Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

6871 - Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường trong trò chơi quyền lực mới (Phần 3)

Nguyễn Quang Dy

Phần 3: ASEAN đang ở đâu

Tại khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang bị phân hóa (polarized) và lâm vào một cuộc khủng hoảng thể chế (như “midlife crisis”). ASEAN đang trôi dạt (drifting) trên Biển Đông giữa hai dòng hải lưu lớn là trật tự cũ của Mỹ (đang bị suy thoái và mất uy tín) và trật tự mới của Trung Quốc (đang hình thành và đáng sợ hơn). Trong khi Trung Quốc triển khai chiến lược lớn “Một vành đai, Một con đường”, và quân sự hóa các đảo họ chiêm giữ, thì Mỹ bị động đối phó bằng biện pháp tuần tra FONOPs (như “tiếng kèn ngập ngừng”) không đủ sức răn đe Trung Quốc. Trong khi Trump rút khỏi TPP, làm vai trò của Mỹ tại khu vực này càng suy giảm, thì Trung Quốc phân hóa làm vô hiệu hóa ASEAN, và tăng cường kiểm soát Biển Đông (như cái ao của mình). Trong khi đó, tầm nhìn chiến lược mới “Indo-Pacific” chưa có thực chất. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc nhảy rock n’roll thì Mỹ vẫn đang nhảy điệu waltz.

Nghịch lý ASEAN và Biển Đông

Có lần một phó thủ tướng Thailand nói (đại ý) Thailand phát triển nhanh trong thập kỷ 1980-1990 vì đã tranh thủ được Nhật đang mạnh, sẵn sàng đầu tư vào Thailand, trong khi Việt Nam lúc đó vẫn chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam sẵn sàng hợp tác thì đáng tiếc là kinh tế Nhật lại bị ốm yếu (sau khủng hoảng tài chính 1997). Nhận xét đó đã vô hình trung phản ảnh một thực tế là trong lịch sử, Việt Nam thường “nhỡ tàu” nên đã bỏ qua nhiều cơ hội. Sau 1975 khi ASEAN muốn mời Việt Nam vào ASEAN thì lúc đó Việt Nam không muốn. Khi Mỹ sẵn sàng bình thường hóa với Việt Nam (1977-1978) thì Việt Nam lại chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam đánh Campuchea (12/1978) và Trung Quốc đánh Việt Nam (2/1979), phương Tây tiến hành cấm vận để cô lập Việt Nam, thì ASEAN cũng quay lưng lại với Viêt Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ASEAN là một mô hình thành công về chủ nghĩa khu vực (regionalism) tại Đông Nam Á, có thể so sánh với “ngôi nhà chung” Châu Âu (EU). ASEAN được xây dựng trên tư tưởng “ZOPFAN” (Zone of Peace, Freedom and Neutrality) với nguyên tắc “đồng thuận” được sùng bái (như “Cult of Consensus”). Đồng thuận được đánh đồng với “nhất trí” (unanimity) như “điều kiện tiên quyết” cho hành động (prerequisite for action). Dù nguyên tắc đồng thuận nay được mô tả là “đồng thuận trong đa dạng” (consensus in diversity) thì nó đã trở thành “gót chân A-sin” của ASEAN, vì bất cứ nước thành viên nào cũng có thể phủ quyết làm vô hiệu hóa ASEAN. Các cường quốc khác (như Trung Quốc) chỉ cần hối lộ và xúi giục một nước thành viên nào đó (như Campuchea) là đủ tạo ra khủng hoảng, làm vô hiệu hóa tiếng nói và vai trò của ASEAN tại khu vực nhạy cảm này.

Nguyên tắc đồng thuận nhằm duy trì ổn định khu vực đang đứng trước thách thức mới, làm ASEAN trở thành nạn nhân của cái bẫy thể chế (institutionalization trap), không sẵn sàng đối phó với những thách thức mới của thế kỷ 21. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng, đe dọa trật tự thế giới và khu vực. Nếu ASEAN không muốn bị vô hiệu hóa và bị con rồng phương Bắc “bắt cóc” (hijacked), thì cách tốt nhất để duy trì vai trò khu vực và phát huy mô hình “độc đáo” của mình (nay đã bị lỗi thời), là phải triệt để cải tổ thể chế ASEAN và xem xét lại hệ quy chiếu và nguyên lý điều hành của ASEAN.

Mỗi khi Trung Quốc gây sức ép mạnh để ngăn cản ASEAN ra nghị quyết làm cản trở ý muốn của Trung Quốc dùng đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương, thì kết cục ASEAN bị vô hiệu hóa và hầu như tê liệt trước cái bóng đen của con rồng Trung Quốc mà không dám hành xử như một tổ chức độc lập vì hội nhập khu vực. Trung Quốc đang chia để trị khu vực, nhưng điều làm người ta ngạc nhiên là ASEAN đang trở thành cái khiên để che đỡ cho Trung Quốc chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Biển Đông là nơi mà tranh chấp chủ quyền đang trở thành điểm nóng về địa chính trị trong thế kỷ 21, nơi mà cạnh tranh Mỹ-Trung về các lợi ích cốt lõi dễ bùng nổ nhất. Nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra thì có lẽ nó dễ xảy ra nhất tại Biển Đông (như thuyết “cái bẫy Thucydides”).

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã ngả theo Bắc Kinh vì động cơ kinh tế. Manila không chỉ theo đuôi lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông mà còn chống lại lập trường của Mỹ và các nước đồng minh. Nếu ASEAN muốn độc lập và có vai trò như một nhân tố ổn định để đóng góp vào trật tự khu vực (chứ không phải để làm tay sai cho Trung Quốc), thì ASEAN phải từ bỏ sự “sùng bái đồng thuận”. Các nước độc lập hơn trong ASEAN (như Việt Nam, Indonesia, Singapore), cần đi đầu để tháo gỡ vấn đề này bằng sự “hợp tác tối thiểu” (minilateral cooperation) trong vấn đề an ninh khu vực.

Muốn cứu vãn tình thế hiện nay ASEAN phải mạnh dạn thay “chủ nghĩa đa phương đã đổ vỡ” (broken multilateralism) bằng “chủ nghĩa tối thiểu năng động” (dynamic minilateralism) tới khi nào ASEAN chấn chỉnh được thể chế của mình. Mỹ và đồng minh không nhất thiết phải thuyết phục tất cả các nước ASEAN mà chỉ cần hợp tác với một số nước SEAN năng động. Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần liên kết với “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia vừa diễn ra tại Sydney (March 18, 2018), Việt Nam và Úc đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược” trong khi Indonesia mời Úc tham gia ASEAN như một thành viên mới (ASEAN-11). Điều này chứng tỏ xu hướng tìm giải pháp để cứu vãn tình thế hiện nay nhằm ngăn chặn đà suy thoái đang làm ASEAN mất vai trò (a downward spiral of irrelevance). (ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian, National Interest, March 15, 2018).

Một vấn đề khác ASEAN cần tránh ngộ nhận để không mắc bẫy Trung Quốc là quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) để thay thế DOC. Một chuyên gia Pháp về Biển Đông (tướng Daniel Schaeffer) đã từng cảnh báo về mưu mô của Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC và nguy cơ các nước ASEAN có thể phải đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết nhưng không loại bỏ được “Đường lưỡi bò”. Nếu ASEAN không vô hiệu hóa được “đường lưỡi bò” mà đã vội vàng thông qua COC có tính ràng buộc pháp lý, thì sẽ là một sai lầm lớn rất nguy hiểm, vì ASEAN sẽ trao cho Trung Quốc một thứ vũ khí có thể chống lại các nước ASEAN trong các tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai. (The Code of Conduct of in the South China Sea: a tremendous mistake, Daniel Schaeffer, August 17, 2017).

Theo tướng Schaeffer, vụ khủng hoảng Cá Rồng Đỏ là khởi đầu cho chiến lược xâm lược của Trung Quốc. Viêt Nam và Repsol phải dừng hai dự án Cá kiếm Nâu (lô 136-03) và Cá Rồng Đỏ (lô 07-03) trong vòng một năm do sức ép trắng trợn của Trung Quốc. Schaeffer đề xuất ba giải pháp. Thứ nhất là phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, dựa trên phán quyết của PCA, và đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc (cho đến nay vẫn im lặng). Thứ hai là phải quốc tế hóa tuần tra Biển Đông (FONOP) bằng cách vận động nhiều nước tham gia, để đảm bảo tự do giao thương quốc tế. Thứ ba là phải đa phương hóa việc hợp tác khai thác dầu khí (kể cả với Trung Quốc). (Việt Nam nên hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc, BBC, 29/3/2018).

Theo Bill Hayton (BBC) vào năm 1936, ông Bạch Mi Sơ là người sáng lập ra Hiệp hội Địa lý Trung Quốc, đã dùng các thông tin của Ủy ban Nghiên cứu Bản đồ Lãnh thổ và Lãnh hải của Trung Quốc để xuất bản tập bản đồ Trung Quốc mà ông biên soạn là “Trung Hoa Kiến thiết Tân đồ”. Ủy Ban này đã nhầm lẫn chữ “bank” (bãi ngầm) và “shoal” (bãi nông) nên đều dịch thành chữ “than” (bãi cát). Ủy Ban này đã đặt tên cho James Shoal bằng cái tên “Tằng Mỗ Than” và Vanguard Bank bằng cái tên “Tiền Vệ Than”. Do Ủy Ban này biên dịch nhầm lẫn và do Bạch Mi Sơ hiểu sai nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ông đã vẽ James Shoal và Vanguard Bank thành các đảo. Bạch Mi Sơ còn vẽ thêm đường chữ U ở Biển Đông, với điểm xa nhất phía nam là James Shoal, và điểm xa nhất phía tây nam là Vanguard Bank. Trung Quốc đã hồ đồ tuyên bố hai điểm đó là giới hạn chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông…

Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Bill Hayton đã đi đến kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã xuất hiện và phát sinh từ việc biên dịch sai và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930. Hayton khẳng định tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là kết quả của một loạt những sai lầm trong quá khứ do trình độ ngôn ngữ và học thuật (nếu người ta hiểu được sự kỳ quặc này của lịch sử). Nhưng điều trớ trêu là sau đó Trung Quốc đã vờ như không biết và tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá và bãi ngầm mà họ chiếm là “có tính lịch sử và logic, không thể tranh cãi”. (The Modern Origins of China's South China Sea Claims: Maps, Misunderstandings, and the Maritime Geobody, Bill Hayton, Modern China, April 2018).

Theo BBC và Reuters (23/3/2018), Repsol đã phải dừng dự án dầu khí tại lô 07-03 “Cá Rồng Đỏ” (Red Emperor) theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, mặc dù trước đó chưa đầy một tháng tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã tới thăm cảng Đà Nẵng. Năm ngoái (7/2017) Repsol đã phải ngừng khoan tại lô 136-03 “Cá Kiếm Nâu” (Brown Gladius) tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) do Trung Quốc đe dọa tấn công Trường Sa. Theo Greg Poling (CSIS/AMTI) trong vòng một năm, Repsol đã phải hai lần dừng dự án vì sức ép của Trung Quốc, do đó có thể mất 240 triệu USD đã đầu tư vào việc thăm dò cho hai dự án nói trên. “Điều này có thể làm hỏng nhiều kế hoạch thăm dò ngoài khơi của Việt Nam. Không giống bất cứ nước nào khác trên thế giới, Việt Nam không thể dễ dàng có chủ quyền khai thác các nguồn dầu khí trên biển một cách độc lập”. Greg Polling nói với VOA (14/4/2018) “Tôi không biết Việt Nam sẽ tiếp tục thế nào với các dự án thăm dò ngoài khơi bởi vì không có công ty nước ngoài nào sẽ muốn đầu tư vào bất kỳ một dự án ngoài khơi nào của Việt Nam trên biển Đông nữa”. 

Theo Bill Hayton (Chatham House) “Mặc dù đã chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí và mời tàu sân bay Mỹ đến thăm, Việt Nam vẫn chưa có khả năng răn đe để chống Trung Quốc”. Bằng cách chịu thua Trung Quốc, không dám khoan dầu trong vùng biển của mình, chứng tỏ Việt Nam thiếu khả năng răn đe hiệu quả bằng hải quân. Ngay cả chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng trước khi Repsol khoan dầu tại lô 07-03, cũng không làm cho Việt Nam đủ tự tin trước đe dọa của Trung Quốc…Có lẽ Bắc Kinh biết chắc Hà Nội không dám theo Mỹ chỉ vì mất nguồn dầu khí. (Chinas intimidation in the South China Sea poses an economic threat to Vietnam, Bill Hayton, East Asia Forum, April 25, 2018).

Alexander Vuving (Daniel Inouye center, Hawaii) cũng cho rằng “Việc dừng dự án Cá Rồng Đỏ rõ ràng đã gửi đi một thông điệp ớn lạnh tới các công ty dầu khí muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam”. Vì vậy, Việt Nam đang lúng lúng trong việc “làm thế nào để tiến lên phía trước.”  Theo Vuving, Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc Việt Nam phải trì hoãn dự án khai thác khí đốt với tập đoàn ExxonMobil (của Mỹ). Việt Nam đang xem xét rút lại một hợp đồng thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ USD với tập đoàn ExxonMobil ở ngoài khơi bờ biển Miền Trung (dự án “Cá Voi Xanh”). Theo PVN (3/4/2018) “những diễn biến phức tạp trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn”. PVN cũng cảnh báo “việc suy giảm sản lượng khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2018 dự báo còn diễn biến bất lợi, khó lường”. (Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam, VOA, April 14, 2018).   

Có thể nói Trung Quốc đã bất chấp luật quốc tế, cưỡng ép Việt Nam từ bỏ quyền khai thác tài nguyên dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Diễn biến mới này cho thấy vai trò của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh khu vực là không hiệu quả. Việt Nam là nước đi đầu trong ASEAN về đấu tranh cho chủ quyền của mình tại Biển Đông, nhưng ngày càng đơn độc. Trong khi Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt và đẩy vào góc tường thì Mỹ bất lực, chứng tỏ Mỹ không bảo vệ được những giá trị mà họ vẫn tuyên bố về an ninh khu vực. (Emptiness of US rhetoric has been exposed by China bringing Vietnam to heel, SCMP, April 15, 2018).

Tại Biển Đông, Trung Quốc vẫn tăng cường quân sự hóa, triển khai những loại vũ khí mới, kể cả “tên lửa diệt mẫu hạm” (carrier-killer missiles). Nhưng tham vọng của Bắc Kinh tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với Trung Quốc, có thể làm dấy lên một làn sóng chống đối mạnh mẽ trên khắp thế giới (triggering an international resistance) mà lãnh đạo Trung Quốc trước đó cố tránh. Phải chăng Tập Cận Bình đang sa vào cái bẫy mà Đặng Tiểu Bình đã từng cảnh báo? Theo quy luật địa chính trị (basic geopolitical logic), các nước khác sẽ tập hợp lại chống lại Trung Quốc, như một làn sóng phản kháng (backlash) nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, và kết cục sẽ rất xấu cho Trung Quốc vì Tập Cận Bình vung tay quá trán (this approach could also end badly for China, because Xi may be overplaying his country’s hand). (Xi May Scare Asia Back Into Washingtons Orbit, Hal Brands, Bloomberg, March 4, 2018).

Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã thắng thế và bây giờ chỉ còn theo dõi xem sắp tới họ thắng đến đâu mà thôi. Tại Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ và đồng minh đang ở thế bị động đối phó, vừa yếu vừa chậm (too little too late). Từ một nước gần như “không có gì” tại Biển Đông, nay Trung quốc đã có chỗ đứng khá vững chắc để kiểm soát vùng biển này như cái ao của họ, bất chấp phán quyết của PCA. Cả thế giới lúng túng đối phó như “sự việc đã rồi” (fait accompli) mà Mỹ và đồng minh không đảo ngược được. Để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc phải giữ hòa khí với Mỹ, nên trước mắt họ phải sử dụng chiến thuật “vừa đánh vừa xoa”. Người Trung Quốc đã biết thóp cá tính của Trump nên họ không ngần ngại thí tốt để làm vừa lòng Tổng thống Mỹ, làm cho người Mỹ cuối cùng phải đi vào quỹ đạo của họ (như cờ vây). Đây là cuộc chiến không cân sức mà Trung Quốc nắm chắc phần thắng, vì họ biết tận dụng triệt để những điểm yếu mà các nước có thể chế dân chủ tạo ra cho mình. Trong khi Trumpism đang làm phân hóa nước Mỹ thì Brexitism đang hủy hoại đoàn kết Châu Âu. Hiện nay thể chế độc tài có lợi thế vượt trội so với thể chế dân chủ, tạo ra sự bất ổn trên khắp lục địa Á-Âu (Eurasia's Coming Anarchy, Robert Kaplan, Foreign Affairs, March/April 2016).

Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông có thể xảy ra, và Trung Quốc có thể thắng một cuộc chiến tại Biển Đông bằng “chiến tranh nhân dân trên biển” (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia quân sự tại Washington và Hà Nội không nên coi thường phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) chỉ là “dọa dẫm” (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng “phòng ngự tích cực” (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể huy động lực lượng hỗn hợp để hợp đồng tác chiến, đối phó với Mỹ và đồng minh. Các tư lệnh Mỹ và đồng minh cần nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018).

Theo New York Times, biến động chính trị tại Kuala Lumpur sau cuộc bầu cử lịch sử (9/5/2018) là “động đất chính trị” (political earthquake).  Cách đây chỉ vài tháng chắc không ai ngờ Najib Razak và liên minh cầm quyền (Barisan Nasional) sẽ thất bại, mặc dù ông Najib bị dư luận cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD. Kết cục đến quá bất ngờ làm phe đối lập cũng bị “choáng”. Cử tri đã đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục (14,5 triệu) và liên minh đối lập (Pakatan Harapan) do ông Mahathir cầm đầu đã thắng (giành được 113/222 ghế), trong khi liên minh cầm quyền (Barisan Nasional) do Najib Razak cầm đầu đã thua (giành được có 79 ghế). Ông Mahathir trở lại cầm quyền ở tuổi 92, là nguyên thủ quốc gia được bầu “già nhất thế giới”. (Understanding Malaysia’s Political Earthquake, Angie Chan, NYT, May 17, 2018).

Nếu ông Mahathir nhường quyền “giữa kỳ” cho ông Anwar (như cam kết) để cải tổ thể chế và biến Malaysia thành một nước dân chủ và phát triển, ông sẽ đi vào lịch sử vì đã có công hai lần dẫn dắt đất nước cải cách (cả vòng một và vòng hai). Không những vậy, ông còn có thể xóa được tiếng xấu “chuyên quyền” (autocracy) trong nhiệm kỳ trước. Nhưng nếu ông Mahathir không làm được điều đó, ông Anwar và đảng của ông ấy chắc sẽ không chấp nhận, và đất nước đa sắc tộc này có thể bị phân hóa, trở thành miếng mồi ngon để Hồi giáo hay Trung Quốc thao túng. Trong khi ông Anwar sẵn sàng thúc đẩy dân chủ hóa và hiện đại hóa, có nhiều khả năng ông Mahathir sẽ trở lại chính sách “hướng Đông” (Look East) phù hợp với tầm nhìn khu vực Indo-Pacific hiện nay, và vai trò mới của Nhật trong nhóm “Tứ Cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam và Malaysia có nhiều khả năng sẽ tốt hơn trước, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và vai trò khu vực của ASEAN. 

Từ Asia-Pacific đến Indo-Pacific

Một năm tuy quá ít để thay đổi trật tự thế giới, nhưng quá đủ để Mỹ-Trung điều chính chiến lược, tác động đến cục diện thế giới, nhất là khu vực Biển Đông. Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 (và “hậu Đại hội”) là một bước ngoặt lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với thế giới,  đặc biệt là đối với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên khi Trump đến thăm Việt Nam dự họp cấp cao APEC Đà Nẵng (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và nhấn mạnh vai trò của “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thỏa thuận về Kế hoạch Hành Động Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Việt (2018-2020). Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã đến thăm Việt Nam (24-26/1/2018) sau khi công bố chiến lược quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”. Sau đó USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) trong chuyến thăm lịch sử đầy ý nghĩa.

Gần đây, sau cuộc tập trận lớn nhất tại Biển Đông (11-13/4), Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom chiến lược (H-6K) có thể mang vũ khí hạt nhân và có tầm hoạt động trên 1.000 dặm tại Hoàng Sa, hệ thống gây nhiễu điện từ (jamming devices ) và các loại tên lửa tầm xa như SAM “HQ-9B” (200km) và ASCM “YJ-12B” (300km) tại các đảo Trường Sa, làm thay đổi cơ bản cán cân chiến lược tại Biển Đông. Bất chấp phản đối của các nước khu vực cũng như của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đang làm gia tăng đáng kể khả năng xung đột vũ trang trong khu vực. Nói cách khác, đã đến lúc Trung Quốc có khả năng áp đặt tại Biển Đông một “khu vực nhân diện phòng không” (ADIZ) và khu vực “chống xâm nhập” (A2/AD) để gạt hải quân Mỹ ra khỏi khu vực này, biến Biển Đông thành cái ao riêng của họ.

Trong buổi điều trần tại Tiểu ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (24/4), sau vụ tàu chiến Úc và Trung Quốc chạm trán tại Biển Đông (19/4), Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Pacom) nói, “Tóm lại, hiện nay Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, chỉ thiếu tranh với Mỹ”…Nếu được phê chuẩn, ông sẽ “điều chỉnh” Pacom phù hợp với chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Davidson nêu hai quan điểm mới về sử dụng lực lượng. Thứ nhất là “sử dụng lực lượng năng động” (dynamic force employment), thứ hai là “mô hình hoạt động toàn cầu” (global operating model) chú trọng xung đột trong “vùng xám” (gray zone). Theo Davidson, hai quan điểm trên sẽ chỉ đạo việc sử dụng lực lượng để đối phó với Trung Quốc. Các lực lượng chính bao gồm vũ khí hạt nhân, chiến tranh mạng và vũ trụ, hệ điều hành 3C tiên tiến, cơ động chiến lược, lực lượng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt…Bộ chỉ huy Pacom phải duy trì một hệ thống đủ mạnh (a robust blunt layer) để răn đe hiệu quả trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc tại Indo-Pacific…Để răn đe ý đồ bành trướng và xâm lược của Trung Quốc, dù ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, hay eo biển Đài Loan, Davidson hứa sẽ thường xuyên đánh giá lại bức tranh quốc phòng Châu Á. (US admiral outlines new military buildup to counter China, Bill Gertz, Asia Times, April 24, 2018).

Tuy khu vực hoan nghênh tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, nhưng hiện nay mới chỉ có  mục tiêu mà chưa có chiến lược và kế hoạch triển khai, chưa có nguồn lực và ngân sách, chưa có sự đồng thuận cần phải làm gì. Chính quyền Trump nói sẽ sớm có chi tiết về chiến lược Châu Á, nhưng điều đó không làm yên lòng các nước khu vực, vốn nghi ngờ uy tín và độ tin cậy của Mỹ. Diễn văn của bộ trưởng quốc phòng James Mattis tại Shangri-la (June 2, 2018) có vẻ thuyết phục, nhưng vẫn có một khoảng cách lớn giữa lời hứa và thực tế. Chính quyền Trump chưa làm được gì cho khu vực, mà còn rút khỏi TPP. Chính quyền Trump cũng mắc lỗi như chính quyền Obama với chính sách “xoay trục sang Châu Á”, làm tăng sự mong đợi, nhưng sau đó không đáp ứng được, làm đồng minh thất vọng và Trung quốc coi thường. (Trump’s Indo-Pacific strategy: Where’s the beef? Josh Rogin, Washington Post, June 6, 2018).

Hiện nay, Viêt Nam là tâm điểm (epicenter) trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ về an ninh khu vực, với tầm nhìn mới “Indo-Pacific”. Chiến lược này đã thổi sức sống mới vào sáng kiến đối thoại an ninh “Tứ cường” của Nhật (bao gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Việt Nam chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác. Theo các chuyên gia của viện Brookings, Viêt Nam đang tăng cường quan hệ với các nước “tứ cường” (Quad) trong bối cảnh các nước ASEAN đang bị chia rẽ về lập trường đối với sự trỗi dậy đầy bất an của Trung Quốc và những hoạt động lấn chiếm Biển Đông. (As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018).

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhât-Việt đã được khẳng định và mở rộng sau chuyến thăm Nhật chính thức của TBT Nguyễn Phú Trọng (9/2015) và chuyến thăm Việt Nam chính thức của Nhật Hoàng Akihito (28/2-5/3/2017). Trong chuyến thăm Nhật của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4-8/6/2017), hai bên đã ký Tuyên bố Chung về làm sâu sắc hơn Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt-Nhật, và nêu bật vấn đề hợp tác an ninh quốc phòng ngay trong phần đầu tuyên bố. Theo Carl Thayer, “đây là một tín hiệu đáng chú ý”. Nhật cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bằng cách cung cấp tàu tuần tra (6 chiếc năm 2014 và 6 chiếc năm 2017), huấn luyện hải quân, sau khi tàu khu trục IZUMO thăm Cam Ranh (5/2017). Theo Lê Hồng Hiệp, năm 2018 Nhật Bản dự kiến sẽ chuyển giao cho Việt Nam hai vệ tinh hiện đại và máy bay săn ngầm (anti-submarine and surveillance aircraft). Hiện nay Nhật Bản vẫn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 30 tỷ USD (năm 2016) và dự kiến sẽ tăng gấp đôi (năm 2020). Trong bối cảnh Biển Đông gần đây đang gia tăng căng thẳng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa đi thăm Nhật (28/5-2/6/2018) để vận động Nhật tăng cường viện trợ và hợp tác an ninh khu vực.

Ngoài việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật, quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ đã được tăng cường khi thủ tướng Narendra Modi đến thăm Việt Nam (năm 2016) nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là “tâm điểm” trong chiến lược “hướng đông” của Ấn Độ (từ Look East nay thành Act East). Ấn Độ đã hứa cho Việt Nam vay 500 triệu USD để mua sắm thiết bị nhằm nâng cấp năng lực quốc phòng. Ấn Độ cũng đã giúp huấn luyện thủy thủ các tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã gia hạn quyền thăm dò dầu khí cho công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (OLV) tiếp tục khoan thăm dò (tại lô 128). Tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018) chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm Ấn Độ (2-4/3/2018). Trên thực tế, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với tất cả bốn nước “Quad” trong khi duy trì quan hệ “cân bằng” với Trung Quốc. (Why March 2018 Was an Active Month in Vietnam's Balancing Against China in the South China Sea, Derek Grossman, Diplomat, March 23, 2018).

Trong khi tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Viêt Nam đang mở rộng đối tác chiến lược với Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước có thái độ nghi ngại Trung Quốc bành trướng thế lực không chỉ tại Châu Á-Thái Bình Dương mà còn tại Ấn Độ Dương. Theo Joshure Kurlantzick (CFR), trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Narendra Modi đã trao đổi về tầm quan trọng của việc hai bên tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông (giữa OVL với PVN, và có thể với bên thứ ba) “dù Trung Quốc có nói gì chăng nữa” (no matter what China says). Hai bên khẳng định cam kết ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông. Ấn Độ tiếp tục cho Việt Nam vay thêm tiền để mua sắm nhiều hơn vũ khí, và sẵn sàng bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam (cùng mấy nước khác).

Hà Nội muốn tăng cường hợp tác chiến lược với các nước “Quad” làm đối trọng với Trung Quốc, vì lo ngại cam kết chiến lược của Mỹ tại Biển Đông có duy trì lâu dài hay không. Ngoài ra, thái độ thất thường của Trump và chính sách thương mại bảo thủ (bỏ rơi TPP và đánh thuế cao) làm Hà Nội bất an. Vì vậy, Hà Nội phải tăng cường đối tác chiến lược với các nước Quad khác như Nhật Bản và Ấn Độ, vì họ muốn có vai trò an ninh lâu dài tại Đông Nam Á và sẵn sàng triển khai sức mạnh tại Biển Đông. Theo Joshure Kurlantzick, “Ấn Độ là đối tác lý tưởng đối với Việt Nam” (an ideal major partner for Vietnam). Trên thực tế “Việt Nam là tâm điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ” (Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshure Kurlantzick, CFR, March 9, 2018).

Tiếp theo các chuyến thăm cấp cao tới Nhật và Ấn Độ gần đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Úc (14-18/3/2018) để nâng cấp đối tác chiến lược. Theo Carl Thayer, “Đây là cột mốc lớn thứ ba trong quan hệ song phương… là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược”, nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kỷ niệm 45 năm lập quan hệ song phương và nhân dịp họp thượng đỉnh ASEAN-Australia. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia sẽ dẫn tới trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao, giúp giải quyết tốt hơn nhiều thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới. Tuy lập trường của Úc về Biển Đông còn bị ràng buộc nhiều bởi lợi ích kinh tế với Trung Quốc, nhưng việc Úc trở thành đối tác chiến lược của Viêt Nam là một tín hiệu mới, đóng góp tích cực vào “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở”, dựa trên khuôn khổ “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).

Theo các chuyên gia khu vực, Việt Nam có thể đóng vai trò “không chính thức” (informal) trong “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), để kiềm chế Trung Quốc. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng vì biên giới tiếp giáp Trung Quốc cả trên đất liền lẫn trên biển. Sẽ là lý tưởng nếu “Bộ tứ” (Quad) giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào một khuôn khổ mà “trên thực tế” (de facto) trở thành “Bộ Ngũ” (Quint), khi Việt Nam hội nhập vào bàn cờ hợp tác quốc phòng đang diễn ra. (makes it ideal for the “Quad” to include in its framework to the point of de-facto becoming the “Quint” if Vietnam is fully integrated into this developing military integrational platform).  (Vietnam An Unofficial Ally of the US against China? Will Vietnam Turn the “Quad” Into the “Quint”?  Andrew Korybko, Global Research, March 11, 2018).

Trong khi đó, Bắc Kinh tỏ ra lo ngại và bắt đầu phản ứng về “Tầm nhìn Indo-Pacific” và “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), đặc biệt là khai Ấn Độ đang điều chỉnh chiến lược Look East (hướng đông) thành Act East (hành động phía Đông). Thực ra, Ấn Độ có lý do chính đáng để thò mũi vào sân sau của Trung Quốc (tại Biển Đông), vì Trung Quốc đang thò mũi vào sân sau của Ấn Độ (tại Ấn Độ Dương). Thời báo Hoàn Cầu đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đang tham gia nhóm Tứ Cường” hay Việt Nam là một “thành viên ảo” của nhóm “Tứ Cường” (is Vietnam a “shadow member” of the Quad?). Họ còn lớn tiếng cảnh báo Việt Nam, “Chiến lược Indo-Pacific đang được dùng làm đòn bẩy để chống Trung Quốc… Chống đối Trung Quốc không hay bằng hợp tác với Trung Quốc. Theo đuôi Mỹ chống Trung Quốc sẽ lợi bất cập hại” (Is Vietnam moving to join the Quad? Global Times editorial, March 20, 2018).

Quyết định của Việt Nam tạm dừng khoan hay hủy hợp đồng với Repsol về dự án Cá Rồng Đỏ cho thấy phán quyết của tòa trọng tài PCA về đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông là bất lực và ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) là vô nghĩa. Trên thực tế ,Trung Quốc đang làm chủ Biển Đông như cái ao của họ. Việt Nam đang bị mắc kẹt trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” (catch 22). Nếu công khai sự thật và phản đối Trung Quốc thì dễ gây phản ứng khó lường từ dân chúng và phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Nếu im lặng chịu thua Trung Quốc như “chuyện đã rồi” (fait accompli) thì sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm là trao tài nguyên dầu khí và chủ quyền Biển Đông cho Trung Quốc như “thế chấp tương lai” để đánh đổi lấy sự ổn định giả tạo. Nhưng dù Việt Nam có nhẫn nhục im lặng thì Trung Quốc vẫn ngang nhiên tập trận lớn tại Biển Đông với hơn 40 chiến hạm (gồm mẫu hạm Liêu Ninh), để thách thức Mỹ sau khi USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng và tập trận tại Biển Đông.    

Nếu dừng khoan dầu khí tại Bãi Tư Chính lần đầu (7/2017) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu), PVN phải bồi thường Repsol 36 triệu USD, thì dừng khoan lần hai (3/2018) tại lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), chắc PVN phải bổi thường cho Repsol 200 triệu USD. Nhưng tổn thất lớn hơn cả là Việt Nam đang mất dần chủ quyền và nguồn thu từ dầu khí đúng lúc ngân sách đang cạn kiệt. Có thể nói mỏ Cá Rồng Đỏ (lô 07-03) và mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) là nguồn dầu khí tiềm năng cuối cùng để cứu vãn tình trạng ngân sách Việt Nam hiện nay (thu không đủ chi) trong khi những khoản nợ nước ngoài đang ập đến “như sóng thần Biển Đông”. Gần đây, Trung Quốc còn gây sức ép với Rosneft (của Nga) đang khoan tại mỏ Lan Đỏ (lô 06-1). 

Sau khi Repsol và Việt Nam buộc phải dừng khoan tại lô 136-03 (Bãi Tư Chính) trước sức ép của Trung Quốc (dọa tấn công Trường Sa), ban lãnh đạo Hà Nội chắc đã rất thất vọng trước tham vọng của Trung Quốc “được đằng chân lân đằng đầu” nên đã quyết định cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch Lịch cấp tốc sang Mỹ (7/2017) để vận động Mỹ làm đối trọng răn đe Trung Quốc. Nhưng tại APEC Đà Nẵng (11/2017), chắc một lần nữa Hà Nội đã thất vọng khi ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn triển khai dự án Cá Voi Xanh tới năm 2019. Tại sao ExxonMobil phải hoãn lâu như vậy? Phải chăng do sức ép (trực tiếp hay gián tiếp) của Trung Quốc? Tuy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã sang thăm Việt Nam (24-27/1/2018), và tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) như để răn đe Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành tập trận lớn tại Biển Đông (như để thách thức Mỹ).

Theo các chuyên gia của CSIS, Trung Quốc đang tăng cường bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông, nên chính quyền Trump cần vận động quốc tế chống lại các hoạt động đó, để làm cho Bắc Kinh bị cô lập về ngoại giao. Vào tháng 5/2018, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã có một quyết định đúng hướng là không mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RimPact 2018. Nhưng người ta không rõ liệu chính quyền Trump có theo đuổi một chiến lược nhất quán để phản ứng mạnh hơn tại Biển Đông hay không. Muốn phản ứng có hiệu quả, Mỹ phải có sáng kiến táo bạo, chấp nhận rủi ro, và cam kết bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển không chỉ của mình, mà còn của các đối tác. Nếu không thì mục tiêu mà Mỹ tuyên bố sẽ thất bại. (Vanishing Borders in the South China Sea: The U.S. Must Do More to Stop China's Encroachments, Bonnie Glaser & Gregory Poling, Foreign Affairs, June 5, 2018).

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhân dịp hội nghị GMS-6 (30/3-2/4/2018) về Hợp tác Tiểu vùng Mekong, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng thừng: “Hai bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển”. Nói cách khác, Bắc Kinh khuyên Hà Nội nên hợp tác với Trung Quốc, chứ đừng nên hợp tác với Mỹ. Vì vậy, năm 2018 sẽ là năm bản lề với nhiều ẩn số làm Biển Đông càng thêm nóng bỏng. Triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chiến tranh dầu khí tại Biển Đông có thể trở thành điểm bùng phát (tipping point). 

Trong khi tăng cường quan hệ với các nước khác nói trên, Việt Nam luôn ý thức rằng Trung Quốc có thể gây khó dễ cho Việt Nam về kinh tế, vì Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ và là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm gần 30% nhập khẩu và hơn 10% xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cùng các nước thành viên khác thúc đẩy ký hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) mà không có Mỹ, Việt Nam vẫn đang tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác “Tứ cường” tại “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Đó là cách đặt cược (hedging) cho trước mắt cũng như cho tương lai, hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ quay lại TPP. Gần đây, 25 thượng nghị sỹ đảng Công Hòa đã lên tiếng kêu gọi Trump làm như vậy. Vấn đề chỉ là thời gian, vì TPP phù hợp với chiến lược mới (NDS) và Trump là người hay thay đổi.  

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế chủ chốt (như Larry Kudlow và Robert Lighthizer) xem xét việc gia nhập lại TPP “nếu hiệp định đó tốt cho Mỹ” (if it was a “good deal” for his country). Trước đó (2/2018) trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump đã nói về khả năng gia nhập lại TPP “Tôi sẽ đồng ý nếu Mỹ có thể đạt được một hiệp định tốt hơn (a substantially better deal). Diễn biến mới này có thể là “hệ quả không định trước” của triển vọng chiến tranh thương mại gia tăng với Trung Quốc làm thiệt hại cho các trại chủ Mỹ làm các nghị sỹ Cộng Hòa lo lắng. Họ cho rằng TPP là “cách duy nhất tốt” (the “single best way”) để đối phó với Trung Quốc. (Trump Proposes Rejoining Trans-Pacific Partnership, Ana, Swanson, NYT, April 12, 2018).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét