Phần 4: Bài học Triều
Tiên
Sau hai cuộc gặp cấp cao đầy kịch tính là Kim-Moon summit
(Panmuchom, April 27, 2018) và Trump-Kim
summit (Singapore, June 12, 2018), người Triều Tiên đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, có thể làm thay đổi vận mạng
dân tộc và làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị tại Đông Á. Trong bối cảnh đó, người
Triều Tiên (cả Bắc và Nam) đang sung sướng và hy vọng, vì thoát khỏi bóng ma
chiến tranh và đứng trước triển vọng hòa bình, thống nhất. Còn người Mỹ cũng
đang thở phào vui vẻ, vì thoát khỏi cuộc khủng hoảng Triều Tiên, và đang cầm chịch
cuộc chơi. Trong khi đó, người Nhật vừa mừng vừa lo, vì thoát khỏi đe dọa hạt
nhân nhưng lại bị ám ảnh bởi triển vọng một nước Triều Tiên thống nhất hùng mạnh
bên cạnh. Còn người Trung Quốc và Nga (Tập và Putin) vừa hậm hực vừa tiếc, vì bị
gạt ra rìa cuộc chới và Trump cướp mất cái. Trong bàn cờ địa chính trị hiện
nay, Trump và Moon là hai diễn viên chính (tuy bị giới hạn về thời gian và quyền
lực), nhưng Kim Jong Un (và em gái Kim Jo Jong) mới là hai ngôi sao sáng “tuổi
trẻ tài cao” (không bị giới hạn về thời gian và quyền lực).
Sắp tới, chưa biết câu chuyện Liên Triều (inter-Korean saga)
sẽ đi về đâu trong tiến trình hòa bình và thống nhất, như “một quốc gia, hai chế
độ” (hay một mô hình nào khác), nhưng chắc chắn “nhân tố Liên Triều” (in
ter-Korean factor) đang trở thành trụ cột của giải pháp hòa bình và phi hạt
nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có thể tác động tích cực tới bàn cờ Biển Đông. Đó
là một nhân tố tối quan trọng để hòa giải dân tộc (có thể khác với kinh nghiệm
Việt Nam). Không biết người Việt Nam đang nghĩ gì về “bài học Triều Tiên”? Tuy
trước mắt con đường thống nhất Triều Tiên còn gập gềnh (với nhiều ẩn số) nhưng
Bắc Triều Tiên đang dũng cảm thoát Trung và họ đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm,
trong khi Biển Đông vẫn còn mờ mịt, khi Việt Nam đang “đi giật lùi”
(back-tracking) để trở lại con đường hầm cũ.
Triều Tiên và bước
ngoặt lịch sử
Ngày 27/4/2018 đã đi vào lịch sử Triều Tiên khi lãnh đạo hai
miền gặp nhau và ký Tuyên bố chung tại Bàn Môn Điếm, khẳng định phi hạt nhân
hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cả hai miền. Ông Kim
Jong-un đã khẳng định với ông Moon Jae-in “Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau
và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm
lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt
nhân?”. Ông Kim còn cam kết “Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của
Chiến tranh Triều Tiên… Tôi cam kết với ngài sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ
lực…Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần
nữa”. Ông Kim còn quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng (sớm 30 phút)
theo múi giờ Seoul.
Tuy Trump và Kim có thể khùng, nhưng chắc cả hai ông không
muốn tự sát. Sớm hay muộn Washing ton và Bình Nhưỡng sẽ phải đàm phán trực tiếp,
với vai trò trung gian của Seoul (thay vì Bắc Kinh). Có lẽ vì vậy Mà Tập Cận
Bình và Kim Jong-un đã vội vã gặp bí mật tại Bắc Kinh (28/3/2018) như một cách ứng
phó trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều. Chắc cũng vì vậy mà Mike
Pompeo đã bí mật đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un (1/4 và 8/5/2018) để chuẩn bị
cho cuộc gặp cấp cao Trump-Kim (dự kiến vào ngày 12/6/2018 tại Singapore).
Trong khi đó, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải vội vã tới Mar-a-Lago để gặp tổng
thống Trump (17/4/2018) nhằm giải tỏa những lo ngại mới về chính trị. Tuy
Donald Trump có thể tuyên bố hủy (hay hoãn) cuộc gặp Trump-Kim vì những lý do
nào đó, nhưng chắc chắn cả ba phía có quá nhiều lợi ích sống còn (vital stakes)
để có thể bỏ qua cơ hội này.
Khi những ngộ nhận về Bắc Triều Tiên được giải mã, người ta
sẽ hiểu đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều là kết cục tất yếu của quá trình đi tìm giải
pháp để tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã hạ chủ bài cuối cùng trước
khi ngã giá (nếu không muốn “già néo đứt dây”). Những căng thẳng và nguy hiểm của
mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên là hệ quả của trò chơi “bắt chẹt hạt nhân”
(nuclear blackmail) hay “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) của Kim
Jong-un. Đó là một ván cờ “nguy hiểm nhưng có tính toán” (a dangerously but
calculated gambit). Những ai bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên, khó hình
dung một ngày nào đó Donald Trump (the mentally deranged dotard) sẽ gặp Kim
Jong-un (the little rocket man).
Ngày 12/6/2018, như một định mệnh trớ trêu, ông Trump và ông
Kim đã gặp nhau tại đảo Sentosa (Singapore) và đã ký một Tuyên bố Chung có nội
dung như sau:
“Ngày 12/6 đi vào lịch sử với dấu mốc cuộc gặp trực tiếp đầu
tiên giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều. Sự kiện được tổ chức ở Singapore, được
cả thế giới dõi theo từng bước… Tin chắc rằng thiết lập mối quan hệ mới Mỹ -
Triều sẽ đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như
trên thế giới và thừa nhận rằng tin tưởng lẫn nhau sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa
bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố như
sau: (1) Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với
mong muốn của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. (2) Mỹ và Triều
Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều
Tiên. (3) Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom, 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng
tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. (4) Mỹ và Triều Tiên cam kết
thu hồi hài cốt của tù nhân và quân nhân mất tích trong chiến tranh, bao gồm việc
hồi hương ngay lập tức những người đã được xác định danh tính…
“Thừa nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch
sử là sự kiện mở ra thời đại mới với nhiều ý nghĩa to lớn sau nhiều thập kỷ
căng thẳng, thù địch giữa hai nước và để mở ra một tương lai mới, Tổng thống
Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cam kết thực hiện đầy đủ và nhanh chóng những điều
khoản trong tuyên bố chung. Mỹ và Triều Tiên cam kết tiếp tục tổ chức các cuộc
đàm phán do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu và quan chức cấp cao Triều Tiên
có liên quan sớm nhất có thể để thực hiện những kết quả của hội nghị thượng đỉnh…”
Hầu hết các chuyên gia cho rằng nếu cuộc gặp giữa Donald
Trump và Kim Jong-un mà thất bại, thì diễn biến sau đó rất khó lường. Tuy Bắc
Kinh không muốn thấy cả hai miền Triều Tiên đều trở thành đồng minh hay bạn bè
của Mỹ, nhưng chiến tranh Trung-Mỹ không nhất thiết phải xảy ra như là tất yếu
(inevitable) vì Trung Quốc và Mỹ đều thực sự không muốn chiến tranh. Nhưng hai
nước lớn đó có thể bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh vì một nước thứ ba (như
Triều Tiên). Phải chăng vì vậy mà Graham Allison cho rằng để tránh chiến tranh,
Trung Quốc và Mỹ cần xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” (a new form of
great-power relations) như Tập Cận Bình vẫn mong muốn như “công thức G-2”. (How
Trump Could Stumble from a Trade War Into a Real War with China, Grham Allison,
National Interest, April 20, 2018).
Muốn lý giải các biến số trong trò chơi quyền lực này, cần vận
dụng “logic hạt nhân” và tư duy chiến lược “phi truyền thống” (unconventional).
Theo chiến lược mới (NDS) Mỹ có thể cần một đồng minh hạt nhân bên cạnh Trung
Quốc để răn đe. Nhưng nếu Trump và Kim chưa hiểu hết ý đồ chiến lược của nhau,
cuộc gặp Trump-Kim có thể bế tắc, hoặc phải trải qua một trò chơi cân não để thử
gân nhau (kiểu “on again and off again”) như Trump nói “mọi người đều chơi cờ”
(everyone plays game). Tuy mục tiêu “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên
(denuclearization) để đánh đổi lấy cam kết an ninh và viện trợ kinh tế, không dễ
như “một bữa tiệc”, nhưng Moon Jae-in và
Kim Jong-un đang có cơ hội hiếm có để tạo ra một bước ngoăt lịch sử cho bán đảo
Triều Tiên, nếu họ làm chủ cuộc chơi bằng xây dựng lòng tin cho một “giải pháp
Liên Triều” để giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào vai trò Mỹ hay Trung Quốc.
Trong khi Moon Jae-in có thể nắm chìa khóa cuộc chơi, và có
vai trò trung gian để dàn xếp đối thoại Mỹ-Triều (như “deal maker”), Tập Cận
Bình chắc không muốn bị mất vai trò nên có thể phá đám (như “deal breaker”) nếu
bị Mỹ và Hàn Quốc gạt ra rìa. Ngoài ra, rủi ro có thể làm trật bánh đoàn tầu
hòa bình không phải chỉ do tính khí thất thường của Trump (muốn “hòa bình trên
thế mạnh”) mà còn do thái độ cứng rắn của mấy cố vấn chủ chốt phái diều hâu
(như John Bolton và Mike Pompeo) vẫn muốn áp dụng “mô hình Libya”, làm Kim
Jong-un lo ngại. Có lẽ vì vậy mà Kim Jong-un (cùng em gái Kim Yo Jong) phải bí
mật bay đến Đại Liên (7-8/5/2018) để “tham khảo” Tập Cận Bình (cùng với Vương Hỗ
Ninh và Vương Nghị).
Tuy Bình Nhưỡng chỉ trích John Bolton và Mike Pence về mô
hình Libya, nhưng họ vẫn để ngỏ cửa đối thoại với Washington “bất kể theo cách
nào và bất cứ lúc nào”. Các quan chức Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc đang ráo riết
chuẩn bị cho cuộc gặp Trum-Kim (vẫn dự kiến ngày 12/6 tại Singapore). Qua
twitter, Trump cho biết Kim Yong Chol (phó chủ tịch Triều Tiên, nhân vật số
hai) đã đến New York (29/5) để làm việc với Mike Pomeo. Tuy mục tiêu “phi hạt
nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vẫn phụ thuộc nhiều vào hai nước lớn là Mỹ và
Trung Quốc, nhưng hai miền Triều Tiên đang có cơ hội hiếm có và vai trò đặc biệt
trong tiến trình hòa bình này. Có lẽ vì vậy mà Moon Jae-in muốn có một cuộc họp
thượng đỉnh tay ba Trum-Kim-Moon (thay vì Trump-Kim), để phát huy kết quả cuộc
gặp Liên Triều (Kim-Moon) và hạn chế rủi ro cuộc gặp Mỹ-Triều (Trump-Kim). Theo
Yonhap News và The Straits Times, Moon Jae-in đã đưa ra ý tưởng này với Kim
Jong-un khi họ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm (27/4/2018). Tuy chưa có cơ sở để khẳng
định một cuộc gặp tay ba, nhưng đó là một sáng kiến hay.
Vấn đề là cuối cùng Mỹ có thể chấp nhận Bắc Triều Tiên sở hữu
vũ khí hạt nhân hay không, và làm thế nào để đảm bảo rằng cả hai miền Triều
Tiên đều là đồng minh của Mỹ, dù chưa biết hai miền có thỏa thuận để thống nhất
đất nước hay không. Dù sao, chìa khóa để giải mã các ẩn số và thúc đẩy quá
trình hòa bình đầy phức tạp này, dường như đang nằm trong tay ông Moon
Jae-in. Nói như vậy không có nghĩa Trung
Quốc dễ dàng cam chịu bị gạt ra ngoài lề. Nhưng có nhiều dấu hiệu Kim Jong-un
muốn Bắc Triều Tiên “thoát Trung” và xích lại gần Mỹ, nên sẵn sàng đánh đổi lá
bài “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” lấy đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế.
Vì vậy, Kim Jong-un đã tuyên bố (21/4/2018) sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân trước
khi có cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều, trong khi Moon Jae-in muốn giúp
Bình Nhưỡng thoát dần khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu ông Kim và ông Moon thực
hiện được điều này, không những vận mệnh của hai miền Triều Tiên và bàn cờ địa
chính trị tại khu vực Đông Bắc Á có cơ hội thay đổi lớn, mà còn có thể tác động
tới cả khu vực Đông Nam Á.
Những biến chuyển lịch sử tại bán đảo Triều Tiên đang hóa giải
dần lo ngại của Việt Nam (và ASEAN) là Mỹ có thể bỏ rơi họ hay đánh đổi lợi ích
lâu dài tại Biển Đông lấy lợi ích trước mắt tại Triều Tiên, nếu khủng hoảng hạt
nhân tiếp tục. Vì vây, nếu tháo được ngòi quả bom nổ chậm Triều Tiên, thì có hy
vọng hóa giải được thùng thuốc súng tại Biển Đông, vì an ninh của hai khu vực
này liên quan đến nhau, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược mới
(NDS) tại khu vực Indo-Pacific. Một khi vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc có
nguy cơ suy giảm tại bàn cờ Triều Tiên, nó có thể đem lại cơ hội mới (cũng như
thách thức mới) cho bàn cờ Biển Đông. Xét cho cùng, bàn cờ địa chính trị tại Biển
Đông có thể còn quan trọng hơn cả bàn cờ Triều Tiên, nhất là đối với tranh chấp
lợi ích chiến lược Trung-Mỹ.
Có một nghịch lý là Bắc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân
đã vô tình giúp Mỹ có một cái cớ rất tốt để triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn
THAAD tại Hàn Quốc (và Nhật Bản), nhằm tăng cường sức mạnh răn đe chống Trung
Quốc (và Nga). Muốn hay không Bình Nhưỡng đã vô hình trung ngầm giúp Washington
trong bàn cờ chiến lược Trung-Mỹ. Phải chăng Bắc Triều Tiên phát triển tên lửa
và hạt nhân không hẳn là để gây chiến với Mỹ, mà chủ yếu nhằm có được vị thế cường
quốc hạt nhân để có thể tìm cách đối thoại với Mỹ. Nay Kim Jong- un đang chơi cả
hai lá bài nước lớn là Trung Quốc và Mỹ, biến “Hoàng đế” Tập Cận Bình thành một
lá bài trong tay mình, nên đây là một trò chơi nguy hiểm. Nếu cuộc gặp cấp cao
Trump-Kim thành công thì Bình Nhưỡng có thể thoát khỏi lệ thuộc vàò Bắc Kinh.
Nhưng nếu cuộc gặp thất bại thì Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ bị cả Trung
Quốc và Mỹ trừng phạt.
Theo Foreign Affairs, trong cuộc gặp tại Singapore, Kim đã
khôn ngoan hơn Trump (outwitted). Tuy Trump làm nên lịch sử là đã vui vẻ bắt
tay kẻ thù, nhưng chưa biết đó là một bước “đột phá lịch sử” (historical
breakthrough) hay là môt “sai lầm lịch sử” (historical blunder). Trong khi Kim
thành công, đạt được hết các mục tiêu mong muốn, thì Trump chỉ nhận được lời hứa
mơ hồ là “sẽ tiến đến hoàn toàn phi hạt nhân hóa”. Nếu tình bạn (bromance)
Trump-Kim không thành, thì Washington cũng khó làm gì được Bình Nhưỡng, sau chiến
dịch lấy lòng thiên hạ có hiệu quả (effective charm offensive). Hiện nay, Kim
được lòng người Hàn Quốc còn hơn cả Trump. Thậm chí người ta không biết Kim hay
Trump muốn rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Trump bằng cách “úm” (blindsiding) Trung
Quốc, Nhật, Nga khi quyết định gặp Kim Jong-un, đã tạo ra một cuộc chạy đua lấy
lòng Bình Nhưỡng, làm cho Kim từ một người lâu nay bị thế giới “ruồng bỏ”
(outcast) nay bỗng trở thành một người được thế giới trọng vọng. (A Historic
Breakthrough or a Historic Blunder in Singapore? Daniel Russel, Foreign Affairs,
June 12, 2018). Foreign Policy cũng có nhận xét tương tự “Trong khi Kim đạt được
4 mục tiêu của mình, Trump chỉ nhận được một lời hứa mơ hồ. Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều
tại Singapore (12/6/2018) và cuộc họp G-7 tại Quebec (8-9/6/2018) đã chứng tỏ sự
thiếu nhất quán về chiến lược đến kinh ngạc và sự trống rỗng về đạo lý đến dễ sợ
của chính quyền Trump”. (Kim Got What He Wanted in Singapore, Trump Didn’t,
William Tobey, Foreign Policy, June 13, 2018).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét