Bài 1. Từ truyền thông lề phải
I. Giới thiệu
Việt Nam hiện đại có nhiều điều mà cả thế giới không thể sánh được. Chẳng hạn, có tướng nhiều nhất thế giới, nhiều hơn cả những quốc gia đông dân và có nền quốc phòng hàng đầu hành tinh; nhưng lại không có vị tướng nào lên tiếng chống lại Trung Quốc xâm lược biển đảo, để giữ gìn “đại cục 16 chữ vàng, 4 tốt”.
Trong khi Trung Quốc đang tiếp tục bành trướng chiếm hữu vùng biển Bãi Tư Chính Việt Nam; leo thang lên nữa là tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng nhóm tàu bè khác của Trung Quốc đã vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến 185km theo hướng bờ biển Phan Thiết (1.1) ngày 24/8/2019, báo nước ngoài đưa tin, báo trong nước tĩnh lặng cùng với hàng trăm tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
***
Cũng như tướng lĩnh, ở Việt Nam có số lượng anh hùng nhiều nhất thế giới, từ anh hùng lực lượng vũ trang, đến anh hùng lao động, rồi anh hùng lao động thời kỳ đổi mới … Phải nói là “anh hùng” cũng là sản phẩm đặc thù của xã hội hiện đại, phản ảnh đầy đủ bản chất của chế độ toàn trị.
Nếu cổ nhân có câu: “nhất tướng công thành vạn cốt khô” đã được kiểm chứng qua các cuộc chiến tranh; thì xã hội hiện đại lại có câu: “một tỷ phú Việt sinh ra vạn người lầm than” là một thực tế phũ phàng.
Tỷ phú Việt Nam đều làm giàu từ đất, quá trình tích tụ đất đai làm giàu của những tỷ phú – đại gia Việt đã đẩy hàng triệu người dân vào tầng lớp dân oan là hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn ở một vài địa phương riêng lẻ nữa.
Các đại gia có đặc quyền chọn những vùng đất đẹp, thuận lợi cho mục tiêu chiến lược, lập dự án đầu tư và sau đó … chuyển nhượng dự án cho những thế lực có tiền, bất chấp đến từ quốc gia nào.
Báo chí, mạng xã hội phần nào cũng đã đưa tin đa chiều chân dung một số đại gia. Nhưng chắc ít người biết đến chân dung của một tỷ phú – đại gia anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trong bài viết này chúng tôi sẽ gọi là “đại gia anh hùng”.
Khi nghe tin đại gia này được phong “anh hùng lao động”, thì ở quê hương – nơi anh ta đã chôn nhau cắt rốn gọi là “anh hùng lừa đảo”; anh trở thành đại gia, nhiều người cho là bình thường, nhưng khi đại gia thành anh hùng thì lại là chuyện không bình thường với rất nhiều người, với nhiều lứa tuổi sống qua nhiều chế độ. Bên cạnh tiểu sử hoành tráng của một đại gia anh hùng để báo chí cách mạng ngợi ca, là chân dung một anh hùng, đại biểu quốc hội – sản phẩm của thể chế, được chính những người dân quê anh vẽ nên; trong đó, có những người chứng kiến từ khi anh chưa sinh ra đến khi anh trở thành đại gia anh hùng vô tiền khoáng hậu của lịch sử Việt Nam, có những người cùng anh khởi nghiệp ở miền đất cực nam trung bộ.
Đúng là: Trăm năm bia đá vẫn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ; câu anh hùng “lao động” (LĐ) được chuyển thể thành anh hùng “lừa đảo” không phải là không có nguyên nhân của nó.
Đều là dân miền Trung của vùng đất trung trung bộ nắng cháy mưa dầm; tuy nhỏ tuổi hơn, nhưng truyền thống gia đình đại gia anh hùng này cao hơn hẵn Trương Văn Cam – Năm Cam nhiều bậc. Không như Năm Cam hay nói với đàn em “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền !” (Roman Abramovich), cái nói-nổ của Năm Cam dẫn đến họa diệt thân, còn đại gia anh hùng thì chỉ làm mà không nói.
Với tố chất bản năng sinh tồn của một người qua 3 đời bị tác động bởi các biến cố chính trị xã hội cộng sản, đại gia anh hùng này xứng đáng là bậc thầy của Phan Văn Anh Vũ – Vũ Nhôm. Nếu như Vũ Nhôm vừa muốn thành đại gia, vừa muốn có quyền lực, nhưng lại có những lúc bốc đồng nên sinh thù kết oán để kết cục phải vào chốn lao tù; thì đại gia anh hùng lại biết cách khống chế các phe phái đánh nhau trên chính trường đều thuần phục.
Nói gì thì nói, để trở thành đại gia thì phải là một người có tài năng thực sự. Phải biết cách đánh bại nhiều đối thủ cạnh tranh, lách qua được những khe hẹp của luật pháp, lợi dụng những mâu thuẫn của thế lực cầm quyền để làm giàu không mấy người thành công. Nhưng tạo ra sự chính danh để trở thành đại gia anh hùng, đại gia đại biểu quốc hội trong quái thai kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng vô cùng hiếm.
Với chừng đó thành công cũng chưa nói hết tài năng của đại gia anh hùng này.
Mặc dù Mỹ – Việt đã bỏ hoàn toàn rào cản của cuộc chiến tranh, nhưng hai người anh em Cộng sản – Cộng hòa vẫn chưa hòa giải, hòa hợp được; hai phe cờ đỏ, cờ vàng đấu nhau một còn trên hai chiến tuyến. Nhưng riêng đại gia anh hùng này lại được cả hai phe cờ đỏ, cờ vàng đều xem như là “người của mình”. Điều này mới làm nên tài năng thực sự của một đại gia, anh hùng, đại biểu quốc hội duy nhất ở Việt Nam.
Người viết bài cố gắng vẽ lại chân dung của một con người – sản phẩm của thể chế – đã trở thành đại gia, anh hùng lao động, đại biểu quốc hội, được lòng cả “cờ đỏ, cờ vàng”. Chân dung thực sự của anh, dưới một góc độ nào đó phải công nhận là tài năng duy nhất ở Việt Nam. Cuộc đời của anh gắn bó với các giai đoạn lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam “đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội”: vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân, và đồng thời cũng là kẻ bất nhân, sát nhân !.
Nội dung chuyên đề các bài viết này nói về ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch tập đoàn Rạng Đông (Bình Thuận), đại gia, anh hùng lao động 2005, đại biểu quốc hội 2007-2011. Để bạn đọc nhận diện đa chiều chân dung vị đại gia anh hùng.
Để thông tin đa chiều về AHLĐ-ĐBQH Nguyễn Văn Đông, các bạn nên xem trước website Tập đoàn Rạng Đông https://www.rangdonggroup.com.vn/ và thông tin trên báo chí cách mạng dưới đây.
II. Từ báo chí của Đảng
Phải nói thẳng là phóng viên của báo chí cách mạng Việt Nam như là một bầy cừu của Đảng (1.2) và chỉ được đi theo lề bên phải (1.3) thì nhà báo mới được an toàn. Cho nên báo chí của Đảng không phải là cơ quan truyền thông đúng nghĩa; mà chỉ được đưa tin, bơm thổi theo định hướng dư luận của tuyên giáo, đặc biệt là với những sự kiện, nhân vật trọng đại.
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Tuy nhiên, với nhân vật Nguyễn Văn Đông là chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được được phong “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” vào năm 2005 chỉ là những dòng tin đơn giản của những con cừu ghi theo lời kể của anh hùng, có thể trích tóm tắt như sau:
Năm 2005, khi Nguyễn Văn Đông được phong anh hùng lao động, báo Tiền Phong viết: “Đông quê ở làng Đức Phú, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đông xin phép mẹ đi tìm sự nghiệp. Đông nhảy chui tàu hàng xuôi về Nam, vốn liếng là khát khao cháy bỏng đổi đời cơ cực cho mình, cho gia đình.
Tàu qua ga Suối Kiết – Tánh Linh, thêm vài ga lẻ, chàng thư sinh kịp “biến” trước khi tàu dừng tại ga Giá Rai để tránh nhân viên kiểm soát. Từ đó, anh lội bộ ra Ông Đồn (Xuân Lộc – Đồng Nai). Qua đêm đầu tiên nơi đất lạ trong một sạp hàng ở chợ, ngoài lũ muỗi quấy rầy anh còn bị du kích mời về xã hỏi giấy tờ.
…
Từ đó, anh lần vào Long Khánh, xuống Phú Mỹ, rồi Hắc Dịch (Bà Rịa). Ai thuê gì làm nấy, làm cỏ bắp, sát củ mì. Không người thuê, anh vào rừng lấy tre. Sức vóc không vạm vỡ để vác hai cây tre từ rừng ra chợ, anh chỉ chặt một cây rưỡi tre, bán nửa cây mua gạo, còn tiền một cây tre anh giắt lưng để dành. Khát vọng làm giàu luôn thôi thúc tim anh, cháy bỏng trong từng giấc ngủ. Rồi anh ngược lên Võ Đắc – Đức Linh, xuôi về Bắc Ruộng – Tánh Linh. Tại đây, anh làm ruộng thuê, tậu ruộng, tậu đất trồng tiêu. Đã ổn định, anh đưa cả gia đình vào lập nghiệp. Mẹ anh dựng cái chòi nhỏ tại chợ, đồng vốn buôn bán sinh sôi của bà qua tay Đông nhanh chóng tăng lên nhiều lần.
Bốn năm sau, vào năm 1994, khi doanh thu của tổ hợp từ 100 triệu lên đến 2,5 tỷ, Đông chuyển đổi mô hình thành Xí nghiệp và đặt chân lên địa bàn Phan Thiết. Năm 1997, doanh thu lên 30 tỷ đồng, Đông quyết định thành lập Cty Xây lắp Rạng Đông. Bảy năm sau, năm 2004, doanh thu của Cty là 210 tỷ đồng. Đông tâm sự: ‘Mười lăm năm nay, từ khi vào nghề xây dựng, chưa đêm nào tôi ngủ trước một giờ sáng’.”
Đến năm 2019, chân dung anh hùng được Nguyễn Văn Đông tự kể, được báo Đảng lamnguoi.net đưa vào chuyên mục “Câu chuyện thành công” với mục đích dạy thế hệ trẻ làm người, khởi nghiệp. Xem nội dung các bài báo tiêu biểu ở các link phần ghi chú (1.4).
Với chừng đó thông tin về tiểu sử và công trạng của một chủ doanh nghiệp tư nhân như vậy thì Nguyễn Văn Đông khó mà đáp ứng điều kiện để trở thành “Anh hùng Lao động” theo Khoản 1 Điều 61 Luật Thi đua khen thưởng số 15/2003/QH11 của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.(1.5)
Đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011)
Tra cứu trên Google “Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Đông Bình Thuận” thì phải nói là thông tin về ĐBQH Nguyễn Văn Đông không có gì, ngoài lý lịch trích ngang đơn giản trên website Đại biểu Quốc hội (dbqh.na.gov.vn) xem Hình 1.1, 1.2
Ông Nguyễn Văn Đông thuộc đơn vị bầu cử gồm thị xã La Gi, huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh, ngoài thông tin ông là “người Quảng Ngãi” ra thì quá trình Nguyễn Văn Đông tranh cử ĐBQH như thế nào? không ai biết. Suốt cả một nhiệm kỳ Quốc hội ông đã làm gì cho người dân Bình Thuận? ý kiến thảo luận trên nghị trường cũng không thấy!
Qua hai sự kiện liên quan đến Nguyễn Văn Đông, lẽ ra truyền thông lề phải, ít ra là báo Bình Thuận phải khai thác, tìm kiếm những thông tin tốt đẹp để đưa tin, tối thiểu để đáp ứng quyền được biết của người dân cả nước: lý lịch, công lao của một anh hùng; hay lý lịch người đại biểu quốc hội đại diện hơn 350 ngàn dân La Gi, Đức Linh, Tánh Linh. Thậm chí trên chính quê hương của vị anh hùng cũng không có một dòng tin chính thức nào. Về mặt tuyên truyền, rõ ràng có những điều bất thường.
Tuy nhiên, những con cừu của báo chí lề phải lại cho rằng ông Nguyễn Văn Đông “khiêm tốn, kín tiếng…”.
Bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ phân tích, lý giải toàn bộ các hiện tượng này.
III. Lời kết Bài 1
Đất Bình Thuận thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành; chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai cho người Việt. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang; đến năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại đặt tên là Thuận Phủ và năm 1694 đặt là Thuận Thành trấn. Năm 1697, chúa Nguyễn hoàn thành tiến trình xâm lược và thiết lập đơn vị hành chính Bình Thuận phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa.
Bình Thuận là vùng đất cực nam trung bộ, trên đường di cư vào phương nam nhiều người đã dừng chân ở Bình Thuận; ở đây có biển, có rừng nên dễ dàng thích ứng với nhiều thành phần dân di cư tự do.
Kể từ khi chúa Nguyễn xác lập đơn vị hành chính Bình Thuận thì người dân miền trung di cư vào khá đông, một phần là tránh đi thời tiết nghiệt ngã hàng năm, một phần tránh đi chết chóc do các cuộc chiến tranh, sau năm 1975 là những vùng kinh tế mới. Có thể nói Bình Thuận là nơi “đất lành chim đậu”, người dân Bình Thuận chất phát, phóng khoáng như dân miền Nam.
Tính cách khoáng đạt như miền Nam của người Bình Thuận rất sòng phẳng, ai có công thì họ kính trọng, thậm chí lập miếu thờ không phân biêt người ở đâu, gốc gác như thế nào; nhưng khi bị phản bội, lừa dối thì không dễ họ tha thứ, kéo dài qua nhiều thế hệ. Hình thành nên cộng đồng dân cư, văn hóa, lịch sử của Bình Thuận có không ít cư dân gốc Quảng Ngãi, tập trung nhiều nhất ở vùng đất phía nam Bình Thuận và huyện đảo Phú Quý.
Bình Thuận cũng là vùng đất chịu sự tranh giành ảnh hưởng trực tiếp của các bên đối địch nhau qua các cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn; và sau này là giữa Cộng hòa và Cộng sản. Kinh nghiệm truyền đời của người dân di cư là không nên tin ngay vào những kẻ nắm quyền.
Chính vì vậy mà người dân Bình Thuận sẽ có loạt bài về chân dung trung thực nhất của đại gia Nguyễn Văn Đông, anh hùng lao động, đại biểu quốc hội; và công lao của của tập đoàn Rạng Đông đối với vùng đất Bình Thuận để lưu truyền cho các thế hệ sau mỗi khi viếng thăm tượng đài, lăng mộ của gia đình anh hùng.
Giống với những anh hùng Nguyễn Văn Bé ở Bình Dương(1.6), Hồ Xuân Mãn ở Thừa Thiên Huế (1.7), … thì anh hùng Nguyễn Văn Đông ở Bình Thuận cũng đều là “sản phẩm của thể chế” như đã nêu trong phần Giới thiệu. Trong các bài viết sau chúng tôi sẽ chứng minh quan điểm này. Tuy nhiên, để dựng nên một chân dung sản phẩm thể chế hoàn chỉnh, khách quan, trung thực thì bao nhiêu thông tin cũng vẫn chưa đủ; do đó chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn và đối thoại với tất cả mọi người (kể cả các nhân vật có trong bài viết). Trong quá trình viết bài, có những sự kiện chúng tôi buộc phải lật lại lịch sử đau buồn của dân tộc; tìm đến những người cao niên, trong số đó có những vị là lão thành cách mạng, tham gia cộng sản từ trước 1945.
Dữ liệu trong bài viết có những tư liệu mang tính cá nhân của anh Nguyễn Văn Đông, lẽ ra chúng tôi không công bố. Tuy nhiên:
– Nguyễn Văn Đông là một Đại biểu quốc hội, người của công chúng đại diện cho nhân dân;
– Nguyễn Văn Đông là một Anh hùng lao động, người của lịch sử;
Chúng tôi cố gắng cung cấp thông tin trong chừng mực nào đó để bạn đọc tham khảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét