Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Phải chăng Quảng Bình có luật pháp riêng?

Phải chăng Quảng Bình có luật pháp riêng?

 
Quang Binh, chu tich Quang Binh
Mộ của ông N.Q.V được cho là đặt ở vị trí có phong thủy đẹp


Rất hiếm khi trong vài chục giờ đồng hồ, cùng một lúc trên một tờ báo, người đọc được biết có đến hai chuyện tréo ngoe liên quan đến việc coi thường kỷ cương phép nước của một địa phương! Địa phương đó là tỉnh Quảng Bình, nơi không hiếm khi xảy ra những chuyện  “nghênh ngang một cõi biên thùy”...

Chuyện thứ nhất là thi tuyển giáo viên công khai, các tiêu chí theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT; thế nhưng, đến khi nhận người thì Phòng Giáo dục huyện Bố Trạch ngang nhiên từ chối người có bằng đại học, chỉ lấy người có bằng cao đẳng; lại còn lý sự như trên cung trăng: Ngay cả tiến sĩ mà có về dạy THCS thì cũng chỉ nhận lương... cao đẳng (Motthegioi, 14:56, 1.4.2015)?

Chuyện thứ hai liên quan đến ông quan to nhất tỉnh: Vì muốn cho người chết (cha đẻ) mồ yên mả đẹp theo phong thủy, ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình đã tự quy hoạch riêng một nghĩa trang (!) ngay trước... trại giam của Bộ Công an ở phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, bất chấp sự phản đối của cơ quan công an, bất chấp các đồ án quy hoạch đã được chính UBND tỉnh phê duyệt không hề có cái gọi là ‘nghĩa trang đặc biệt’ này (Motthegioi, 15:22, 1.4.2015), bất chấp luôn cả các thủ tục tài chính, tự ý cấp kinh phí rót thẳng  xuống... phường, để xây nghĩa trang có điểm “xuất phát” là ngôi mộ đầu tiên chôn cất thân sinh ông chủ tịch?...

Sự nghênh ngang coi thường dư luận của các quan chức Quảng Bình dường như không có giới hạn. Bằng chứng là sau khi báo chí đã đưa tin, phản ánh chính xác sự sai phạm, thì các quan chức liên quan vẫn cứ làm tới, coi như không cần biết đến pháp luật và các nguyên tắc của bộ máy hành chính.

Làm sao có thể khỏa lấp bằng cách nói rằng trình độ cao đẳng cần hơn đại học? Nếu đúng như thế, sinh viên cao đẳng sau khi ra trường, mấy năm sau phải học liên thông để lấy bằng đại học, để lên lương, để chuẩn hóa làm gì?

Trong chuyện thứ hai, làm sao một ông chủ tịch thành phố trực thuộc tỉnh lại có thể nghênh ngang bút phê vào đơn đề nghị làm nghĩa trang để yêu cầu UBND tỉnh giải quyết? Từ cổ chí kim, từ Việt Nam tới nước ngoài, chưa bao giờ có chuyện cấp dưới không trình văn bản, lập đề án, bảo vệ các luận chứng khi đề nghị cấp cao hơn xử lý một vấn đề lớn như lập nghĩa trang ngay trước trại giam – tương đương với một khu dân cư có tính đặc thù, ngay trong phường? Chỉ riêng cái chữ phường, hàm nghĩa chỉ nội đô mà lại xây nghĩa trang mới thì có lẽ, chỉ có ở Quảng Bình!

Rõ ràng, ông chủ tịch huyện dẫu chưa ăn gan trời mà vẫn cứ bút phê thẳng mực tàu như thế là đã làm theo lệnh của cấp cao nhất, với thời gian gấp rút nhất, trong cố gắng bịt lỗ rò nhanh nhất.

Những chuyện như đùa trên đây bộc lộ rất nhiều vấn đề không thể làm ngơ – nếu muốn cho dân tin, nếu muốn chấm dứt tệ nạn lạm quyền, lộng quyền; cũng như không muốn tạo ra tiền lệ xấu để cho các địa phương khác học tập theo “tấm gương” Quảng Bình!

Thứ nhất, nếu đã đề ra thi tuyển thì phải tuân thủ ‘luật chơi’, cho dù đó là ai, có quyền hành lớn đến mức nào. Bởi ngược lại, thi cứ thi, ý ông ông làm, ý dân ông kệ thì nguy hại vô cùng. Huống hồ đây lại là cơ quan giáo dục, nơi sự chuẩn mực phải được coi là nguyên tắc tối thượng. Các thầy, cô cứ sai bét sai be, sao có thể trồng người?

Thứ hai, chuyện xây nghĩa trang chưa bao giờ là chuyện nhỏ cho dù xưa hay nay. Đảo lộn quy hoạch, xâm phạm các nguyên tắc bảo vệ môi trường, coi thường mọi thủ tục, quy định về quản lý chính quyền và, nghiêm trọng nhất; đó là, làm tổn hại đến uy tín của thể chế trong mắt người dân. Cách hành xử này chẳng khác gì của vua chúa ngày xưa, cứ làm, cứ quyết, không cần biết đến lòng dân ta thán, dư luận bất bình...

Thứ ba, dù quyết định giao đất chưa có nhưng nghĩa trang đã sắp xây xong và, cách nghĩa trang ‘mới” 500m là Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Sơn đang xuống cấp quan trọng mà chẳng có ai quan tâm..., là những hình ảnh tương phản giống như đen và trắng, đêm với ban ngày; vậy thì làm sao có thể vận động nhân dân nghe, tin theo sự lãnh đạo của chính quyền?

Nếu như địa phương nào cũng có những kiểu hành xử theo cách bẻ cong nguyên tắc, vượt trên pháp luật như tỉnh Quảng Bình thì chẳng mấy chốc cái chuyện “phép vua thua lệ làng” lại trở về từ cái thuở xa xưa. Không thể chấp nhận bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan, chính quyền địa phương nào tự cho mình cái quyền coi thường luật pháp!

Hà Văn Thịnh


Nguồn: Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét