1.500
tấn gạo vừa được Chính phủ rót xuống để cứu đói cho người dân tỉnh
Quảng Nam kỳ giáp hạt. Một tỉnh nghèo cần được cả nước quan tâm giúp đỡ!
Nhưng có lẽ không phải vậy. Họ vừa xây xong nhà khách tỉnh ủy nguy nga
tốn 165 tỷ đồng, vừa khánh thành một tượng đài hơn 400 tỷ…
Người dân ở nhiều địa phương vẫn thường gặp cảnh đói kỳ giáp hạt - Ảnh:
H.X.Huỳnh
|
Chuyện trái khoáy! Song đó là một thực tế ở nước ta. Đáng lo là
tiền để làm những công trình ấy đều là tiền dân, tiền nước. Nếu một tổ
hợp khách sạn, hội nghị, kèm theo khu biệt thự, hồ bơi, sân tennis… đẳng
cấp 5 sao do tư nhân đầu tư sẽ là chuyện đáng mừng với một địa phương
nghèo, vì đã thu hút được đầu tư. Nhưng khi chính quyền vung trăm tỷ,
ngàn tỷ để xây các công trình không đem lại lợi ích cho kinh tế địa
phương hoặc chưa cần thiết trong hiện tại trong khi năm nào cũng cầu cứu
chính phủ cấp gạo cứu đói thì rất đáng quan ngại.
Đáng buồn, đây không phải là chuyện của một địa phương.
Qua thông tin báo chí, người ta chưa thấy nhiều điểm sáng kinh tế
địa phương, ngoài một số gương mặt quen thuộc như: Hà Nội, TP.Hồ Chí
Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… Với những nơi còn nghèo, thật mừng
khi nghe được thông tin như: tỉnh này xây dựng được mô hình kinh tế
hiệu quả, tỉnh kia lo được cho dân sung túc… Nhưng những thông tin ấy
thường hiếm và quý. Cái mà các địa phương này được chú ý lại thường là
những thông tin như đã xây được nhà hát trăm tỷ, xây tượng đài hoành
tráng, trung tâm văn hóa đồ sộ…
Trong một cuộc họp quốc hội vào năm ngoái, đại biểu Ksor Phước đã
phát biểu: “Chỉ nói về xây dựng trụ sở, có tỉnh làm việc rất nghiêm túc,
sử dụng hết công năng, nhưng có tỉnh xây dựng lộng lẫy như cung điện.
Đây là trụ sở phục vụ nhân dân chứ không phải nơi tham quan du lịch, xây
dựng lộng lẫy gây phản cảm vì người dân còn nghèo, tỉnh còn khó khăn”.
Nghèo thế, nhưng “khát vọng” của lãnh đạo nhiều địa phương không hề
nhỏ. Cứ xem, nhiều tỉnh nghèo những vẫn đua nhau xin được đầu tư xây cảng biển, xây cảng hàng không,
khu kinh tế, khu công nghiệp… trong khi cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu,
thậm chí cũng chưa tính toán được xây xong sẽ khai thác thế nào và hiệu
quả đến đâu. Những dự án này hầu như phải tính bằng tỷ đô-la. Và thực
tế cho thấy, không ít cảng biển, cảng hàng không xây xong nằm “trơ gan
cùng tuế nguyệt”, khu công nghiệp “đắp chiếu”… trong khi dân không có
đất để sản xuất, phải bỏ quê đi kiếm việc làm nơi khác.
Theo thống kê, chỉ trong dịp trước tết và giáp hạt của năm 2015
này, đã có 21 tỉnh thành trên cả nước đề nghị Chính phủ cung cấp gạo cứu
đói cho dân. Điều đó có nghĩa là có đến 1/3 số tỉnh thành trên cả nước
còn có người đói kém, sống “dưới mức nghèo khổ”. Lẽ nào tình trạng này
mãi tiếp diễn?
Mô hình “làng thần kỳ” của Nhật Bản đã được áp dụng tại Lâm Đồng
cho kết quả rất khả quan. Đây là một ví dụ cụ thể khi đặt vấn đề về việc
nâng cao đời sống người dân với các địa phương: Cũng làm nông nghiệp
nhưng tại sao người ta giàu có, còn mình thì không?
Trước đây, những ông chủ của “làng thần kỳ” xứ Phù Tang cũng là
những người nông dân nghèo ở nơi mà “thiên không thời, địa không lợi”,
nhưng quyết tâm vượt lên hoàn cảnh thì có thừa. Họ không làm giàu theo
kiểu chụp giật, đầu độc người khác để kiếm tiền. Rau củ của họ làm ra có
thể ăn tại ruộng. Đó là mơ ước của hàng triệu người Việt Nam: được ăn
rau sạch.
Nhu cầu thị trường trong nước rất lớn, nhưng sao các vùng nông
nghiệp của mình không đáp ứng được. Bài toán này các bạn Nhật đã giải
quyết được, người Việt ta cũng phải làm được. Quan trọng là chúng ta có
tư duy về điều đó không, hay chỉ lo xây những công trình bề thế tốn tiền
mà không giải quyết được những bức bách trước mắt, cũng có thể là cả về
lâu dài.
Tượng đài, khách sạn 5 sao, sân bay, hay cảng biển… rồi đến thời
điểm nào đó cũng sẽ có, nhưng chưa phải lúc này. Chuyện trước mắt của
“nhà nghèo” là phải tìm cho được một mô hình kinh tế thiết thực và hiệu
quả để vươn lên giàu có, để không còn phải hàng năm xin trợ cấp cứu đói.
Đó mới là hình ảnh khiến lòng người ngưỡng mộ.
Đoàn Đạt ( Thanh Niên online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét