(Ảnh minh họa) - Thủ tướng Úc Scott Morrison (P) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội quân danh dự, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/08/2019. REUTERS/Kham
"Các nước châu Á phải đứng dậy bảo vệ độc lập và chủ quyền". Đó là lời kêu gọi của thủ tướng Úc Scott Morrison tại Hà Nội ngày 23/08/2019 trong bối cảnh Trung Quốc leo thang khống chế Biển Đông. Cũng trong tình thế này, giáo sư Hugh White, một chuyên gia địa chiến lược, cựu cố vấn an ninh quốc phòng Úc kêu gọi « trang bị vũ khí hạt nhân » đối đầu với Bắc Kinh qua quyển sách trắng "Làm cách nào để bảo vệ nước Úc".
Để tìm hiểu vì sao sách lược an ninh của Úc « thay đổi toàn diện » và thay đổi như thế nào trong điều kiện khả thi nhất, RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
Từ boomerang đến bom nguyên tử
Trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương, Úc không thể hy vọng Trung Quốc trỗi dậy hoà bình, cũng không thể trông cậy vào ô dù của Mỹ khi nguy biến. Quyển sách « Làm cách nào để bảo vệ nước Úc » của giáo sư Hugh White, một chuyên gia địa chiến lược, cựu cố vấn an ninh quốc phòng Úc khẳng định : Tình hình chiến lược của Úc đã thay đổi hoàn toàn, cần phải có biện pháp mới.
Tuy nhiên, Hugh White nhìn nhận nếu chọn giải pháp gia tăng quốc phòng « nhân gấp đôi chiến đấu cơ F-35 hay gấp 4 lần hạm đội tàu ngầm » sẽ tác hại đến ngân sách giáo dục và xã hội.Theo ông, biện pháp hiệu quả nhất để răn đe Bắc Kinh là Úc phải trở thành cường quốc hạt nhân. Đề xuất này, « Từ Boomerang đến bom nguyên tử », như tựa của nhật báo The Australian, rất khó thi hành. Tuy nhiên, phân tích của Hugh White về nguy cơ của Trung Quốc không khác gì nhận định của bộ Quốc Phòng. Chính phủ Úc có một phương án khác, khả thi, thể hiện qua tuyên bố của thủ tướng Scott Morrison tại Hà Nội ngày 23/08/2019.
Liên kết với các nước lớn nhỏ
« Thủ tướng Scott Morrison có lời phát biểu rõ ràng hơn tất cả những lần trước. Theo ông thì tất cả các quốc gia trong vùng Đông Nam Á phải dứt khoát bảo vệ chủ quyền và sự độc lập của mình và ông còn dùng một từ quan trọng hơn cả mà từ trước đến nay nước Úc chưa sử dụng là « nếu các quốc gia này để bị bắt nạt, ông dùng tiếng Anh là « coertion », thì giá trị của các quốc gia đó giảm đi.
Đây là yếu tố mới, một phần vì sự trỗi dậy của Trung Quốc mỗi ngày một mạnh bạo và phần khác vì trong thời gian đó có sự kiện tàu nghiên cứu địa chất HD8 của Bắc Kinh hoạt động trong vùng Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa, vùng kinh tế chuyên biệt của Việt Nam. Thực sự thì vấn đề này đã được thảo luận tại Bangkok nhân hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN với các đối tác.
Trong cuộc họp tay ba, tam cường, giữa ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc tại Bangkok, ba vị ra một bản thông cáo chung tỏ ra quan ngại sâu xa về các việc có thể xem là hành động phá hoại của Bắc Kinh đối với vấn đề khai thác tài nguyên của các quốc gia trong vùng. Nhưng nếu bản thông cáo không dùng chữ « áp bức, coertion », thì tại Việt Nam, thủ tướng Úc nói rõ hơn. Đây là lần đầu tiên chính phủ Úc thể hiện một đường lối tương đối mới. Úc muốn kết thân với các quốc gia nhỏ trong vùng như là một chiến lược đa phương của ngành ngoại giao Úc trước sự đe dọa của Trung Quốc… »
« Lập trường cố hữu của Hugh White là ông nhìn xa, biết sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là không ngăn cản được, trong khi sức mạnh của Hoa Kỳ tuy vẫn đứng đầu thế giới, nhưng khoảng cách với Trung Quốc thu hẹp dần. Thời tổng thống Obama, ông Hugh White cũng đã nói là Úc cần một chính sách độc lập với Mỹ và thân thiện hơn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, từ khi Donald Trump làm tổng thống, với chính sách hơi bất định, Hugh White cho là nước Úc không còn có thể tin cậy vào sự che chở của Hoa Kỳ qua hiệp định ANZUS 1951. Vì vậy, ông đề ra chính sách táo bạo trong quyển sách « How to defend Australia », làm thể nào để bảo vệ nước Úc.
Đối tác hay đối thủ, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa
Về nguyên tắc, Hugh White và các chính phủ Úc từ Lao Động cho đến Bảo Thủ đều có tầm nhìn tương đối giống nhau, tức là tại châu Á hay Ấn Độ Thái Bình Dương, Ấn Độ, Nhật Bản không thể là mối đe dọa của Úc. Tất cả bạch thư ngoại giao quốc phòng của Úc từ 2009 đến nay đều đặt vấn đề sự trỗi dậy của Trung Quốc, dù mô tả là đối tác hay đối thủ, thì trong cốt lõi, nhìn từ Canberra, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa ».
« Úc đẩy mạnh bang giao với ASEAN đặc biệt với Việt Nam đồng thời đẩy mạnh liên minh « tứ cường » hay « kim cương » gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, cho nên tuyên bố mạnh mẽ của Scott Morrison tại Việt Nam nằm trong kế hoạch có đồng minh dù lớn hay nhỏ trong trường hợp đối đầu với Trung Quốc. Bởi vì năm 2015, Tập Cận Bình đã hứa với tổng thống Obama sẽ không quân sự hóa biển Đông. Sự thật thì Biển Đông đã bị Trung Quốc quân sự hóa. Tư Chính nằm trong chính sách « lấy thịt đè người » gây áp lực cho những nước khác. Bắc Kinh là một cường quốc nhưng chưa cư xử như một cường quốc … khác với những thể chế dân chủ … ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét