Bối cảnh
Ngày 10 tháng Sáu năm 2018 là khởi điểm cho một trang sử đấu tranh của toàn dân tộc. Lần đầu tiên, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân chúng cả nước đã đồng loạt xuống đường biểu tình để phản đối việc Quốc hội thông qua dự luật An ninh Mạng và Các Đặc khu. Có nhiều lý giải về các tác hại của hai dự luật này, mà lời tuyên bố của Bà Nguyễn Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội: “Bộ Chính trị đã quyết rồi. Bây giờ Quốc Hội phải bàn để ra luật”.
Vì sao mà dân chúng lên tiếng nói? Họ không chịu mất nước và mất tự do ngôn luận. Bộ Chính trị và Quốc hội đã vi phạm hai quyền hiến định của toàn dân về vẹn toàn lãnh thổ và tự do ngôn luận. Để phản đối hai hành vi vi hiến này, toàn dân đã biểu tình, đó cũng là một quyền hiến định.
Nguyên nhân
Độc tôn Đảng quyền, vi phạm quyền dân tộc tự quyết của toàn dân, thiếu kỹ năng hoạch định chính sách của chính quyền và kỹ năng lập pháp của Quốc hội là các lý giải chính.
Độc tôn Đảng quyền
Mục tiêu của Hiến pháp là đề ra một khuôn mẫu quy phạm về tổ chức chung cho toàn xã hội và thể hiện ý chí chung sống của người dân với chính quyền. Nhưng thực tế cho thấy là Hiến pháp Việt Nam chỉ thể hiện ý muốn chính trị và sao chép lại những đường lối của Đảng để dân chúng tuân thủ.
Điều 4 Hiến pháp 2013 có quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, điều kiện để có hiệu lực hợp hiến và hợp pháp là mọi hoạt động của Đảng phải nằm trong khuổn khổ của Hiến pháp và luật pháp. Vì không có luật qui định, nên Đảng không bị ràng buộc và chịu trách nhiệm pháp luật: tất cả các Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng là toàn diện, tuyệt đối, nhưng đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp và luật pháp.
Nghị Quyết của Bộ Chính trị về Các Đặc khu mà ông Đinh Thế Huynh đã ký Kết luận số 21-TB-TW ngày 22 tháng Ba năm 2017: “Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh” là nằm trong trường hợp mà Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã viện dẫn. Đặc biệt nhất là Bộ Chính trị còn “giao cho Đảng đoàn Quốc hội xem xét thông qua“.
Hiến pháp 2013 không có một điều khoản nào quy định về thẩm quyền hiến định của Bộ Chính trị. Cho đến nay, các đạo luật do Quốc hội ban hành cũng không đề cập đến quyền của Bộ Chính trị. Do đó, Bộ Chính trị không có quyền về quy hoạch lãnh thổ.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên có vấn đề về quy hoạch lãnh thổ, các dự án Bauxite tại Tây Nguyên, khu kinh tế gang thép Vũng Áng, dự án Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội và Chân Mây với các hậu quả tương tự đã có trước đây.
Đề ra vai trò lãnh đạo Nhà nước của Đảng trong một khuôn khổ pháp chế là một nhu cầu khách quan thời đại mà Quốc hội cần ban hành để toàn dân biết giới hạn pháp luật của Đảng. Nhưng độc tôn Đảng quyền là chuyện mọi người phải đương nhiên chấp nhận và cho Đảng là một đặc thù của Việt Nam do lịch sử đấu tranh của Đảng để lại. Thực tế sinh động hiện nay cho thấy là Đảng đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử này từ lâu.
Vi phạm thẩm quyền lập hiến
Các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, tuyên chiến hay nghị hoà, tổ chức bộ máy nhà nước và tôn trọng các dân quyền và nhân quyền là các quyền cơ bản do toàn dân quyết định. Toàn dân ủy nhiệm cho quốc hội lập hiến soạn thảo và sau đó đồng thuận Hiến pháp qua hình thức trưng cầu dân ý hay phúc quyết.
Quốc hội Việt Nam là một cơ chế Đảng cử dân bầu, một đặc thù không như các Quốc hội khác trên thế giới. Điều 69 Hiến pháp 2013 đã không phân biệt thẩm quyền lập hiến và lập pháp của Quốc hội. Một mặt, Hiến pháp xác định thẩm quyền lập hiến là chủ quyền của nhân dân, mặt khác lại đề cao vai trò tối thượng của Quốc hội, không phân định rõ hai phạm vi là một nghịch lý. Tất cả quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân và Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nhưng người dân không thể thực hiện quyền này trong thực tế, vì người dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Do đó, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp.
Vì Hiến pháp đề cao chủ quyền của nhân dân, nhưng lại không minh thị thẩm quyền phúc quyết hiến pháp, đó là một sự thiếu nhất quán trong quy định quyền lực của nhân dân. Hiến pháp mặc nhiên không phát huy đúng mức quyền làm chủ của nhân dân vì cho phép Quốc hội không thực hiện trưng cầu dân ý, đó là một lỗi hệ thống.
Việt Nam không có Toà Bảo Hiến để xét xử là Kết luận số 21-TB-TW ngày 22 tháng Ba năm 2017 của Đảng về các Đặc khu có vi hiến không. Quyền giải thích luật pháp thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một cơ chế kiểm tra nhưng không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống luật pháp, nhưng trình độ chuyên nghiệp của các Đại biểu còn là vấn đề.
Kỹ năng hoạch định chính sách của chính quyền
Khi soạn thảo đề án cho chính quyền, các chuyên gia hoạch định chính sách các Đặc khu cho thấy có nhiều vấn đề về kỹ năng cần được thảo luận nghiêm túc hơn.
Khái niệm
Đặc khu Hành chính là một khái niệm cổ điển thuộc khoa học hành chính công quyền, nhằm bảo đảm đặc quyền tự trị cho các cơ quan hành chính điạ phương, giúp cho người dân tự quản các sắc thái truyền thống, mà không cần cơ quan trung ương can thiệp. Xã thôn tự trị theo tinh thần phép vua thua lệ làng là một đặc sắc của dân tộc Việt.
Đặc khu Kinh tế là một một khái niệm quen thuộc trong các sách giáo khoa về phát triển kinh tế cho các nước đang mở mang, nhằm tạo ra những khu chế biến các sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu. Với các biện pháp thuế quan ưu đãi, nhân công có mức lương thấp, các cơ sở hạ tầng thuận lợi cho tồn trữ, chuyển vận hàng hải và hàng không, Đặc khu Kinh tế tạo thu hút cho giới đầu tư quốc tế và làm tăng nguồn thu ngoại tệ đang còn khan hiếm. Khu vực này hoạt động biệt lập với cơ cấu nền kinh tế nội địa còn đang khép kín vì trình độ canh tân kỹ thuật còn tụt hậu.
Ngược lại, mục tiêu của Luật Đặc khu Hành chính và Kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là giao trọn quyền quy hoạch lãnh thổ cho chính quyền cấp tỉnh, nhưng tầm vóc các quyết định này lại có ảnh hưởng cho các vấn đề chiến lược an ninh, quốc phòng, nhân dụng và đối ngoại cho cả nước.
Thực tế cho thấy là trình độ lao động của dân địa phương các đặc khu còn thô sơ, khu vực kinh tế là cá thể, năng suất lao động thấp, đó không phải là các yếu tố thu hút cho giới đầu tư quốc tế đến các đặc khu để thiết lập các khu vực công nghệ cao, du lịch và sòng bạc. Do tụt hậu giáo dục, người dân địa phương sẽ không có kỹ năng và cơ hội được thu dụng tại các khu vực hiện đại hay quốc tế. Thiết lập các địa điểm dành cho người nước ngoài là không đáp ứng cho các nhu cầu phát triển địa phương, nhưng tạo môi trường kinh doanh bất động sản cho giới lãnh đạo cấu kết với tài phiệt trục lợi.
Do đó, không quan tâm đến yếu tố khống chế chính trị và lũng đoạn tài chính do Trung Quốc gây ra, chỉ lo tập trung đầu tư bất chính mà có tác hại về an ninh lãnh thổ, hoạch định chính sách các Đặc khu là một sai lầm nghiêm trọng về mặt khái niệm cơ bản.
Đồng thuận của dân chúng
Thiết lập các Đặc khu thể hiện quyết tâm duy ý chí chính trị của Đảng mà Đề án Bắc Vân Phong là một thí dụ điển hình (trang 31 của Đề án), vì tinh thần đồng thuận của dân chúng mà các chuyên gia đề cập trong đề án là vô căn cứ.
“Trước cơ hội phát triển mới của huyện Vạn Ninh, người dân trên địa bàn đã đồng thuận hưởng ứng và sẳn sàng phối hợp với chính quyền để xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, tạo ra buớc ngoặc mới cho sự phát triển của khu vực này(trang 31- 32 của Đề án).
Không tham khảo ý kiến của người dân và các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trước khi tiến hành dự án, lại xác quyết tinh thần đồng thuận không có cơ sở, đề án là sự áp đặt không dân chủ. Ngày 10 tháng Sáu năm 2018 người dân Nha Trang đã biểu tình phản đối là một chứng minh ngược lại.
Bối cảnh quốc tế
Bối cảnh quốc tế được các chuyên gia mô tả là thuận lợi cho việc thiết lập các Đặc khu: “Hiện nay, thế giới đang có xu hướng xây dựng các đặc khu kinh tế và phát triển mô hình hợp tác công tư, nhiều quốc gia xem phát triển đặc khu kinh tế là động lực mạnh mẻ thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập …“ (trang 22)
Thực tế ngược lại. Tác lực chính của sự thay đổi bối cảnh này là Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong năm năm qua, Trung Quốc đã mở rộng lãnh hải quốc tế bằng cách xây các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, ép buộc Việt Nam ngưng khai thác dầu khí ở vùng Bải Tư chính mà Việt Nam kiểm soát theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Việt Nam phải hai lần bỏ dở một dự án giao do Công ty Repsol Tây Ban Nha khai thác và bồi thường thiệt hại.
Sau khi quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông để tạo là một sự kiện đã rồi đối với thế giới, Trung Quốc chuyển sang hướng Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã lập một căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, chiếm cảng chính của Djibouti và sẽ mở một căn cứ hải quân mới thuộc cảng Gwadar ở cạnh biên giới Pakistan. Trung Quốc đã thuê một số hòn đảo còn tranh chấp ở Maledives, nơi tập trung xây dựng một đài quan sát hàng hải. Đài này cho phép Trung Quốc huy động các tàu ngầm tấn công bằng vũ khí hạch tâm tại Ấn Độ Dương.
Trung Quốc cũng dùng tiền để lũng đoạn nội tình của Úc và Tân Tây Lan, và tạo ảnh hưởng như đã làm tại Việt Nam. Việc mua chuộc Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb xảy ra trong thầm lặng, mà về sau truyền thông mới phát hiện. Tháng 10 năm 2015 Úc đã cho Trung Quốc thuê Cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu Úc Kim. Đây là một vị thế chiến lược gần phi trường quân sự, căn cứ của Mỹ và Úc để tiến về Biển Đông. Một thất bại nặng nề cho Úc.
Vì tập trung về ba vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên và Iran, Hoa Kỳ đã làm ngơ trước sự tấn công của Trung Quốc về quyền tự do trên biển, bao gồm cả hạn chế quyền của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra, ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ có ý nghĩa chiến lược đối với các cuộc hành quân ngăn chặn, nó sẽ thành các tiền trạm cho Trung Quốc.
Tóm lại, Trung Quốc đã biến đổi quan cảnh chiến lược của khu vực và đang cố thủ trước những lợi thế này. Vô hình chung, Việt Nam giúp trực tiếp cho Trung Quốc lãnh đạo bá quyền độc đoán trong trật tự khu vực.
Kinh nghiệm quốc tế
Đề án Bắc Vân Phong có đề cập đến các kinh nghiệm thành công (trang 18), nhưng không phân tích các chi tiết. Thực tế là từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 cho đến nay, tình hình toàn cầu hóa thay đổi triệt để, nên các thành công trong việc thiết lập các đặc khu không còn được xem là tương tự mà Việt Nam có thể áp dụng.
Cụ thể là các Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, San Đầu, Hạ Môn và Chu Hải được thành lập vào thời điểm thuận lợi của trào lưu toàn cầu hóa và công nghiệp hóa. Nhờ thế, qua chủ trương xuất khẩu, Trung Quốc tận dụng các lợi thế tương đối trong luật mậu dịch quốc tế.
Mô hình Dubai không thể so sánh với nội tình của Việt Nam hiện nay. Chính quyền Dubai hoàn toàn chủ động trong việc hoạch định chính sách. Nhờ khả năng tài trợ dồi dào của các nước thuộc khối Á Rập, Dubai không bị khống chế chính trị như Trung Quốc đối với Việt Nam.
Lợi thế của Singapore là không thuần về mô hình phát triển địa lý mà còn là một chính quyền mạnh nhưng trong sạch, một đặc thù về thể chế mà Việt Nam không có.
Thành công của hai Đặc khu Incheon và Jechu (Hàn Quốc) có vai trò đóng góp của khối nhân lực, môt lợi thế về nhân dụng của Hàn Quốc mà Việt Nam chưa quan tâm xây dựng kỹ năng.
Do đó, để bổ sung cho nội dung đề án được hoàn chỉnh hơn, các chuyên gia cần so sánh trong chi tiết về các kinh nghiệm quốc tế để phát triển các Đặc khu thành công.
Ngoài ra, đề án có đề cập đến các kinh nghiệm thất bại (trang 20), nhưng thiếu cập nhật kiến thức qua các đề án trước đây do chính Việt Nam gây ra. Việt Nam cần học tập về các tác hại của các dự án Bauxite, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây để kết kuận khách quan hơn, nhưng đề án chỉ mô tả các nguyên nhân thất bại của các Đặc khu quốc tế là:
“… thiếu quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao, thiếu khát vọng và nhiệt huyết của chính quyền và nhân dân nơi xác định xây dựng đặc khu kinh tế, vị trí lựa chon không đúng, xác định phát triển ngành nghề chưa thực sự phù hợp với tiềm năng, không có luật riêng, thiếu cơ chế… (trang 20), thiếu sự hỗ trợ của chính phủ để đầu tư phát triên hạ tầng, tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh chồng chéo, quy trình thủ tục thiếu minh bạch, năng lực quản lý kém dể xảy ra tiêu cực tham nhũng …“ (trang 21)
Không nêu lên được các kinh nghiệm thất bại cụ thể của một Đặc khu nào, các chuyên gia lập luận chung theo những sáo ngữ quen thuộc và đúng cho sự thất bại của toàn nền kinh tế Việt Nam. Với 325 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu và 3 khu công nghệ cao, Việt Nam có đủ kinh nghiệm về các loại thất bại và cần rút tỉa kinh nghiệm cho việc hoạch định các đặc khu, một việc học tập mà các chuyên gia đã không làm nghiêm túc.
Gần đây, truyền thông quốc tế đã mô tả chi tiết các thất bại của các Đặc Khu Boten (Lào) và Sihanoukville (Kampuchea) do Trung Quốc gây ra. Hơn nữa, Đặc khu Koh Kong (Kampuchea) với 45.000 ha sẽ cùng chung số phận như tại Sri Lanka. Bẫy nợ do Trung Quốc giăng ra làm cho Sri Lanka sa lưới và phải giao hải cảng Hanbantota với 15.000 mẫu đất chung quanh cho Trung Quốc sử dụng trong thời hạn 99 năm; đó là một tiến trình hỗ trợ cho dự án một vành đai, một con đường thành công. Vị thế chiến lược của Ấn độ vì thế mà suy yếu hơn. Các thảm hoạ này không được các chuyên gia thảo luận trong đề án, đó là một sai lầm khi hoạch định.
Tóm lại, các vấn đề về khái niệm, thủ tục tham khảo, bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế cần bổ sung cho phù hợp với tầm quan trọng của đề án. Điều này chứng tỏ là các chuyên gia đã không có kỹ năng hoạch định đề án, nhưng tệ hai hơn lại là kỹ năng lập pháp của Quốc hội.
Tiếp theo phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét