng tôi sẽ bị khuất phục trước cường quyền. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu chúng ta từng có thể loại bỏ chế độ nô lệ, chúng ta cũng có thể loại bỏ chế độ độc tài. Nó tràn đầy hy vọng!” ./.
Hình trên cùng: Jimmy Lai tham gia một cuộc biểu tình trong phong trào Dù vàng năm 2014. Nguồn: CNN.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét