Tôi viết về câu chuyện ‘lá thư của sinh viên Trương Thị Hà gửi thầy Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) trong một nỗi niềm khác.
Thư của Trương Thị Hà gửi người thầy của mình ở trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Tp. HCM |
Tôi không muốn lên án hay phán xét về thầy Hạ, kể cả khi thầy buông thõng câu nói: Tôi không biết về Luật. Bởi mỗi người có một ngưỡng giới hạn, một sự lựa chọn, một quan điểm cần được tôn trọng, mặc dù sự im lặng đó, như Trương Thị Hà nói là ‘sự im lặng trước hành vi chà đạp nhân phẩm và xâm phạm thân thể trắng trợn’. Thế nên trong bài viết này, sẽ nói nhiều về cái gọi là ngôn từ của các anh/ chị ‘công an nhân dân’.
‘Chà đạp nhân phẩm’
Đã lâu lắm rồi, người viết mới đọc lại cụm từ ‘bằng cấp ma-cô, đĩ điếm, trộm cắp’, thường thì ngôn từ này sẽ xuất phát trong một bài báo chuyên chính vô sản. Ví dụ như bài viết ‘Lối sống thực dân mới của Mỹ ở miền Nam trước 1975’ của tác giả Chu Khắc đăng trên tạp chí Xã hội học số 2 – năm 1983. Trong đó, dẫn giải Báo cáo Chính trị tại ĐH Đảng lần IV: ‘Bọn Mỹ-nguỵ cố tạo ra một thứ văn hoá nô dịch, đồi truỵ, lai căng, cực kỳ phản động, xô đẩy một số khá đông thanh niên trong các thành thị’, và văn hoá nô dịch kia cũng được chỉ thẳng là ‘nơi đẻ ra đĩ điếm, ma cô’.
Hình dung chi tiết hơn có thể qua chương VII (Giải Phóng – Huy Đức) trong đó mô tả việc chấn chỉnh lại nền văn hoá ‘nảy sinh ra đĩ điếm’ đó bằng cách, vào tháng 10.1975, ‘đợt phát động thanh niên “hớt tóc ngắn, sửa quần áo lai căng” bắt đầu được triển khai’.
Nghĩa là thời điểm sau giải phóng, cái ngôn từ chà đạp nhân phẩm đó có thể dành cho một anh chàng để tóc dài hoặc một cô nàng mặc ống quần loe.
Còn giờ đây, thành phần ‘đĩ điếm’ lại được các viên công an (những người thực thi pháp luật nhà nước) dành cho những nhà hoạt động nhân quyền – dân chủ nói chung, và những người thực thi quyền biểu tình nói riêng.
Vì sao?
Hầu hết các viên công an (bao gồm cả giới an ninh) đều phải trải qua lần lượt các môn học về pháp luật, và Hiến pháp cũng là một trong số các môn đó. Tuy nhiên, có vẻ sự vận dụng hiểu biết về quyền lực pháp luật và quyền con người chưa bao giờ được các viên an ninh để tâm; họ được trao một quyền lực tối thượng ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường: quyền lực phán xét và kết tội thay toà án. Và khi quyền lực đó được thực tế không kiểm soát, thì việc chà đạp nhân phẩm, danh dự của một người là tất yếu.
Phải chăng trong mái trường Học viện hay ĐH, ‘cảnh sát nhân dân’ luôn được dạy rằng, với những người bất đồng chính kiến, chúng chỉ là thành phẩn ‘đĩ điểm, trộm cắp, ma-cô’, và hãy ứng xử với ‘chúng’ bằng những thứ bẩn thỉu nhất?.
‘Xâm phạm thân thể’
Hầu như, ai đi biểu tình cũng bị tấn công bạo lực vật lý. Vào năm 2011, anh Nguyễn Chí Đức (tức blogger Đông Hải Long Vương), khi biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, anh đã bị một viên an ninh đạp thẳng vào mặt khi đang bị khiêng vứt lên xe buýt.
Trạm dã chiến Tao Đàn 17.06.2018 cũng chứng kiến trường hợp tương tự, những cú thúc, bạt tay,… được sử dụng như một ‘nghiệp vụ’ thành thạo trong lấy lời khai những người…. không phải là tội phạm.
Trong cuộc đối thoại giữa ‘công an nhân dân’ với bạn sinh viên Trương Thị Hà, những lần bạt tay là những lần buộc Hà ‘hợp tác’ trên cơ sở sử dụng nó như ‘chứng cứ’ để tống giam Hà vào tù, hoặc đe doạ các quyền tự do của Hà về sau. Thậm chí, sự xúc phạm thân thể ngang nhiên tới mức: Mày nhắc đến ba từ 'mời luật sư' nữa tao vả cho vỡ mồm.
Nhưng nghiêm trọng hơn, là một vị ‘công an nhân dân’ cho rằng, hành vi ‘kêu gọi biểu tình’ hay ‘hướng dẫn người dân đối phó với công an’ là một hành vi phản động.
Vậy là phản động trong mắt các anh/chị ‘công an nhân dân’ chính là các hành vi kiểm soát cái gọi là 'quyền lực vượt khung' (hay quyền năng công an trị), mặc dù nó đúng trên cơ sở luật pháp? (*). Nếu như thế, thì phải chăng, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cần được 'ăn nghiệp vụ', khi ông tuyên bố rằng: Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật.
Và chính từ việc đặt góc nhìn ‘phản động’ vào những nhà bất đồng chính kiến, nên luật pháp được dạy trong nhà trường trở thành thứ yếu đối với những nhân viên hành pháp, trong khi đó ‘nghiệp vụ’ phi nhân quyền lại lên ngôi như một giải pháp tối thượng để tiếp tục giữ ngôi vương về ‘điều tra, phá án giỏi nhất thế giới’.
Kết
Khi tìm vào trường ĐH CSND, người viết nhận thấy một cuộc vận động 'Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ'. Nhưng cứ qua mỗi cuộc biểu tình thì hình ảnh người công an viên xây dựng trong mắt người dân lại thiếu bản lĩnh, phi nhân văn, thụt lùi tính phục vụ bấy nhiêu.
Chẳng vị ‘công an nhân dân’ nào được cho là bản lĩnh khi sử dụng bạo lực với người phụ nữ, chẳng thể nhân văn khi dùng bạo lực để ép ký nhận một thứ gì đó không đúng với pháp luật, và chẳng thể là phục vụ khi mà hành xử với nhân dân bằng nắm đấm.
Điều ngược đời là, chính những hành vi ‘vô pháp’ nêu trên, lực lượng công an nhân dân đã ‘góp công đào tạo’ hàng trăm, và có thể lên đến hàng ngàn nhà bất đồng chính kiến trong tương lai, bởi sự căm phẫn về một cách hành xử ‘công an trị’ phi nhân quyền.
Chú thích: (*) Hướng dẫn của Trương Thị Hà trong cách ứng xử với công an hoàn toàn dựa trên Luật, mà cụ thể là Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét