Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Sự vô lý của án treo

LS Trần Hồng Phong
Liên quan đến vụ án công an dùng nhục hình, tra tấn đến chết người (anh Nguyễn Thanh Kiều) từng gây chấn động và bức xúc trong dư luận cả nước, đang xét xử sơ thẩm lần 2 tại TAND tỉnh Phú Yên, chiều nay 10-4-2015, đại diện VKS đã đề nghị các mức án "nhẹ hều" cho các bị cáo nguyên là công an. Trong đó, nguyên phó Công an TP. Tuy Hòa, thượng tá bị cáo Lê Đức Hoàn, trưởng ban chuyên án - được VKS để nghị mức án 9 tháng đến 1 năm tù, nhưng lại đề nghị cho hưởng ÁN TREO.

 

Ảnh chụp bài viết trên báo Tiền Phong, phản ánh trường hợp một thẩm phán đã "vận dụng" án treo nhiều một cách bất thường. Nhưng rất khó bắt bẻ vì luật quá rộng 

Báo Người Lao Động đăng ý kiến của công tố tại tòa về trường hợp bị cáo Hoàn như sau (nguyên văn): "Được giao nhiệm vụ là trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can nhưng không làm tròn trách nhiệm, để cấp dưới dùng nhục hình đẫn đến hậu quả nghiêm trọng là chết người là đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo Hoàn là người có nhiều năm công tác, có nhiều thành tích trong công tác nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt".

Nói về ÁN TREO, tôi là người phản đối. Cách nay khoảng 6 năm, tôi đã có lần đề nghị (ý kiến được đăng trên báo Pháp luật TP.HCM) cần loại bỏ hẳn hình thức “án treo” trong tố tụng hình sự. Vì theo tôi, án treo thực chất đã tạo ra sự thiếu công bằng giữa các bị cáo, chứ không hề có ý nghĩa “nhân đạo” như lý thuyết của nó.

Trong Bộ luật hình sự hiện nay qui định như thế này: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo”.

Chính qui định về áp dụng án treo quá rộng và mơ hồ như vậy, đã vô tình tạo ra “điểm tựa vững chắc” để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể vận dụng nhằm "giúp đỡ", "nương tay" cho nhiều người phạm tội nhưng từng là cán bộ, công chức. Ở một phương diện khác, quy định về án treo như vậy còn là bình phong để Tòa án có thể tiêu cực, làm sai (chẳng hạn nhận tiền chạy án) mà vẫn ... đúng luật! Như nhận tiền hối lộ, chạy án - từ những kẻ lắm của nhiều tiền có tiền muốn dùng đồng bạc xé toạc công lý, bóp méo sự thật. (Tất nhiên là phải bí mật, không bị phát hiện).

Qua thực tế hơn 10 năm làm luật sư, trực tiếp tham gia rất nhiều vụ án hình sự, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bị can, bị cáo nhờ chạy án treo. Khi bị từ chối thì họ ... bỏ luật sư! Lại có trường hợp chính thẩm phán gợi ý với bị cáo, luật sư chạy án treo. Tất cả đều xuất phát từ quy định quá rộng và mơ hồ về án treo như ở trên. 

Tới nay không có văn bản nào từ cơ quan có thẩm quyền hoặc điều luật nào định nghĩa hay giải thích án treo là gì, kể cả trong Bộ luật hình sự. Mọi người thường chỉ hiểu nôm na án treo là “bị tù nhưng... không ở tù”. Điều này theo tôi là không thể chấp nhận được về mặt lý luận pháp lý hình sự.

Mặt khác, tuy án treo không phải là “hình phạt” – vốn được qui định trong Bộ luật hình sự, nhưng lại đem áp dụng cho kẻ phạm tội - tức là người đáng lẽ phải chịu hình phạt tù, là không hợp lý.

Theo qui định và hướng dẫn của ngành Tòa án, căn cứ để tòa áp dụng cho hưởng án treo đối với người phạm tội là xem xét về mặt “nhân thân” và “tình tiết giảm nhẹ”.

Vậy thử hỏi “nhân thân” là sao? Chẳng lẽ một người từng là cán bộ, đảng viên thì hiển nhiên được xem là có nhân thân tốt? Hay là tốt hơn một công dân bình thường? Vậy thì qui định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” ghi nhận trong Hiến Pháp phải được hiểu như thế nào?

Hơn nữa, trong bất kỳ vụ án hình sự nào, các yếu tố “nhân thân” và “tình tiết giảm nhẹ” trên thực tế đã được cơ quan công tố và cả tòa án xem xét đến khi quyết định truy tố và tuyên hình phạt rồi. Để dễ hiểu, có thể hình dung như thế này: Trong trường hợp của bị cáo Hoàn ở trên, giả sử Tòa sẽ tuyên là "9 tháng tù" và "cho hưởng án treo". Tức là khi tuyên mức án 9 tháng tù - là Tòa đã căn cứ trên các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo rồi. Thế mà sau đó lại cho người phạm tội "được hưởng án treo" - tức các tình tiết giảm nhẹ được xem xét tới 2 lần. Điều này có hợp lý không?

Chưa kể, án treo còn dẫn đến tình trạng người bị kết án về những tội nhẹ có thể lại bị mức hình phạt khắc nghiệt hơn người phạm tội nặng nhiều lần trên thực tế! Chẳng hạn một thanh niên nông dân bị phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp một con lợn. Và phải ở tù thật, không cho hưởng án treo. Trong khi một người khác, giả sử là cán bộ, bị tuyên án tới 3 năm tù về tội nhận hối lộ. Nhưng lại được ở nhà nhờ được ... hưởng án treo! Điều này có hợp lý không? Trong khi ai cũng biết rõ một ngày trong ngục bằng ngàn thu ở ngoài. Sự tự do về thân thể là vô giá.

Một điểm nữa, là trong khi luật hình sự qui định hình phạt nhẹ nhất là “cải tạo không giam giữ” chỉ áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Thì án treo lại được áp dụng đối với tất cả các loại tội, kể cả tội nghiêm trọng như tham nhũng, cố ý làm trái … rõ ràng là không hợp lý. Thực tế cho thấy tòa rất “thích” tuyên án treo đối với bọn quan tham nhũng!

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, chí ít cũng cần qui định rõ là án treo không được áp dụng cho những kẻ phạm tội từng là đảng viên, cán bộ cấp trung cao – vì những người này mặc dù đã được rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị, có nghĩa vụ gương mẫu, đi đầu - mà vẫn cố tình phạm tội thì còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của đảng, của Nhà nước. Cần phải nghiêm trị, không thể cho hưởng án treo.


Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét