Phần 2: Trung Quốc đang ở đâu
Napoleon Bonaparte đã từng nói rất hay: “Trung Quốc là người
khổng lồ đang ngủ. Hãy để nó ngủ yên, vì một khi tỉnh dậy, nó sẽ làm đảo lộn thế
giới” (China is a sleeping giant. Let it sleep, as when it wakes up, it will
shake the world). Nay Trung Quốc không những đã tình dậy và đang làm đảo lộn thế
giới như người khổng lồ, mà còn hung hãn như con quái vật Frankenstein (lời
Richard Nixon). Mỹ và thế giới đang đau đầu đối phó với Frankenstein do chính họ
đã góp phần tạo nên. Nói cách khác, Frankenstein vừa là sản phẩm nội địa (made
in China) như chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầy ẩn ức lịch sử, vừa là sản phẩm của
Mỹ (constructive engagement) do ngộ nhận và ảo tưởng nên hiểu sai về hệ tư duy
của người Trung Quốc.
“Hoàng đế đỏ” lên ngôi
Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ
nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được xác quyết và ghi
vào điều lệ Đảng. Đó là một cột mốc lớn trong lịch sử để Trung Quốc bước vào “kỷ
nguyên mới”, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” bằng chiến lược “Một vành
đai, Một con đường” với những đại dự án có quy mô còn lớn hơn cả Kế hoạch
Marshall của Mỹ trước đây. Trong bối cảnh nước Mỹ lâm vào khủng hoảng chính trị
bởi hiện tượng Trumpism (ít nhất trong ba năm tới), Trung Quốc chắc sẽ nắm bắt
cơ hội trời cho này để quyết tâm vượt Mỹ, tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới.
Theo Franscis Fukuyama, tuy chưa thể khẳng định được “hoàng
đế đỏ” Trung Quốc rồi sẽ tồi tệ như thế nào, vị hoàng đế đó đã dập tắt mọi hy vọng
của nhiều người Trung Quốc về một xã hội cởi mở hơn, minh bạch và tự do hơn. Tập
Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đảng đối với đất nước, đàn áp mọi biểu
hiện chống đối, và thiết chế một hệ thống kiểm soát xã hội bằng cách sử dụng “dữ
liệu lớn và trí tuệ nhân tạo” (big data and artificial intelligence) để hàng
ngày theo dõi thái độ của công dân. Như vậy, Tập Cận Bình sẽ cho thế giới thấy
các hình thái khó tưởng tượng của một nhà nước độc tài trong thế kỷ 21 sẽ như
thế nào. (China’s “bad emperor” returns,
Francis Fukuyama, Washington Post, March 6, 2018).
Người Trung Quốc coi trọng lịch sử, không phải chỉ vì tự hào
mà còn muốn lợi dụng lịch sử làm bệ đỡ để “trở về tương lai” (back to the
future). Tập Cận Bình cũng muốn làm “Trung Quốc vĩ đại trở lại” (chẳng khác gì
Trump). Nhưng điều trớ trêu là những gì mà Trump đang làm để giúp nước Mỹ vĩ đại
trở lại (America great again) thì hóa ra chỉ làm lợi cho Trung Quốc vĩ đại trở
lại (China great again). Chỉ mấy tháng sau Đại hội 19, Quốc hội Trung Quốc đã
quyết định sửa đổi Hiến pháp (11/3/2018), bỏ điều khoản hạn chế Chủ tịch nước
không được làm quá hai nhiệm kỳ, như vậy đi ngược lại với xu hướng dân chủ hóa
trên thế giới.
Tập Cận Bình nói Trung Quốc đã “đứng dậy, làm giàu, và trở
nên mạnh mẽ”, nhưng cái giá phải trả cũng rất lớn vì tham nhũng tràn lan và đấu
tranh quyền lực quyết liệt. Số quan chức bị kỷ luật vì tham nhũng đã tăng từ
150,000 người (năm 2012) lên hơn 400,000 (năm 2016). Nếu Mao đã bắt đầu cuộc
cách mạng lần thứ nhất (từ thập niên 1940) thì Đặng đã chỉ đạo cuộc cách mạng lần
thứ hai (từ thập niên 1970). Nay Tập đang tiến hành cuộc cách mạng lần thứ ba.
“Nếu một trong các dấu ấn của nhà nước thời Mao là Đảng xâm nhập xã hội thì dấu
ấn của nhà nước thời Đặng là Đảng rút lui” (David Shambaugh). Nay dưới thời Tập,
con lắc chính trị đang quay ngược lại với vai trò lớn hơn của Đảng. (The Third Revolution:
Xi Jinping and the New Chinese State”, Elizabeth Economy, Oxford University
Press, 2018).
Theo tác giả, Tập đã đưa Trung Quốc xa rời cam kết của Đặng
đi theo một chính sách đối ngoại khiêm tốn (a low-profile foreign policy).
Trong nước Tập bóp nghẹt tự do dân chủ, nhưng trên trường quốc tế ông lại muốn
làm lãnh tụ toàn cầu hóa (globalizer in chief). Tại cấp cao APEC (11/2017), Tập
tuyên bố “Mở cửa sẽ đem lại tiến bộ và ai đóng cửa tất sẽ tụt hậu”. Những lời
hoa mỹ đó chỉ để lừa gạt (misleading). Dưới khẩu hiệu “chủ quyền mạng” (cyber
sovereignty) Tập nói các nước phải được lựa chọn con đường riêng để phát triển
mạng. Trong khi luôn miệng nói về chủ quyền nhưng chính sách đối ngoại hung hãn
của Bắc Kinh lại trắng trợn vi phạm chủ quyền nước khác. Để áp đặt luật chơi mới
trên thế giới, Tập triển khai chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, đến nay
đã kiểm soát 76 hải cảng tại 34 nước.
Điều đó khẳng định xu hướng độc tài theo “chủ nghĩa tân độc
đoán” (Neo-authoritarianism) mà Vương Hỗ Ninh đề xướng, nay tái sinh thành “chủ
nghĩa tân bảo thủ” (Neo-conservatism), đã trở thành tư tưởng chủ lưu của Trung
Quốc. Hiện tượng “cách mạng thụt lùi” (revolutionary regression) đã từng xảy ra
tại Iran (năm 1978), nay đang diễn ra tại Trung Quốc. Hai sự kiên đó tuy khác
nhau về hình thức (tôn giáo) nhưng giống nhau về bản chất (cực đoan). Sau khi Tập
Cận Bình thay đổi luật chơi (quốc gia) do Đặng Tiểu Bình đặt ra, để trở thành
nhà độc tài (như “hoàng đế Trung Hoa”), nay chắc Tập muốn thay đổi luật chơi
(quốc tế).
Trong trò chơi quyền lực mới (new “game of thrones”) giữa
con đại bàng Mỹ (đang suy yếu) và con rồng Trung Quốc (đang trỗi dậy) liệu họ
có bị sa vào bẫy Thucydides (như Graham Allison suy đoán)? Chiến tranh không nhất
thiết xảy ra nếu Trung Quốc “không đánh mà thắng”. Những gì diễn ra tại Biển
Đông trong mấy năm qua cho thấy Trung Quốc hầu như đã thắng hiệp đầu mà không cần
đánh, vì họ vận dụng “Tam chủng chiến pháp” (three warfare doctrine) như một kiểu
“chiến tranh không thông thường” (unconventional warfare). Đó là cuộc đấu trí
và đấu lực trong “vùng xám” (grey zones) mà Trung Quốc có lợi thế, bằng cách
“thay đổi thực địa” (changing facts on the ground) như “tầm ăn dâu”, để biến
thành “chuyện đã rồi” (fait accompli) mà không gây ra xung đột trực tiếp với Mỹ.
Tóm lại, Trung Quốc đã ứng dụng linh hoạt binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng)
như cách đánh “cờ vây” (“Wei Qi” game).
Nếu muốn lý giải “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội
đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, có lẽ phải hiểu tư duy chiến lược của
Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Vương là tác giả của ba chủ thuyết gần đây của
Trung Quốc: “thuyết ba đại diện” (thời Giang Trạch Dân), “quan điểm phát triển
khoa học” (thời Hồ Cẩm Đào), “giấc mộng Trung Hoa” và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc
Trung Quốc” (thời Tập Cận Bình). Nếu muốn lý giải những diễn biến trong cải
cách kinh tế của Trung Quốc gần đây (và sắp tới), phải hiểu tư duy kinh tế của
Lưu Hạc (Liu He). Việc đưa Vương Hỗ Nình vào thường vụ Bộ Chính trị (xếp hạng
thứ năm) và Lưu Hạc vào Bộ Chính trị (phó thủ tướng phụ trách kinh tế) càng khẳng
định vai trò then chốt của hai bộ óc chiến lược đang cố vấn chính sách cho Tập
Cận Bình. Nay Vương Hỗ Ninh và Lưu Hạc còn được hậu thuẫn bởi cánh tay phải của
Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn, với vai trò mới là phó chủ tịch nước (trên thực tế)
là người thứ hai để kế nhiệm Tập Cận Bình.
Việc sắp xếp vị trí của bộ ba Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì
và Vương Nghị chứng tỏ sự cam kết của Tập Cận Bình đối với vai trò của ngoại
giao “thống nhất và tập trung” (unified and centralized) trong tay Ban Chấp
hành TW. Việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có kinh nghiệm phù hợp
với tầm nhìn của Tập muốn củng cố vai trò quyết sách đối ngoại tại cấp cao nhất
của Đảng. Với sự tái xuất chính thức của Vương Kỳ Sơn, được Tập tin cậy nhất với
vai trò “chữa cháy” (fixer) nay làm phó chủ tịch nước, để giám sát công tác đối
ngoại, tập trung vào quan hệ Trung-Mỹ, bộ ba đó là một minh chứng về quyền kiểm
soát cá nhân của Tập Cận Bình đối với chính phủ còn lớn hơn cả nhiệm kỳ trước.
(Here’s Who is Really Guiding China’s Foreign Policy, Zoe Leung, National
Interest, May 6, 2018).
Tuy tư duy về phát triển của Vương Hỗ Ninh đã phát huy tác dụng
trong giai đoạn phát triển “hậu Thiên An Môn” nhưng không có gì đảm bảo tư tưởng
của Vương Hỗ Ninh và chính sách của Lưu Hạc sẽ thành công trong giai đoạn tới
(còn nhiều ẩn số). Những người theo “chủ nghĩa Tân Độc đoán” lập luận rằng ổn định
chính trị sẽ cung cấp cấu trúc cho phát triển kinh tế, rằng “không có trật tự
xã hội thì không thể có tự do và dân chủ”. Theo Vương Hỗ Ninh, “sự thống nhất của
ban lãnh đạo là điều kiện tiên quyết cho sự tồn vong của đất nước”, còn dân chủ
và tự do cá nhân “sẽ đến muộn hơn khi hội đủ các điều kiện thích hợp”.
Theo một số học giả Trung Quốc, người Trung Hoa có năm hằng
số đạo đức (Five Constant Virtues): đó là nhân (benevolence), chính
(righteousness), nghĩa (propriety), trí (wisdom), tín (fidelity)…Trung Quốc có
thể quyết xây dựng một trật tự dựa trên quan niệm cổ về “nghĩa” (propriety). Đặc
tính của trật tự này là coi “nghĩa” như phương tiện chính để điều chỉnh quan hệ,
dựa vào cấu trúc các vòng tròn đồng tâm (concentric zone structure)… Có thể
hình dung trong trật tự của Trung Quốc được điều chỉnh bởi “nghĩa”, Trung Quốc
sẽ phân chia các nước thành viên theo khoảng cách. Tuy nhiên, các nước có quan
hệ tốt hơn với Trung Quốc có thể không nhất thiết thuộc vòng tròn văn hóa Khổng
giáo… Tóm lại, trật tự của Trung Quốc được điều chỉnh bởi “nghĩa” không phải là
trật tự dựa trên quyền lực… Đó là một trật tự mới theo quan hệ song phương, dựa
trên truyền thống Trung Quốc và được thiết chế một cách hiện đại. Điều quan trọng
là nó tương thích với hệ thống quốc tế hiện nay. (What Might a Chinese World
Order Look Like? Xue Li & Cheng Zhangxi, Diplomat, April 13, 2018).
Nhưng theo Kevin Rudd, có bảy vòng tròn đồng tâm (concentric
circles) phản ánh lợi ích chiến lược của Trung Quốc: (1) Đảng Cộng sản Trung Quốc
tiếp tục cầm quyền. (2) Đoàn kết dân tộc; (3) Kinh tế Trung Quốc; (4) Khu vực ảnh
hưởng; (5) Khu vực hải đảo; (6) Thế giới đang phát triển; (7) Tương lai trật tự
thế giới dựa trên pháp luật. Trung Quốc rất tự hào về mô hình “tư bản độc quyền”
(authoritarian capitalist) để thay thế mô hình Mỹ…Trung Quốc muốn thấy trật tự
thế giới tương lai phù hợp với lợi ích quốc gia và hệ thống giá trị của mình…Đối
với trật tự an ninh thế giới, chúng ta đang ở trong một tình thế hoàn toàn bất
định vì những lý do “ngày càng lệ thuộc vào hình thù chính trị nội bộ do Mỹ và
Trung Quốc quyết định” (increasingly shaped by the future contours of both
American and Chinese domestic politics). Trong 40 năm qua, hầu hết cộng đồng Âu
Châu đã hiểu ngầm là Trung Quốc sẽ dần ngả theo mô hình tư bản tự do. Khi hiểu
như vậy, nhiều học giả đã không chú ý tới cuộc tranh luận trong nội bộ của Đảng
Cộng sản Trung Quốc vào cuối thập niên 1990 là sẽ không có sự thay đổi thể chế
nào cả, và Trung Quốc sẽ tiếp tục là một quốc gia độc đảng. (How Xi Jinping
Views the World: The Core Interests That Shape China's Behavior, Kevin Rudd,
Foreign Affairs, May 10, 2018).
Nghịch lý mô hình Trung Quốc
Giai đoạn phát triển kinh tế “Hậu Thiên An Môn” với mô hình
phát triển mà David Shambaugh gọi là authoritarian resilience được người Mỹ
đánh giá cao và ủng hộ, nay đã qua rồi. Những yếu tố thuận lợi ban đầu đã hết,
nay bài toán phát triển kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn nhiều. Tuy Trung Quốc
đã trỗi dậy mạnh mẽ và giàu có về vật chất, nhưng tinh thần còn lạc hậu. Dòng
người và dòng tiền từ Trung Quốc tiếp tục chảy ra ngoài (tới Mỹ và phương Tây).
Đó là hệ quả của nghịch lý phát triển không đồng bộ (như “gót chân A-sin”). Tuy
khó dự báo chính xác tương lai của Trung Quốc, nhưng David Shambaugh cho rằng Tập
Cận Bình càng cố gắng làm khác Gorbachew thì kết cục Trung Quốc càng giống Liên
Xô. “Màn chót của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, và những biện pháp cứng
rắn của Tập Cận Bình chỉ đưa đất nước đến gần hơn điểm đổ vỡ” (The endgame of
communist rule in China has begun, and Xi Jinping's ruthless measures are only
bringing the country closer to a breaking point”. (The Coming Chinese Crackup,
David Shambaugh, Wall Street Journal, March 6, 2015).
Còn Minxin Pei cho là sai lầm nếu tưởng rằng khi người Trung
Quốc trở nên giàu có về kinh tế và có thế lực về chính trị thì họ sẽ chọn chủ
nghiã tư bản tự do mà bỏ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism)…Sự cấu
kết của chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Trung Quốc làm cho quá trình đó diễn ra vừa
khó khăn vừa rối loạn. Kịch bản thay đổi “từ trên xuống” rất khó xảy ra dưới chế
độ tư bản thân hữu. Ngay cả khi cách mạng lật đổ trật tự cũ cũng chưa chắc dẫn
đến bình minh của một nền dân chủ tự do. Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu
(tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, sự cấu kết
của các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được khối
tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm
cho họ khó có khả năng tồn tại…
Động lực của một chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại
thanh danh của thể chế Đảng-Nhà nước Trung Quốc qua ba cách. Thứ nhất, khi các
nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập mọi ngõ ngách của thể chế Đảng-Nhà nước,
chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ
quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích
riêng cho mình. Thứ hai, mạng lưới tham nhũng mặc nhiên tranh giành với nhau vì
quyền lực và lợi ích, vì vậy sẽ làm suy yếu sự thống nhất của nội bộ Đảng, và
gia tăng thanh trừng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp
cao. Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng-Nhà
nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột
mà Đảng-Nhà nước dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei,
Harvard University Press, 2016).
Sự trỗi dậy và cấu kết của chủ chũ nghĩa tư bản thân hữu
trong nền kinh tế chính trị của Trung Quốc, xét cho cùng, là kết quả tất yếu của
mô hình hiện đại hóa kinh tế chuyên chế của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping’s
authoritarian model of economic modernization). Thế lực cầm quyền đang nắm quyền
lực không bị hạn chế sẽ bị cám dỗ dùng quyền lực để chiếm đoạt tài sản do sự
phát triển kinh tế đem lại. Sự cấu kết của tham nhũng là một đặc thù nổi bật,
và sự thối nát của chế độ cũng lan đến các cấp cao nhất trong hệ thống quân đội.
Vì vậy mà Tập Cận Bình đã từng cảnh báo nguy cơ vong đảng: “Nếu chúng ta không
quản trị được Đảng hiệu quả hoặc chặt chẽ… sớm hay muộn Đảng sẽ mất chỗ đứng để
quản trị đất nước và sẽ bị lịch sử gạt ra rìa”. (If we fail to govern our party
effectively or strictly … sooner or later it will lose its standing for ruling
the country and will be cast aside by history (June 28, 2013).
Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc vẫn ẩn chứa nhiều nghịch
lý. Tập Cận Bình không chỉ muốn làm khác Gorbachew mà còn làm khác Đặng Tiểu
Bình (cả về đối nội và đối ngoại). Trong khi Đặng muốn chấm dứt nền độc tài kiểu
Mao, thì Tập quay lại với nền độc tài kiểu Mao để “tái tạo Trung Quốc”
(Rejuvenation of the Chinese Nation). Không phải vì Tập yêu Maoism (đã đầy đọa
bố con Tập thời Cách mạng Văn hóa), mà Tập Cận Bình (cũng như Bạc Hy Lai) đều sử
dụng Maoism như một công cụ quyền lực hữu hiệu ở Trung Quốc. Về kinh tế, Tập muốn
dựa vào doanh nghiệp nhà nước chứ không dựa vào tư nhân. Về quốc tế, Tập muốn
“Tàu hóa” cả thế giới (cinicization of the world) và thay đổi trật tự thế giới
theo ý mình, lấy Trung Quốc làm tâm điểm (để thay thế Mỹ). Nếu những năm đầu thập
niên 1990, phương Tây lo ngại Nhật “mua cả thế giới” thì nay đến lượt Trung Quốc
cũng đang “mua cả thế giới”.
Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng được các đảo nhân tạo
tại Biển Đông, và cuộc chơi tại Biển Đông coi như đã kết thúc. Theo David
Shambaugh, Tập Cận Bình muốn đẩy Đài Loan vào thế phải đầu hàng, nhưng Bắc Kinh
chưa đánh giá đúng mức vấn đề Đài Loan. Cố vấn an ninh quốc gia mới John Bolton
là một người thân Đài Loan, sẽ thách thức Trung Quốc và có khả năng bước qua lằn
ranh đỏ mà Bắc Kinh vạch ra (như dọa sẽ hành động nếu chiến hạm Mỹ thăm Đài
Loan hoặc hợp tác quân sự với Đài Loan). Bolton sẽ cho Tập Cận Bình thấy rằng
ông ta đã lầm to, và trong tương lai vấn đề Đài loan có thể bùng nổ. Tập Cận
Bình muốn đưa Trung Quốc quay lại chế độ độc tài thời Mao, trong khi thúc đẩy một
chính sách đối ngoại bành trướng, với “Con đường tơ lụa mới”. Tuy David
Shambaugh không dự báo Trung Quốc sẽ sụp đổ (collapse) nhưng sẽ suy tàn (crack
up). “Chế độ Trung Quốc không sụp đổ, nhưng không mạnh như người ta vẫn tưởng…
Tôi đoán Trung Quốc sẽ suy tàn trong mười hoặc hai mươi năm nữa…Tôi rất ấn tượng
về nghịch lý giữa sự tự tin của Tập Cận Bình trong hoạt động đối ngoại và sự
hoang tưởng của ông ta trong chính trị đối nội”. (David Shambaugh: Xi Jinping
ramène la Chine au système patriarcal de Mao, Sébastien Falletti, Le Figaro,
April 23, 2018).
Khi Mỹ khủng hoảng chính trị và Trump tỏ ra không tha thiết
đến vai trò toàn cầu của Mỹ, Tập Cận Bình nhận thấy cánh cửa cơ hội mở ra và
quyết định theo đuổi một đường lối đối ngoại cực đoan, khác với Đặng Tiểu Bình
từng khuyên phải “dấu mình chờ thời” (hide our capabilities and bide our time).
Khi Trump rút khỏi TPP, ông ta đã vô tình tặng Trung Quốc “một món quà chiến lược
vô giá”. Người Trung Quốc vội vã (prematurely) cho rằng Mỹ đã suy yếu và Trung
Quốc có thể nhân cơ hội này giành thế độc tôn ở Biển Đông (South China Sea), biển
Hoa Đông (East China Sea) và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tập Cận Bình tuyên
bố Trung Quốc “chiếm vị trí trung tâm thế giới” (take center stage in the
world) và “Châu Á của người Châu Á” (Asia for Asians), với hàm ý muốn loại Mỹ
ra khỏi trật tự khu vực này.
Mấy thập kỷ qua, phương Tây đã ảo tưởng tin rằng Trung Quốc
giàu có thì sẽ dân chủ hóa, nên đã hỗ trợ và giang tay chào đón Trung Quốc hòa
nhập vào cộng đồng thế giới (vào WTO năm 2001). Người Mỹ, người Nhật và Tây Âu
phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy bất ổn và bất trị của Trung Quốc hiện nay.
Tuy một số nước vẫn chạy theo Trung Quốc hoặc có chính sách hai mặt vì lợi ích
kinh tế, nhưng hầu hết các nước phương Tây đã vỡ mộng và tỉnh ngộ về bản chất
Trung Quốc. Gần đây, các quan chức an ninh Mỹ đã cảnh báo rằng các viện Khổng tử
là các “ổ gián điệp trá hình”. Một số nước (như Mỹ và Úc) đã áp dụng các biện
pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc (như Alibaba, Huawei,
ZTE) thao túng thị trường và các tổ chức Hoa kiều can thiệp vào nội bộ của nước
họ. (40 years after opening up, China is going backward, Tetsushi Takahashi,
Nikkei Asian Review, March 20, 2018).
Trong khi tại Úc, ảnh hưởng của Trung Quốc đã xâm nhập sâu
vào chính trị tiểu bang và liên bang làm Chính phủ Úc lo ngại, thì tại Mỹ quy
mô ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang gia tăng làm Quốc hội Mỹ phải tìm cách đối
phó, đặc biệt là với hoạt động của “Cục Công tác Mặt trận” (United Front Work
Department) do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Chính phủ Trung Quốc đang ráo riết tăng
cường “quyền lực sắc bén” (sharp power) khắp thế giới, như một vũ khí lợi hại
(magic weapons). Theo báo Los Angeles Times, “Mặt trận” đã rất thành công tại
Úc, nên các cơ quan của chính phủ Mỹ và Quốc Hội cũng như các nhà phân tích
đang thảo luận cách đối phó với các hoạt động của Mặt Trận tại Mỹ. Nhiều người
lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các cộng đồng và thể
chế của Mỹ. (Rubio Questions DC Panel on China Influence, Bethany
Allen-Ebrahimian, Foreign Policy, May 7, 2018).
Quốc hội Trung Quốc bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch nước
đang làm náo động thế giới (sent shock waves around the world), có thể trở
thành điểm bùng phát (tipping point) trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng Tập Cận Bình
cho rằng đây là cách duy nhất để Trung Quốc tránh đi vào “ngõ cụt” (blind alley)
như Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo từ năm 1992 (Tại Shenzhen). Đằng sau bộ mặt đầy
tự tin của một lãnh đạo, Tập Cận Bình đã tiềm ẩn khả năng thất bại. Từ góc độ
phân tích (analytical perspective), nó biểu hiện bằng sự trì trệ kinh điển nếu
Bắc Kinh không điều hành tốt nền kinh tế. Từ góc độ ý thức hệ (ideological
perspective) màn cuối của bất ổn và cách mạng sẽ ập đến nếu không giải quyết được
“các mâu thuẫn lớn”. (China as Seen from a Glass House, Stephen Roach, Project
Syndicate, March 20, 2018).
Trong khi “quyền lực cứng” (hard power) dùng sức mạnh quân sự
và kinh tế để cưỡng ép người khác tuân thủ quyền lực, thì “quyền lực mềm” (soft
power) không cưỡng ép mà nhằm thu hút và thuyết phục người khác tự nguyện tuân
thủ quyền lực. Khái niệm “quyền lực mềm” tự nó là một ý tưởng “rất Mỹ” vì nó dựa
trên sức mạnh của ngành công nghiệp truyền thông đa phương tiện khổng lồ của Mỹ,
cho phép người Mỹ dễ dàng thu hút và thuyết phục người khác một cách chuyên
nghiệp. Nếu biết khéo léo dùng cả “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm” thì sẽ có
“quyền lực khôn ngoan” (smart power). Gần đây, NED (National Endowment for
Democracy) đưa ra một khái niệm mới về “quyền lực mềm” là “quyền lực sắc bén”
(sharp power), để chỉ một kiểu quyền lực “không cứng mà cũng chẳng mềm” mà các chế
độ chuyên chế (như Trung Quốc và Nga) áp dụng. Với khái niệm đó, “quyền lực sắc
bén” không đủ mềm để thu hút và thuyết phục người khác, nhưng cũng không quá cứng
để gây ra xung đột. (Dressing up the Dragon: Chinese media as “Soft Power”,
Daya Thussu, March 28, 2018).
Trung Quốc có hai công cụ chính để gây ảnh hưởng mà không cần
đến vũ lực. Đó là kế hoạch phát triển kinh tế quốc tế (như One Belt On Road) và
bộ máy truyền thông đa phương tiện được đầu tư lớn (như Charm Offensive). Theo
NED, Trung Quốc đang vận dụng “quyền lực sắc bén” tại Trung Quốc và trên thế giới.
Hiện nay, Jack Ma là một phiên bản của Rupert Murdoch, với sự hậu thuẫn của
chính phủ Trung Quốc, nhằm khuynh đảo truyền thông Trung Quốc và thế giới. Jack
Ma đã đầu tư 4,5 tỷ USD vào Youku Tudou (giống Youtube), 586 triệu USD vào Sina
Weibo (một mạng xã hội lớn), 266 triệu USD vào South China Morning Post (một tờ
báo lớn tại Hong Kong). Nay Jack Ma đang thương lượng mua Caixin Media (tập
đoàn truyền thông hàng đầu Trung Quốc). Nhưng Alibaba chỉ là một trong ba công
ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc (Baidu, Alibaba, Tencent), thường gọi tắt
là bộ ba “BAT”.
Trong khi Trung Quốc dựng lên “bức tường lửa khổng lồ”
(Great Fire Wall) để kiểm soát Internet, họ đã có trong tay một “hệ sinh thái”
(ecosystem) khá phong phú bao gồm các công ty công nghệ, dịch vụ kỹ thuật số và
Internet nội địa. “Hệ sinh thái” này là một thế mạnh của Trung Quốc mà ngay cả
các nước phương Tây hàng đầu như Anh, Đức, Pháp cũng chưa có. Vì vậy, chỉ có
Trung Quốc là có khả năng tranh giành với Mỹ về quyền “bá chủ kỹ thuật số”
(digital supremacy) trên thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đang xây dựng “chủ
nghĩa tư bản điện tử mang màu sắc Trung Quốc (cyber-capitalism with Chinese
characteristics) và tham vọng sẽ “Hán hóa” trào lưu toàn cầu hóa trên thế giới
(Sino-globalization).
Theo Elizabeth Economy, khi đánh giá về Tập Cận Bình, nhiều
nhà quan sát đã bỏ qua bốn thực tế cơ bản. Thứ nhất, Tập đang chơi một “trò
chơi lâu dài” (a long game). Những quyết định trước mắt tuy có vẻ vô lý trong bối
cảnh một hệ thống chính trị cởi mở và một nền kinh tế thị trường, nhưng về lâu
dài lại có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Thứ hai, tuy Tập có tham vọng
toàn cầu, nhưng ông ta chưa chứng tỏ được năng lực lãnh đạo toàn cầu thực sự.
Thứ ba, Tập Cận Bình tập trung quyền lực và kiểm soát thông tin làm người ta
khó đánh giá mức độ đồng thuận thực sự tại Trung Quốc về chiều hướng mà Tập
đang dẫn dắt đất nước. Thư tư, Tập đã xóa nhòa ranh giới giữa chính trị nội bộ
và chính sách đối ngoại vì Bắc Kinh muốn xuất khẩu tư tưởng chính trị, phá hoại
luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền các nước khác. Washington cần một chiến
lược mới về Trung Quốc, không phải là bác bỏ hoàn toàn chính sách của Mỹ trong
bốn thập kỷ qua, mà phải thận trọng suy nghĩ lại về chính sách đó để xác quyết
cái gì hiệu quả và cái gì không hiệu quả. Một chính sách về Trung Quốc hiệu quả
phải dựa trên các cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với các nguyên tắc của mình.
(China's New Revolution: The Reign of Xi Jinping, Elizabeth Economy, Foreign
Affairs, April 17, 2018).
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét