Tại hội thảo hè năm ngoái (31/8/2017), tôi có góp một bài
(Việt Nam cô đơn trong một thế giới bất an và bất định, NQD, Viet-studies,
14/8/2017). Lúc đó chính quyền Trump chưa định hình chiến lược (chưa có NDS,
NSS, và NPR), chưa tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và chưa khởi động lại nhóm “Tứ
cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Trung Quốc chưa họp Đại hội Đảng 19, “Tư tưởng
Tập Cận Bình” chưa được ghi vào Điều lệ Đảng, và Quốc hội chưa bỏ hạn chế hai
nhiệm kỳ để Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc như “Hoàng đế Đỏ”. Khủng hoảng tên
lửa và hạt nhân Triều Tiên còn là nỗi ác mộng, và triển vọng gặp cấp cao Liên
Triều và Mỹ-Triều chưa trở thành hiện thực. Việt Nam và Repsol buộc phải dừng
khoan dầu khí tại lô 136-03 vì Trung Quốc dọa tấn công Trường Sa, nhưng chưa dừng
dự án Cá Rồng Đỏ (lô 03-07). Hội nghị cấp cao APEC chưa diễn ra và mẫu hạm USS
Carl Vinson chưa tới thăm Đà Nẵng. Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh chưa ra
tòa và Trương Minh Tuấn vẫn vô can. Út Trọc, Vũ Nhôm và các tướng công an Nguyễn
Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và Phan Hữu Tuấn chưa bị bắt. Lúc đó, TW6 và TW7 chưa
họp và “người đốt lò vĩ đại” chưa bắt hổ bỏ lò. Ông Trần Đai Quang (và Đinh Thế
Huynh) mới “biến mất”, nhưng chưa “tái xuất”… Những góc khuất về quy hoạch khu
đô thị mới Thủ Thiêm chưa bị dư luận lên án như một đại án…
Sang năm Mậu Tuất (2018), về đối ngoại, Việt Nam đứng trước
một bước ngoặt mới khi Mỹ điều chỉnh chiến lược. Trung Quốc từ đối tác chiến lược
nay trở thành “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ (theo NDS). Biển Đông đang trở
thành thùng thuốc súng (hay “cái bẫy Thucydides”). Triển vọng chiến tranh
thương mại Mỹ-Trung báo hiệu một giai đoạn mới bất ổn. Trong khi quan hệ Mỹ-Trung
ngày càng xấu đi, quan hệ Liên Triều và Mỹ-Triều đang tốt lên với cuộc gặp cấp
cao Moon-Kim và Trump-Kim đầy kịch tính. Về đối nội, tuy Hội nghị TW7
(7-12/5/2018) chưa thay đổi nhân sự chủ chốt giữa kỳ (như đồn đoán), nhưng là một
sự kiện đầy kịch tính (vì làm đảo lộn các dự đoán về nhân sự trước đó). Trong
khi “người đốt lò vĩ đại” thúc đẩy chống tham nhũng và muốn sắp xếp lại nhân sự
(đặc biệt là cán bộ “cấp chiến lược”), nhưng cái lò vẫn “lúc nóng lúc lạnh”
(hay “trên nóng dưới lạnh”). Việt Nam vẫn mắc kẹt giữa hai siêu cường trong trò
chơi quyền lực mới, trong khi vẫn chưa cải tổ thể chế.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà “lịch sử đã cáo
chung” (the end of history, Franscis Fukuyama) và “quyền lực cũng cáo chung”
(the end of power, Moises Naim). Tuy nền dân chủ tự do (liberal democracy) chưa
cáo chung, nhưng nhiều người thừa nhận nó đang thoái trào (liberalism is in
retreat) trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy (Protectionism is on the
rise), cùng với chủ nghĩa dân túy (populism) và chủ nghĩa quốc gia
(nationalism). Trật tự thế giới tự do (liberal world order) gồm ba thành tố là
“tự do” (liberalism), “toàn cầu” (universality) và duy trì trật tự
(preservation of order) lần đầu tiên đang bị thách thức nghiêm trọng. Sự suy
thoái của trật tự thế giới tự do là vì nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do
thái độ của Mỹ thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc Mỹ từ bỏ vai
trò truyền thống của mình từ sau chiến tranh thế giới, vì khẩu hiệu “nước Mỹ
trên hết” (America first), đã tạo ra một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do
không thể tự nó tồn tại mà không có Mỹ. Trong khi đó, xung đột lợi ích giữa các
nước lớn (great power rivalry) đang tăng lên, làm thế giới ngày càng bất ổn.
(Liberal World Order, R.I.P., Richard Haass, Project Syndicate, March 21,
2018).
Sau nhiều thập kỷ bị lôi cuốn vào chiến tranh cách mạng liên
miên, Việt Nam đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi ngã ba đường ý thức hệ, trong khi
trật tự thế giới đã thay đổi. Sau mấy thập kỷ cải cách kinh tế, Việt Nam vẫn tụt
hậu so với các nước láng giềng. Trong khi những động lực đổi mới kinh tế đã hết
đà, Việt Nam vẫn chưa cải tổ thể chế để tạo ra động lực mới. Lợi ích nhóm và “lỗi
hệ thống” đang làm triệt tiêu thành quả cải cách và cản trở xu thế đổi mới. Nếu
Việt Nam không cải tổ thể chế kịp thời để tháo gỡ các nút thắt chính, mọi cố gắng
cải cách kinh tế và chống tham nhũng có thể là “quá ít và quá muộn” (too little
too late).
Trong bài này, tôi sẽ trình bày mấy lát cắt để phác họa thực
trạng một thế giới hỗn loạn mà Việt Nam bị mắc kẹt giữa hai siêu cường (Mỹ-Trung)
trong trò chơi quyền lực mới. Phần 1 (Mỹ đang ở đâu) đề cập đến ngộ nhận của Mỹ
về Trung Quốc, và điều chỉnh chiến lược hiện nay của chính quyền Trump. Phần 2
(Trung Quốc đang ở đâu) đề cập đến “Hoàng đế Đỏ” lên ngôi và nghịch lý mô hình
Trung Quốc. Phần 3 (ASEAN đang ở đâu) đề cập đến nghịch lý ASEAN và Biển Đông,
trước tầm nhìn chiến lược mới Indo-Pacific. Phần 4 (Bài học Triều Tiên) đề cập
đến cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều như một bước ngoặt lịch sử. Phần 5 (Việt Nam
đang ở đâu) đề cập đến nghịch lý chống tham nhũng và đổi mới thể chế. Hy vọng
bài này cung cấp một bức tranh toàn cảnh (tour de force) làm tài liệu tham khảo
cho hội thảo.
Phần I: Nước Mỹ đang ở đâu
Sau hơn bảy thập kỷ tồn tại, Liên Xô đã sụp đổ (collapsed),
nhưng con gấu Nga đã trỗi dậy từ đống tro tàn Soviet để (một lần nữa) trở thành
siêu cường quân sự. Nga hoàng Putin thách thức Mỹ không chỉ ở Ukraine và Syria
mà còn thọc tay vào bầu cử Mỹ. Sau hai thập kỷ cầm quyền, Trung Quốc cũng đổ vỡ
(emploded), nhưng người khổng lồ Trung Quốc đã trỗi dậy từ đống tro tàn của
Cách mạng Văn hóa để trở thành siêu cường kinh tế (như Frankeinstein). Hoàng đế
Đỏ Tập Cận Bình đang thách thức Mỹ không chỉ tại Biển Đông, bán đảo Triều Tiên
và Biển Hoa Đông, mà còn với tay sang tận Châu Âu, Châu Phi, và Nam Mỹ…
Nước Mỹ cũng thoái hóa (decayed), làm cử tri bất bình bỏ phiếu
cho một tỷ phý mỵ dân, để làm “Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng Trump không giống
Putin (được KGB đào tạo), cũng không giống Tập (được Đảng dậy dỗ), mà giống một
lái buôn thất học nhưng tự phụ (hay một “thiên tài ổn định”). Nhà Trắng là một
đống lộn xộn (a mess) gồm “trục người lớn” đấu nhau với hội trẻ con. Trong khi
Ngoại trưởng (Tillerson và Pompeo) không thạo ngoại giao, các cố vấn chủ chốt về
kinh tế và thương mại cãi nhau như chợ búa. Để đối phó với Trung Quốc, Trump
rút khỏi TPP. Để đối phó với biến đổi khí hậu, Trump rút khỏi Hiệp định Paris.
Để đối phó với Trung Đông, Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Để đàm phán
với Kim Jong-un, Trump thay đổi ý định đến chóng mặt, làm cả đồng minh và đối
phương ngao ngán.
Đó là phác họa nước Mỹ ở đâu trong bức tranh toàn cảnh về một
“trật tự thế giới hỗn loạn” (a world disorder), để cố hiểu Mỹ đang điều chỉnh
cái gì, và điều chỉnh thế nào. Trong khi Trump tưởng nước Mỹ có thể triệt thoái
trách nhiệm để biệt lập (isolationism) thì bức tranh hỗn loạn trên toàn cầu vẫn
tác động vào chính trường Mỹ (như vụ điều tra vai trò của Nga trong bầu cử).
Ngược lại, những gì đang diễn ra tại Mỹ cũng tác động đến toàn cầu. Muốn hay
không, thế giới ngày nay vẫn phụ thuộc lẫn nhay ngày càng nhiều (như hệ thống
Uber).
Mỹ đã ngộ nhận về Trung Quốc thế nào
Người ta đã nói nhiều về hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy như
người khổng lồ tỉnh giấc hay quái vật “Frankenstein” (lời Richard Nixon) đang
muốn thay đổi trật tự thế giới cũ (do Mỹ cầm đầu). Người ta cũng bàn nhiều về
nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy gây bất ổn như hiện nay, không phải chỉ do nội
lực Trung Quốc mà còn do chính sách Trung Quốc của Mỹ đã nuôi dưỡng và giúp nó
lớn mạnh, để trở thành “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ (nhận định của NDS).
Không chỉ ông Henry Kissinger (là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc) mà một
thế hệ các chính khách và học giả Mỹ đã chủ trương “can dự xây dựng”
(constructive engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập kỷ qua, cho đến gần đây
mới bắt đầu tỉnh ngộ.
Theo Michael Pillsbury,“Mấy thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ đã dễ
dãi cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm, công nghệ, kinh nghiệm quân sự, tin tức
tình báo, tư vấn chuyên môn. Thật vậy, có quá nhiều thứ được cho trong thời
gian quá lâu… nên không thể tính toán đầy đủ. Và những gì chúng ta không cho
thì người Trung Quốc lấy trộm”. Người Mỹ tưởng “Viện trợ cho Trung Quốc lúc còn
yếu để lãnh đạo họ cũng suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành cường
quốc dân chủ và hòa bình, không có tham vọng”. Nay Pillsbury coi sai lầm của Mỹ
là “một thất bại về tình báo nguy hiểm và quan trọng có tính hệ thống trong lịch
sử nước Mỹ”. (The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015).
Tuy Mỹ không muốn thấy Trung Quốc bá đạo như hiện nay, nhưng
người Mỹ đã vô hình trung góp phần quan trọng tạo ra con quái vật Frankenstein.
Người Mỹ bị người Trung Quốc lừa gạt không bằng họ tự lừa gạt chính mình. Tuy
người ta có thể lý giải hiện tượng đó bằng “hệ quả không định trước”
(unintended consequence), nhưng không thể phủ nhận sự thật là người Mỹ đã ngộ
nhận về người Trung Quốc (hai lần), mặc dù Mỹ có nhiều viện nghiên cứu (think
tanks) đẳng cấp thế giới. Có những nghịch lý và ngộ nhận làm tầm nhìn của nhiều
người giỏi bị che khuất và trở thành ngây thơ. Một số người Mỹ tỉnh táo nhận ra
nguy cơ và cảnh báo, nhưng đáng tiếc chính quyền không lắng nghe họ. Ví dụ, khi
John Kennedy muốn đưa quân vào Việt Nam để can thiệp quân sự, George Ball (thứ
trưởng ngoại giao) đã can ngăn và cảnh báo, nhưng họ không lắng nghe, nên đã mù
quáng tham chiến, dẫn đến thảm họa.
Năm 1965, quân Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng để đánh Việt Cộng và
ngăn chặn Trung Quốc (theo “thuyết Domino”). Sau hơn năm thập kỷ, nay tàu sân
bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng không phải để đánh Việt Cộng, mà để răn đe
Trung Quốc. Kẻ thù và đồng minh có thể thay đổi, nhưng lợi ích quốc gia không
thay đổi. Việt Nam mời Trump thăm Việt Nam và họp cấp cao APEC Đà Nẵng cũng như
đón USS Carl Vinson nhằm răn đe Trung Quốc. Lịch sử là một trò chơi dễ làm những
ai vô minh bị ngộ nhận. Vì vậy, muốn điều chỉnh chiến lược, cần điều chỉnh hệ
quy chiếu và hệ điều hành để có tầm nhìn mới. Thật bất cập khi hai đối tác (hay
đối thủ) trong một trò chơi được vận hành bởi hai hệ quy chiếu và hệ điều hành
khác hẳn nhau.
Trong khi người Trung Quốc tư duy chiến lược theo Binh pháp
Tôn Tử thì chắc người Mỹ tư duy chiến lược theo binh pháp của Clausewitz mà
McNamara và các đồng sự là học trò xuất sắc (nhưng đã thất bại ở Việt Nam). Có
những nghịch lý và bất cập làm người ta ngộ nhận về đối phương, nhầm lẫn mục
đích và phương tiện (như trong chiến tranh Việt Nam). Đó là “một cuộc chiến sai
lầm, chống một kẻ thù sai, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, vì những
mục đích sai” (a wrong war against a wrong enemy, in a wrong place, at a wrong
time, for wrong purposes). Người Mỹ đã lặp lại sai lầm đó tại Iraq và
Afganistan…
Trật tự thế giới là một khái niệm tương đối (relative
concept), thường do “bên thắng cuộc” định ra sau chiến tranh (như Pax
Americana) và duy trì nó (như một hằng số). Trong khi đó, “bên thua thiệt yếu
hơn” (như Trung Quốc) đã trỗi dậy đủ lông đủ cánh và móng vuốt như con rồng
hung dữ (hay Frankenstein), do sai lầm và ảo tưởng của Mỹ, đang đòi thay đổi
nguyên trạng (như một biến số). Về chính trị quốc tế, đó là câu chuyện “cái bẫy
Thucydides” mà Grham Allison lý giải tại sao con rồng Trung Quốc lại thách thức
con đại bàng Mỹ. Về chính trị quốc gia, đó là câu chuyện “Trumpism” (tại Mỹ) và
Brexitism” (tại Anh), khi cử tri bất bình nổi dậy bằng lá phiếu (dân chủ) để
thay đổi nguyên trạng. Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và
chủ nghĩa dân túy (populism) từ Tây Âu sang Đông Âu (như Hungary và Ba Lan hiện
nay), đang đe dọa nền dân chủ và sự toàn vẹn của EU.
Theo Graham Allison, quả lắc đã đổi chiều (the pendulum has
now swung) khi toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đánh
giá lại cơ bản về Trung Quốc. Washington đã tỉnh giấc với tâm trạng “cảnh giác,
lo lắng, và bất an” (alarm, anxiety, angst) khi phát hiện Trung Quốc (là
Frankenstein hay juggernaut) không chỉ trỗi dậy mà còn thách thức Mỹ. Trung Quốc
từ “đối tác chiến lược” (strategic partner) nay thành đối thủ chiến lược”
(strategic rival). Triển vọng chiến tranh thương mại “cùng hủy diệt” (mutually
destructive tariff war) làm cho Mỹ và Trung Quốc đối đầu như hai kẻ mê ngủ
(sleepwalking). Trong trò chơi nguy hiểm đó, ngộ nhận, tính toán nhầm, và rủi
ro thường bị “phóng đại” (magnified).
Những người dân túy và thực dụng (như Donald Trump và Steve
Bannon) đã khôn khéo lợi dụng thời cơ và dùng ngọn cờ dân tộc (nationalism) biệt
lập (isolationism) để chống lại toàn cầu hóa (globalization), và chủ nghĩa quốc
tế (internationalism). Họ lợi dụng khẩu hiệu “America First” để tấn công vào trật
tự dựa trên toàn cầu hóa và tự do dân chủ. Dù Bannon (cố vấn chính của Trump)
phải rời Nhà Trắng, nhưng Bannonism vẫn còn ảnh hưởng như một phong trào (quốc
gia và quốc tế), và Trump còn cầm quyền ít nhất ba năm nữa.
Sự đảo lộn trật tự quốc gia và quốc tế không có nghĩa
Trumpism đúng hay Clintonism sai mà thể chế quyền lực (establishment) của Mỹ và
phương Tây đã suy tàn (decayed). Francis Fukuyama đã cảnh báo về “sự cáo chung
của lịch sử” (The End of History? National Interest, 1989) và Bill Gates đã từng
đề xuất thay thế chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã lỗi thời bằng “chủ nghĩa tư bản
sáng tạo” (creative capitalism). Nhưng nếu người Mỹ chậm chân thì người Trung
Quốc sẽ nhanh tay thay thế bằng chủ nghĩa tư bản mang “đặc sắc Trung Quốc” với
“Tư tưởng Tập Cận Bình” (Xi Jinpingim) vừa lên ngôi “Hoàng đế ”. Một năm sau
khi Trump lên cầm quyền, Fukuyama lo ngại cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến mối
đe dọa mà tôi nghĩ chúng ta chưa bao giờ thấy trong cuộc đời”. (The Post World
War II Order Is Under Assault From the Powers That Built It, Peter Goodman, New
York Times, March 26, 2018).
Trong cuốn sách mới “Nền Dân chủ Kết thúc Thế nào” (How
Democracy Ends), tác giả David Runciman lập luận rằng chúng ta đang bị mắc kẹt
trong tư duy thất bại về nền dân chủ đã lỗi thời của thế kỷ 20… Chúng ta phải đổi
mới tư duy một cách khác biệt (unthinkable) theo tầm nhìn thế kỷ 21 về sự kết
thúc của nền dân chủ, và xem liệu nó có giúp chúng ta đi đến một kết cục tốt
hơn không. Theo Edward Lucas, các cử tri giận dữ và vô cảm đã cạn tình với chế
độ như đang đối mặt với “khủng hoảng tuổi trung niên” (midlife crisis)… Nền dân
chủ đang sống mòn với dĩ vãng huy hoàng, và trở nên “mệt mỏi, thù hận, hoảng loạn,
tự dối mình, vụng về và thường vô vọng” (tired, vindictive, paranoid,
self-deceiving, clumsy and frequently ineffectual). Người ta có thể đổ lỗi về kết
quả bỏ phiếu bất ngờ (như Brexit) cho những kẻ độc ác thắng cử do lừa gạt được
những người ngu ngốc”. (How Democracy Ends, David Runciman, Basics Books, 2018.
Reviewed by Edward Lucas, Sunday Times, May 26, 2018).
Hầu hết các học giả Mỹ và phương Tây đều tin rằng dân chủ và
tư bản luôn đồng hành, rằng cải cách kinh tế đòi hỏi và thúc đẩy cải cách chính
trị. Nhưng thực tế Trung Quốc đã thách thức logic này và dẫn đến hai kết luận
trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất cho rằng cải cách sẽ diễn ra và dự đoán chế độ độc
tài sẽ sụp đổ. Nhóm thứ hai tin rằng thành công của Trung Quốc chứng tỏ độc tài
cũng tốt như dân chủ để thúc đẩy phát triển. Nhưng cả hai cách lý giải đó đều bỏ
qua một thực tế quan trọng là từ khi mở cửa thị trường (1978) Trung Quốc đã cải
cách chính trị, nhưng không theo cách mà phương Tây mong đợi. Họ chỉ cải cách
hành chính để tạo ra một hệ thống lai ghép độc đáo giữa thể chế độc tài với các
đặc tính dân chủ (autocracy with democratic characteristics). Trên thực tế họ
chuyển đổi bộ máy hành chính cộng sản sơ cứng thành bộ máy tư bản hoạt dụng.
Nhưng về lâu dài, chỉ cải cách hành chính không thể thay thế được cải cách
chính trị, vì khi xã hội càng giàu có hơn, thì những hạn chế sẽ bộc lộ.
Một số học giả Mỹ và phương Tây lý giải rằng kinh nghiệm của
Trung Quốc chứng tỏ cách tốt nhất để dân chủ hóa là lai ghép cải cách vào các
thể chế truyền thống sẵn có (kiểu Mark-Le). Nói cách khác, đổi mới chính trị bằng
cách dựa vào một hệ thống sẵn có sẽ phù hợp hơn là tìm cách nhập khẩu một hệ thống
mới hoàn toàn từ bên ngoài. Mọi người đều muốn hưởng lợi từ dân chủ, nhưng sẽ
sai lầm nếu các chính khách cho rằng chỉ có dân chủ bằng cách áp dụng hệ thống
chính trị của Mỹ. Các chính thể độc tài khác muốn bắt chước Trung Quốc không
nên chọn bài học sai lầm. Thành công kinh tế của Trung Quốc không phải là bằng
chứng rằng cứ áp đặt ý chí từ trên xuống và đàn áp sáng kiến từ dưới lên là sẽ
hiệu quả. (Autocracy With Chinese Characteristics, Yuen Yuen Ang, Foreign
Affairs, April 16, 2018).
Tôi từng ngưỡng mộ giáo sư Graham Allison, nhất là các tác
phẩm kinh điển của ông phân tích vụ Khủng hoảng Tên lửa Cuba (Essence of
Decisison: Explaining the Cuban Missile Crisis, Grham Allison, 1ed. Little
Brown 1971; Essence of Decision: Explaining the Cuban Missile Crisis, Graham
Allison & Philip Zelikow, 2ed. Longman, 1999). Nhưng tôi không thực sự tán
thành quan điểm của ông khi cho rằng hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc sẽ không
tránh được “cái bẫy Thucydides” (Destined for War: Can America and China Escape
Thucydides’s Trap? Graham Allison, Harcourt, 2017; How Trump Could Stumble from
a Trade War Into a Real War with China, Grham Allison, National Interest, April
20, 2018.
Thuyết “cái bẫy Thucydides” của Graham Allison dựa trên tiền
đề có 12/16 trường hợp trong lịch sử (500 năm) dẫn đến chiến tranh. Tuy đó là một
đa số tuyệt đối (về lượng) nên khá thuyết phục, nhưng chưa phải là quy luật (về
chất) nên còn tranh cãi. Trong thực tế, khi thời gian và không gian thay đổi
thì xác suất đúng hay sai cũng thay đổi. Tuy lý thuyết “cái bẫy Thucydides” rất
có ích để phân tích và cảnh báo, nhưng vận dụng nó vào thực tế cụ thể lại là
chuyện khác. Nếu Allison định vận dụng thuyết này để khuyến cáo chính quyền
Trump chấp nhận “quan hệ nước lớn” (great power relations) với Trung Quốc (như
Grand Bargain với Nga), thì Allison có thể vô tình mắc mưu Bắc Kinh (playing
into their hands).
Tuy sự trỗi dậy của Trung Quốc và Trumpism làm nhiều người
cho rằng “thế kỷ Mỹ” đã qua rồi, nhưng Joseph Nye tin rằng Mỹ vẫn có “những lợi
thế quan trọng về quyền lực” trên toàn cầu cũng như tại vùng Châu Á-Thái Bình
Dương, và điều này sẽ kéo dài đến “bốn hoặc tám năm nữa”. Hiện nay tất cả các
nước Châu Á đều buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn Mỹ (thường với tỷ lệ gấp
đôi). Nhiều người Châu Á lo ngại Mỹ không thể duy trì vai trò lãnh đạo thế giới
sau những năm Trump cầm quyền, nhưng họ không đồng thuận về “Châu Á sau Trump”.
Nhiều người Mỹ và người Châu Á cũng bất đồng về triển vọng giải quyết thành
công cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, và không biết liệu có tránh được cuộc
chiến tranh Trung-Mỹ tất yếu hay không. Một số người Châu Âu lại băn khoăn
không biết liệu tình trạng bất ổn trên toàn cầu hiện nay phản ánh sự trỗi dậy của
Trung Quốc hay của Trumpism.
Nhưng Joeseph Nye không quá bi quan về sự trỗi dậy của Trung
Quốc, và không cho rằng chiến tranh Trung-Mỹ là một định mệnh (như Graham
Allison lý giải). Joseph Nye tin rằng Mỹ vẫn có những lợi thế quan trọng về quyền
lực, để vượt qua tám năm cầm quyền của Trump (nếu ông được tái cử). Joeseph Nye
lập luận rằng Mỹ có sáu lợi thế cơ bản so với Trung Quốc: Thứ nhất là thành phần
dân số tốt hơn (demography), thứ hai là nguồn năng lượng tốt hơn (energy), thứ
ba là công nghệ tốt hơn (technology), thứ tư là hệ thống đại học tốt hơn
(higher education), thứ năm là vai trò của đồng đô la (the role of the dollar),
thứ sáu là vị trí địa lý tốt hơn (geography). (Asia After Trump, Joseph Nye,
Project Syndicate, April 9, 2018).
Theo Minxin Pei, thái độ thất thường của Donald Trump về
Trung Quốc chứng tỏ ông ta không có tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm ngoại
giao để có một chính sách ổn định về chiến lược (chứ chưa nói gì đến học thuyết).
Vì vậy, định hướng quan hệ Trung-Mỹ trước mắt có thể là “xung đột đổi chác”
(transactional conflict) với đặc điểm là thường xuyên tranh chấp về kinh tế và
ngoại giao, xen kẽ với hợp tác. Trong bối cảnh đó, căng thẳng song phương sẽ
gia tăng, và xung đột riêng lẻ sẽ được giải quyết riêng biệt trên nguyên tắc
“ăn miếng trả miếng” (quid pro quo), do đó sẽ thiếu sự nhất quán về chiến lược
(strategic coherence). Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ từ các tranh chấp cụ thể có
thể bị xô đẩy dẫn đến xung đột lâu dài. Dù xung đột kiểu gì thì cả hai bên sẽ đều
sẽ thua thiệt, làm cho Châu Á và thế giới bất ổn định. (The Shape of Sino
American Conflict, Minxin Pei, Project Syndicate, June 6, 2018).
Mỹ đang tỉnh ngộ và điều chỉnh chiến lược
Dưới thời Tổng thống Obama, người Mỹ đã nhận ra sai lầm chiến
lược và quyết định “xoay trục” sang Châu Á (Asia Pivot) sau đổi thành “tái cân
bằng” (rebalance). Nhưng sự điều chỉnh chiến lược đó vẫn là “tiếng kèn ngập ngừng”
(uncertain trumpet). Tổng thống Obama đã nổi tiếng với khẩu hiệu “lãnh đạo từ
phía sau” (leading from behind). Tuần tra trên Biển Đông (FONOP) được tiến hành
bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), để tránh gây căng thẳng với Trung
Quốc nhằm “tránh rủi ro” (risk aversion). Đó là một nước cờ ngập ngừng bị người
Trung Quốc nắm thóp và khai thác triệt để. Một số người đã cảnh báo nếu Mỹ hành
động “quá ít và quá chậm” (too little too late) sẽ không đủ mạnh để răn đe
Trung Quốc, mà còn bị họ lợi dụng để phân hóa đồng minh của Mỹ (như Philippines
và Thailand). Liệu điều chỉnh chiến lược mới (NDS) là một sự “đột phá”
(breakthrough) hay chỉ là “bình mới rượu cũ” như “trở về tương lai” (back to
the future) để lặp lại “tiếng kèn ngập ngừng?”
Đầu năm 2018, Nhà Trắng lại tiếp tục thay đổi nhân sự, với sự
ra đi của Gary Cohn (chief economic advisor), Rex Tillerson (state secretary),
McMaster (NSC Chairman). “Trục người lớn” (Axis of Adult) trong chính quyền chỉ
còn lại James Mattis (defense secretary) và John Kelly (White House chief of
staff). Với sự bổ nhiệm Mike Pompei (CIA director) thay Rex Tillerson, và John
Bolton (ex UN ambassador) thay McMaster, và nâng cấp cho Peter Navaro (national
trade advisor), nay phái “diều hâu” trong Nhà Trắng được tăng cường với một loạt
nhân vật “bảo thủ mới” (Neocons) có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc
và Trung Đông. Sự thay đổi nhân sự này chắc phản ánh điều chỉnh chiến lược mới
(NDS và NSS) cũng như quan điểm bảo thủ “America First”của Trump (ít nhất trong
ba năm tới). Quyết định bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ mới nhất và nghiêm
trọng nhất của chính quyền Trump theo chủ nghĩa đơn phương. Quyết định này
không chỉ vì “nước Mỹ trước tiên” (America First), mà ngày càng giống “nước Mỹ
một mình” (America Alone). (The New World Order: Donald Trump goes it alone,
Gideon Rachman, Financial Times, May11, 2018).
Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng nhất tại Biển Đông
và là tâm điểm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ (NDS). Biên giới phía Bắc
Việt Nam giáp Trung Quốc và toàn bộ bờ biển tiếp giáp Biển Đông. Nhưng quan trọng
hơn cả vị trí địa lý là tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong suốt lịch sử
lâu dài chống ngoại xâm vì độc lập và chủ quyền đất nước. Nhưng chính vị trí địa
chính trị đã làm Việt Nam mắc kẹt giữa các cường quốc, buộc phải đu dây để cân
bằng quan hệ giữa các nước lớn. Nay Trung Quốc gây sức ép càng mạnh thì Việt
Nam càng xích lại gần Mỹ để “tái cân bằng” chiến lược và “tìm đối trọng”.
Gần đây, quan hệ “đối tác toàn diện” Việt-Mỹ có xu hướng trở
thành “đối tác chiến lược toàn diện” (như với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ).
Tuy xu hướng “thoát Trung” ngày càng mạnh trong lòng người Việt, nhưng Trung Quốc
không muốn Việt Nam xích lại quá gần Mỹ, và Việt Nam cũng không muốn quá xa để
căng thẳng với Trung Quốc (vì còn đang phụ thuộc quá nhiều vào họ). Có một nghịch
lý là trong khi người Việt muốn “thoát Trung” thì về kinh tế và chính trị Việt
Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc. Đã hai lần trong vòng một năm, Việt Nam và
Repsol buộc phải ngừng khoan tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ)
ngay trong vùng EEZ của Việt Nam, trước sức ép của Trung Quốc. Hà Nội chịu thiệt
hại kép vì mất nguồn thu lớn từ dầu khí và phải đền bù thiệt hại cho Repsol (đã
đầu tư gần 200 triệu USD cho dự án Cá Rồng Đỏ), trong khi ngân sách Việt Nam
đang thâm hụt. (South China Sea: Vietnam scraps new oil project, Bill Hayton,
BBC, March 23, 2018).
Nhưng điều còn quan trọng hơn cả thiệt hại về kinh tế là Việt
Nam đang mất dần chủ quyền tại Biển Đông nơi Trung Quốc muốn áp đặt “đường lưỡi
bò” để biến thành cái ao riêng của họ. Sau khi bắt nạt được Việt Nam và Repsol
chịu khuất phục hai lần tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) trong khi Mỹ và đồng
minh khoanh tay bất lực, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép (trực tiếp hoặc gián tiếp)
với các dự án khác như Cá Voi Xanh của ExxonMobil (Mỹ) tại lô 118, hay OVL (Ấn
Độ) tại lô 128, hay Lan Đỏ của Rosneft (Nga) tại lô 06-01. Tuy chưa rõ
ExxonMobil (Mỹ), OVL (Ấn Độ), và Rosneft (Nga) liệu có chịu thua sức ép của Bắc
Kinh hay không, nhưng đại diện ExxonMobil đã thông báo tại Đà Nẵng (7/11/2017)
sẽ hoãn triển khai dự án này đến năm 2019. Hà Nội không chỉ “thất thủ” tại dự
án Cá Rồng Đỏ mà còn “thất thu” tại dự án Cá Voi Xanh (trị giá 20 tỷ USD). Sự
kiện Cá Rồng Đỏ cũng tồi tệ như sự kiện Scarboraugh shoal của Philippines khi Bắc
Kinh cưỡng chiếm (4/2012) vì Mỹ không có “lằn ranh đỏ”.
Tuy Trump tuyên bố tầm nhìn “Indo-Pacifc tự do và rộng mở” với
“Tứ giác Kim cương” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), nhưng chưa đủ răn đe làm Trung Quốc chùn
bước vì “Tứ cường” chỉ đối thoại chứ chưa thể chế hóa để biến thành hành động
như một liên minh vì an ninh tập thể. Để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông,
Repsol (Tây Ban Nha) đáng lẽ phải liên kết với ExxonMobil (Mỹ) hay OVL (Ấn Độ)
thành một tổ hợp (consortium) để cùng khai thác Cá Rồng Đỏ. Nếu Trung Quốc tách
họ ra như một bó đũa lỏng lẻo để bẻ từng chiếc một, thì Trung Quốc sẽ thắng,
nhưng nếu họ liên kết lại thành bó đũa thì chắc Trung Quốc không dễ bẻ gãy được.
Theo Bill Hayton, chuyến thăm Đà Nẵng của USS Carl Vinson để răn đe Trung Quốc
bắt nạt Việt Nam và các đối tác khác để gây áp lực lên các dự án dầu khí của họ
(như “Cá Rồng đỏ” hay “Cá Voi Xanh”) không có tác dụng và thất bại. Tuy hải
quân Trung Quốc (PLAN) không địch lại được sức mạnh hải quân Mỹ nhưng họ không
sợ tàu sân bay Mỹ trong trò chơi “Cờ Vây” tại Biển Đông. Theo Carl Thayer,
không có lý do gì cho thấy Mỹ sẽ giúp Việt Nam chống lại Trung Quốc đang tìm
cách khẳng định chủ quyền của họ tại Biển Đông. Tuy quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt
được cải thiện đáng kể nhưng thực tế hai nước vẫn chưa phải là đối tác chiến lược.
(Viêt Nam ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ? BBC, March 26, 2018).
Theo Carl Thayer, Trung Quốc và Việt Nam “đã đạt được nhận
thức chung, không chính thức, về việc không can thiệp vào các hoạt động của bên
kia nếu các hoạt động đó nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế”. Tuy mỏ khí Cá Voi
Xanh (lô 118) mà ExxonMobil và PVN hợp tác khai thác “không nằm trong đường đứt
khúc chín đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc vẫn có thể lập
luận rằng mỏ khí ngầm nằm chồng lấn bên dưới đường đứt khúc chín đoạn. Carl
Thayer cho rằng “Trung Quốc gây áp lực đối với công ty Repsol của Tây Ban Nha
là “chuyện tương đối nhỏ”, nhưng sẽ là “chuyện lớn” nếu Trung Quốc gây áp lực
như vậy đối với một công ty lớn của Mỹ”. Tuy nhiên, Alexander Vuving cho biết:
“Trung Quốc đã ráo riết vận động Việt Nam không triển khai dự án Cá Voi Xanh với
ExxonMobil trong khoảng thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng
(tháng 11/2017). Nhưng mỏ Cá Voi Xanh “chắc không bị dừng lại” vì nó nằm ngoài
đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nên nó “có nhiều cơ
hội tồn tại hơn là Cá Rồng Đỏ”. (Sau Cá Rồng Đỏ Trung Quốc nhắm vào Cá Voi Xanh
của Việt Nam? VOA, 05/04/2018).
Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, quan hệ Việt-Mỹ vẫn còn phức
tạp. Tâm trạng người Việt đối với Mỹ là “vừa yêu vừa ghét” (love-hate) tuy nay
“yêu nhiều hơn ghét”. Trong khi đó tâm trạng người Việt đối với Trung Quốc là
“ghét nhiều hơn yêu” (do nhiều lý do về lịch sử và văn hóa). Tâm lý chống Mỹ và
“chống diễn biến hòa bình” tuy còn khá đậm, nhưng chủ yếu là tuyên truyền của
chính quyền. Trên thực tế, ngày càng nhiều người Việt thích Mỹ (như cho con đi
học Mỹ hay định cư tại Mỹ) kể cả các quan chức hay hô hào “chống diến biến hòa
bình”. Ngoài ra, tâm trạng sợ Mỹ bỏ rơi vẫn còn ám ảnh nhiều người trong giới cầm
quyền vì lo ngại Mỹ-Trung có thể “đi đêm” thỏa hiệp sau lưng như sợ Trump đánh
đổi lợi ích tại Biển Đông lấy lợi ích tại Triều Tiên. Tuy một số chuyên gia cho
rằng khả năng Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi là rất thấp vì bối cảnh hiện nay khác trước,
nhưng tâm trạng bất an và lo ngại vẫn là một rào cản tâm lý khi hai nước muốn
nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Người ta cho rằng Peter Navarro có vai trò quan trọng nhất đằng
sau quyết định của Trump tăng thuế thép (25%) và nhôm (10%) chủ yếu nhắm vào
Trung Quốc, bất chấp phản đối của nhiều người, trong đó có cố vấn chủ chốt của
Trump về kinh tế là Gary Cohn (vừa từ chức). Navarro là cố vấn chủ chốt của
Trump về thương mại, có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và là tác giả
cuốn sách “Chết do Trung Quốc” (Death by China, Peter Navarro, Prentice Hall,
2011). Gần đây, Peter Navarro được Trump sủng ái nâng cấp cao hơn vì hợp với Tổng
thống. Navarro đã thuyết phục được Trump đánh thuế cao và áp dụng một số chế
tài chống Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép các công ty Mỹ chuyển
giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, và ngăn chặn các công ty Trung Quốc
mua lại các công ty của Mỹ.
Triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng tăng thì mâu
thuẫn nội bộ trong chính quyền Trump càng sâu sắc. Các cố vấn chủ chốt của
Trump về thương mại và kinh tế đang chia thành hai phe tranh cãi kịch liệt,
không ai chịu ai (như “chaos”). Phe thứ nhất gồm Steven Mnuchin (Bộ trưởng Tài
chính) và Larry Kudlow (Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia). Phe thứ hai gồm
Robert Lighthizer (đại diện thương mại), Peter Navarro (Giám đốc Hội đồng
Thương mại Quốc gia), và Wilbur Ross (Bộ trưởng Thương mại). Nhưng nguy hiểm
hơn là Trump không thèm nghe các cố vấn nữa, mà tự ý mình quyết, đôi khi không
cân nhắc kỹ. Nếu sai, Trump càng ngoan cố (doubles down) và không bao giờ nhận
lỗi. (Inside the chaos of Donald Trumps trade wars, Demetri Sevastopulo &
Sam Fleming, Financial Times, June 8, 2018).
Nhiều người lo ngại quyết định của Trump thay Ngoại trưởng
Rex Tillerson bằng Mike Pompeo (cựu Giám đốc CIA) có thể ảnh hưởng tới chính
sách của Mỹ tại Biển Đông. Đúng là Tillerson có kinh nghiệm đối phó với Trung
Quốc (và Nga), có quan điểm cứng rắn tại Biển Đông, liên quan đến lợi ích dầu
khí của ExxonMobil (như dự án Cá Voi Xanh). Nhưng vai trò Ngoại trưởng của
Tillerson (và Bộ Ngoại giao) trong chính quyền Trump khá yếu (gần như bị vô hiệu
hóa). Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì Tillerson không hợp với Trump, nên vai
trò yếu hơn so với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Đó là một đặc điểm của
chính quyền Trump mà một số chính khách như Thủ tướng Nhật Abe đã nắm bắt và vận
dụng hiệu quả.
Tuy James Mattis (và Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn hơn,
nhưng vai trò của Ngoại trưởng mới Mike Pompeo (và Bộ Ngoại giao) chắc sẽ quan
trọng hơn, vì Pompeo hợp với Trump hơn là Tillerson. Việc Trump cử Pompeo đi
Bình Nhưỡng (trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Ngoại trưởng) là một chỉ dấu.
Nay chính quyền Trump đã công bố chiến lược mới (NDS) và tầm nhìn Indo-Pacific,
nên muốn triển khai chiến lược mới, Nhà Trắng chắc sẽ cần đến vai trò không thể
thiếu của Bộ Ngoại giao. Một khi đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều trở thành hiện thực,
vai trò trung gian của Nam Hàn tăng lên, thì vai trò của Trung Quốc chắc sẽ giảm
đi, vì vậy lập trường của Mỹ tại Biển Đông chắc sẽ cứng rắn hơn. Tuy bán đảo
Triều Tiên vẫn còn nguy hiểm với nhiều ẩn số, nhưng Biển Đông chắc nguy hiểm
hơn vì đây mới chính là tâm điểm của cuộc đối đầu Trung-Mỹ để giành vị trí bá
quyền khu vực trong thế kỷ 21 này.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét