Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

6869 - Tại sao chủ nghĩa cộng sản ít ảnh hưởng ở Mexico?

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng




Cách mạng Nga năm 1917, và chế độ đã cầm quyền sau đó trong hầu hết thế kỷ 20 nhân danh nó, đã có ảnh hưởng chính trị và tư tưởng mạnh mẽ đối với khu vực Mỹ Latinh. Cách mạng đã để lại dấu ấn trong các đảng phái chính trị, các liên đoàn lao động, nghệ sĩ, trí thức và sinh viên, những người coi Liên Xô như một sự thay thế cho chủ nghĩa tư bản, một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc Mỹ và một ví dụ để noi theo. Dù những tiết lộ về tội ác của chủ nghĩa toàn trị Stalin đã làm giảm bớt cảm tình đối với Cách mạng Nga trong thập niên 1950, chiến thắng đáng kinh ngạc của những người cộng sản ở Cuba vẫn làm sống dậy tinh thần cách mạng ở Mỹ Latinh, tạo cảm hứng cho các phong trào du kích, đe dọa đến các chế độ quân sự liên minh với Mỹ.
Mexico là một trường hợp ngoại lệ. Rất ít nước đạt được thành công như họ trong việc trung hòa ảnh hưởng của Cách mạng Nga. Lý do rất đơn giản. Trong giai đoạn 1910 – 1917, Mexico cũng trải qua một cuộc cách mạng và tiến lên con đường cách mạng của riêng mình. Tư tưởng chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa xã hội của Cách mạng Mexico đã giành chiến thắng trong mọi cuộc đối đầu với chủ nghĩa Marx-Lenin của Đảng Cộng sản Mexico. Lenin và Trotsky sẽ chẳng bao giờ có thể cạnh tranh với Pancho Villa và Emiliano Zapata. Và căng thẳng giữa hai cuộc cách mạng này đã định hình con đường chính trị của Mexico suốt nhiều thập niên sau đó.
Giống như phong trào chủ nghĩa hiện đại tại Liên Xô, phong trào nghệ thuật dân gian của Mexico vào những năm 1920 cũng có tính nguyên bản và năng động, trong đó các nghệ sỹ Mexico đã thực hiện một cuộc đối thoại sáng tạo với các nghệ sĩ Liên Xô. Năm 1924, Mexico là quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, một động thái khiến Mỹ phật ý, vì chính phủ nước này đã nhầm lẫn chủ nghĩa quốc gia của Mexico với chủ nghĩa cộng sản. Đối diện với sự gần gũi giữa hai cuộc cách mạng, Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge từng nghiêm túc xem xét hành động quân sự chống lại “Xô viết Mexico.”
Điều đó đã thay đổi khi nhà tài phiệt ngân hàng Dwight Morrow trở thành Đại sứ Mỹ tại Mexico năm 1927. Ông đã giúp tái cấu trúc nợ quốc gia của Mexico, trở thành cố vấn cho các nhân vật chính trị Mexico, và có bản năng tuyệt vời trong việc trở thành một người bạn và một nhà bảo trợ cho các nghệ sĩ cánh tả. Nổi tiếng nhất trong số đó dĩ nhiên là Diego Rivera và Frida Kahlo, cùng với nhiều nhà văn trẻ tuổi – trong đó có nhà thơ “giàu sức chiến đấu” Octavio Paz – vốn là những người Marxist tin rằng Liên Xô là “vùng đất của tương lai.”
Dù bị tuyên bố là bất hợp pháp vào năm 1929 và bị đàn áp, Đảng Cộng sản Mexico vẫn giành được một số ảnh hưởng trong thời kỳ của Tổng thống Lázaro Cárdenas (1934-1940). Tuy nhiên, “nội địa hóa” một lần nữa lại phát huy hiệu lực của nó. Phe cánh tả sẽ chẳng thể nào cạnh tranh nổi với một chính phủ rõ ràng mang tính cách mạng như chính phủ của Tổng thống Cárdenas, những người đã phân phối lại trên 42 triệu mẫu đất, quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu mỏ của Mỹ và châu Âu vào năm 1938, và còn nhận được sự ủng hộ của liên đoàn lao động chính của đất nước – Liên đoàn Công nhân Mexico.
Có lẽ minh chứng quan trọng nhất cho sự tự chủ của Mexico đối với Cách mạng Nga là vào năm 1936, khi Cárdenas trao quyền tỵ nạn cho Leon Trotsky, theo yêu cầu của Rivera. Khi Đảng Cộng sản Mexico từ chối tham gia vào vụ ám sát Trotsky, điều sau đó được thực hiện năm 1940 bởi một điệp viên của Stalin, họ đã tự định đoạt số phận của mình. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đảng Cách mạng Thể chế (Institutional Revolutionary Party, hay P.R.I.), đã có thể giới thiệu một cách cởi mở rằng họ là một sự thay thế theo chủ nghĩa dân tộc và tiến bộ cho phe Cộng sản. Trong khi đó, Đảng Cộng sản vẫn ở bên lề, được ủng hộ chủ yếu bởi các liên đoàn đường sắt và một số nhân vật văn hóa nổi bật.
Khi qua đời vào năm 1954, Frida Kahlo đã nhận được sự tôn kính chính thức lần đầu tiên dành cho một nghệ sĩ, tại Cung Nghệ thuật của Mexico City. Quan tài của bà được phủ bởi một tấm khăn có hình búa liềm. Đây là biểu tượng cho sự hồi sinh của chủ nghĩa Cộng sản ở Mexico, không phải xuất phát từ các đảng phái và hiệp hội, mà là từ giới nghệ thuật, học thuật và văn chương, nơi mà chủ nghĩa Marx đã bắt đầu có được sức sống mới nhờ các bài viết của Jean-Paul Sartre. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị, P.R.I. vẫn tiếp tục thời kỳ thống trị của nó. Ít nhất là cho đến khi phong trào sinh viên năm 1968 (khi sự thống trị của P.R.I đối với tầng lớp trung lưu mới bắt đầu rạn nứt), đảng này vẫn là một liên minh quyền lực với thành viên thuộc cả cánh tả và cánh hữu, chỉ có những thành phần cực đoan của cả hai khuynh hướng mới bị loại trừ.
Ngay cả Cách mạng Cuba cũng không thể thay đổi tình hình đó. Thể hiện kỹ năng chính trị ấn tượng, chế độ P.R.I. đã không lên án Fidel Castro và đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ nhằm trục xuất Cuba, nhưng đồng thời họ cũng trở thành vùng đệm giữa Mỹ và xu hướng cộng sản của phần còn lại của Mỹ Latinh. Đổi lại, Mỹ đã chấp nhận một mức độ luận điệu quốc gia chủ nghĩa nhất định của Mexico.
Sự thỏa hiệp với Havana cũng rất rõ ràng. Cuộc cách mạng do Castro lãnh đạo vào năm 1956 đã khởi đầu từ Mexico, và Mexico sẽ bảo vệ Cuba khỏi Mỹ bằng con đường ngoại giao. Về phần mình, Cuba sẽ không tài trợ cho những cuộc nổi dậy du kích ở Mexico. Mặc dù thoả thuận ngầm này không còn tác dụng vào thập niên 1970, nhưng phạm vi và mức độ ảnh hưởng của các phong trào du kích ở Mexico kém hơn rất nhiều so với ở Trung Mỹ. Khi những phong trào này bị đàn áp dã man, Havana và Moskva đã phản ứng một cách thờ ơ. Còn khi quân du kích Mexico chiếm được máy bay và bay tới Cuba, Castro đã ngay lập tức giao trả hoặc bắt giữ những tên không tặc.
Mặc dù chính phủ Castro đã dàn xếp với P.R.I, nhưng đối với các thế hệ gần đây, uy tín của Cách mạng Cuba đã làm lu mờ Cách mạng Mexico, vốn được nhiều người trẻ tuổi coi là lỗi thời và sai lầm. Trong những năm 1970 và 1980, chủ nghĩa Marx đã trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến trong các trường đại học công ở Mexico, và sự lấn át về văn hoá và học thuật của chủ nghĩa Marx là một yếu tố quan trọng để hiểu được sự phát triển đầy nghịch lý của phe tả tại Mexico ngay trong thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ.
Thanh niên trẻ tuổi trong các trường đại học là cơ sở hậu thuẫn cho Cuauhtémoc Cárdenas, con trai của Tổng thống. Năm 1987, khi ông rời khỏi P.R.I, vốn là đảng cầm quyền kể từ những năm 1930, những người ủng hộ cánh tả đã chào đón Cárdenas và các đồng chí bất đồng chính kiến như ông.
Đến lúc đó, Đảng Cộng sản đã sáp nhập vào Đảng Xã hội Chủ nghĩa Mexico. Và đảng này đã đưa Cárdenas trở thành ứng viên cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1988. Gian lận bầu cử đã ngăn ông giành chiến thắng.
Nhưng thay vì kêu gọi nổi dậy vũ trang, Cárdenas lại quyết định thống nhất toàn bộ cánh tả thành Đảng Cách mạng Dân chủ. Dù họ đã bị đánh bại trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1994 và 2000, đảng này đã bước vào thế kỷ mới như là một lực lượng hợp nhất với sự hiện diện mạnh mẽ trong chính phủ và quốc hội, đồng thời cầm quyền ở Mexico City. Lãnh đạo thành phố, Andrés Manuel López Obrador, rất ngưỡng mộ Che Guevara và Castro nhưng không phải là người theo chủ nghĩa Marx, và cũng như Cuauhtémoc Cárdenas, ông xuất thân từ P.R.I.
López Obrador sẽ trở thành lãnh đạo chính trị dân túy của phe tả Mexico. Năm 2006, ông tranh cử tổng thống và thua cuộc sít sao với khoảng cách chưa đến 1% số phiếu. Obrador đã cáo buộc chính phủ gian lận bầu cử. Nhưng quan trọng nhất, các cố vấn thân cận nhất của ông không hề có chính trị gia cộng sản nào, mà gồm nhiều học giả bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Marx cũng như các cựu thành viên của P.R.I. trong những năm 1970, 1980 và 1990. Một lần nữa, Cách mạng Mexico đã “hấp thụ”, biến đổi (và đẩy lùi) Cách mạng Nga.
Enrique Krauze là một sử gia, biên tập viên của tạp chí văn học Letras Libres và tác giả cuốn sách “Redeemers: Ideas and Power in Latin America.” Bài tiểu luận này được Hank Heifetz dịch từ tiếng Tây Ban Nha.
Hình: Leon và Natalia Trotsky được Frida Kahlo đón khi đến Mexico năm 1937. Nguồn: Getty Images.

Nguồn: Enrique Krauze, “A Tale of Two Revolutions”, New York Times, 25/10/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét